LE_MONG_2_TET_CLễ Mồng Hai Tết, Năm A, B, C

Hc 44:1,10-15; Ep 6:1-4,18-24; Mt 15:1-6

Mồng hai Tết được Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam qui định là ngày kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Truyền thống lễ giáo Việt nam dạy con cái phải thảo kính ông bà cha mẹ qua những câu ca dao như: Công cha như núi thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha. Cho tròn chữ hiếu mới là con ngoan.

Truyền thống Do Thái giáo cũng tương tự với truyền thống Việt nam xét về chữ hiếu. Sách Huấn Ca chứa đựng những lời khuyên dạy thực tế mà người Do thái trong Cựu ước đã thu tích được để giúp con cháu sống theo gương đạo hạnh, công đức (Hc 44:10) của tiền nhân. Trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu trích dẫn giới luật của Thiên Chúa để trả lời nhóm người Pharisêu và Kinh sư về việc giữ truyền thống của tiền nhân. Chúa trích dẫn giới luật trong sách Xuất hành và sách Ðệ Nhị Luật để nhắc nhở cho nhóm người Kinh sư và Pharisêu về việc thảo kính cha mẹ: Ngươi hãy thảo kính cha mẹ (Xh 20:12; Ðnl 5:16). Ðó cũng là Giới răn thứ bốn trong đạo Thiên Chúa giáo. Giới răn này dạy người tín hữu phải thảo kính cha mẹ, những bậc đã có công sinh thành, dưỡng dục và săn sóc ta từ nhỏ tới khi trưởng thành. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô cũng dạy người tín hữu phải thảo kính cha mẹ: Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo (Ep 6:1).

Thường khi còn trẻ tuổi, người ta chưa đánh giá được công ơn cha mẹ. Người ta coi những việc cha mẹ làm cho mình là ngẫu nhiên. Khi trưởng thành, ta mới hiểu được công ơn sinh thành, dưởng dục và dạy bảo của cha mẹ. Ý thức được như vậy, ta tìm cách bầy tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ khi còn sống. Nếu ta nhớ ơn người sống, ta cũng phải nhớ ơn người đã quá cố bằng việc dâng lễ cầu nguyện cho linh hồn ông bà cha mẹ, để xin Chúa vì lòng xót thương mà tha thứ tội lỗi cho người quá cố và dẫn đưa các linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ về hưởng ơn nghĩa trong nước Chúa hằng sống. Những hình ảnh của tổ tiên, ông bà, cha mẹ cùng với những mẩu chuyện đáng ghi nhớ về ông bà cha mẹ, cũng cần được giữ lại cho con cháu có gì để noi gương bắt chước và để nói với bạn bè.

Trên cuộc hành trình đức tin đi về nhà Chúa, người tín hữu không đi một mình, nhưng đi cùng với toàn thể dân Chúa: đi cùng với Mẹ Maria và các thánh, cùng với người tín hữu tại thế và cùng với các linh hồn nơi luyện ngục. Như vậy ngay cả khi nằm xuống vĩnh viễn, ông bà cha mẹ vẫn còn được sự hỗ trợ của miêu duệ bằng lời cầu nguyện. Ðối với người tín hữu, người quá cố không phải là xa cách vĩnh viễn. Con cháu còn sống vẫn phải nhớ đến tổ tiên, ông bà, cha mẹ quá cố bằng hình ảnh, bằng lời cầu nguyện và bằng những công việc người quá cố để lại.

Nếu ông bà, cha mẹ đã qua đời thì hôm nay ta có thể ra nghĩa địa viếng mộ và dâng lễ cầu nguyện cho các linh hồn ông bà cha mẹ. Theo Tín điều Các Thánh cùng Thông công, điều mà Công Đồng Vaticanô II gọi là ‘hiệp thông sống động’,  thì nếu ông bà cha mẹ đã được lên thiên đàng, thì Thiên Chúa cho chuyển công hiệu của lễ dâng và lời cầu nguyện của ta cho các linh hồn khác.

Lời cầu nguyện cho tổ tiên ông bà cha mẹ:

Lạy Chúa, Chúa dạy con người phải thảo kính cha mẹ

hầu được nhờ phúc ấm của tổ tiên.

Xin Chúa chúc lành cho ông bà cha mẹ chúng con còn sống.

Còn các linh hồn ông bà cha mẹ chúng con đã khuất bóng

xin Chúa đưa về hưởng ánh sáng tôn nhan. Amen.

Lm Trần Bình Trọng