Tác giả đã kể chuyện Đức Giêsu qua dạng truyện ngắn mang tựa đề Niềm Tin Việt Nam, tác giả đặt tựa Quán Nước Đầu Làng Niềm Tin Việt Nam. Bước vô quán, chủ quán mời người Việt Nam không phân biệt tôn giáo uống một ly trà xanh, một cốc nước vối, một ly café đen nóng, trong khi nghe chủ quán kể chuyện Đức Giêsu qua những nhân vật Việt Nam đang sống niềm tin ở cả hai nơi, hải ngoại và quốc nội.

Tác phẩm: Quán nước đầu làng – Niềm tin Việt Nam

Tác giả: Lm. Nguyễn Trung Tây

Kính thưa quý độc giả,

Đức Giêsu nổi tiếng là một nhà truyền giáo kể chuyện. Ngài ngồi với các môn đệ, với người dân, và với những lãnh đạo tôn giáo Do Thái, và Ngài kể chuyện; chuyện Người Con Hoang Đàng, Người Samaria Nhân Hậu, Người Gieo Giống, và nhiều câu chuyện khác.

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (Federation of Asian Bishops’ Conferences – FABC) cũng kêu gọi Giáo Hội Á Châu đối thoại văn hóa, một phương thức truyền giáo ở Á Châu, để Lời Chúa bám rễ sâu vào mảnh đất đặc thù Á Châu, “Giáo Hội Á Châu phải thực hiện đối thoại với những nền văn hóa địa phương nơi Giáo Hội đang hiện diện để bám rễ sâu và hoán đổi môi trường văn hóa đó”

Vâng lời Giáo Hội, tác giả đã kể chuyện Đức Giêsu qua dạng truyện ngắn mang tựa đề Niềm Tin Việt Nam, tác giả đặt tựa Quán Nước Đầu Làng Niềm Tin Việt Nam. Bước vô quán, chủ quán mời người Việt Nam không phân biệt tôn giáo uống một ly trà xanh, một cốc nước vối, một ly café đen nóng, trong khi nghe chủ quán kể chuyện Đức Giêsu qua những nhân vật Việt Nam đang sống niềm tin ở cả hai nơi, hải ngoại và quốc nội. Dưới mái tranh Quán Nước Đầu Làng, chủ quán sẽ kể độc giả nghe “Chuyện Tu Sĩ Chuyện Em,” “Chuyện Ông Tư Dì Tư,” “Chuyện Vợ Chuyện Chồng,” “Chuyện Bác Chuyện Em,” “Chuyện Peter, Michelle, Andy.” Nếu độc giả tìm kiếm những tư tưởng sâu xa, chủ quán biết mình không làm được điều này. Chủ quán xin chỉ kể những câu chuyện rất tầm thường và rất Việt Nam.

Nội dung (Văn hóa trang mạng)

Em tham gia phái đoàn giáo xứ đi hành hương đất thánh. Em ngày ba bữa đưa lên trang FaceBook (FB) hình em ăn sáng, ăn trưa, và ăn tối. Khoảng 8 giờ sáng tại phố cổ Jerusalem, em xuất hiện qua những tấm hình selfie ngồi ăn điểm tâm, trên bàn bày la liệt thức ăn. Trưa, dừng lại tại phố Jericho, nơi có cây sycamore của ông thu thuế Zacchaeus; em đưa lên FB hình em đang ngồi ăn trưa tại phố. Tối hôm đó, quay về lại phố cổ Jerusalem; em đưa lên FB hình ăn tối với ca viên ca đoàn giáo xứ. Ngày hôm sau, cũng vẫn thế… Sáng, trưa, tối!

Tôi cuối cùng quyết định viết một vài hàng nho nhỏ tới hộp thư FB của em, “Con đi hành hương hay đi đâu vậy?” Em hiểu ý. Ngày hôm sau, em chỉ đưa lên FB một tấm hình duy nhất, hình em đang quỳ trong nhà thờ Vườn Cây Dầu. Dưới tấm hình, em ghi chú hàng chữ ngắn, “Cầu nguyện cho đại dịch chóng qua.” Ngày hôm sau, tôi thấy em quỳ trong nhà thờ Nativity ở Bethlehem với hàng chữ, “Cầu xin với Chúa Hài Đồng ban bình an tới toàn thế giới.”

Trang mạng FB và nhiều trang mạng xã hội tương tự đang trở thành phương tiện thần kỳ nối kết nhiều người trên thế giới. Chỉ cần ghé vào trang FB hoặc Twitter hoặc một trang tương tự, người thân và bạn bè sinh sống trên khắp năm châu có thể nhìn thấy hình ảnh của bạn bè, để lại một lời “còm” vui về một chia sẻ của người thân, hoặc để lại một hàng tin nhắn trong hộp thư cá nhân.

Là mạng xã hội, tất cả những trang mạng đó đều là nơi công cộng. Bởi nét công cộng, tất cả những trang mạng xã hội đều có và chịu ảnh hưởng bởi một nền văn hóa công cộng – có thể gọi “Văn Hóa Trang Mạng.” Nơi đó, những định ước xã hội được mọi người đồng ý và tuân thủ. Nếu không tôn trọng văn hóa trang mạng, người sử dụng diễn đàn sẽ gây ra không ít phiền hà cho những người xuất hiện trên cùng một diễn đàn. Chủ quán Niềm Tin Việt Nam xin chỉ nhắc đến bốn nét đặc trưng của Văn Hóa Trang Mạng: Tôn trọng người chết, Lời ăn tiếng nói, Mâm cơm riêng tư, và Tin không chính xác/Fake News.

