Có một ngày trong năm mà trọng tâm phụng vụ của Giáo Hội và cao điểm của nó không phải là Thánh Thể, nhưng là thập giá; không phải là bí tích, nhưng là biến cố, không phải là dấu chỉ, nhưng là biểu ý. Đó là Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày đó, chúng ta không cử hành Thánh lễ, nhưng chỉ chiêm ngắm và thờ lạy Đấng bị đóng đinh.

Tác phẩm: Chúng tôi rao giảng một ĐKT bị đóng đinh

Tác giả: ĐHY Raniero Cantalamesa

Chuyển ngữ: Lm. Micae Trần Đình Quảng 

 Kính thưa quý độc giả,

Có một ngày trong năm mà trọng tâm phụng vụ của Giáo Hội và cao điểm của nó không phải là Thánh Thể, nhưng là thập giá; không phải là bí tích, nhưng là biến cố, không phải là dấu chỉ, nhưng là biểu ý. Đó là Thứ Sáu Tuần Thánh. Ngày đó, chúng ta không cử hành Thánh lễ, nhưng chỉ chiêm ngắm và thờ lạy Đấng bị đóng đinh.

Trong đêm Vọng Phục Sinh, cùng lúc tưởng niệm cả sự chết lẫn sự sống lại của Đức Kitô, như những khoảnh khắc của Mầu Nhiệm Vượt Qua duy nhất, thì rất mau chóng, Giáo Hội cảm thấy cần phải dành thời gian tưởng niệm cuộc Khổ Nạn, để làm nổi bật sự phong phú vô tận của lúc mà “mọi sự đã hoàn tất”. Do đó, ngay từ thế kỷ IV, nghi thức thờ lạy thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đã được khai sinh, mà qua dòng thời gian, đã có một ảnh hưởng quyết định đến đức tin và lòng đạo đức của dân Kitô giáo.

Một ân sủng hoàn toàn đặc biệt được biểu lộ khắp nơi trong Giáo Hội ngày hôm nay. Chính là ngày “mầu nhiệm thập giá tỏa sáng – fulget crucis mysterium”, như một thánh thi phụng vụ đáng kính đã ca lên.

Các bài này suy niệm trong tập sách này có thể phục vụ hai mục tiêu: như những bài suy niệm về cuộc Khổ Nạn và như khởi điểm cho việc tân phúc âm hóa. Dù sao có điều chắc chắn là: cũng như thời Giáo Hội khai sinh, ngay cả ngày nay Phúc Âm sẽ không đi vào thế giới bằng “sự khôn ngoan của các diễn từ”, nhưng bằng sức mạnh của mầu nhiệm thập giá. Lời của thánh Phaolô, mà cuốn sách này kính cẩn làm vang vọng lại, bảo tồn tất cả ý nghĩa của nó như một chương trình: “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn ngươi Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do Thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-24).

Nội dung (Chương I - Chớ gì mọi miệng lưỡi tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa)

Tác giả minh định rằng miệng lưỡi tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa thì không đủ; mọi người còn phải “bái quỳ”. Đây không phải là hai sự việc tách rời nhau, nhưng là một thực tại duy nhất. Người tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa còn phải vừa làm điều đó vừa bái quỳ, nghĩa là vừa tùng phục thực tại này với tình yêu, vừa bắt trí khôn vâng phục đức tin. Đây là việc từ bỏ kiểu mẫu sức mạnh và bảo đảm dựa vào sự “khôn ngoan”, kiểu mẫu khả năng đương đầu với thế giới vô tín và kiêu căng bằng những khí cụ riêng của mình, là biện chứng, tranh cãi, lý luận bất tận, tất cả những gì cho phép “tìm mà không bao giờ thấy” (x. 2Tm 3,7), và như vậy không bao giờ bị cưỡng bách phải vâng phục chân lý, một khi đã tìm thấy nó. Lời Khởi giảng không cho thấy cắt nghĩa, nhưng đòi vâng phục, vì nơi nó chính thế giá của Thiên Chúa đang hoạt động. Có chỗ cho mọi biện luận, chứng minh “tiếp theo” nó, “bên cạnh” nó, nhưng không phải “bên trong” nó. Ánh sáng mặt trời tự nó chiếu sáng, không thể được những ánh sáng nào khác soi sáng, nhưng chính nó soi sáng mọi sự. Ai quả quyết mình không thấy nó là thú nhận sự mù quáng của mình.

