Chúa Nhật 2 Thường Niên, Năm C

Is 62:1-5; 1Cr 12:4-11; Ga 2:1-11

CN_2_TN_CÐám cưới là cơ hội rất ư đặc biệt, có cha mẹ, anh chị em, chú bác, cô dì, cậu mợ, họ hàng, bạn hữu, láng giềng của cô dâu chú rể đến tham dự, để chia sẻ niềm vui mừng với cô dâu chú rể, của gia đình hai họ và cả bà con tám họ. Phúc âm hôm nay kể lại một đám cưới cổ xưa, bị thiếu rượu. Trong buổi tiệc cưới Do thái đời xưa mà hết rượu thì cả là một vấn đề mất mặt cho cô dâu chú rể. Ðôi tân hôn nào bắt đầu cuộc sống hôn nhân như vậy thì kể là xuống dốc rồi. Có linh mục kia về thăm quê hương Việt Nam hồi nền kinh tế còn eo hẹp, thấy người ta uống rượu đế trong buổi tiệc cưới của cháu. Linh mục hỏi tại sao tụi cháu mới lớn lên lại không uống bia mà lại uống rượu đế vậy? Người cháu trả lời: Thưa chú, chẳng nói giấu gì chú. Khách đi dự tiệc cưới ở đây, họ thích chếnh choáng để cười nói cho vui vẻ. Còn uống bia thì như tụi cháu đây, mỗi đứa phải ba, bốn lon thì mới choáng váng được. Như vậy thì đâu có tiền mà mua bia.

Trong Thánh kinh Cụu ước, hình ảnh hôn nhân được chọn để ám chỉ mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người. Dân mà Chúa chọn được coi là vị hôn thê. Ðây là một ví dụ về hình ảnh hôn nhân trong sách ngôn sứ Isaia hôm nay: Như cô dâu là niềm vui cho chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ (Is 62:5). Trong Thánh kinh Tân ước, Ðức Giêsu ví mình như tân lang (Mt 9:15-16; Mc 2: 19-20; Lc 6:34-35). Thánh Phaolô so sánh Ðức Kitô là đầu của Hội Thánh và Hội Thánh phục tùng Ðức Kitô như vợ phục tùng chồng (Ep 5:23-24). Còn thánh Gioan coi Hội Thánh là Giêrusalem mới như là tân nương trang điểm chờ đón Ðức Kitô như là tân lang (Kh 21:2,9).

Phúc âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu chúc lành cho tiệc cưới Cana, bằng cách biến nước thành rượu cho khách dự tiệc cưới được tiếp tục vui vẻ. Mặc dầu Chúa làm phép lạ do quyền năng của Chúa, nhưng Nguời làm với sự cộng tác của mẹ Người, của người đầu bàn và người giúp việc. Trong tiệc cưới Cana, mẹ Maria tỏ ra có cặp mắt quan sát và tỏ mối quan tâm đến khách dự tiệc. Khi thấy chủ nhà hết rượu, Mẹ đã cậy nhờ đến Chúa can thiệp. Mẹ chỉ cần nói xa xôi bóng gió: Họ hết rượu rồi (Ga 2:3). Mẹ chỉ nói có thế, không thêm gì khác, bởi vì Mẹ biết Con mình sẽ làm gì. Ðó là lý do tại sao Mẹ bảo người giúp việc một cách đơn giản và vắn tắt: Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo (Ga 2:5). Vậy Chúa bảo họ làm gì?

Mặc dù giờ của Người chưa đến (Ga 2:4; 7:30; 8:20), nghĩa là giờ mang lại ơn cứu độ trên thánh giá (Ga 12:27), giờ được tôn vinh (Ga 12:23), Chúa cũng làm một việc tượng trưng cho rượu của Giao ước mới (Lc 22:20; 1Cr 11:25). Chúa bảo họ đổ đầy nước vào sáu chum. Mỗi chum chứa được vào khoảng tám mươi hay một trăm hai mươi lít nước. Nếu tính trung bình mỗi chum chứa được một trăm lít thì khi Chúa làm phép lạ biến nước trong cả sáu chum thành rượu, thì khách dự tiệc có được sáu trăm lít rượu để mà tha hồ uống. Ðể dùng lượng rượu như vậy phải cần một ngàn năm trăm thực khách biết uống thì mới tạm hết được. Còn nếu đám cưới nhỏ thì sẽ còn dư lại rất nhiều rượu. Có thể chủ tiệc phải chia cho khách đem về.

Như vậy ta thấy Chúa cũng đâu có cấm loài người thưởng thức đồ uống có chất men trong những trường hợp đặc biệt đâu, miễn là người ta không lạm dụng. Phép lạ ở tiệc cưới Cana là phép lạ đầu tiên Chúa làm để khiến người ta chú ý về lời giảng dạy và việc Người làm. Và Chúa chọn làm phép lạ đầu tiên ở tiệc cưới để chỉ cho thấy tầm quan trọng của đời sống hôn nhân.

Thánh sử Gioan là người duy nhất ghi lại phép lạ này. Ðể có thể cảm nghiệm được ý nghĩa của mỗi phép lạ, người ta phải biết mở tai và mở mắt đức tin. Theo thánh Gioan phép lạ hoá nước thành rượu bao hàm ý nghĩa thần học, nghĩa là tiên báo bí tích Thánh thể. Cũng như Chúa dùng quyền năng biến nước thành rượu, Chúa cũng sẽ dùng quyền năng biến đổi bánh rượu thành Mình Máu thánh Chúa. Việc bao hàm ý nghĩa thần học là ở đó. Ta chỉ cần mở rộng mắt đức tin để mà nhìn nhận. Khi đôi tân hôn đương đầu với nỗi khó khăn trắc trở đầu tiên trong cuộc sống hôn nhân, thì có Mẹ can thiệp và có Chúa làm phép lạ cứu chữa, vì họ đã mời Chúa và Mẹ Người đến dự tiệc cưới.

