CN_6_TN_CChúa Nhật 6 Thường Niên, Năm C

Gr 17:5-8; 1Cr 15:12, 16-20; Lc 6:17, 20-26 

Vào thời La mã cổ xưa, người ta coi việc giầu có về của cải vật chất là cách thế để đạt tới  hạnh phúc. Nghèo túng dưới chế độ thuộc địa La Mã thời Chúa Giêsu tại Do thái được coi là sự sỉ nhục và còn là hình phạt cho tội lỗi đã phạm. Qua lời Chúa giảng dạy và cách sống của Người, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ còn có cách khác để đạt hạnh phúc. Trước hết Chúa chọn sống đời nghèo khó. Chúa tự nguyện sinh ra nghèo nàn, sống và chết nghèo khổ. Thứ hai, qua lời giảng dạy, Chúa dạy các môn đệ sống các mối Phúc thật. 

Thánh sử Mát-thêu ghi lại Tám mối Phúc thật được biết đến như là bài giảng trên Núi của Chúa vì Chúa giảng trên sườn núi (Mt 5:1). Còn thánh Luca ghi lại Bốn mối phúc và Bốn mối hoạ, nghĩa là bốn cách thế đạt tới hạnh phúc và bốn cách thế đưa tới bất hạnh, được coi là Bài giảng dưới Ðồng bằng vì Chúa giảng trên đường xuống núi (Lc 6:17). Mối Phúc thứ nhất trong Phúc âm thánh Mát-thêu và Phúc âm thánh Luca có phần giống nhau. Chỉ khác một điều là Phúc âm thánh Mát-thêu nhấn mạnh đến tinh thần nghèo khó. Theo đó những người giầu có mà làm giầu cách lương thiện, không để lòng trí dính bén vào của cải và biết dùng của cải làm việc từ thiện, bác ái thì vẫn có thể được coi là sống tinh thần nghèo khó. Ông Gióp, một nhân vật giầu có trong Thánh kinh Cựu ước được Chúa chúc phúc (G 42:12). Trong phúc âm, những môn đệ giầu có của Chúa và có địa vị trong xã hội được nêu danh là Da-kêu (Lc 9:2, 9-10), Ni-cô-đê-mô (Ga 8:50-51; Ga 19:39-40), Giu-se thành A-ri-ma-thê (Mt 27:57; Mc 15:43; Lc 23:50-53; Ga 19:38). Riêng thánh Luca trước khi theo Chúa là một y sĩ (Cl 4:14). 

Còn Phúc âm thánh Luca chỉ ghi lại thực tại nghèo khó. Thánh Luca ghi lại việc Chúa lưu tâm đến người nghèo bằng cách dạy người môn đệ mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù (Lc 14:13, 21) khi đãi tiệc, chia sẻ của ăn cho người nghèo đói (Lc 16:19-26) và phân phát của cải cho họ (Lc 19:8). Phúc âm thánh Mác-cô thì ghi: Chúa tỏ lòng ưu ái với người thanh niên giàu có, muốn nên hoàn thiện, nên bảo anh ta bán của cải mà cho người nghèo túng (Mc 10:21). Chúa còn khen bà goá nghèo đã bỏ vào thùng tiền nhiều hơn ai hết, mặc dầu bà chỉ bỏ vào có hai đồng tiền kẽm mà bà hiện có để độ thân (Mc 12:43). 

Phúc âm thánh Luca được viết cho người ngoại nghèo túng mới trở lại đạo Kitô giáo. Như vậy thánh sử Luca đặt Chúa Giêsu trên đồng bằng (Lc 6:17), cùng mức độ với người ngoại nghèo túng, bị bách hại và chịu đau khổ cho việc trở lại. Chúa chúc phúc cho: những người nghèo khó, những người phải đói khát, những người phải khóc than, những người bị oán ghét, bị xỉ nhục, bi tố cáo và bị khai trừ vì danh Chúa. Chúa bảo những người được chúc phúc, không phải là những người được thế gian ưu đãi. Những nỗi đau khổ và bất hạnh của những người thiếu may mắn, không phải là dấu hiệu Chúa bỏ rơi họ. Sự đói khát và no thoả trong Phúc âm Luca còn được hiểu theo ý nghĩa thế mạt hay cánh chung như ba ngôn sứ Isaia, Giê-rê-mi-a và Ê-dê-ki-en đã loan báo (Is 49:10; Gr 31:12, 25; Ed 34:29; 36:29).