Phải chấp nhận sự “yếu đuối” và “điên rồ” của Khởi giảng – điều này cũng có nghĩa là sự yếu đuối, hạ nhục và thất bại của chúng ta – để cho phép Thiên Chúa thành công đến với ánh sáng và tiếp tục hoạt động. Thánh Phaolô nói: “Khí giới chúng tôi dùng để chiến đấu không phải là thứ khí giới thuộc xác thịt, nhưng là thứ khí giới, nhờ Thiên Chúa, có sức đánh đổ các đồn lũy. Chúng tôi đánh đổ các kiểu lý luận và mọi thái độ kiêu căng chống lại sự hiểu biết Thiên Chúa. Chúng tôi bắt mọi tư tưởng phải đầu hàng để đi tới chỗ vâng phục Đức Kitô” (2Cr 10,4-5). Nói khác đi, cần đứng bên thập giá, vì sức mạnh của quyền làm chúa của Đức Kitô hoàn toàn phát xuất từ thập giá.

Chiều thứ sáu tuần thánh, khi Đấng Bị Đóng Đinh trần trụi được “giơ lên cao” trước mắt chúng ta, chúng ta hãy nhìn cho kỹ. Chính Ngài là Đấng chúng ta tuyên xưng là “Chúa”, chứ không phải ai khác, một Đức Giêsu dễ dãi, tình cảm màu mè. Việc chúng ta sắp thực hiện là quan trọng. Để chúng ta được đặc ân chào kính Ngài là Vua và là Chúa đích thực, như chúng ta sắp làm, Đức Giêsu đã chấp nhận cho người ta chào ngài như một ông vua để cười nhạo; để chúng ta được đặc ân khiêm tốn quỳ gối trước mặt Ngài, Ngài đã chấp nhận cho người ta quỳ trước mặt để chế giễu, nhạo báng. Kinh Thánh viết: “Chúng khoác cho Người một tấm áo điều, và kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người. Rồi chúng bái chào Người và lấy cây sậy đập lên đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối bái lạy” (Mc 15,17-19).

Điều chúng ta làm phải được hiểu cho rõ. Cái giá Ngài phải trả càng lớn, chúng ta càng phải thờ lạy và biết ơn. Tất cả những tiếng hô vang mà Ngài đã nghe lúc sinh tiền, là những tiếng hô vang thù ghét; tất cả những cảnh quỳ gối Ngài nhìn thấy là những cảnh quỳ gối nhục mạ. Chúng ta không được thêm vào đó sự nguội lạnh và hời hợt của chúng ta. Khi trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, Ngài còn nghe thấy âm vang chói tai của những tiếng kêu la này, và chữ “Vua” viết trên tấm bảng treo trên đầu Ngài như một lời kết án. Giờ đây Ngài ngự bên hữu Chúa Cha và, trong Thần Khí, đang hiện diện giữa chúng ta, mắt Ngài nhìn mọi đầu gối bái quỳ, và cũng vậy là tinh thần, tấm lòng, ý muốn, mọi sự; tai Ngài đang nghe tiếng kêu vui mừng vọt lên từ trái tim của những người được cứu chuộc: “Đức Giêsu Kitô là Chúa để tôn vinh Thiên Chúa Cha!” (Pl 2,11).

Mục lục

Theo tác giả, những suy tư được đề ra trong cuốn sách này chính xác bắt nguồn từ bầu không khí và thời điểm đó. Đây là những chú giải bài trình thuật cuộc Khổ Nạn, được đưa ra trong Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, có mặt Đức Giáo Hoàng, trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh, gồm 38 bài từ năm 1980 đến năm 2017. Những bài suy niệm được lặp lại ở đây theo thứ tự thời gian, ngoại trừ bài liên quan đến Đức Giêsu là “Chúa”, là của năm 1986, nhưng được tác giả đặt lên đầu, dùng làm chìa khóa để đọc toàn bộ cuốn sách.

Tác phẩm “Chúng tôi rao giảng một ĐKT bị đóng đinh” dày 464 trang trên khổ giấy 14.5 x 20.5 cm, gồm các bài giảng về thứ Sáu tuần thánh của Đức Hồng Y Cantalamessa, khi được kết hợp với nhau, các bài này tạo thành một loại suy niệm kéo dài về Đấng bị đóng đinh, được sử dụng như một loại khởi giảng, công bố, hoặc theo cách chiêm niệm hơn, như các chặng của một đàng thánh giá đặc biệt, hoàn toàn tập trung vào Lời Chúa.

 Vatican News

28 tháng ba 2023, 12:46