Chúa Nhật 7 Phục Sinh, Năm C

Cv 7:55-60; Kh 22:12-14, 16-17, 20; Ga 17:20-26

Biết trước rằng các môn đệ sẽ gặp khó khăn trên đường đi tới sự hiệp nhất nên trong Phúc âm hôm nay Chúa cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất trong một đức tin. Không những Chúa chỉ cầu nguyện cho các tông đồ được hiệp nhất, nhưng còn cầu nguyện cho những ai tin tưởng vào lời giảng dạy của các tông đồ:

Lạy Cha, con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta (Ga 17: 20-21).

 Chúa cầu nguyện cho họ vì họ sẽ bị bách hại do lòng tin tưởng vào Chúa như Tê-pha-nô đã chịu tử đạo tiên khởi vì tin vào Chúa. Khi bị ném đá, Tê-pha-nô quì xuống kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này (Cv 7:60). Ngoài thánh Tê-pha-nô tử đạo, còn có hàng trăm ngàn những vị tử đạo khác trên thế giới đã đổ máu ra để làm chứng cho đức tin vào Chúa.

 Chúa cầu nguyện cho họ để họ được hiệp nhất, được trở nên một như chúng ta là một (c. 22). Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta đều thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Ngày nay có nhiều giáo phái Kitô giáo khác nhau trên thế giới. Phái nào cũng tự nhận là theo đường lối của Chúa một cách trung thành. Ngay cả trong một giáo hội, cũng có chia rẽ và phe phái.

 Việc chia rẽ giữa thế giới Kitô giáo là cớ vấp phạm cho người ngoài Kitô giáo. Việc chia rẽ giữa thế giới Kitô giáo khiến cho việc rao giảng phúc âm không được hấp dẫn và lôi cuốn. Người ngoài Kitô giáo có thể đặt câu hỏi chẳng hạn như hỏi tại sao những người Kitô giáo mà không tin điểm nọ điểm kia về đạo Kitô, thì làm sao mong người ngoài Kitô giáo tin được? Việc chia rẽ giữa thế giới Kitô giáo còn khiến cho công việc bác ái phục vụ kém hiệu quả như câu tục ngữ dạy: Một cây làm chẳng nên non, hai cây chụm lại thành hòn núi cao.

 Để được hiệp nhất, người ta cần có lòng khiêm tốn, biết dẹp bỏ tự ái và biết tha thứ để có thể làm việc thờ phượng, việc rao giảng tin mừng cứu độ và việc phục vụ trong tinh thần cộng tác.

 Hôm nay người tín hữu cần nhận thức rằng hiệp nhất không chỉ có nghĩa là đồng nhất, nhưng còn có thể hiệp nhất trong đa diện nữa. Trong quá khứ, người công giáo hãnh diện về tính cách đồng nhất trong Giáo hội như thánh lễ được cử hành bằng một thứ tiếng La- tinh trên khắp thế giới, nghi lễ cũng như bối cảnh trên cung thánh đều giống nhau. Trong hiện tại, người công giáo cũng phải hãnh diện về tính cách đa diện của Giáo hội. Thánh lễ ngày nay được cử hành bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới, kiến trúc và cách thiết kế trên cung thánh cũng khác nhau khiến cho những tác động phụng vụ di chuyển trên cung thánh giữa các phần phụng vụ cũng khác nhau. Trong những vấn đề không thuộc phạm vi bí tích, tín lí và luân lí, Giáo hội còn cho phát triển tính cách trăm hoa đua nở. Vẻ trăm hoa đua nở trong Giáo hội không có nghĩa là chia rẽ phân tán, nhưng chỉ là khác biệt trong sự hiệp nhất. Sau Công đồng Vaticanô II, người ta thấy nhiều điều trong Giáo hội được thay đổi. Tuy nhiên Giáo hội chỉ có thể thay đổi những gì không thiết yếu. Còn những điều thiết yếu trong Giáo hội không thể nào được thay đổi.

 Người tín hữu đang sửa soạn mừng lễ Chúa Thánh thần hiện xuống. Cùng với Giáo hội, ta cầu nguyện xin Chúa Thánh thần ban ơn hiệp nhất trong Giáo hội, để tất cả mọi phần tử trong Giáo hội được hiệp nhất trong một nhiệm thể mầu nhiệm mà Chúa Kitô là đầu.

 Lời cầu nguyện xin cho các giáo phái Kitô giáo được hiệp nhất:

 Lạy Chúa Giêsu Kitô!

Trong lời cầu nguyện hiến tế,

Chúa cầu nguyện cho các môn đệ được hiệp nhất làm một.

Không những Chúa chỉ cầu nguyện mà thôi,

Chúa còn chịu chết để nhân loại được giao hoà với Thiên Chúa.

Xin dạy con biết cầu nguyện

cho các giáo phái Kitô giáo được hiệp nhất

để nhân loại được nhận biết rằng

Chúa được sai đến cứu chuộc thế gian. Amen.

 Lm Trần Bình Trọng