CN_32_TN_CChúa Nhật 32 Thường Niên, Năm C

2 Mcb 7:1-2, 9-14; 2 Tx 2:16-3:5; Lc 20:27-38

Nếu đời này là cùng đích và là cứu cánh của con người, thì nhiều sự việc xẩy ra ở trần thế là bất công, khi người gian ác được giầu sang, mạnh khoẻ; còn người hiền đức lại phải sống cảnh nghèo khó, bệnh tật. Nếu không có đời sau thì người ta phải tận hưởng những sự vật đời này cho tới mức tối đa, người ta phải tìm ăn ngon, mặc đẹp và kiếm tìm những thú vui cho thoả mãn ở đời này. Người theo các tôn giáo lớn như Phật Giáo, Ấn Giáo và Hồi Giáo đều tin có một kiếp sống nào đó ở đời sau. Còn đối với người Thiên Chúa Giáo, thì việc trải qua từ đời này sang đời sau, được gọi là phục sinh hay sống lại.

Nhóm người Xa Ðốc dựa vào sách Thứ luật, không tin vào sự sống lại vì bổn sách không đề cập tới. Hôm nay lợi dụng cơ hội hiếm có, nhóm Xa Ðốc lại đặt vấn đề về sự sống đời sau với Chúa Giêsu, và họ đặt câu hỏi cách tài tình, nhưng lại mưu mô. Họ dựa vào luật Thế huynh nối dòng trong sách Thứ luật (Ðnl 25:5-6) để bịa ra câu chuyện như sau. Một người đàn bà có bảy đời chồng là bảy anh em ruột. Người đàn bà cưới người anh cả, rồi người anh cả chết đi, không con. Chị ta bèn phải lấy người em thứ hai, rồi người này cũng chết mà không con. Và sự việc cứ xẩy ra như vậy cho tới người thứ bảy, mà không ai có con. Sau cùng người đàn bà cũng chết. Vậy nếu bảo rằng có sự sống đời sau, thì ai sẽ là chồng chị trong kiếp sống mai hậu? Nhóm người Pharisêu không trả lời được vấn đề này vì theo họ thì đời sau, người ta cũng cưới hỏi như đời này.

Thực ra thì nhóm Xa Ðốc không quan tâm ai sẽ là chồng của người đàn bà trong cuộc sống đời sau. Vấn đề thắc mắc về hôn nhân chỉ là cạm bẫy họ dùng để bắt bẻ Chúa Giêsu về sự sống đời sau. Tại sao họ phải dựng câu chuyện về bảy người chồng như vậy? Trong trường hợp này, họ chỉ cần trưng ra hai người chồng thì cũng đủ biện minh cho lí lẽ của họ. Trưng ra bảy người chồng có lẽ họ muốn nói đến bảy anh em trong sách Macabêô đã chết vì tin theo Chúa với hi vọng được sống lại chăng (2 Mcb 7:9)?

Theo sách Macabêô thì người Do Thái từ thế kỉ thứ hai trước Chúa Giêsu giáng sinh đã tin có sự sống lại. Tuy vậy không phải hết mọi người Do thái thời đó đều tin có sự sống đời sau như nhóm người Xa Ðốc. Nhóm Xa Ðóc chỉ nhận bộ sách Ngũ kinh, trong đó sách Thứ luật không bàn gì về sự sống lại. Họ không công nhận những sách khác trong Cựu ước, gồm sách Macabêô có ghi lại niềm tin của bảy anh em về sự sống lại.

Ðến đây thì Chúa giải thích cho nhóm người Xa đốc hiểu rằng, theo chương trình quan phòng của Thiên Chúa, thì kiếp sống đời sau khác hẳn thực tại của kiếp sống đời này. Mối liên hệ mật thiết nhất ở đời này là tình luyến lái trong đời sống hôn nhân cũng không còn cần thiết cho đời sau (Lc 20:34), vì một trong những mục đích của hôn nhân là tìm sự luyến ái vợ chồng để nâng đỡ nhau về đời sống tình cảm và để sinh con đẻ cái, đã được hoàn tất ở đời này rồi.

Trong cuộc sống đời sau trên thiên quốc, người ta được hưởng nhan thánh Chúa cách trực tiếp và sung mãn (c. 36), nên tình nghĩa vợ chồng không còn cần thiết nữa. Trong cuộc sống mai hậu, người ta cũng không cần ăn uống và do đó cũng không có nhu cầu đi vệ sinh. Phúc âm thánh Luca có ghi: sau khi sống lại, các tông đồ đưa cho Chúa một nhát cá nướng, rồi Chúa cầm lấy mà ăn (Lc 24:42-43). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng ghi: sau khi sống lại Chúa cùng ăn uống với các tông đồ (Cv 10:41). Việc Chúa ăn uống ở đây là vì các tông đồ, chứ trong thân thể phục sinh của Chúa, Chúa không cần ăn uống. Việc Chúa ăn ở đây giống như thiên sứ Ra-pha-en ăn, rồi trả lời cho hai cha con ông Tôbít và Tobia: Các ngươi đã thấy tôi ăn, nhưng thực ra tôi không ăn gì cả, đó chỉ là một thị kiến mà các ngươi thấy (Tb 12:19).

Khi có người thắc mắc kẻ chết sống lại sẽ lấy thân thể nào mà trở về (1 Cr 15:35), thánh Phaolô trả lời thân xác phục sinh khác thân xác trước kia như sau: Gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà chỗi dậy là thân thể có thần khí (1 Cr 15:44). Đó là lí do tại sao các tông đồ lúc đầu không nhận ra Chúa phục sinh khi Người hiện ra với các ông (Lc 21:16, 37; Ga 20:14; Ga 21: 4) vì theo thánh Mác-cô: Chúa tỏ mình dưới một hình dạng khác (Mc 16:12), nghĩa là hình dạng đã biến đổi.

Ðể thuyết phục nhóm Xa Ðốc sao cho họ xác tín về sự sống lại, Chúa Giêsu còn trích dẫn đoạn Thánh kinh trong sách Xuất hành về việc ông Môsê, khi được Chúa hiện ra đã tuyên xưng: Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp (Xh 3:6;Lc 20:37). Vậy nếu Chúa là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, thì mặc nhiên ba tổ phụ này đã sống lại (c. 38). Nhóm Xa Ðốc biết nhiều về Thánh kinh nên họ đã chịu khuất phục trước lối cắt nghĩa của Chúa về việc sống lại. Và như thánh sử Luca ghi lại: Họ không dám chất vấn Người điều gì nữa (Lc 20:40).

Giáo lí công giáo dạy phục sinh không phải là một hình thức luân hồi. Giáo lí công giáo coi việc sống lại không phải chỉ dạy rằng con người có linh hồn bất tử. Theo lời Chúa trong Phúc âm hôm nay thì: Họ không thể chết nữa vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa vì là con cái sự sống lại (Lc 20:36). Và Chúa cũng đặt những điều kiện là: Những ai được xét xử là đáng được hưởng hạnh phúc đời đời (Lc 20:35) thì được hưởng sự sống lại.

Ðức tin và lí trí của người tín hữu đòi hỏi phải có sự sống lại. Ðức tin của người tín hữu  trong kinh Tin Kính tuyên xưng: Tôi tin xác sống lại và sự sống đời sau. Lí trí của ta đòi hỏi sự sống lại là vì ta được tạo dựng gồm cả hồn và xác để phụng sự Thiên Chúa. Nếu không có sự sống lại thì người tín hữu không cần cầu nguyện cho người quá cố, không cần xin lễ cầu nguyện cho linh hồn nọ, linh hồn kia. Nếu không có sự sống lại thì việc xin lễ cầu nguyện cho linh hồn nọ kia, là việc làm mất thời giờ uổng công. Theo Tín điều Các thánh cùng thông công của các công đồng Nicea II, Firenze và Triđentinô, mà Công đồng Vaticanô II gọi là Hiệp thông Sống động (Giáo hội # 51), thì người tín hữu tại thế có thể hiệp thông với các thánh trên trời và thông công với các linh hồn nơi luyện ngục bằng cách cầu nguyện hi sinh cho họ.

Trong tháng Các Linh hồn, người tín hữu nhớ đến các linh hồn nơi luyện ngục một cách đặc biệt bằng cách dâng lễ cầu nguyện. Ðặc biệt người tín hữu được nhắc nhở cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và thân bằng quyến thuộc và những linh hồn mồi côi. Nếu có ai hỏi vây phải cầu nguyện cho người quá cố tới bao giờ? Câu trả lời là tới bao lâu người tín hữu còn sống. Nếu linh hồn người quá cố mà ta cầu nguyện cho đã được lên thiên đàng, thì theo Tín điều Các Thánh cùng Thông công, mà Công đồng Vaticanô II gọi là Hiệp thông sống động, Thiên Chúa sẽ chuyển những lời cầu nguyện, lễ dâng và công hiệu thiêng liêng của việc hi sinh bác ái ta làm, cho những linh hồn khác nơi luyện ngục.

Lời cầu nguyện xin cho được hưởng sự sống lại:

Lạy Chúa, Chúa là vinh quang của các thánh

và là nguồn hi vọng của người tín hữu.

Xin cho những người tin tưởng vào Chúa

và tuân giữ giới răn Chúa khỏi phải thất vọng.

Xin dạy con biết tìm kiếm những của vững bền

để làm hành trang cho kiếp sống mai hậu.

Xin Chúa là gia nghiệp của con ở đời này và đời sau. Amen.

Lm Trần Bình Trọng