Le_LaChúa Nhật Lễ Lá/Thương Khó, A

Is 50:4-7; Pl 2:6-11; Mt 26:14 – 27:66

Hôm nay Giáo hội mừng lễ Lá để giúp người tín hữu nhớ lại một biến cố của việc Ðức Giêsu khởi hành vinh quang vào đền thờ Giêrusalem.

Việc dân chúng đón rước Ðức Giêsu vào thành Giêrusalem là một vinh quang vắn vỏi trong cuộc đời trần thế của Người. Dân chúng cầm cành lá tung hô Con vua Ðavít: Hoan hô Con vua Ðavít! Chúc tụng Ðấng ngự đến nhân danh Thiên Chúa (Mt 21:9). Họ tỏ ra nhiệt thành trong việc đón tiếp Người, vì họ hi vọng rằng Người sẽ thiết lập cho họ một vương quốc trần thế, có tính cách quốc gia dân tộc.

Mặc dầu dân chúng nhiệt liệt đón tiếp Ðức Giêsu vào thành Giêrusalem, và tung hô Người làm vua, họ đã nhắm sai mục đích. Ý đồ của họ là muốn Người làm vua trong nước họ để giúp họ đánh đuổi dân đô hộ là người La mã, khiến cho đất nước họ trở nên giầu có và hùng mạnh, hầu có thể vươn lên hàng bá chủ hoàn cầu. Tuy nhiên khi họ nhận ra Ðức Giêsu không thích hợp với quan niệm họ sẵn có về đấng cứu thế, họ sẵn sàng đóng đinh Người. Vì thế mới có một biến cố khác theo sau là biến biến cố khổ hình, đónh đinh trên thập giá. Ðó là lý do tại sao hôm nay khi Giáo hội mừng việc Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem, Giáo hội cho đọc bài Phúc âm về sự thương khó và khổ nạn của Chúa.

Người ta thường nghe khi vua chúa  hay tướng lãnh đời xưa thắng trận trở về trong ngày vinh quang thì cưỡi voi, cưỡi ngựa vào thành với vẻ oai phong lẫm liệt. Còn Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem chọn cưỡi trên lưng lừa. Lừa là con vật hiền lành, dễ chịu khuất phục. Bằng việc dùng lừa để làm phương tiện đi vào thành, Ðức Giêsu muốn nói lên ý muốn vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Như người đầy tớ làm theo ý chủ, Ðức Giêsu đồng hoá với người tôi tớ trung thành của Giavê, được sai đến để làm theo thánh ý Thiên Chúa. Như người đầy tớ đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu, và không che mặt khi người ta mắng nhiếc phỉ nhổ (Is 50:6), Ðức Giêsu cũng chịu để cho người ta khạc nhổ vào mặt và đấm đánh (Mt 26:67) rồi chế giễu (Mt 27:31). Mặc dầu Người là Thiên Chúa, nhưng đã vâng phục thánh ý Chúa Cha, mặc lấy thân phận làm người, chịu khổ hình, tử nạn trên thập giá để làm giá cứu chuộc loài người. Như vậy mục đích và sứ mệnh của Chúa cứu thế là làm theo thánh ý Chúa Cha: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha (Mt 26:39). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Philipphê giới thiệu về Ðức Giêsu nhu sau: Người đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thánh giá (Pl 2:8).

Hôm nay mỗi người nên tự hỏi xem ta đã sống theo thánh ý Chúa như thế  nào? Tin theo Chúa nhưng ta vẫn có thể sống theo ý riêng khi ta muốn đạo giáo phải thế nọ thế kia, thay vì cố gắng sống theo đường lối của đạo giáo, khi ta muốn đạo giáo thay đổi cho phù họp với những ước muốn, những khuynh hướng và sở thích cá nhân của mình.

Giáo hội đang bắt đầu bước vào Tuần thánh. Tuần thánh là tuần lễ quan trọng nhất trong lịch sử ơn cứu độ, cũng là tuần lễ quan trọng nhất trong niên lịch phụng vụ của Giáo hội.  Trong Tuần thánh Giáo hội cử hành những màu nhiệm cứu chuộc mà Ðức Kitô đã hoàn tất vào những ngày cuối cùng của cuộc đời Người tại thế, từ lúc vào thành Giêrusalem trong ngày lễ Lá đến cuộc khổ nạn và phục sinh của Người.

Trong Tuần thánh người tín hữu suy niệm về một trong những chiều hướng của đức tin: sự thương khó, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa. Tuần thánh là lúc người tín hữu suy niệm về kinh nghiệm sống đức tin của mình. Tuần thánh là lúc chỉ cho ta thấy những yếu điểm và tội lỗi của mình. Ta có thể giống như Phêrô và Giuđa chăng? Nếu trung thực với lòng mình, ta phải nhận có lúc ta giống Giuđa khi ta phạm tội, từ khước ơn Chúa. Có lúc ta giống Phêrô khi không dám bày tỏ đức tin, sợ bị liên lụy, bị tẩy chay, hay có khi ta không dám tỏ ra mình là người công giáo, sợ bị chê cười, nhạo báng. Ðức Kitô sắp bị nộp mình chịu chết vì tội lỗi loài người gồm tội riêng ta. Ta có thể và sẽ làm gì để đền đáp tình yêu Chúa?

Lời nguyện xin cho được tìm sống theo thánh ý Chúa:

Lạy Chúa, đường lối Chúa là đường khôn ngoan chính trực.

Con không biết Chúa muốn con làm gì và đi theo đường nẻo nào.

Xin Chúa soi sáng để con biết tìm ra ý Ngài

qua lời cầu nguyện, việc lắng nghe và ghi nhận.

Xin ban cho con lòng can đảm và kiên trì sống theo thánh ý Chúa.

Ðể như Mẹ Maria và Thánh Giuse với lời xin vâng khi sứ thần truyền,

con được vững tâm tiến bước với tâm hồn bình an. Amen.

Lm Trần Bình Trọng