Vatican News (11.10.2022) - Ngày 11/10/1992, Thánh Gioan Phaolô II đã ký Tông hiến Fidei depositum, trong đó ngài đã giới thiệu sách Giáo lý mới của Giáo hội Công giáo. Tạp chí La Civiltà Cattolica của dòng Tên vừa đăng bài viết của cha Federico Lombardi, dòng Tên, trong đó cha cho thấy, Sách Giáo Lý luôn là một tài liệu tham khảo vững chắc cho việc giảng dạy và dạy Giáo Lý trong dân Chúa, để trình bày đức tin Kitô giáo trong thế giới ngày nay, để đào sâu hơn đời sống Kitô giáo và những đòi hỏi của nó đối với tín hữu.

Ngày 11/10/1992, nhân kỷ niệm 30 năm Công đồng Vatican II, Thánh Gioan Phaolô II đã ký Tông hiến Fidei depositum - Kho tàng đức tin, trong đó ngài đã trình bày, không chỉ cho hàng giáo phẩm mà còn cho tất cả dân Chúa, sách Giáo lý mới của Giáo hội Công giáo.
 

Lý do soạn thảo Sách Giáo lý mới

 Theo Cha Lombardi, sở dĩ có việc soạn thảo Sách Giáo lý mới, bởi vì theo báo cáo kết thúc của Thượng Hội đồng ngoại thường của các Giám mục vào năm 1985, nhân kỷ niệm 20 năm kết thúc Công đồng Vatican II, “Nhiều Giám mục đã bày tỏ mong muốn rằng một Sách Giáo lý hoặc Tóm tắt của tất cả học thuyết Công giáo được soạn thảo liên quan đến đức tin và luân lý, để Sách này gần như là một điểm tham chiếu cho các sách giáo lý hoặc bản tóm tắt được soạn ở các vùng khác nhau. Đó phải là một học thuyết đúng đắn phù hợp với đời sống hiện tại của người Kitô hữu”. Yêu cầu đã được 146 giám mục trong số 155 giám mục hiện diện bỏ phiếu thuận.[1] Do đó, Đức Gioan Phaolô II đã uỷ thác việc soạn Sách Giáo lý cho một Uỷ ban gồm 12 Hồng y và Giám mục, do Đức Hồng y Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đứng đầu.

Giống như sau Công đồng Trento, Sách Giáo lý Roma đã được soạn thảo, thu thập phần trình bày đạo lý Công giáo thành một bản văn phong phú và theo cấu trúc để khi thực hiện cải cách Giáo hội theo ý muốn của Công đồng, các mục tử sẽ có một tài liệu tham khảo chung rõ ràng cho việc giảng dạy của họ, thì sau Công đồng Vatican II, với rất nhiều tài liệu và các thảo luận sôi nổi giải thích về chúng, các Giám mục nhận thấy cần có một văn bản tổng thể mới để trình bày đức tin Kitô giáo, phù hợp với Công đồng và chú ý đến hoàn cảnh của các Kitô hữu và của Giáo hội trong thế giới ngày nay.
 

Công việc khó khăn nhưng can đảm

 Cha Lombardi nhận định đây là một công việc rất khó khăn. Trước đó đã có những kinh nghiệm thất bại, ví dụ như của sách Giáo lý Hà Lan nổi tiếng và các sách giáo lý khác được các Hội đồng giám mục xuất bản, với kết quả là những giáo huấn cần được truyền tải đã bị mất dần trong quá trình soạn thảo[2]. Do đó, cần phải cố gắng soạn thảo một bản văn để bày tỏ “điều mà đức tin đề nghị chúng ta tin” và bản văn này phải có giá trị đối với toàn thể Giáo hội, nghĩa là diễn tả những điểm chung cho đức tin của các Kitô hữu, để phục vụ sự hiệp nhất của tính hiệp thông phổ quát, vượt ra ngoài những khác biệt và những tình huống cụ thể.
 

Những nghi ngờ

 Nhiều người, kể cả các nhà thần học và giáo lý viên, nghi ngờ về khả năng này. Thậm chí nhiều người còn xem đây là một hướng đi sai lầm. Họ nghĩ rằng không thể soạn một sách giáo lý “theo nội dung”, điều này sẽ ngược với lối chú giải của Lời Chúa và của mặc khải; họ cho rằng một sách giáo lý phổ thông, thay vì ủng hộ sự hòa nhập văn hóa cần thiết, sẽ cản trở nó và ngăn cản việc xây dựng sách giáo lý của các Giáo hội địa phương. Vấn đề thống nhất và đa nguyên xuất hiện[3].

Ngay cả sau khi Sách Giáo lý được xuất bản, một số trong những phản đối này tiếp tục được nêu ra: “Đối với những người chỉ trích, Sách Giáo lý không phải là một khả năng thống nhất, nhưng như một mối đe dọa chống lại sức sống và chủ nghĩa đa nguyên, như một nỗ lực ràng buộc bằng các công thức hoặc thậm chí ngăn chặn lại ý tưởng dũng cảm tiến lên phía trước, như một phương tiện kiểm soát và kỷ luật. Nó cũng được xếp vào loại tấn công vào việc hội nhập văn hóa, là việc tìm kiếm những cách thức và hình thức mới cho đức tin đi vào các nền văn hóa lịch sử vĩ đại trên thế giới và vào nền văn minh kỹ thuật hiện đại đang ngày càng phát triển”[4].
 

Cấu trúc

 Tuy nhiên, cha Lombardi viết tiếp, “Ủy ban và hội đồng soạn thảo đã không nản lòng. Họ chọn kế hoạch đã được sách Giáo lý Rôma áp dụng, trước hết là nhìn vào Thiên Chúa và các mầu nhiệm đức tin, được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính và được cử hành trong các bí tích; sau đó trình bày cách thức đức tin hoạt động trong đức ái và thể hiện chính nó trong đời sống Kitô hữu (Các Điều Răn dưới ánh sáng của các Mối Phúc); cuối cùng nói về lời cầu nguyện của Kitô hữu theo Kinh Lạy Cha, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu.

Do đó, Sách Giáo lý được chia thành bốn phần, “liên kết với nhau: mầu nhiệm Chúa Kitô là đối tượng của đức tin (phần thứ nhất); mầu nhiệm này được cử hành và thông truyền trong các cử hành phụng vụ (phần thứ hai); Chúa hiện diện để soi sáng và nâng đỡ con cái Chúa trong hành động của họ (phần ba); nền tảng của lời cầu nguyện của chúng ta, với cách diễn tả được đề cao là Kinh Lạy Cha, và là đối tượng của lời cầu khẩn, lời ngợi khen, sự cầu thay của chúng ta (phần thứ tư)”[5].
 

Kết quả của sự cộng tác

 Bản văn gốc, được soạn thảo bằng tiếng Pháp, vào năm 1989 được gửi đến tất cả các giám mục trên thế giới, các Bộ của Giáo triều Vatican, các viện thần học và các chuyên gia để tham khảo ý kiến rộng rãi. Đã có khoảng 24.000 ý kiến, đặc biệt là về phần thứ ba. Do đó, bản văn là kết quả của sự cộng tác rộng rãi của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới[6].
 

Trình bày cùng một đức tin, một nguồn sáng luôn mới mẻ

 Sách Giáo lý không muốn được liên kết với một “thần học” cụ thể, nhưng “trình bày một cách trung thực và sống động giáo huấn của Sách Thánh, của Truyền thống sống động trong Giáo hội và Huấn quyền đích thực, cũng như di sản tinh thần của các Giáo phụ, các thánh của Giáo hội, để giúp hiểu rõ hơn về mầu nhiệm Kitô giáo và làm sống lại đức tin của dân Chúa.”

Sách Giáo lý chú trọng đến những giải thích về đạo lý mà Chúa Thánh Thần đã gợi ý cho Giáo hội theo dòng thời gian. Sách cũng cần thiết để giúp soi sáng bằng ánh sáng đức tin những tình huống mới và những vấn đề chưa xuất hiện trong quá khứ. Do đó, Sách Giáo Lý sẽ bao gồm những điều mới và những điều cũ, vì đức tin vẫn luôn luôn là một và đồng thời là nguồn sáng luôn luôn mới mẻ[7].

Sách Giáo Lý tự nó không đề xuất “những học thuyết mới”, cũng như không gán giá trị mới cho những điều mà Sách trình bày, vì mục đích của Sách chính là trình bày những gì “đã là” đạo lý của Giáo Hội và được Giáo Hội giảng dạy một cách có thẩm quyền.
 

Một thành công ngoài mong đợi

 Theo cha Lombardi, Sách Giáo lý mới đã được đón nhận cách tích cực. Năm 1992, công việc được hoàn thành và được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phê chuẩn vào tháng 6, nhưng để có sự chấp thuận trọng thể, ngài muốn đợi đến dịp kỷ niệm 30 năm ngày khai mạc Công đồng, vào ngày 11/10. Cuối cùng, vào ngày 7/12, tại Nhà nguyện Sistine, ngài cũng muốn giới thiệu và cách biểu tượng, trao Sách cho các thành phần khác nhau của cộng đoàn Giáo hội, bao gồm các tín hữu thuộc các ngôn ngữ và lục địa khác nhau.

Trong khi đó, buổi ra mắt công chúng đầu tiên của ấn bản tiếng Pháp đã diễn ra tại Paris vào tháng 11, và trong ba tuần, hơn 500.000 bản đã được bán ra. Thành công rực rỡ, vượt mọi sự mong đợi, cũng diễn ra với ấn bản tiếng Ý vài tháng sau, và hiện tượng này tiếp tục xảy ra với nhiều ấn bản khác. Không phải là không có cơ sở để khẳng định rằng Sách Giáo lý “đã được tuyệt đại đa số giáo dân đón nhận với sự đồng thuận không thể ngờ được”[8].

Năm 1997, tức 5 năm sau, sử dụng cả các ý kiến nhận được về các bản dịch khác nhau (khi đó đã có 30 ngôn ngữ khác nhau), văn bản mẫu bằng tiếng Latinh đã được xuất bản như một tài liệu tham khảo chính thức cho các bản dịch và tái bản tiếp theo. Huấn thị chung cho việc dạy Giáo lý, được ban hành cùng năm, nói rằng Sách Giáo lý là “một bản văn chính thức của Huấn quyền của Giáo hội, với thẩm quyền, thu thập theo một hình thức chính xác, trong một tổng hợp sống động, các sự kiện và các chân lý cứu độ cơ bản, những điều diễn tả đức tin chung của dân Chúa và tạo nên quy chiếu căn bản không thể thiếu của việc dạy giáo lý”[9].

Theo thời gian, Sách Giáo Lý đã tỏ ra là một công cụ rất hữu ích, đúng với mục đích được xuất bản: tạo thành một tài liệu tham khảo vững chắc cho việc giảng dạy và dạy Giáo Lý trong dân Chúa, để trình bày đức tin Kitô giáo trong thế giới ngày nay, để đào sâu hơn đời sống Kitô giáo và những đòi hỏi của nó đối với tín hữu.
 

Bản “Tóm tắt” của Sách Giáo lý 

 Bản “Tóm tắt” của Sách Giáo lý cũng đã được xuất bản vào năm 2005. Cũng do sự ủy thác của Đức Gioan Phaolô II, cũng là kết quả của một công việc do Đức Hồng y Ratzinger lãnh đạo, để cung cấp một bản trình bày ngắn gọn hơn nhiều về cùng một nội dung, nhưng sử dụng công thức cổ điển gồm câu hỏi và câu trả lời và sử dụng nhiều hình ảnh hơn. Tuy nhiên, đó là một phụ bản mới, không nhắm thay thế văn bản đầy đủ.
 

ĐTC Phanxicô: tính liên tục, tính mới mẻ, câu hỏi

 Thánh Gioan Phaolô II và Đức Biển Đức XVI liên tục đề cập đến Giáo lý của Giáo hội Công giáo trong việc giảng dạy của các ngài. Và cả Đức Thánh Cha Phanxicô, ngay từ đầu triều đại của ngài, cũng đã tiếp tục theo đường hướng của các vị tiền nhiệm, nhận thức rõ về tầm quan trọng và tính sống động của Sách Giáo lý. Thông điệp Lumen fidei - Ánh sáng đức tin - của ngài đã xác định Sách Giáo lý là “một công cụ cơ bản cho hành động thống nhất mà nhờ đó Giáo hội truyền đạt toàn bộ nội dung của đức tin, ‘tất cả những điều Giáo hội là, tất cả những điều Giáo hội tin’”[10].

Hơn nữa, những người đã theo dõi các bài Giáo lý vào thứ Tư hàng tuần của Đức Thánh Cha Phanxicô đã thấy - đôi khi theo cách rõ ràng, đôi khi ẩn ý - những trích dẫn hoặc tham chiếu đến Sách Giáo lý. Chẳng hạn, trong các bài giáo lý về Thánh Thể và các bí tích, hoặc về lời cầu nguyện. Và điều tương tự cũng xảy ra trong nhiều văn bản và sứ điệp khác cũng về các chủ đề “nóng” về luân lý đạo đức, ví dụ như việc kiên trì trị liệu, v.v.
 

Những thay đổi có thể và cần thiết

 Tuy nhiên, cha Lombardi cảnh giác, không nên coi Sách Giáo lý là cứng nhắc, cố định, dứt khoát, không thể thay đổi. Điều này về cơ bản sẽ mâu thuẫn với chính bản chất của Sách là trình bày một học thuyết Công giáo sống động trong tiến trình lịch sử nhân loại, về một huấn quyền được Chúa Thánh Thần đồng hành để hướng dẫn dân Chúa trên hành trình. Rõ ràng là những câu hỏi có thể đặt ra thường xuyên hơn (như đã xảy ra trong quá trình chuẩn bị Sách Giáo Lý) liên quan đến phần thứ ba, về đời sống Kitô giáo và luân lý xã hội, trong bối cảnh lịch sử đang thay đổi và mối quan hệ năng động của đức tin Kitô giáo với thực tế.

Là sự diễn tả của lịch sử đức tin Kitô giáo, Sách Giáo lý phải năng động và sống động. Cũng như ngay từ ban đầu, Sách Giáo lý không được là một trở ngại, nhưng là một chỗ đứng cho sự hội nhập văn hoá, và ngày nay cũng thế, Sách cũng vẫn phải là một điểm quy chiếu, một chỗ dựa, một khí cụ quý báu cho hành trình của Giáo hội - được hỗ trợ và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần - trong lịch sử. Do đó Sách có thể phát triển.
 

Vấn đề án tử hình

 Có những ví dụ cụ thể và chính xác cho thấy nội dung Sách Giáo lý đã thay đổi theo thời gian. Ví dụ như liên quan đến án tử hình, Văn bản đầu tiên của Sách Giáo lý, được ban hành vào năm 1992, không loại trừ tính hợp pháp của nó, “trong những trường hợp cực kỳ nghiêm trọng” (n. 2266). Bản mẫu năm 1997, tham chiếu thông điệp Evangelium vitae - Tin Mừng sự sống, được Đức Gioan Phaolô II ban hành năm 1995, đã thay đổi công thức khi tuyên bố rằng “những trường hợp tuyệt đối cần thiết để trấn áp người phạm tội hiện nay rất hiếm, nếu không muốn nói là thực tế không tồn tại” (số 2267). Sau đó, trong sứ điệp Giáng sinh năm 1998 và trong chuyến công du sau đó đến Hoa Kỳ, Đức Gioan Phaolô II vẫn lên tiếng ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình.

Đức Biển Đức XVI cũng bày tỏ điều tương tự trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục về châu Phi (Africae munus 2011).

Vào năm 2017, trong diễn văn nhân dịp kỷ niệm 25 năm ban hành Sách Giáo lý, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dứt khoát yêu cầu sửa đổi đoạn văn về án tử hình để diễn tả rõ hơn sự phát triển của giáo lý về điểm này trong thời gian gần đây[11]. Bản văn mới nói rõ: “Dưới ánh sáng của Tin Mừng, Giáo hội dạy rằng ‘án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của con người’, và kiên quyết dấn thân xóa bỏ nó trên toàn thế giới”[12].

Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng, có những điểm có thể và cần được định dạng lại hoặc bổ sung một cách hữu ích, nhưng nó phải luôn phản ánh đức tin chung của Giáo Hội, giữ gìn sự hiệp nhất dưới sự hướng dẫn của huấn quyền. Và toàn thể Giáo Hội sẽ phải tiếp tục tìm kiếm cách không mệt mỏi những cách thức tốt nhất và những ngôn ngữ hữu hiệu cho việc rao truyền và truyền dạy đức tin, tiếp tục tin cậy vào sự đồng hành của Thánh Thần.

Hồng Thuỷ

Nguồn: vaticannews.va/vi