LE_GIAO_THUALễ Giao Thừa: Năm A, B, C

Ds 6:22-27; 1 Tx 5:16-26, 28; Mt 5:1-10

Tư tưởng cũng như văn chương bình dân Việt hàm chứa những quan niệm về thời giờ như: Thời giờ là vàng bạc; thời giờ thấm thoắt thoi đưa, cứ đi đi mãi, không chờ đợi ai. Thường khi người ta nhìn tới thì thấy lâu dài, nhưng khi nhìn lại thì thấy mau lẹ. Người ta nói mới ngày nào đó, chúng mình thế nọ thế kia, mà nay đã hai mươi năm, ba mươi năm rồi. Khi bận rộn với công việc làm hay chương trình hoạt động, người ta cảm thấy thời giờ đi mau lẹ. Những lúc nhàn rỗi hay không bị hoàn cảnh thúc ép, người ta lại cảm thấy thời giờ đi chậm. Cho dù người ta cảm thấy thời giờ đi mau hay chậm, thời giờ vẫn xoay đều không thay đổi. Người ta không thể đi trước thời giờ, cũng không thể kéo dài thời gian.

Cho dù Tết đến sớm hay muộn, mùa Xuân đến mau hay chậm, người ta cũng phải theo chu kì tuần hoàn của vũ trụ mà đón nhận giây phút bàn giao của thời giờ mới cũ ở lúc không giờ của đêm giao thừa - đêm trừ tịch - là giây phút tống cựu nghinh tân. Người Việt xưa kia coi đêm giao thừa là giây phút linh thiêng, giao hoà giữa trời và đất. Gần đến giây phút giao thừa, người ta cứ ngồi đợi để hoà nhịp với giây phút giao hoà của trời đất, không được nói hay làm gì. Vừa tới lúc giao thừa thì họ vỗ tay tưng bừng hay cho nổ pháo vang dội: đạch, đạch .. đạch, đùng. Ðạch, ÐÙNG.. ÐÙNG ... Ðốt pháo để mừng xuân mới sang. Ðốt pháo theo quan niệm của nhiều người Việt cổ xưa còn để xua đuổi tà ma qủi thần. Có người còn nghĩ: pháo nổ càng lớn, ma quỉ càng sợ. Vậy phải đốt pháo cối cho nổ cái: ÐOÀNG!

Người công giáo thì coi ông trời là Thượng đế, là Thiên Chúa và chỉ có Chúa mới làm chủ được thời giờ và thời gian. Chúa là Chúa của tứ thời bát tiết, của Xuân, Hạ, Thu, Ðông. Chúa có quyền trên mưa nắng, sóng gió, bão táp.. như trong lời nguyện đầu lễ Giao thừa, linh mục chủ tế cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa là Ðấng vô thuỷ vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc.

Bài Phúc âm lễ Giao thừa bàn về Tám mối Phúc thật. Vào dịp Tết, mọi người đều chúc cho nhau những điều tốt đẹp, thì Giáo hội cũng dùng những lời Thánh kinh có chứa đựng những lời chúc phúc của Thiên Chúa. Trong khi thiên hạ chúc cho nhau mọi sự giầu sang phú quí và may mắn, thì Thiên Chúa chúc phúc cho những người sống Tám mối Phúc thật trong đó có một lời chúc cho những ai sống tinh thần nghèo khó. Thật là một điều nghịch lý và mâu thuẫn! Có một người dự tòng kia hỏi linh mục chánh xứ nọ: Thưa cha khi cha giảng về Tám mối Phúc thật, con không thể chấp nhận được bởi vì những điều Chúa dạy trong Tám mối Phúc thật đi ngược lại với quan niệm của người đời và ngược lại với những gì con đã sống. Nhưng rồi con vẫn tiếp tục đi lễ, nghe cha giảng lời Chúa. Bây giờ thì con đã chấp nhận được. Mỗi lần sau khi dâng thánh lễ, con cảm thấy được bình an trong tâm hồn.

Chúa chúc phúc cho những người sống Tám mối Phúc thật. Và không phải họ chỉ được hạnh phúc đời sau, nhưng còn được hưởng hạnh phúc ngay tại đời này. Hạnh phúc đó là một tâm hồn bình an, thư thái. Ðược Chúa chúc phúc là được tất cả: đời này cũng như đời sau. Có những người có thể hiểu lầm cho rằng Chúa muốn người ta sống nghèo khó, khắc khổ. Thực sự thì Chúa đến giải thoát con người khỏi cảnh nghèo đói. Chúa bảo: Nào những kẻ được Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa, Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống (Mt 25:34-35).

