CN_30_TN_CChúa Nhật 30 Thường Niên, Năm C

Hc 35:12-14, 16-18; 2 Tm 4:6-8, 16-18; Lc 18:9-14

Hai nhân vật trong dụ ngôn Phúc âm hôm nay tượng trưng cho hai lớp người thời Thánh kinh Tân ước về việc cầu nguyện: người Pharisêu và người thu thuế. Người Pharisêu thuộc phe biệt phái, nằm trong Do thái giáo. Sử gia Josephus ước lượng có chừng sáu ngàn người Pharisêu thời vua Hêrôđê. Họ hay phê bình chỉ trích, bắt bẻ và chống đối Chúa Giêsu và các môn đệ Chúa. Chúa Giêsu cũng thường cảnh giác họ, gọi họ là nhóm giả hình vì họ đi lạc đường lối, toan nô lệ hoá con người bằng việc giữ tập tục bề ngoài của tiền nhân. Họ giữ luật theo hình thức bên ngoài, mà tâm hồn thì xa Chúa, và còn sống đời bất công. Thánh sử Mát-thêu dành cả một chưong (Chương 23) ghi lại tội giả hình của nhóm Pharisêu và khiển trách họ.

Còn người thu thuế là người đánh thuế cho đế quốc La mã. Người La mã cai trị người Do thái thời bấy giờ, không đánh thuế dân bị trị một cách trực tiếp. Họ cho dân bản xứ đấu thầu những trạm thuế trọng yếu khác nhau tại mỗi địa phương. Ai đấu giá thầu cao nhất thì người đó được quyền thu thuế cho họ. Người trúng thầu phải nộp cho chính quyền La mã số tiền thuế được ấn định. Thường thì người thu thuế thu nhiều hơn số tiền thuế được ấn định và họ được bỏ túi số tiền thặng dư. Vì thế mà người thâu thuế bị dân chúng coi rẻ và khinh miệt vì không những họ đánh thuế cắt cổ mà còn thu thuế cho chính quyền ngoại bang đang cai trị họ. Những người thu thuế trong Phúc âm bị khinh miệt trong xã hội và còn bị liệt vào phường tội lỗi. Họ bị coi là phản dân, phản nước vì họ cộng tác với chính sách thuộc địa.

Dụ ngôn kể lại hai người cùng lên đền thờ cầu nguyện. Tuy nhiên có một sự khác biệt lớn trong cách thế và thái độ cầu nguyện của mỗi người. Đứng thẳng người trong đền thờ, người Pharisêu kể công với Chúa, tạ ơn Chúa cho việc tự công chính hoá chính mình, không như bao người khác về tội: tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như người thu thuế kia (Lc 18:11). Người Pharisêu tự khen mình đã ăn chay hai lần một tuần và dâng cúng mười phần trăm lợi tức cho Ðền thờ, còn hơn cả luật đòi hỏi.

Tuy nhiên Chúa Giêsu lại bảo lời cầu nguyện của người Pharisêu không được đẹp lòng Chúa. Tại sao vậy? Cầu nguyện bao gồm việc ăn năn xám hối, thờ phượng, cảm tạ và xin ơn. Những lời mà người Pharisêu nói với Chúa có hình thức cầu nguyện, nhưng thực ra chỉ là những lời tự bốc thơm. Người Pharisêu cất tiếng tạ ơn Chúa, nhưng lời tạ ơn không phát xuất từ lòng khiêm tốn trước mặt Chúa, không muốn tuỳ thuộc vào Người, nhưng tự khen mình, tự công chính hoá chính mình, coi mình như là mẫu mực cho người khác  sống và hành động.

Thánh Phaolô trước khi trở lại, cũng là người Pharisêu hạng nặng: cũng kiêu căng, tự phụ, háo danh. Sau khi trở lại, Phaolô đã đổi hẳn toàn diện con người. Lúc này, Phaolô nhận thức rằng mình tuỳ thuộc vào Chúa trong mọi sự. Trong thư gửi Timôtêô, thánh Phaolô xem ra còn mang Pharisêu tính: Tôi đã đấu trong cuộc chiến đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2Tm 4:7-8). Tuy nhiên thánh Phaolô nhận thức rằng những thành quả đạt được là do ơn Chúa, khi viết: Chúa đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành (2 Tm 4:7).