Cũng như đôi tân hôn thiếu rượu cho tiệc cưới, ta cũng có thể thiếu điều gì thiết yếu cho đời sống. Tình yêu hôn nhân của ta có thể đã bị khô héo chăng? Ðức tin của ta có thể đã bị phai mờ không? Niềm hi vọng của ta có thể đã bị dập tắt ư? Có thể ta đã mất lý tưởng sống sao? Khi thiếu những điều thiết yếu cho đời sống, ta có cần tìm đến Chúa để được cung cấp những gì cần thiết không? Ta có cần mời Chúa vào đời sống: đời sống cá nhân, đời sống hôn nhân, đời sống gia đình không? Ta có cần mời Chúa cùng đi với ta khi ta đi nghỉ hè không? Nhiều người chỉ biết mời Chúa vào đời sống cá nhân, mà không mời Chúa vào đời sống hôn nhân và đời sống gia đình, cho nên hôn nhân và gia đình dễ đổ vỡ là vậy. Chúa không làm áp lực để đi vào đời sống ta, nên ta phải mời Chúa vào, vì Chúa tôn trọng tự do của loài người.

Vậy mời Chúa vào đời sống hôn nhân có nghĩa là gì? Ðiều đó có nghĩa là vợ chồng nói năng, đối xử với nhau theo đường lối và tinh thần Kitô giáo. Mời Chúa vào đời sống hôn nhân có nghĩa là vợ chồng học để đối xử với nhau theo mẫu gương gia đình Thánh Gia. Mời Chúa vào đời sống hôn nhân có nghĩa là vợ chồng cầu nguyện lẫn cho nhau. Ðôi khi còn cần cầu nguyện lớn tiếng đủ để vợ và chồng có thể nghe được. Khi cầu nguyện âm thầm mà vợ không biết chồng cầu xin gì cho mình, và chồng cũng không biết vợ cầu xin điều gì cho mình, thì một người cũng chỉ biết vậy thôi. Còn khi cầu nguyện lớn tiếng thì người chồng, người vợ có thể nghe người phối ngẫu cầu xin điều gì cho mình. Biết được người phối ngẫu cầu xin điều gì cho mình thì tâm hồn mới được đánh động. Và khi tâm hồn được đánh động thì người ta mới cảm động. Khi người ta cảm động về lời cầu nguyện của người phối ngẫu, người ta mới cảm thấy gần nhau về đời sống tình cảm. Và khi mà mời Chúa vào đời sống hôn nhân thì ngay cả những tác động chăn gối cũng có đượm tình yêu và tôn trọng nhau.

Ðược mời dự những lễ cưới của nhiều người Việt ở hải ngoại, người ta thấy người đi lễ thưa thớt, lại không thấy có nhiều người thưa kinh nguyện đối đáp với chủ tế để cầu nguyện cho đôi tân hôn, cho thánh lễ hôn nhân được linh động, cho cô dâu chú rể được lên tinh thần. Không biết có phải họ không thuộc kinh hay không dám biểu lộ đức tin khi có sự hiện diện của người ngoài công giáo cũng đi dự lễ cưới chăng? Còn khi dự tiệc cưới thì lại thấy đông đảo. Có nhiều đám cưới phải đợi một hay hai giờ sau mới khai mạc được. Có những đám cưới hai bên đàng trai và đàng gái đều là công giáo mà không thấy đọc kinh tạ ơn trước khi ăn. Ban nhạc giúp vui thì cho mở nhạc quá lớn không còn ai nói cho ai nghe được gì. Muốn nói phải nghiêng mình, hướng miệng vào sát tai người kia mới hi vọng họ nghe được. Có những quản trò, đáng tuổi bố, gần tuổi ông của cô dâu chú rể - mà ra chuyện mình cũng biết làm trò - ép cô dâu chú rể diễn những màn có vẻ lố bịch, khiến cô dâu chú rể mắc cở và khách dự tiệc cưới cũng thấy ngượng.

Ðể cho đời sống của ta có Chúa, ta cần mời Chúa và Mẹ Người vào đời sống để Chúa và Mẹ Người cùng đồng hành và làm chủ đời sống ta. Nếu trong tiệc cưới Cana, Chúa biến đổi nước thành rượu, Chúa cũng có thể biến đổi đời sống mỗi người miễn là ta để cho Chúa hành động. Ðể Chúa có thể biến đổi tâm hồn và đời sống, ta cần cộng tác với ơn Chúa. Có Chúa trong cuộc đời, người ta sẽ vững tâm tiến bước trong đời sống: đời sống cá nhân, đời sống hôn nhân cũng như đời sống gia đình.

Lời cầu nguyện xin mời Chúa vào đời sống: cá nhân, hôn nhân và gia đình.

Lạy Chúa Giêsu là tình yêu.

Chúa đã được mời đến dự tiệc cưới Cana.

Hôm nay con xin mời Chúa vào đời sống của chúng con,

đời sống cá nhân, hôn nhân và cả đời sống gia đình

để xin Chúa đồng hành và làm chủ.

Ðặc biệt xin Chúa chúc lành

cho những người sống bậc hôn nhân.

Xin giúp họ hàn gắn những vết thương lòng

ngõ hầu đời sống hôn nhân của họ được thăng tiến. Amen.

Lm Trần Bình Trọng