Người đời còn cho rằng Giáo hội dùng mối Phúc thật thứ nhất để cổ võ đời sống nghèo khó. Sự thực thì Giáo hội không chủ trương như vậy. Ðức thánh Cha Gioan Phalô II có lần đã tố cáo chính sách cấm vận của Hoa kì khiến cho dân nghèo Cuba càng nghèo, thiếu những phương tiện tối thiểu cho nhân phẩm con người. Trước đó ngài còn kêu gọi dịp Tết dương lịch 1998 hoàn cầu hoá việc phát triển kinh tế và phát triển kinh tế phải nằm trong vòng liên đới các quốc gia chứ không nhắm đến việc ăn mảnh và đánh lẻ. Ðức thánh Cha còn khuyến khích những quốc gia giầu mạnh xoá nợ cho những quốc gia nghèo đói. Như vậy Giáo hội không khuyến khích thực tại nghèo khó, nhưng là sống tinh thần nghèo khó, nghĩa là tinh thần siêu thoát của Phúc âm, không để lòng dính bén vào của cải trần thế.

Trong thư thứ nhầt gửi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh Phaolô chúc cho họ như sau: Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn (l Tx 5:23). Trong bài trích sách Dân số, Chúa dạy Môsê chúc phúc cho dân chúng như sau: Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện xin Thiên Chúa tươi nét mặt gìn giữ anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện xin Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em (Ds 6:24-26).

Ðọc Thánh kinh Cựu ước, ta thấy dân được chọn kêu cầu đến Chúa mà chúc lành lẫn cho nhau. Bố cũng chúc lành cho con cái như ông Raguên chúc lành cho con rể là Tôbia và con gái là Xara như sau: Con đi mạnh giỏi và bình an! Xin Chúa trời cho con và Xara vợ con thành đạt, và ước gì cha được nhìn thấy con cái của chúng con trước khi nhắm mắt (Tb 10:11). Bà Étna cũng nại đến Chúa để chúc lành cho con gái và con rể như sau: Trước mặt Chúa, mẹ kí thác Xara cho con, con rể của mẹ! Suốt đời con, đừng bao giờ làm cho nó phải buồn  (Tb 10:13).

Chúc Tết và chúc tuổi cho nhau mà kêu cầu đến Thiên Chúa và kêu cầu đến ân sủng và quyền năng của Chúa là đặt người mà mình cầu chúc dưới sự che chở và bảo vệ của Chúa. Việc cầu chúc cho nhau mà nói ra tiếng để người được cầu chúc có thể nghe thấy còn có tác dụng tâm lý là khiến cho người được chúc phúc cảm động và tự cố gắng thế nào để lời cầu chúc được thực hiện nơi mình.

Ðể áp dụng thực hành, ta nguyện xin Chúa chúc lành cho ông bà, cha mẹ, anh chị em, họ hàng. Và nguyện xin Chúa chúc lành lẫn cho nhau trong năm mới. Ta cũng không quên xin Chúa tha thứ những lỗi lầm, những thiếu xót trong năm cũ, những lúc ta phí phạm thời giờ Chúa ban, cũng như việc tiếc rẻ và lạm dụng thời giờ. Xin Chúa tha thứ những lần ta không dành thời giờ cho Chúa, cho gia đình: cha mẹ, vợ chồng và con cái; những lần ta không dành thời giờ cho chính mình để suy tư về thân phận làm người trong mối tương quan với Ðấng tác thành nên mình.

Lời nguyện xin Chúa chúc lành cho Năm mới:

Lạy Chúa, Chúa là Chúa của tứ thời bát tiết,

của Xuân Hạ Thu Ðông

Chúng con xin tạ ơn Chúa

cho ngày giờ, năm tháng Chúa ban trong năm cũ.

Xin Chúa tha thứ những lần chúng con phí phạm thời giờ

hoặc tiếc rẻ và lạm dụng thời giờ.

Xin Chúa thánh hoá thời giờ chúng con xử dụng

để chúng con biết dùng thời giờ

làm vinh quang nước Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng