Le__Hien__XuongLễ Chúa Hiện Xuống, Năm A

Cv 2:1-11; 1Cr12:3b-7,12-13; Ga 20:19-23

Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có thể nói được là ngày sinh nhật của Giáo hội và cũng là ngày các tông đồ chính thức lãnh sứ vụ rao giảng Tin mừng Cứu rỗi. Trước ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, người ta thấy cảnh một tông đồ bán Thầy. Còn mười một ông kia thì nhát như cáy. Khi Chúa Giêsu bị bắt, một tông đồ đã chối Thày ba lần, số còn lại tìm chỗ lẩn trốn. Khi được tiếp nhận Thánh Thần: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20:22), các tông đồ đổi mới tận gốc. Các ông không còn sợ hãi, như Sách Công Vụ Tông Ðồ ghi lại: Ai nấy được đầy tràn ơn Thánh Thần (Cv 2:4). Họ bắt đầu rao giảng lời Chúa cách tự tin (Cv 4:31) với quyền năng Chúa trao ban, họ làm chứng cho việc Chúa sống lại (Cv 4:33) và làm nhiều phép lạ cho người ta tin tưởng (Cv 5:12).

Không những Chúa Thánh Thần biến đổi đời sống các tông đồ, mà còn biến đổi đời sống của những người tin theo lời họ giảng dạy. Sách Công Vụ Tông Ðồ còn ghi: Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp rồi phân phát cho mỗi người tùy theo nhu cầu từng người (Cv 2:44-45). Mỗi ngày Chúa cho gia tăng số những người được cứu rỗi (Cv 2:47). Có ngày thêm chừng năm ngàn người gia nhập đạo Chúa (Cv 4:4). Hằng ngày họ hiệp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ (Cv 4:32).

So sánh những hoạt động của Chúa Thánh Thần thời Giáo Hội sơ khai với thời nay, có những người tự hỏi: Tại sao Chúa Thánh Thần không làm những việc đại thể trong thời đại ta đang sống? Rồi họ kết luận: Thời đại ta đang sống không phải là thời đại Chúa Thánh Thần. Thiết tưởng hôm nay mỗi người phải loại trừ ra khỏi đầu óc quan niệm cho rằng thời đại họ đang sống không phải là thời đại Chúa Thánh Thần. Trước hết không có chuyện bảo rằng thời đại nào đó, không phải là thời đại Chúa Thánh Thần. Thời đại mà người ta cho rằng không phải là thời đại Chúa Thánh Thần là tại lỗi người ta chứ không phải tại Chúa Thánh Thần vắng mặt. Chúa Thánh thần luôn ở với Giáo hội và tiềm ẩn trong lòng người tín hữu.

Nếu ơn Chúa Thánh Thần không hoạt động và tăng trưởng trong đời sống ta được là vì ta đã đóng cửa nhà tâm hồn lại, hoặc ta làm tắc nghẽn hoạt động của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn. Ta làm cho hoạt động của Chúa Thánh Thần bị tắc nghẽn bằng những chướng ngại vật trong đời sống như khi ta làm việc thờ phượng, đạo đức một cách máy móc cho qua lần chiếu lệ. Ta làm ứ đọng hoạt động của Chúa Thánh Thần khi ta chỉ giữ những điều kiện tối thiểu của người công giáo, khi ta bủn xỉn và tiếc rẻ thời giờ thờ phượng và làm việc tông đồ. Ta làm cho ơn Chúa Thánh Thần bị tắc nghẽn, khi ta mặc cả với Chúa để được hưởng giá rẻ cho việc làm môn đệ, như khi ta nói với Chúa: Nếu con làm việc này cho Chúa, con sẽ được thưởng công gì? Nói như vậy thì giống như là nói với cha mẹ: Thưa ba má, nếu con làm việc nọ chuyện kia cho ba má, con sẽ được thưởng công gì? Nếu cha mẹ không thích lối mặc cả đó của con cái, thì theo kinh nghiệm của những nhà dẫn đàng thiêng liêng, Chúa cũng không ưa thích lối mặc cả ti tiện đó của loài người. Ta cứ sống và làm việc cho Chúa cách quảng đại, Chúa sẽ bù đắp lại cho ta cách tràn đầy và sung mãn.

Ta làm cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần khi ta phân chia trái tim thành những ngăn ô khác nhau như một ngăn dành cho công việc làm, một ngăn dành cho việc giải trí, một ngăn dành cho việc ăn uống, một ngăn dành cho việc ngủ nghỉ.. Và những ngăn đó thì ta không cho Chúa vào. Còn cái ngăn nhỏ nhất cuối cùng, ta mới dành cho Chúa, cho việc thờ phượng và cầu nguyện. Một chướng ngại vật nữa làm cản trở hoạt động của Chúa Thánh Thần là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu như lười biếng, bê tha, tham lam, ích kỷ, ghen tuông, giận hờn, nói hành nói xấu, bỏ vạ cáo gian, bịa đặt, vu khống, khoe khoang, tự phụ... Một tâm hồn đầy chướng ngại vật như vậy là tâm hồn thiếu sự bình an, làm cản trở cho hoạt động của Chúa Thánh Thần. Ðể có thể uống được chất bổ béo dưới đáy ly cà phê sữa ông Thọ chẳng hạn, ta phải khuấy động chất sữa đọng duới đáy ly. Ðể làm tăng trưởng hoạt động của Chúa Thánh Thần trong đời sống, ta phải loại bỏ chướng ngại vật trong tâm hồn để ơn Chúa có thể thấm nhập vào mọi lãnh vực của cuộc sống.

Ơn Chúa Thánh Thần có thể tác động tâm hồn bất cứ ai miễn là họ biết mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa và cộng tác với ơn Người. Và đó là chính lúc mà ta cảm nghiệm được thời đại Chúa Thánh Thần trong tâm hồn và đời sống cá nhân. Và nếu các phần tử trong Giáo Hội cũng làm như vậy thì sẽ có được thời đại Chúa Thánh Thần một cách tỏ hiẹn trong Giáo Hội.

Lời cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến:

Lạy Chúa Thánh Thần, Ðấng Phù trợ các tín hữu

Xin hãy đến, đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con.

Xin giúp con biết loại bỏ những chướng ngại vật trong tâm hồn

là tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu,

để ơn Chúa có thể thấm nhập vào nhà linh hồn con,

cho đời sống con được phản ảnh

bởi tình yêu và sức mạnh Chúa ban

hầu con được trở thành dụng cụ của Chúa.  Amen.

Lm Trần Bình Trọng