CN_27_Thuong_NienChúa Nhật 27 Thường Niên, Năm C

Kb 1:2-3; 2:2-4; 2Tm 1:6-8, 13-14; Lc 17:5-10

Trong đời sống hằng ngày, người ta có thể gặp những người rất dễ tin vào lời nói của người khác. Kết quả là họ hay bị lừa gạt và lợi dụng.

Ðàng khác có những người lại hay đa nghi và ngờ vực lời nói của tha nhân. Kết quả là họ khó tìm đến với tha nhân. Phúc âm hôm nay kể lại: các tông đồ xin Chúa thêm nhân đức tin, khi các ông gặp khó khăn và thách đố trong việc làm môn đệ. Ngay trước đó các ông được Chúa bảo phải tha đến cả bảy lần mỗi ngày. Các ông nghĩ rằng nếu có thêm đức tin, thì mọi sự sẽ được dễ dàng, tốt đẹp mà không còn vấn đề. Chúa Giêsu liền chỉ cho họ thấy rằng họ đã hiểu sai về đức tin.

Vấn đề ở đây không phải là người ta cần có thêm đức tin, nhưng là cần phẩm chất của đức tin, nghĩa là cần có đức tin vững mạnh và kiên trì. Người có đức tin vững mạnh vào Chúa thì không tin tạp nham hay nhảm nhí, không tin vào bói quẻ, vào vận may rủi. Người có đức tin vững mạnh vào Chúa cũng không vội vã tin và tìm đến viếng những nơi mà người ta đồn thổi vừa có phép lạ xẩy ra, nhưng chờ đợi xem thực hư thế nào. Người tín hữu tin Chúa có quyền năng làm phép lạ, nhưng không phải hễ ai nói có phép lạ vừa xẩy ra tại nơi nọ nơi kia, ta cũng vội tin theo.

Hôm nay Chúa Giêsu khuyên các tông đồ nên dùng đức tin nhỏ bé sẵn có để đối phó với những thử thách của cuộc sống và làm những việc vĩ đại: Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: hãy bật dễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em (Lc 17:6). Ngày nay kiểu Chúa nói ở đây có thể không quen thuộc với người đương thời. Tuy nhiên vào thời các thánh tông đồ thì những hình ảnh sống động như trong kiểu nói này lại rất hữu hiệu để nói lên sức mạnh của đức tin. Người có đức tin mạnh cũng đã làm được những việc cả thể. Chẳng hạn thánh Phêrô đã vâng lệnh Chúa đi trên biển. Ông ta chỉ chìm xuống khi bắt đầu hồ nghi mà thôi.

Tin là chấp nhận cuộc sống với những khó khăn, trắc trở mà mình không lường trước được. Có bao giờ ta cảm thấy như không có Chúa hiện hữu khi những tai hoạ thiên nhiên như bão tố, lụt lội, động đất liên tiếp xẩy ra làm thiệt hại đến sinh mạng và tài sản của hàng trăm, hàng ngàn người không? Có bao giờ ta cảm thấy như Chúa đi vắng hay ngủ quên khi những bất công và tội ác tràn lan trong xã hội loài người? Có bao giờ ta cảm thấy như là Chúa vô tâm khi ta phải mang bệnh tật nan trị, khi ta bị vu oan cách vô cớ? Có bao giờ ta cảm thấy như là Chúa bỏ rơi khi ta bị người bạn thân hay người yêu phản bội? Nếu vậy thì không phải chỉ có ta mới cảm thấy như vậy mà thôi.

Ðó là những khó khăn, thử thách mà ngôn sứ Khabacúc cũng phải đối phó. Vị ngôn sứ phàn nàn với Chúa về những bất công và sự dữ của thời đại và kêu xin Chúa giúp. Chúa làm ngơ. Cuối cùng Chúa chỉ cho Khabacúc về hiệu lực của đức tin: Người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình (Kb 2:4). Còn thánh Phaolô trong thư gửi Timôthêô căn dặn họ phải canh giữ đức tin và bền vững trong việc tuân giữ lời hứa khi chịu Phép Rửa tội (2Tm 1:13).

