Chúa Nhật 15 Mùa Thường Niên, Năm B

Mc 6: 7-15

Tin Mừng Mc 6: 7-13: Loan báo không phãi bằng lời mà bằng chính cuộc sống chứng tá của mình. Tục ngữ có câu: “Miệng người giàu có gang, có thép”. Và người ta dạy đi tìm quyền lực trong tiền bạc, khí giới, trí thức, khoa học.

Môn đệ của Đức Ki-tô không chạy theo tham vọng. Sứ vụ của họ là rao truyền lời Chúa, làm chứng nhân cho Chúa. Người môn đệ phải dành trọn vẹn tâm hồn và sức lực cho Thiên Chúa. Người ta chỉ tin lời của môn đệ khi họ sống lời đó như chân lý.

  1. Khám Phá Sứ Điệp Tin Mừng: Mc 6, 7- 13

Mác-cô trình thuật cho chúng ta vài người bước theo Đức Ki-tô (1, 16- 20). Người qui tụ họ thành một Nhóm Mười Hai để “ở với Người” và chia sẻ sứ vụ với Người (3, 43- 19). Giờ đây, Người sai họ đi rao giảng (7).u5

Đức Giêsu “sai đi từng hai người một”. Có phải đây là thói quen của người Do thái hay không ? Theo luật Môsê ít nhất phải có hai người chứng, thì điều làm chứng mới được nhìn nhận (Đnl 19, 15). Con số 2 cũng nói lên tinh thần tập thể: người sứ giả rao truyền Tin Mừng không được đi đơn độc, nhưng phải làm việc theo tập thể. Điều Đức Giêsu làm đã được cộng đoàn tiên khởi tuân giữ. Trong sách Công vụ, các nhà truyền giáo luôn đi từng hai người một: Phêrô và Gioan (3, 1; 4, 13). Phaolô và Barnabê (13, 2); Giuđa và Silas (15, 22b)… Đức Giêsu chia sẻ một phần quyền hành của Người cho những kẻ được sai đi: quyền trừ quỷ. Đó là một dấu chứng cho thấy Nước Thiên Chúa đã khởi đầu.

Điều làm chúng ta kinh ngạc ở đây là tinh thần khó nghèo của vị sứ giả Thiên Chúa. Những phương tiện sống (lương thực, tiền túi) họ chỉ được lãnh nhận từ những kẻ họ thăm viếng. Khi ra đi họ không được mang theo bao bị, cũng không được mặc hai áo. Gọn nhẹ và luôn sẵn sàng để đi tới. Họ được cầm gậy và mang dép. Vào thời đó, người ta thường đi chân đất; nếu mang dép và cầm gậy, cho thấy con đường mà họ phải đi rất xa, như một người hành hương, như nghi thức trong đêm Vượt qua: “Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy” (Xh 12, 11).

Lời nói về việc tiếp đón cũng gây kinh ngạc. Sứ giả truyền giáo, dù mang Tin Mừng cứu độ nhưng không, đến cho người ta, nhưng đôi khi vẫn bị từ chối. Tin Mừng không áp đặt ai, nhưng chỉ là lời mời gọi tự do, có thể được đón nhận hay bị từ chối. Khi người ta từ chối “Hãy giữ bụi đất dưới chân để tỏ ý cảnh cáo họ”. Đó là một thói quen cổ xưa để nói lên sự cắt đứt dứt khoát (Cv 13, 51).

Như Đức Giêsu, Nhóm Mười Hai ra đi công bố “Nước Trời đã đến”, kêu gọi con người sám hối để đón nhận. Các dấu lạ làm chứng điều các ông loan báo. Việc xức dầu chữa lành bệnh nhân là một phương dược thông thường vào thời đó, nhưng vì được hỗ trợ bằng quyền năng Đức Giêsu, nên trở thành hữu hiệu. Đây là mần mống cho Bí tích Xức Dầu bệnh nhân, do quyền năng Đấng Phục sinh nghi thức này chữa lành phần hồn, phần xác cho người tín hữu (x. Ge 5, 14).

  1. Gợi Ý Suy Niệm
  2. Kitô Hữu Được Chọn Để Sai Đi: Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay trình bày việc Chúa chọn gọi Amos ( Bài đọc I ) và chọn nhóm Mười hai ( Tin Mừng). Thiên Chúa chọn để sai đi, Amos được gọi sai đi nói tiên tri khuyến cáo những dân tội lỗi bất trung. Nhóm Mười hai được gọi để sai đi loan báo tin mừng, kêu gọi mọi người sám hối. Không cần quan tâm đến thành phần xuất thân, không lưu tâm đến danh phận cá nhân, Chúa muốn gọi ai là tùy theo ý định của Ngài. Cho dẫu có gọi ai đi nữa, nhưng vẫn chỉ có một mục đích duy nhất là Chúa gọi để người được gọi ở với Chúa và sai họ đi loan báo ý định yêu thương cứu độ. Kitô hữu cũng thế, qua Bí tích Thánh Tẩy, Kitô hữu được gọi để ở với Chúa. Ở với Chúa là đón nhận sự sống, đón nhận mọi ân sủng do lòng thương xót của Chúa ban tặng. Ở với Chúa để nên thánh thiện và tinh tuyền. Ở với Chúa là để nên nghĩa tử yếu dấu của Ngài. ( Bài đọc II ). Ở với Chúa để được Ngài sai đi. Không phải các Tông đồ đã chọn Chúa mà chính Chúa đã chọn các ông. Các ông ra đi rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa chứ không phải sứ điệp của các ông.

