LE_TAN_NIEN_CLễ Tân Niên, Mẫu C

Is 11:1-9; Cl 3:12-17; Ga 14:23-27

Mang dòng máu Việt tộc, người ta có hai truyền thống để duy trì trong dịp Tết là truyền thống gia đình: lễ nghĩa, hiếu thảo, kính trên nhường dưới: đi tết và mừng tuổi. Kế đến là truyền thống văn hoá dân tộc như cách thế ăn mừng ngày Tết với bánh chưng xanh, thịt mỡ, dưa hàng, câu đối đỏ.. Riêng người công giáo còn có một truyền thống nữa để duy trì, là truyền thống đi lễ ngày Tết để thờ phượng, cảm tạ và xin ơn.

Ngôn sứ Isaia trong phụng vụ lời Chúa của ngày Tết nguyên đán nhìn đến thời kì bình an của miêu duệ Gie-sê khi mà: Không còn ai tác hại và tàn phá (Is 11:9), một thời kì mà theo nghĩa bóng, thì loài sói, chiên, beo và dê, bò tơ, sư tử và cả bé thơ sống chung hoà bình (c. 6-8). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Cô-lô-sê cầu chúc: Ước mong ơn bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em (Cl 3:15). 

Còn trong bài Phúc âm, Chúa Giêsu hứa ban bình an cho các môn đệ, nhưng không phải bình an như thế gian ban tặng (Ga 14:27). Bình an hiểu theo nghĩa thế gian là vắng bóng chiến tranh, không còn nghe tiếng súng đạn. Tuy nhiên mầm mống chiến tranh không phải là do súng đạn. Mầm mống chiến tranh là do từ bên trong phát ra: do lòng tham lam, ích kỉ của con người, điều mà người ta gọi là lí do kinh tế. Mầm mống chiến tranh cũng có thể do lòng kiêu căng, thù ghét, muốn làm bá chủ hoàn cầu, như là chiến tranh ý thức hệ. Mầm mống chiến tranh cũng do lòng ghen tuông, hận thù, ganh tị, do tôn giáo tính hoặc chủng tộc tính quá khích gây ra. Vì vậy súng đạn chỉ là phương tiện người ta dùng để chém giết lẫn nhau. Ðời xa xưa khi chưa có súng đạn, người ta dùng đá ném nhau, dùng cung tên để bắn nhau. Nếu không có khí giới nào khác cho người ta dùng để đánh nhau, thì người ta dùng chân tay để đấm đá nhau hay miệng lưỡi để mạt sát nhau. 

Để có được sự bình an mà Chúa hứa ban, Chúa căn dặn các môn đệ đừng để lòng xao xuyến và sợ hãi (Ga 14:2 vì xao xuyến và sợ hãi làm mất sự bình an trong tâm hồn. Bình an theo tinh thần Phúc âm phải được ăn rễ và phát triển trong tâm hồn mỗi người. Có được tâm hồn bình an là điều người ta có thể tìm kiếm và duy trì. Khi nói hay làm điều gì mà làm tâm trí bị xao xuyến nghĩa là làm mất sự bình an, và nếu người ta coi giá trị của bình an là quí giá cho tâm hồn, người ta sẽ tìm cách lấy lại bình an. Và rồi người ta còn tìm cách để tránh những lời nói hay việc làm có thể làm cho tâm trí bị xao xuyến để duy trì bình an và hoa quả của sự bình an. Bình an là quà tặng của Chúa ban cho các tông đồ, và qua các tông đồ cho người tín hữu. Tuy nhiên bình an không phải là tác động một chiều từ trên xuống. Tiếp nhận bình an rồi, người tín hữu phải làm gì để duy trì bình an nữa bằng cách sống đời ngay lành, lương thiện và công chính. Bình an là sứ điệp mà Giáo hội rao giảng. Bình an cũng phải là sứ điệp mà người môn đệ đích thực của Chúa phải cố gắng đạt tới, duy trì và cổ võ cho chính mình, cho gia đình và cho cộng đồng giáo xứ, cộng đồng hàng xóm và dân tộc.

Phúc âm Lễ Tân Niên Mẫu C giống Phúc âm Chúa nhật 6 Phục Sinh, Năm C (Ga 14:23-29). Như vậy cũng có thể dùng thêm nhữnt tư tưởng bình an trong bài suy niệm Phúc âm Chúa nhật 6 Phục Sinh, Năm C.

Tết nguyên đán là ngày lễ có tính cách văn hoá dân tộc. Tuy nhiên người công giáo cần đem ý nghĩa tôn giáo vào ngày Tết, có nghĩa là công nhận Thiên Chúa là Chúa của mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, Chúa của ngày Tết, Chúa của thời giờ, năm tháng và đem Chúa vào việc mừng Xuân mới sang. Chúa của thời giờ và thời tiết còn có nghĩa là công nhận Thiên Chúa là nguồn mạch của sự bình an. Vào dịp Tết nghe thấy người ta chúc nhau mọi sự tốt đẹp như giàu sang phú quí, làm ăn phát tài, sống bạc đầu râu, thêm đông con nhiều cháu... Tại sao lại không nguyện chúc cho nhau được bình an?

Thường người ta không đánh giá được sự vật mà ngưòi ta luôn có trong tầm tay, nghĩa là người ta coi thường sự vật đang có. Khi mất đi sự vật đó, người ta mới cảm thấy quí hoá và luyến tiếc. Tâm trạng của người mất bình an là lòng dạ bồi hồi, xáo trộn khiến ăn không ngon, và tâm hồn lo âu, xao xuyến, khiến ngủ không yên. Giả sử có ai có kinh nghiệm khi mất bình an trong tâm hồn, rồi cảm nghiệm lại được sự bình an mới được phục hồi, mới cảm thấy sự bình an nội tại là quí giá như thế nào! Và nếu có ai khác muốn đánh đổi sự bình an mà mình có, nghĩa là muốn trả cho mình một số tiền to lớn, để mua lấy sự bình an của mình, thì chưa chắc mình muốn đổi vì bình an là một bảo vật vô giá.

Lời cầu nguyện xin Chúa ban bình an cho năm mới:

Lạy Thiên Chúa là Chúa Xuân.

Trong ngày đầu Xuân hôm nay

xin Chúa chúc lành cho Quê hương, Giáo hội Việt Nam

và cho người dân Việt chúng con.

Nguyện xin Chúa chúc lành cho ông bà, cha mẹ,

chú bác, cô dì, cậu mợ, anh chị em, họ hàng chúng con.

Xin Chúa ban bình an cho đời chúng con. Amen.

Lm Trần Bình Trọng