Tin vào Chúa là sẵn sàng làm theo ý Chúa, để Chúa làm chủ đời sống và chỉ biết tìm kiếm vinh danh Chúa. Tuy nhiên trong thực tế ta thường giữ đạo theo lối tính toán: có đi có lại. Ðó là những khi ta mặc cả hoặc đòi điều kiện với Chúa như khi nói: Nếu con phụng sự Chúa, nếu con làm việc nọ việc kia cho Chúa, thì con sẽ được phần thưởng gì? Người ngoại giáo trong đế quốc La mã thời xưa tôn thờ, khấn vái chư thần của họ trong lối mặc cả có đi có lại 'do ut des'.

Còn bổn phận người con hiếu thảo với Chúa không thể nằm trong lối mặc cả ti tiện đó. Nếu cha mẹ không thích lối mặc cả của những đứa con khi làm việc nọ việc kia như quét nhà, đổ rác để được phần thưởng, thì Thiên Chúa cũng không ưa gì lối mặc cả đó của ta. Cha mẹ thí dỗ con làm việc để lãnh phần thưởng, có thể sẽ tạo ra những đứa con sau này, cũng mặc cả ngay cả với Chúa khi làm việc phụng sự Chúa và phục vụ đồng loại như vậy. Người ta không thể hi vọng đời sống của mình sẽ được biến đổi và thăng tiến hoá, nếu người ta mặc cả với Chúa để được hưởng giá rẻ trong việc làm môn đệ.

Nếu ta sống trọn niềm tin thì khi làm việc phụng sự Chúa, ta không được nghĩ rằng: ta làm ơn cho Chúa, mà chỉ tâm niệm rằng mình đang làm bổn phận người con thảo như Chúa bảo các tông đồ: Chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi (Lc 17:10). Kể công và đặt điều kiện là cách thương lượng của những người ngoại cuộc. Còn đối với người con thảo trong nhà thì không cần mặc cả, cũng không đặt điều kiện.  Nếu người cha ruột thịt thương yêu, săn sóc và lo liệu cho đứa con hiếu đễ, thì Thiên Chúa cũng lo liệu, săn sóc và yêu thương những người con hiếu thảo và quảng đại.

Thánh Phêrô có lần thưa với Chúa: Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ những gì là của mình mà theo Thầy (Lc 18: 28). Lời phát biểu của thánh Phêrô không phải để mặc cả với Chúa, vì các tông đồ đã đi theo Chúa rồi mà không đặt điều kiện, cũng không phải để kể công, nhưng chỉ nói lên một sự kiện, nhân khi Chúa bảo người thanh niên giàu có bán gia tài đi mà theo Chúa. Vì thế mà Chúa ghi nhận những hi sinh cố gắng của Phêrô và các tông đồ: Chẳng hề có ai bỏ nhà, bỏ vợ, anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa, mà lại không được gấp bội ở đời này, và không được sự sống vĩnh cửu ở đời sau (Lc 18:29-30).

Lời cầu nguyện xin cho đức tin được tăng trưởng:

Lạy Chúa, con cảm tạ đội ơn Chúa

đã ban cho con được ơn nhận lãnh đức tin

qua cha mẹ và người đỡ đầu trong Bí tích Rửa tội.

Xin tha thứ những lần con coi đó là việc ngẫu nhiên,

những lần con giữ đạo một cách máy móc

theo hình thức cho qua lần chiếu lệ.

Khi con gặp khủng hoảng về đức tin,

xin giúp con qua cơn thử thách.

Khi bóng tối bao trùm tâm trí con,

xin chiếu dọi ánh hào quang

để con lại được bước đi trong ánh sáng chân lí. Amen.

Lm Trần Bình Trọng