Tôn Trọng Người Chết

Nền văn hóa kính trọng người quá cố không được một số người sử dụng trang mạng xã hội tôn trọng. Chủ quán Niềm Tin Việt Nam (NTVN) đã từng thấy trên trang FB những tài khoản cá nhân đưa lên hình ảnh xác người sau khi xe gặp tai nạn nổ tung, hoặc hai Sơ trong tu phục nằm chết trên đường, hoặc những thai nhi, hoặc những thiếu niên chết đuối nằm trên giường, hoặc ngay cả những người quá cố nằm trong áo quan. Không thể phủ nhận ý tốt của người đưa lên FB những hình ảnh của người đã chết; điều này có thể nhìn thấy qua những lời đính kèm, thí dụ, “Xin cầu nguyện cho linh hồn…” Nhưng nhìn dưới lăng kính văn hóa trang mạng, không ai có quyền đưa lên trang mạng xã hội những hình ảnh của người đã chết. Bởi văn hóa tôn trọng xác người chết, chỉ có di ảnh của người quá cố mới nên xuất hiện nơi công cộng, thí dụ trên mặt báo hoặc trên nắp áo quan.

Mâm Cơm Riêng Tư

Giờ cơm gia đình nói chung và gia đình Việt Nam nói riêng là giờ thuộc về gia đình. Nói ngắn gọn, mâm cơm của một gia đình Việt Nam là một mâm cơm riêng tư. Những món ăn xuất hiện trên mâm cơm của gia đình chỉ có những thành viên gia đình và khách được mời mới biết.

Một trong những lý do đó liên quan tới khía cạnh danh dự/thể diện của xã hội Việt Nam. Một gia đình nghèo hoặc một người sinh viên nghèo vẫn cố gắng giữ danh dự/thể diện của gia đình hoặc của cá nhân. Ngược lại, nếu gặp một gia đình khá giả, có khả năng dọn ra trên mâm cơm những món ăn thịnh soạn, nhưng bởi nét “mâm cơm riêng tư,” họ cũng không chia sẻ điều này với hàng xóm; bởi họ không muốn mang tiếng khoe khoang hoặc tệ hơn vô cảm, nhất là nếu gặp trường hợp trong vùng đang gặp thiên tai, nhiều người thiếu thốn không có thức ăn lót lòng.

Nhưng bắt đầu từ lúc trang mạng xã hội thịnh hành, nguyên tắc mâm cơm riêng tư không còn được tôn trọng. Nhiều tài khoản FB một ngày một ba lần đưa lên trang FB cá nhân hình ảnh cơm sáng, cơm trưa, và cơm tối, với lời ghi chú đính kèm, “Mời cả nhà ăn cơm!” Chủ nhân NTVN đề nghị, bởi trang mạng xã hội là một nơi công cộng, mặc dù đó là một nơi công cộng ảo, mâm cơm riêng tư vẫn phải được tôn trọng.

Luật Lệ

Em! Tôi không muốn em hiểu lầm. Không, người Kitô hữu không phản đối luật lệ. Luật lệ tốt chứ! Không ai có thể từ chối rằng, nếu không có luật đèn xanh đèn đỏ đèn vàng, thì giao thông tắc nghẽn, mạnh ai nấy chạy. Nhưng đối với Đức Giêsu, luật lệ Đèn Ngã Tư được tạo ra cho con người, chứ không phải ngược lại. Bởi thế Ngài phán, “Ngày Sabbath đã được dựng nên cho con người, chớ không phải con người (được dựng nên) cho ngày Sabbath” (Mark 2:27). Bởi thế, bộ luật nào không có khả năng mang lại hạnh phúc cho con người, bộ luật đó nên được cất vào trong bảo tàng viện. Câu chuyện Đức Giêsu và các môn đệ của phái Cái Bang đi ngang qua ruộng lúa diễn tả chính xác thái độ của Ngài về luật lệ (Mark 2:23-28). Giờ thì em và tôi cùng hiểu luật lệ không thì cũng chưa đủ. Chàng tuổi trẻ giữ đủ 10 điều răn. Nhưng chàng vẫn cảm thấy trống vắng. Sâu thẳm trong hồn, chàng biết giữ và sống với 10 điều răn từ khi còn nhỏ, nhưng chàng vẫn không cảm nhận được niềm hạnh phúc.

Mục lục

Chuyện Tu Sĩ Chuyện Em: Khuôn Mặt và Thịt Da Việt Nam, Văn Hóa Trang Mạng, Đi Tu! Dễ Hay Khó?

Chuyện Ông Tư Dì Tư: Tàn Phá Dung Nhan, Tứ Tri và Tha Thứ.

Chuyện Vợ Chuyện Chồng: Một Nén, Hai Nén & Năm Nén, Có Chúa Vôi Nồng.

Chuyện Bác Chuyện Em: Thằng Mõ - Bà Góa, Phiên Bản Nhà Giàu.

Chuyện Peter, Michelle, Andy: Chú Bé Vô Danh, Màu Irish, Màu Việt Nam, Màu Công Giáo.

Tác phẩm “Quán nước đầu làng” dày 215 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm,

Niềm Tin Việt Nam minh họa trong dạng truyện ngắn những đời sống Việt Nam sống niềm tin Kitô. Những cuộc sống Việt Nam này rất đời thường, nhưng sống sắt son với niềm tin Kitô trong tâm thức Việt Nam.

Văn Cương, SJ - Vatican News