Chúa Nhật 32 Thường Niên, Năm B

1V 17:10-16; Dt 9:24-28; Mc 12:38-44

 Phụng vụ lời Chúa hôm nay đề cập đến lòng quảng đại phó thác của hai bà goá. Bài trích sách các Vua nhắc đến lòng vị tha của bà quả phụ thành Xa-rép-ta. Bà chỉ còn một rúm bột và một chút dầu để làm bánh cho bà và con bà.

Tuy nhiên theo lời yêu cầu của ngôn sứ Ê-li-a, bà cũng sẵn sàng làm bánh cho vị ngôn sứ ăn trước đã. Kết quả là Thiên Chúa đã bù lại lòng quảng đại của bà, cho hũ bột của bà không hề vơi và bình dầu của bà không hề cạn như lời Chúa hứa qua miệng ngôn sứ Ê-li-a (1V 17:14). Việc bà làm khiến ta liên tưởng đến lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ: Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ (Mt 10:41).

 Phúc âm hôm nay cho thấy hai cảnh giữ đạo trái ngược hay đối nghịch nhau. Một bên là nhóm người kinh sư: súng sính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ... ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi chỗ nhất trong đám tiệc... làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ (Mc 12:38-40). Họ làm như vậy để tâng bốc mình lên, tìm vinh dự và tiếng khen nơi công chúng. Cũng phô trương như nhóm kinh sư, nhưng về phương diện khác là những người giàu có bỏ nhiều tiền dâng cúng vào Ðền Thờ. Việc ghi nhận và công bố số tiền dâng cúng là do các thầy tư tế Ðền Thờ đảm trách.

 Trái ngược với tiền dâng cúng của giới giàu có, Chúa Giêsu muốn các tông đồ lưu ý về việc dâng cúng nhỏ mọn của một bà goá khác. Bà chỉ dâng có hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư xu. Các thầy tư tế đền thờ chắc cũng phải ghi sổ và công bố nên hai đồng kẽm của bà mới được ghi lại trong Phúc âm. Tuy nhiên Chúa đã khen ngợi lòng quảng đại của bà, bởi vì bà đã dâng tất cả của cải bà có để độ thân. Tại sao bà lại có thể dâng cúng đồng xu cuối cùng như vậy? Câu trả lởi là vì bà đã đặt trọn niềm tin tưởng, cậy trông, phó thác vào chương quan phòng của Chúa, là Ðấng săn sóc cho cả chim sẻ đồng nội. Bà vừa nghèo về vật chất, lại vừa nghèo về tinh thần. Nghèo về tinh thần là tinh thần siêu thoát khỏi những giá trị trần thế như danh, lợi, tự cao, tự đại, tiếng khen.

 Ngày nay có những tổ chức tôn giáo kê khai số tiền dâng cúng của giáo dân với mục đích  để ghi nhận tiền dâng cúng của họ, hay để giúp họ khai giảm thuế. Việc làm đó là để khuyến khích việc dâng cúng, chứ không có gì sai quấy. Tuy nhiên nếu không thận trọng, thì cách thế công bố số tiền dâng cúng, có thể là cách tâng bốc người dâng cúng nhiều hoặc nhục mạ người dâng cúng ít. Người ta cũng có thể bầy ra những cách thế như hứa tặng bảng danh dự mạ vàng hay bạc tuỳ theo số tiền của người dâng cúng, hay hứa dâng lễ đời đời cho họ chẳng hạn. Không có cá nhân hay tổ chức tôn giáo nào tồn tại đời đời mà hứa như vậy được. Liên can đến việc dâng cúng tiền, phải kể đến việc gộp các ý lễ. Về việc gộp các ý lễ, thì Bộ Giáo Sĩ trong một Sắc Lệnh (1) đã cấm chỉ việc gộp các ý lễ lại, quen gọi là ý lễ tập thể, để làm trong một thánh lễ. Theo Sắc lệnh này thì trừ ra, nơi nào có nhiều ý lễ, thì được gộp các ý lễ lại để làm trong một thánh lễ, nhưng không được quá hai lần một tuần và phải ghi rõ những ý chỉ đó cho người xin biết.

 Lòng bác ái đích thực mà hai bà goá dạy ta hôm nay không phải là cho đi tiền của, đồ đạc, quần áo, thức ăn dư thừa, nhưng là chia sẻ sự vật cần thiết của mình. Bà goá Xarépta dự tính là nắm bột và chút dầu bà dùng để làm bánh cho mẹ con bà ăn rồi chết vì bà sẽ không còn dầu và bột nữa, nhưng bà vẫn quảng đại dọn cho ông Êlia ăn trước. Tuy nhiên Chúa đã bù đắp lại cho lòng quảng đại của bà.

