Chúa Nhật I Mùa VọngChúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm C

Gr 33:14-16; 1Tx 3:12- 4:2; Lc 21:25-28, 34-36

Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng là ngày đầu năm niên lịch Phụng vụ của Giáo hội, báo hiệu lễ Chúa Giáng sinh không còn bao xa nữa. Theo lời ngôn sứ Giêrêmia thì từ dòng dõi Ðavít sẽ xuất hiện một nhân vật làm mẫu mực công chính. Ngày nay người ta được biết nhân vật đó là ai. Tuy nhiên vào thời bấy giờ người ta chưa biết về căn tính của nhân vật đó. Mặc dầu không biết rõ căn tính, thì lời ngôn sứ Giêrêmia cũng gợi lên trong tâm trí họ nhiều niềm hi vọng: Trong những ngày ấy, vào thời ấy, ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Ðấng công chính để .. trị nước theo lẽ công bình chính trực (Gr 33:15).

Mùa Vọng tượng trưng cho thời gian mà dân Do thái mong đợi Ðấng cứu thế. Trong  mùa Vọng người ta thấy trên cung thánh của nhiều nhà thờ có trưng một vòng lá xanh với bốn cây nến mầu, tượng trưng cho bốn tuần lễ mùa Vọng. Vòng tròn tượng trưng cho bản tính vĩnh cửu của Thiên Chúa vĩnh hằng. Mầu lá xanh tượng trưng cho bản tính bất tử của Thiên Chúa. Bốn cây nến tượng trưng cho bốn tuần lễ mùa Vọng. Mầu nến tím, tượng trưng cho lòng thống hối, sửa soạn tâm hồn đón nhận Ðấng Cứu thế. Cây nến mầu hồng được thắp lên vào Chúa nhật thứ ba mùa Vọng, tượng trưng cho niềm vui mừng vì Ðấng cứu thế sắp ra đời. Có nhà thờ còn trưng thêm cây nến mầu trắng tượng trưng cho Chúa cứu thế đến trong ngày Giáng sinh. Như vậy Thánh kinh Cựu ước là một câu truyện đợi chờ. Người Do thái luôn ghi nhớ lời Chúa hứa ban Ðấng cứu thế. Và họ nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của họ bằng niềm hi vọng đó.

Mùa Vọng nhắc nhở cho người tín hữu sửa soạn mừng việc Chúa đến lần thứ nhất trong lịch sử loài người. Tuy nhiên Phúc âm Chúa nhật thứ nhất mùa Vọng cho thấy có gì thắc mắc và quan ngại ở đây. Theo quan niệm Do thái giáo thì khi Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử loài người vào ngày cuối cùng, giới ngôn sứ thường dùng loại ngôn ngữ khải huyền, một loại ngôn ngữ biểu tượng, nói đến những điềm lạ xuất hiện trên trời dưới đất như sóng nước gào thét, tinh tú rung chuyển. Chúa Giêsu sinh ra và lớn lên trong xã hội Do thái cũng theo truyền thống đó. Do đó Phúc âm hôm nay mô tả những chuyển động trong thiên nhiên và những nỗi lo âu xao xuyến của muôn dân khiến người ta liên tưởng đến sự chết, đến ngày sau hết và ngày phán xét. Bài Phúc âm còn nhắc nhở cho người tín hữu rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại trong vinh quang vào ngày sau hết để kết thúc lịch sử loài người.

Những điềm lạ xuất hiện trên trời và những rung chuyển dưới đất đã có thể xẩy ra trong quá khứ ở đâu đó rồi, nhưng ngày sau hết vẫn chưa đến. Vậy để sửa soạn cho ngày Chúa trở lại, Phúc âm cảnh giác người nghe phải canh chừng khuynh hướng đam mê, ích kỉ, khiến họ quên đi ngày Chúa đến. Ngày sau hết có thể hiểu là ngày cuối hết của đời sống mỗi người tại thế hay ngày tận cùng thế giới. Chúa Giêsu còn cảnh giác họ và qua họ Chúa cảnh giác người ta: Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống trên đầu anh em (Lc 21:34). Và chính Chúa cũng căn dặn: Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xẩy đến và đứng vững trước mặt Con Người (Lc 21:36). Thánh Phaolô cũng cầu xin Thiên Chúa cho giáo hữu Thê-xa-lô-ni-ca được bền tâm vững chí (1Tx 3:13) chờ ngày Chúa đến.

