tiengviethuyendieu-gross2Qua nhiều tìm tòi nghiên cứu ông đã dùng những tài liệu có được, phân tích chứng minh sự liên hệ giữa Việt ngữ và Ngôn ngữ Lòai người. Một khám phá mới với những dẫn chứng rõ rệt, được ông đề cập đến trong sách đã làm ”rung động tam thiên đại thiên thế giới”: – ”Tôi khám phá ra câu nói cuối cùng của Chúa Jesus khi bị đóng đinh trên thánh giá là bằng tiếng Việt!”.

TIẾNG VIỆT HUYỀN DIỆU của Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang

UYÊN HẠNH đọc và giới thiệu

Cầm quyển Tiếng Việt Huyền Diệu trong tay tôi thực sự không biết phải bắt đầu ở đâu và chấm dứt thế nào. Một công trình nghiên cứu với một thời gian qua bao nhiêu năm dài tháng rộng của Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang đã cho thấy một sự đam mê mãnh liệt, không khỏi làm chúng ta có một nhận định: – Đây phải là một quyển sách có tính cách đặc thù. Chính vì thời gian nghiên cứu dài đăng đẳng nầy đã làm tôi có cái cảm giác ”mỏi gối chùn chân” tuy rằng chưa đi qua đọan đường trước mặt, là viết bài giới thiệu, mà sao đã thấy quá.. ngại ngần! Chẳng qua vì tôi sợ rằng trong vài trang giấy tôi khó có thể viết được cái nên viết khi giới thiệu một quyển sách hay và giá trị như thế nầy!

Nội dung quyển sách được viết thâu gọn trong bốn chữ không khỏi cho chúng ta một ấn tượng về Tiếng Việt phong phú của chúng ta với liên tưởng về những trích dẫn, những câu nói hay, những nguồn chữ đẹp, nói lên được cái tuyệt vời của thứ tiếng thân quen nầy của chúng ta.

Tiếng Việt là một ngôn ngữ gần với ta như đời sống. Nó cùng chào đời với chúng ta và nó biến mất khi ta không còn hiện hữu. Nó đã đến với ta ngay những giây phút đầu đời bằng tiếng khóc oa oa, và nó chỉ bỏ ta đi giữa những hơi thở cuối cùng của một sự sống. Nó là một món quà tuyệt diệu, là một phối hợp thần kỳ của cha mẹ, của đất trời, của xã hội. Nó đã có mặt trong đời sống của chúng ta không một giây phút nào tách rời. Nó quấn quýt lấy ta, nó nằm ngay trong tư tưởng, trong trao đổi, trong giao tiếp hằng ngày. Chính nó diễn đạt những rung động, những đau đớn, những tình cảm vơi đầy trong ta. Có nghĩa là ngay cả trong những gì đẹp nhất và thống khổ nhất. Đó là những khái niệm tôi có được, qua trình bày của tác giả Nguyễn Xuân Quang trong quyển sách nầy.

Đối với ta, nó đóng một vai trò quan trọng mật thiết như thế, vậy mà khi có nó, ta chưa hề nhận diện được nó. Ta chấp nhận nó như một điều hiển nhiên, một chuyện rất bình thường như không còn cái gì bình thường hơn được nữa. Ta đã không đón nhận và trân qúy nó như một món quà tuyệt đẹp trong đời mình. Chúng ta đã lãng quên và đôi khi còn lạm dụng nó. Ta đã hầu như không thấy được nó, cho dù chỉ bằng đôi mắt hững hờ!

Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang đã thấy được sự hiện hữu của nó, và ông đã trân trọng làm một cuộc trở về, đi tìm lại dấu tích cội nguồn và sau thời gian dài hạnh phúc của những tháng năm miệt mài cuốn hút trong hành trình đi lùi về những vết cũ tích xưa, ông đã sung sướng nhận diện được nó. Ông đã khoan khóai mở rộng vòng tay và trái tim ông ôm nó vào lòng, hãnh diện nói lên câu nói đơn giản chứa đựng cả một trời hạnh phúc: TIẾNG VIỆT HUYỀN DIỆU!

Đọc quyển sách nầy chúng ta thấy được, khởi đầu ông đã đi từ những sự kiện hết sức đơn giản, như phần khai triển các biến âm, láy, ghép trong ngôn ngữ Việt và từ đó ông đi sâu vào những phần phức tạp linh động hơn như Dịch lý và Việt ngữ cùng những liên hệ trong hiện tượng Nam hóa Việt ngữ. Ông đã giải thích và chứng minh một cách khoa học các liên hệ của những hiện tượng như thế, và ông lần lượt đi qua những nêu dẫn về Âm Dương trong ngôn ngữ Bắc Nam.

