CN_2_PS_C_copy_copy_copyChúa Nhật 2 Phục Sinh, Năm C

Kính lòng thương xót của Chúa

Cv 5:12-16; Kh 1:9-11a, 12-13, 17-19; Ga 20:19-31

Có bao giờ ta cảm thấy như Chúa đi vắng, khi ta cần đến Người ra tay cứu chữa không? Có bao giờ ta tự nghĩ: nếu Chúa quyền năng quyền phép, sao Chúa không làm phép lạ như Chúa đã làm trong thời Cựu ước hay thời các thánh tông đồ cho người ta tin tưởng? Có bao giờ ta tự hỏi: nếu Chúa quan tâm đến đời sống con người, sao Chúa cứ để cho những thiên tai và tai hoạ xẩy ra trong thế giới như động đất, bão táp, lụt lội, giông tố, đắm tàu, rớt máy bay, dịch bệnh khiến hàng trăm, hàng ngàn người phải chết không? Có bao giờ ta động lòng trắc ẩn khi thấy trẻ em vô tội cũng phải chịu bệnh hoạn tật nguyền không? Có bao giờ ta đặt câu hỏi tại sao có những phạm nhân phạm pháp, gây thiệt hại, tang thương, chết chóc cho bao sinh linh mà họ cứ ngang nhiên tái phạm không? Nếu Chúa hiện hữu, sao Chúa không sát phạt để chận đứng những tội ác của họ? Sao bao nhiêu người ta quen biết chết đi cách lặng lẽ, mà không thấy có dấu hiệu cho thấy linh hồn họ bất tử? Không ít thì nhiều trong đời sống có những lúc ta hồ nghi, đặt câu hỏi về sự hiện diện của Chúa như là không biết Chúa có hiện hữu thật không, không biết việc giữ đạo Chúa có mang lại ích lợi gì cho bản thân không?

Như vậy thì xem ra ta cũng giống như ông Tôma phần nào đó. Khi các tông đồ loan báo cho ông là Chúa đã hiện ra với họ, ông Tôma nhất định không tin. Cũng giống như ông Tôma, đức tin của ta xem ra có vẻ dễ dàng khi mà mọi sự xẩy ra theo đường lối và chương trình của ta, khi ta có thể nhìn thấy những dấu chỉ có Chúa quan phòng. Tuy nhiên một lúc nào đó khi sóng gió bão táp trong tâm hồn nổi dậy, khi bóng tối bao trùm tâm trí ta. Và đó chính là lúc mà đức tin của ta bị thử thách như thánh Tôma trả lời các tông đồ: Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin (Ga 20:25).

Ông Tôma được gán cho biệt hiệu là người hồ nghi. Tuy vậy, ông là người có óc thực tế và thực tiễn. Người có óc thực tế và thực tiễn thì ưa thích những gì sát với cuộc sống và thích áp dụng lí thuyết vào cuộc sống. Có lần khác khi Chúa Giêsu nói: Thầy đi đâu, thì anh em biết đường rồi (Ga 14:4). Ông Tôma liền thắc mắc là không biết Thầy mình đi đâu thì làm sao biết đường (c.5). Thắc mắc của ông Tôma cho thấy ông không muốn bị lạc lối. Chúa Giêsu trả lời cho ông Tôma chính Ngài là đường  (c. 6).

Lần này khi ông Tôma đòi những dẫn chứng cụ thể về việc Chúa phục sinh, thì Chúa đã chiều ông đến độ đích thân hiện ra với ông và nói với ông, để ông thấy và nghe và sờ vào vết thương trên mình Người để cứu vãn đức tin của ông hầu như đã bị dập tắt. Còn các tông đồ khác, lúc đầu cũng tỏ ra hồ nghi khi bà Maria Mác-đa-la loan báo về việc Chúa không còn trong mồ nữa mà đã sống lại. Các ông cho rằng đó là sản phẩm của trí tưỏng tượng đàn bà. Khi nhìn thấy Chúa hiện ra với các ông, các tông đồ mới tin.

Sống trong thời đại mà mọi sự xem ra phải đặt thắc mắc và thử nghiệm, khiến cho người ta có cảm tưởng không chắc về nhiều phương diện trong đời sống. Sống đức tin mà không giải đáp được những vấn nạn trong cuộc sống, thì không phải là chuyện dễ. Khi mà xã hội trở nên phức tạp thì khiến cho việc giữ đức tin vào giáo lí truyền thống trở nên khó khăn hơn. Khi mà người ta sống trong một xã hội đa chủng, đa diện, đa văn hoá, đa tôn giáo như vậy với nhiều chủng tộc, màu da, tôn giáo, văn hoá, ngôn ngữ và triết lí sống xem ra như mời gọi người ta thử xem thế nào. Thấy lối sống của người khác xem có vẻ có gia vị hấp dẫn hơn nếp sống đức tin thường ngày đều đặn của ta, ta sẽ bị cám dỗ muốn thử nếp sống đạo của người khác xem sao. Trong một xã hội như vậy thì có nhiều tiếng mời gọi từ báo chí, sách vở, truyền thanh, truyền hình, phim ảnh, mạng tin bảo ta điều gì phải tin, điều gì không nên tin, điều gì nên làm, điều gì không nên làm, điều gì cần phải được xét lại.