Mỗi Kitô hữu đều là những người được Chúa chọn gọi để sai đi. Sai đi vào chính môi trường mình đang sống để trở nên muối men ướp cho mặn đời; để nên ánh sáng chiếu soi bóng tối tội lỗi, u mê của thế gian. Tất cả cuộc sống phải thấm nhuần tinh thần phúc âm. Mỗi người đếu phải ý thức và nỗ lực chu toàn trách nhiệm truyền giáo của mình. Luôn phải tự hỏi và cảnh tỉnh bản thân: Tôi được gọi để sai đi, vậy tôi đã thi hành lệnh sai đi ấy như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của tôi.

  1. Tinh Thần Khó Nghèo_Phó Thác Là Hành Trang Đời Kitô Hữu:Khi sai các môn đệ ra đi loan báo Tin mừng, Chúa truyền cho các ông không được mang gì cả, không gậy, không bị, không tiền … Đi đến đâu sống nhờ vào sự chăm sóc của dân nơi đó. Điều này này không phải Chúa làm khổ các môn đệ nhưng Chúa đòi hỏi nơi các ông một tinh thần khó nghèo và phó thác mọi sự trong tay Chúa. Sứ mạng Chúa trao thì Chúa sẽ lo liệu. Bên cạnh đó, khi để cho lòng mình thảnh thơi khỏi những của cải, vật chất và thực sự có một lòng tín thác vào Chúa, người môn đệ sẽ không ỷ lại vào mình mà luôn cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Có như vậy mới bền tâm chu toàn sứ mạng được giao phó. Trong thực tế của đời sống Kitô hữu ngày nay, ai cũng nhắm đến tiền tài, quyền lực danh vọng xã hội, thế gian và tìm mọi cách để đạt được điều đó. Ngay cả những gì xem ra là việc Chúa, việc Giáo Hội cũng nhuấm màu tính toán nặng tính thế gian với một lý luận đơn giản ‘có thực mới vực được đạo’, ‘không có tiền làm sao lo việc xứ tổ chức việc Giáo Hội được’. Có một thực tế khó phủ nhận, ngày nay người ta đi tìm những phương thế, cậy dựa vào quyền thế của đồng tiền, của thế gian hơn là cậy dựa vào Thiên Chúa. Nếu có cậy dựa vào Chúa thì xem ra đó cũng là phương thế cuối cùng, chẳng biết chạy vào đâu thì chạy đến Chúa xem sao. Trong khi đó lẽ ra phải chạy đến Thiên Chúa trước hết và trên hết. Ngày nay mà sống tinh thần khó nghèo, tín thác vào Chúa xem ra là một nghịch lý.

Dù ở bất cứ đâu, bất cứ môi trường nào, địa vị nào, thì Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu luôn luôn phải sống tinh thần khó nghèo, tín thác mọi sự trong tay Chúa.

  1. Đời Sống Kitô Hữu Dấu Chỉ Của Nước Trời:Sứ điệp Chúa Giêsu và các Tông đồ loan báo là sứ điệp Nước Trời: ‘Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến’. Kitô hữu cũng được sai đi loan báo sứ điệp ấy. Khi sai các môn đệ đi,Chúa ban quyền cho các ông được trừ quỷ, chữa lành bệnh nhân. Đó là những dấu chỉ cho thấy Bàn tay Thiên Chúa, Nước Thiên Chúa đã ở giữa thế gian. Chúa cũng sai các ông đi từng hai người một và đến đâu thì cùng sống với người dân ở đó. Tất cả cho thấy rằng toàn bộ đời sống các Tông đồ, các môn đệ của Chúa phải thấm nhuần tinh thần Nước Trời, tinh thần Phúc Âm. Nói cách khác, nếu Kitô hữu sống đúng đòi hỏi của Chúa là đang đưa màu nhiệm Nước Trời và những giá trị Tin mừng đến với thế gian và con người đồng thời của mình. Điều này làm cho đời sống người Kitô hữu trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Loan báo không phãi bằng lời mà bằng chính cuộc sống chứng tá của mình.

Ngày hôm nay, qua các việc từ thiện chia sẻ bác ái, qua việc sống mưu sinh lương thiện, qua đời sống công chính dám hy sinh … sẽ làm cho đời Kitô hữu trở nên dấu chỉ của Nước Trời. Đó mới thực là những lời giảng hùng hồn nhất, có sức thuyết phục nhất.

Lm Giuse Maria Lê Quốc Thăng