Một điểm dí dỏm trong lối viết lách của ông là có nhiều nơi chúng ta đọc được những từ thô tục trong tiếng Việt, là phần chưa hề hoặc hiếm có một tác gỉa nào đề cập đến nhiều trong những quyển sách được viết như một tài liệu văn sử học mà lại tự nhiên như thế. Cụ thể trong một việc bình dị nhất đó là khi ông giảng giải về nguồn gốc và liên hệ của một từ (tương đương với từ ”làm tình”) ông nêu dẫn về sự dùng chữ dị biệt với từ nầy của ba miền Nam, Trung, Bắc… và sự khác biệt của từ nầy ở thành thị và nơi thôn dã. Ông đã viết thật tự nhiên và trong sáng như nhánh lúa giữa đồng đang ngã nghiêng theo làn gió mát dưới bầu trời trong xanh đầy mây trắng. Tự nhiên và đơn giản qúa nên không làm người đọc có cái cảm nhận một tính chất lã lơi trong sự nghiêng ngã của nhánh lúa do từ sự khơi động của ngọn gió, trái lại chúng ta thấy được cái đẹp ẻo lã của nhánh lúa và sự hiện diện ”phải có” của con gió bay ngang cánh đồng. Ông đã không ngần ngại dùng ngay và lập đi lập lại cái từ đó, mà khi viết chúng ta thường ”khéo léo” che đậy bằng cách viết chữ ”đ..”. Ngôn ngữ Việt đã thật sự ngoan ngỏan nằm dưới ngọn bút sắc như ngọn dao qua ”nghệ thuật giải phẩu” tài tình của ông.

Dưới con mắt của một nhà văn và một tri thức khoa học ông đã phân tích trình bày ngôn ngữ Việt một cách chính xác dung dị. Kỳ lạ nhất là sự kiện về những điểm phức tạp được đơn giản hóa của ông. Có thể do vì ông đã từng viết văn làm thơ nên đầu óc ông có cái linh động của sự sáng tạo. Ông đã biết phối hợp giữa sáng tạo và tham khảo để đưa ra một đề tài được gọi là khô khan khó khăn một cách nghệ thuật mà vẫn giữ nguyên vẹn sự chính xác của các tài liệu tham khảo, để chinh phục người đọc, mục đích làm cho độc gỉa bước được những bước chân thảnh thơi trên con đường đã được ông dẹp tan bao chướng ngại sau khi ông đã vất vả khổ công đi qua, chỉ để chứng minh rằng nó là thế.

Đây là một tác phẩm có tính cách khai phá rộng lớn. Đi lùi về cả hằng ngàn năm về trước, tìm lại được trong cổ ngữ Việt những liên hệ với các ngôn ngữ trên thế giới. Điển hình như giữa Việt ngữ và Phạn ngữ, và những tương quan trong Dịch lý và tiếng Việt. Giữa sự phối hợp thần kỳ của âm dương vũ trụ trời đất trong ngôn ngữ Việt. Ông đã chứng minh cho thấy những thay đổi của một ngôn ngữ theo dòng thời gian một cách khoa học và tự nhiên.

Qua nhiều tìm tòi nghiên cứu ông đã dùng những tài liệu có được phân tích chứng minh sự liên hệ giữa Việt ngữ và Ngôn ngữ Lòai người. Một khám phá mới với những dẫn chứng rõ rệt, được ông đề cập đến trong sách đã làm ”rung động tam thiên đại thiên thế giới”: -”Tôi khám phá ra câu nói cuối cùng của Chúa Jesus khi bị đóng đinh trên thánh giá là bằng tiếng Việt!”

Mời qúy độc gỉa hãy tìm đọc TIẾNG VIỆT HUYỀN DIỆU của NGUYỄN XUÂN QUANG, sách dầy 479 trang, gồm 20 chương mục nói về nhiều đề tài, kết quả sự tìm tòi cội nguồn của một ngôn ngữ cổ. Những đề tài kỳ đặc qua những tìm tòi nghiên cứu là kết quả của một công trình tham khảo tìm hiểu với một thời gian dài của nhiều năm tháng được ông khéo léo dẫn chứng và giải thích. Cụ thể qua một số các phần Việt ngữ và ngôn ngữ lòai người, Việt ngữ và chữ viết nòng nọc, là những đề tài giá trị được trình bày trong quyển sách đầy khai phá của ông. Một trong những quyển sách với một giá trị văn học và vũ trụ luận phong phú.

UYÊN HẠNH

-------------------------------

TIỀNG VIỆT HUYỀN DIỆU

Giá 30 mỹ kim (ngoài Hoa kỳ cộng thêm bưu phí)

Mua sách xin liên lạc với tác giả qua Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.