Sống đức tin là học để sống với những nghi ngờ, những thắc mắc, những bực mình, khó chịu trong đời sống. Ðức tin không tuỳ thuộc vào việc hiểu biết những chân lí mạc khải về đạo giáo vì đức tin và hiểu biết thuộc hai lãnh vực khác nhau. Ðức tin không phải là sự vật gì ta có thể nắm chắc trong tay hay bỏ vào hộp an toàn để trong nhà băng hay bỏ vào bình sành chôn dưới đất, nhưng phải được tiếp tục tìm kiếm và bảo toàn. Ðức tin không bảo đảm cho người tín hữu một đời sống miễn trừ khỏi những vấn nạn và trắc trở của cuộc sống. Ðiều mà đức tin có thể mang lại là giúp người tín hữu nhìn sự vật dưới ánh sáng chân lí và chiều kích siêu nhiên.

Như vậy nếu có những lúc ta cũng hồ nghi, thì đừng vội trách thánh Tôma. Nhờ sự hồ nghi của thánh Tôma mà ta có được một công thức tuyên xưng đức tin tuyệt vời mỗi khi ta cũng hồ nghi về điều gì đó trong đạo Chúa. Ngay cả những người có đức tin mạnh mẽ cũng có lúc hồ nghi như mẹ Têrêsa, sáng lập dòng Nữ Thừa sai Bác ái cũng có lúc hồ nghi và gặp khủng hoảng về đức tin, mà chỉ được khám phá ra trong tập nhật kí sau khi Mẹ  qua đời. Khi hồ nghi, ta cũng có thể kêu lên như thánh Tôma: Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con (Ga 20:28). Lời bộc phát của thánh Tôma bao hàm ba ý nghĩa. Trước là nói lên sự bất xứng cho thái độ cứng lòng tin của mình. Thứ đến là bầy tỏ sự vui mừng vì được thấy Thầy mình sống lại. Sau là tỏ lòng biết ơn Thầy đã đích thân hiện ra để cứu vãn đức tin của mình đã bị dập tắt. Sau khi đức tin được đổi mới, thánh Tôma sang mãi tận Ấn độ, xa hơn hết bất cứ tông đồ nào khác, để làm chứng cho việc Chúa sống lại và rao giảng Tin mừng cứu rỗi. Ðó là lí do tại sao thánh Tôma tông đồ được nhận làm bổn mạng nước Ấn độ và Tây Hồi.

Khi đức tin bị khủng hoảng, ta nên làm những buổi tĩnh tâm/cấm phòng để đổi mới đức tin. Ta cũng nên giàn xếp đi thăm viếng những nơi hành hương nổi tiếng như Đất Thánh, Toà Thánh Vaticanô, hay một trong hai nơi Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức và Fatima để làm tăng triển đức tin. Viếng thăm những nơi mà Chúa Giêsu đã ở hay đã đến hoặc những nơi mà Chúa đã ban quyền năng cho Đức Mẹ làm phép lạ, khách hành hương sẽ cảm nghiệm được lời Chúa mà mình đã nghe hay đã đọc trở nên sống động. Đến thăm công trường thánh Phêrô, thủ đô của Giáo hội, nhìn hai hàng cột vĩ đại vòng bán nguyệt vây quang công trường, khách hành hương nhận ra được tính cách phổ quát và hiệp nhất của Giáo hội như đang giang hai tay ôm ấp đàn con từ khắp tứ phương trở về, khiến cho lòng yêu mến Giáo hội được hồi sinh và căn tính công giáo được tăng triển. Đến Lộ Đức hay Fatima, thấy khách hành hương, nhất là những khách bệnh nhân biểu lộ đức tin của họ trong cách thế cầu nguyện và thờ phượng với đầy lòng tin tưởng và khiêm tốn, người cùng hành hương cũng cảm thấy mình được lôi cuốn vào bầu khí đức tin và do đó nếu đức tin có nguội lạnh đi, thì cũng được hun đúc lại.

Chúa Nhật hôm nay được chỉ định là Chúa Nhật tôn kính Lòng Thương Xót của Chúa. Theo nhật kí ghi lại, năm 1931, Chúa Giêsu hiện ra với chị Faustina Kowalska, một nữ tu Ba lan, với lực học sơ cấp, thuộc Dòng Ðức Mẹ Thương xót, bảo chị cổ võ lòng thương xót của Chúa. Chúa còn bảo nữ tu cho hoạ lại bức ảnh của Chúa như chị vừa thấy với kí hiệu: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa. Rồi Chúa bảo chị làm tuần cửu nhật bắt đầu từ Thứ Sáu Chịu nạn bằng cách đọc chuỗi thương xót: Vì cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con và toàn thế giới như khi lần hạt mà đọc kinh Kính mừng vậy.

Lời nguyện theo kinh đọc ngày thứ chín của Tuần cửu nhật kính Lòng thương xót Chúa (1):

Lậy Chúa Giêsu đầy lòng thương xót,

xin Trái Tim Chúa che chở các linh hồn nguội lạnh.

Mặc dầu họ đã làm cho Chúa ngao ngán,

nhưng xin Chúa ban ơn cho họ trở nên lò lửa sốt mến.

Ôi lạy Chúa Giêsu đầy nhân hậu,

xin dủ lòng thương xót bao la,

để lôi kéo họ trở về tình yêu nồng cháy của Chúa,

và xin Chúa ban cho họ tình yêu thánh thiện,

cậy vì không có gì vượt trên quyền năng của Chúa. Amen.

Lm Trần Bình Trọng

__________________________

  1. Bản dịch kinh của Văn Phòng Mục Vụ Tông Ðồ Fatima Việt Nam tại Hoa Kì từ bản Anh ngữ

Marians of the Immacualate Conception/ Association of Marian Helpers, Stockbridge, MA