Khác với người Pharisêu, người thu thuế trong Phúc âm đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, nhưng đấm ngực ăn năn, xin Chúa thương xót: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi (Lc 18:13). Bị liệt vào hàng tội lỗi vì đánh thuế nặng để lấy tiền thặng dư và bị coi rẻ vì thu thuế cho chính phủ ngoại bang, người thu thuế ý thức về tội công khai của mình nên xin Chúa thương xót. Người thu thuế đến với Chúa tay không, nghĩa là không có gì để tự hào, ngoại trừ tội tham lam, nên cảm thấy nhu cầu cần Chúa tha thứ. Trong lời cầu nguyện, người thu thuế xưng mình là kẻ tộị lỗi, biểu lộ lòng khiêm tốn và tâm tình sám hối, xin Chúa xót thương tha thứ. Do đó Chúa Giêsu bảo người thu thuế: Khi trở xuống mà vế nhà, thì đã được nên công chính (c. 14). Bài trích sách Huấn Ca hôm nay cho thấy niềm tin của người Do thái về đường lối không vị nể của Thiên Chúa, cho nên Người nghe lời cầu của người nghèo hèn, người bị áp bức, người mồ côi, goá bụa (Hc 35:12-14).

Người tín hữu đơn thành và khiêm tốn nhận ra nhu cầu ăn năn xám hối tội lỗi để xin được ơn tha thứ. Mỗi người sinh ra tại đời này đều mang tội, nhưng phải luôn cố gắng đạt tới hoàn thiện. Ðó là lý do tại sao Chúa cứu thế đến kêu gọi người tội lỗi trở lại.

Hôm nay mỗi người cần tự xét về cách thế cầu nguyện và thái độ cầu nguyện của mình. Nếu ta thấy mình cầu nguyện kiểu như người Pharisêu: Lạy Chúa con không như người nọ người kia, con không bỏ lễ Chúa nhật, không lường gạt, không ngoại tình .., thì lời cầu nguyện của ta đã có gì sai lệch, có gì tự phụ và giả hình. Thực tế trước mặt Chúa, thì không ai có quyền tự nhân danh mình để mặc cả với Chúa. Ta không liệt kê những việc đạo đức hay thiện hảo đã làm với hi vọng Chúa sẽ đối xử khoan dung nhân hậu với ta. Thái độ không nhận chân những yếu hèn và tội lỗi của mình là những chướng ngại vật làm cản trở ơn thánh đến với ta.

Ðể được Chúa nhậm lời, lời cầu nguyện của ta phải là lời cầu nguyện chân thành của người khiêm tốn và có lòng xám hối. Theo kinh nghiệm của những nhà dẫn đàng thiêng liêng và của các vị linh mục giải tội hiểu biết, thì khi mối liên hệ của người ta với Chúa chưa được gần gũi và thân mật, người ta sẽ xưng tội một cách hời hợt, chỉ xưng những điều sai trái mình đã làm. Còn khi mối liên hệ của con người với Chúa đã trở nên gần gũi thân mật, người ta sẽ xét tội một cách kỹ lưỡng hơn, xét mình và xưng cả những tội về tư tưởng và thái độ, và những tội mình đã bỏ qua không làm như là những gì mình phải làm cho Chúa và cho tha nhân mà đã không làm.

Lời cầu nguyện xin cho được lòng khiêm hạ khi cầu xin:

Lạy Chúa Giêsu nhân lành!

Qua những bài học của người khiêm tốn

trước mặt người đời cũng như trước mặt Chúa,

họ thường nhận được những ân huệ mà họ kêu xin.

Xin dạy con biết khiêm hạ trước mặt Chúa,

nhận chân được thân phận yếu hèn và tội lỗi mình,

hầu bầy tỏ nhu cầu cần Chúa

để được Chúa thương ban ơn cứu giúp. Amen.

Lm Trần Bình Trọng