Mùa Vọng là thời gian mà người tín hữu được kêu gọi để sửa soạn tâm hồn mừng kỉ niệm ngày Chúa giáng trần. Mùa Vọng là thời gian giữa việc Ðấng cứu thế đến lần thứ nhất trong lịch sử loài người và việc Chúa hứa sẽ đến lần thứ hai để kết thúc lịch sử loài người. Việc Chúa đến lần thứ nhất đã xẩy ra khi Ngôi Lời mặc lấy xác phàm loài người và sinh sống giữa loài người. Việc Chúa đến lần thứ hai sẽ xẩy ra vào ngày cuối cùng khi Chúa đến phán xét kẻ sống và kẻ chết. Giữa hai cuộc thăm viếng vĩ đại này, Chúa còn đến trong tâm hồn người tín hữu bằng ơn thánh qua các bí tích, qua việc cầu nguyện, hi sinh, bác ái mà người tín hữu làm. Rồi Chúa còn đến vào ngày cuối hết của đời sống cá nhân mỗi người. Ðiều đó xẩy ra khi Chúa đến kêu gọi mỗi người ra khỏi đời này.

Tuy nhiên không ai biết khi nào Chúa sẽ đến vào ngày cuối cùng của đời sống cá nhân hay ngày tận cùng của thế giới. Bao giờ Chúa đến để kết thúc đời sống mỗi người hay kết thúc lịch sử loài người là một điều bí mật. Chỉ có Thiên Chúa là Ðấng nắm giữ vận mạng loài người mới biết được. Một điều chắc chắn là ngày đó sẽ đến. Ngày đó sẽ là ngày được chúc phúc cho tất cả những ai sửa soạn tâm hồn đón tiếp Người. Ngày đó sẽ là ngày được chúc phúc cho những ai biết dùng thời giờ một cách khôn ngoan với tinh thần trách nhiệm. Cụ thể và thực tế, người tín hữu sửa soạn cho ngày Chúa đến một cách cá biệt và sâu thẳm trong tâm hồn mỗi người bằng ơn thánh trong mùa Vọng này

Trong bức tông thư của Ðức Thánh cha Gioan Phaolô II với tựa đề bằng tiếng Ý: Tertio Millennio Adveniente, có nghĩa là Ngàn Năm Thứ Ba Ðang Ðến, ngài giải thích: Thời giờ có một ý nghĩa rất quan trọng. Vũ trụ được tạo dựng trong thời gian, ơn cứu chuộc được bày tỏ qua thời gian, và Giáo hội trông đợi ngày Chúa trở lại vào cuối thời gian. Nói tóm lại, thời giờ là của Chúa. Người ta không thể đi trước thời giờ, cũng không thể kéo dài thời giờ. Vì thế, là người môn đệ của Chúa, người tín hữu có bổn phận thánh hoá thời giờ bằng cách dâng ngày, tháng, năm cho Chúa và dùng thời giờ để sinh lợi cho nước Chúa.

Lời cầu nguyện xin Chúa đến ngự trị trong tâm hồn:

Lạy Ngôi Hai Thiên Chúa toàn năng.

Toàn thể nhân loại đang vươn mình sửa soạn,

mừng ngày kỉ niệm Chúa sinh làm người.

Xin dạy con biết sửa soạn tâm hồn,

kiên nhẫn đợi chờ ngày Chúa đến.

Xin Chúa đến ngự trị trong tâm hồn con,

bằng ơn thánh và đồng hành với con

trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Amen.

Lm Trần Bình Trọng