Khóc lóc mà được chúc phúc là than khóc cho tội lỗi mình như người phụ nữ tội lỗi khóc than tội mình (Lc 7:38); như ông Phêrô khóc than tội chối Thầy (Mt 26:75). Khóc cũng có thể là vì thương nhớ cái chết của người thân yêu như cô Maria khóc cái chết của em mình là La-da-rô (Ga 11:33); như người Do thái đi với cô Maria cũng khóc (c. 33); như chính Chúa Giêsu cũng khóc cái chết của La-da-rô (Ga 11:35). Khi thấy viên trưởng hội đường và bà xã ông khóc thương cái chết của con gái họ, ông Phêrô, ông Gio-an và ông Gia-cô-bê cũng khóc (Lc 8:52), khiến Chúa động lòng thương cầm tay gọi em bé cho chỗi dậy (Lc 8:54). Chúa Giê-su còn khóc thương thành Giêrusalem vì đã không nhận ra những gì đem lại bình an cho dân thành (Lc 19:41-42). Việc Chúa Giêsu khóc, nói lên Chúa cũng có tình cảm của con người với một trái tim biết rung cảm trước nỗi đau khổ của hai chị em Mác-ta và Maria và nỗi thương tiếc thành Giêrusalem. Còn Chúa có cười không, thì không thấy phúc âm nhắc đến. Khi Chúa chịu nạn chịu chết, bà Maria Mác-đa-la ra tận mộ Chúa mà khóc thương (Ga 20:11-15) và những người đã từng sống với Chúa cũng khóc thương Chúa (Mc 16:10).

Song song và tương phản với bốn lời ‘phúc cho’ là bốn lời ‘khốn cho’. Những lời khốn cho là những lời cảnh tỉnh những người giàu có (Lc 6:24), mà chỉ tìm của cải thế gian, nắm giữ của cải và cậy dựa vào tiền của. Lí do người giầu có bị kết án là vì họ chỉ biết tích trữ cho mình (Lc 12:21), không đặt niệm cậy trông vào Chúa (Lc 12: 22-32), không biết chia sẻ với người nghèo đói là La-da-rô (Lc 16:19-31). Những lời khốn cho còn nhắm đến những người chỉ tìm sự no ấm (Lc 6:25) mà không chia sẻ cơm ăn, nước uống; những người chỉ tìm sự vui cười (c.25) trên những cảnh lầm than, đau khổ của người khác; những người chỉ mong được ca tụng vì ngôn sứ giả cũng đã được ca tụng (c.26). Ngôn sứ giả là người không xác tín về điều họ nói, không có kinh nghiệm sống những điều họ giảng dạy. Do đó họ không loan truyền lời Chúa một cách trung thực, nhưng chỉ nói hươu nói vượn để nhắm làm vừa lòng người nghe, khiến cho người nghe đi lạc đường lối công chính. Những lời khốn cho cũng là những lời cảnh tỉnh để kêu gọi loài người sám hối và cải thiện đời sống (Mt 11:21; Lc 10:13; Mt 23:13-29; Lc 11:42-52; Lc 17:1; Lc 21:23; Lc 22:22).

Giới lãnh đạo dân sự trong thế giới ngày nay với tổ chức Mậu Dịch Quốc Tế đang tìm cách giảm nghèo và xoá đói, và cổ võ hoà hợp trong xã hội loài người. Họ cố gắng nâng cao mức sống, giúp cho đời sống được tiện nghi và thoải mái cho con người. Con người có nhiều sự vật căn bản mà họ mua được như: xe cộ, tủ lạnh, truyền thanh, truyền hình, điện thoại, máy vi tính, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, chương mục nhà băng, tiền an sinh xã hội. Những gì người ta nhìn thấy trong xã hội tân tiến đi ngược lại với lời Chúa trong mối Phúc thật. Như vậy làm sao con người có thể thoả hiệp với sứ điệp Phúc âm hôm nay? 