 Vậy thì việc dâng cúng của người tín hữu vào nhà thờ để lo việc Chúa không phải chỉ là việc dâng cúng của thừa. Việc dâng cúng cũng không nhắm để được tiếng khen. Việc dâng cúng cũng không thể để cho tùy thuộc vào cảm giác hay cảm tình nhất thời: mát mình hay có thiện cảm với linh mục quản sở thì dâng cúng, khó chịu thì thôi. Việc dâng cúng để làm việc rao giảng Phúc âm, làm việc từ thiện, bác ái, xã hội phải là việc quyết định của lí trí, đi kèm với lời cầu nguyện.

 Chỉ khi người ta cậy trông vào chương trình quan phòng của Chúa và lòng yêu mến tha nhân, người ta mới có thể làm việc hi sinh quên mình cho người khác. Ðó là những việc hai bà goá đã làm. Một bà đã dùng nắm bột trong hũ và chút dầu còn lại trong vò để làm bánh cho người ngôn sứ ăn trước. Bà kia dâng cúng tất cả những gì bà có để độ thân.

 Cảnh ngộ bà goá đời xưa ở đất Do thái xem ra có vẻ thảm thương. Người đàn bà không được tự lập, nhưng tuỳ thuộc vào cha hay chồng. Khi chồng chết, họ không được thừa hưởng gia tài của chồng, nhưng chỉ chung phần thừa hưởng gia tài với con trai trưởng. Nếu chồng chết mà không con, họ phải trở về sống trong nhà người cha. Họ còn phải chịu nhiều thiệt thòi khác trong gia đình cũng như trong xã hội. Hình ảnh bà goá thời Cựu ước cũng bi đát tương tự như bà goá trong đạo Khổng. Ở xã hội Việt Nam xưa kia, chịu ảnh hưởng Khổng giáo bên Trung hoa, người ta quan niệm về người con gái thế này: Tại gia tòng phụ. Xuất giá tòng phu. Phu tử tòng tử, nghĩa là khi người con gái còn ở trong gia đình bố mẹ thì theo cha, lấy chồng thì theo chồng, chồng chết thì theo con. Khi chồng chết, nhà chồng lại đòi bà phải phục dịch cơm nước khi nhà chồng có việc ma chay, giỗ chạp.

 Nêu ra việc làm của bà quả phụ, Chúa Giêsu không đòi các tông đồ phải làm theo gương  bà, Chúa chỉ nhắc đến việc làm có giá trị thiêng liêng đáng khen mà thôi. Trong xã hội đa diện và phức tạp đời nay, với vật giá sinh hoạt cao, và nhiều thứ nhu cầu, nhiều khoản chi tiêu khác nhau, Chúa càng không đòi ta phải làm như hai bà goá. Tuy nhiên ta cần cầu nguyện và suy xét xem cách xử dụng của cải Chúa đã ban như thế nào? Người tín hữu được kêu gọi để dâng lên Chúa của cải vật chất để làm việc tông đồ truyền giáo, việc bảo trì nhà Chúa và việc từ thiện bác ái, xã hội. Ngoài của cải vật chất, ta cũng dâng lên Chúa của cải tinh thần, của cải thiêng liêng. Ðó là những tài năng và ân huệ Chúa ban.

 Như trên thánh giá, Chúa Giêsu đã dâng hiến toàn thân mình: thân xác, trí khôn, linh hồn để làm của lễ hoà giải dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong thánh lễ, Chúa Giêsu làm mới lại việc hiến dâng trên thánh giá bằng cách biến đổi bánh rượu thành thịt máu Người mà dâng lên Thiên Chúa Cha. Tham dự thánh lễ, ta cũng dâng lên Chúa toàn diện con người của ta cùng với những vui buồn, công việc làm và nghỉ ngơi, xin Chúa biến đổi để được thông phần vào lễ hi sinh của Chúa Kitô. Ðể kéo dài thánh lễ hi sinh trong ngày sống, ta còn dâng mình cho Chúa cùng với mọi công việc làm của ngày sống, cùng với tâm tình vui buồn, mệt nhọc, lo âu, hi vọng, để xin Chúa thánh hoá và biến đổi.

Lời cầu nguyện xin cho được một tấm lòng quảng đại cho việc Chúa:

 Lạy Thiên Chúa toàn năng!

Chúa muốn người môn đệ góp phần xây dựng xã hội loài người.

Xin dạy con biết chia sẻ những sự vật và tài năng Chúa ban

một cách khôn ngoan và với tinh thần trách nhiệm liên đới.

Xin dâng lên Chúa thân xác, trí khôn, linh hồn

cùng với quan năng, tâm tư và sức lực của con.

Xin Chúa biến đổi tâm hồn và đời sống con. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng

_____________________

  1. Sắc lệnh công bố 23-03-1991 của Bộ Giáo Sĩ.