Xã hội có thể cung ứng của cải vật chất, dịch vụ xã hội, khoa học kỹ thuật để làm cho  đời sống người dân đuợc hạnh phúc không? Mặc dầu với những phát triển về khoa học và kỹ thuật tân tiến, nhiều người vẫn không có hạnh phúc. Vậy làm sao giải quyết được vấn đề thiếu hạnh phúc trong đời sống? Trước hết người ta phải nhận thức rằng của cải vật chất chỉ là những sự vật chóng qua. Thứ hai người ta không thể đem theo của cải khi rời khỏi đời này. Ðàng khác thì lại khó mà có thể sống đời khó nghèo trong thế giới hiện tại và hiện đại với những phát triển về khoa học, kĩ thuật và kinh tế, trừ khi người ta tự nguyện sống nghèo trong đời sống gia đình hay khấn hứa sống nghèo khó trong đời sống tu trì thánh hiến.

Vậy làm sao để áp dụng lời Chúa dạy về các mối Phúc thật trong thế giới trần gian? Ðể sống mối Phúc thật thứ nhất trong xã hội hiện tại, trước hết người ta phải sống tinh thần siêu thoát đối với của cải vật chất. Ðiều này có nghĩa là người ta cần dùng của cải vật chất để sinh tồn. Tuy nhiên người ta không thể để cho của cải vật chất làm cản trở cho phần rỗi linh hồn. Thứ hai người ta phải học để đặt niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa thay vì cuả cải vật chất để khi người ta được gọi ta ra khỏi đời này, người ta sẵn sàng ra đi, mà không để lòng dính bén vào của cải vật chất. Ngôn sứ Giêrêmia hôm nay khuyên dạy ta: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa, và có Chúa làm nơi nương tựa (Gr 17:7). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô cũng vọng lại: Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Ðức Kitô chỉ ở đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người (1Cr 15:19). Khi ta đặt tin tưởng phó thác vào quyền năng và sự quan phòng của Chúa, ta sẽ coi Chúa là tất cả và là gia nghiệp của đời sống, mặc dầu trước mặt người đời ta không có gì đáng kể.

Thường những người nghèo khó, đói khát, khóc than và bị thù ghét vì danh Chúa, không có gì để bám víu, không có tài năng để làm nên sự nghiệp, không có thế lực để tự bênh đỡ, không có ai để nương tựa. Trong trường hợp này họ có thể nảy sinh ra hai phản ứng khác nhau. Thứ nhất là họ có thể trở nên thất vọng, sinh ra hận Chúa và hận đời nên dễ làm càn. Thứ hai là họ tìm đến cậy trông, nương tựa vào Chúa. Khi mà cùng đích và lẽ sống của họ là Chúa rồi, thì mặc dù họ không có hoặc mất của cải, bạn hữu, quyền thế, sự nghiệp, họ vẫn không bị quị ngã, nhưng vẫn còn có nơi nương tựa và bám víu. Và nơi họ nương tựa bám víu là chính Thiên Chúa của họ. Và đó là hạnh phúc Chúa dành cho những ai đặt niềm tin tưởng, cây trông, phó thác và nương tựa vào Chúa.

Lời cầu nguyện xin đặt niềm tin cậy phó thác vào Chúa:

Lạy Thiên Chúa là Ðấng con thờ!

Chúa là thành luỹ và là nơi nương tựa của con.

Xin dạy con biết đặt trọn niềm tin cậy vào Chúa

trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời con:

khi có của cũng như khi nghèo túng;

khi no thoả, cũng như khi đói khát;

khi vui cười cũng như khi phải khóc than;

khi được yêu mến cũng như khi bị oán ghét.

Xin đừng để con bao giờ ngã lòng trông cậy Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng