Nắng mưa, có lẽ là chuyện rất bình thường đối với mỗi người, bởi đó là sự chuyển đổi của thời tiết. Nhưng đợt áp thấp nhiệt đới lần này lại là một nỗi kinh hoàng cho người dân tại một số tỉnh thành trong cả nước,

cách riêng những người sống tại huyện Nho Quan, Gia Viễn tỉnh Ninh Bình và huyện Lạc Thủy  tỉnh Hòa Bình. Bởi mưa lũ đã để lại những hậu quả nghiêm trọng mà không biết đến khi nào mới khắc phục được.

Xem 78 hình

Mưa lớn kéo dài hơn một tuần, làm cho mực nước sông dâng cao, nước lũ từ trên đầu nguồn chảy về làm cho hoa màu bị thiệt hại nặng nề, những cánh đồng lúa chỉ còn ít bữa là có thể thu hoạch được bị chìm trong nước. Bên cạnh đó, hồ chứa nước của thủy điện Hòa Bình bị quá tải, nên phải mở tám cổng để xả nước. Nước sông đã cao, giờ lại cao hơn, mực nước dâng lên khoảng hơn bảy mét, làm cho người dân trở tay không kịp. Nước tràn vào nhà, cuốn trôi nhiều đồ dùng, gia cầm, tôm cá thả trong ao, trong đầm. Những mái nhà cấp bốn chỉ nhìn thấy nhấp nhô một chút mái. Người dân trong những căn nhà này phải di chuyển đến những nhà cao tầng ở nhờ, nhà nào không chạy kịp thì ở trên mái nhà, một số người  có thuyền thì tất cả gia đình, đồ dùng, lợn gà,… đều vào thuyền, lênh đênh trên sông nước. Điện lưới đã bị cắt từ mấy ngày nay. Được biết đây là trận lũ lịch sử kể từ năm 1986 trở lại đây với mức nước dâng lên khoảng hơn 7m nước.

Tượng Thánh Giá và Tưọng Mẹ Sầu Bi đặt trên Núi Gò giữa sông Hoàng Long gần Nhà Thờ Đồng Đinh bị ngập tới chân tượng.

Đứng trước sự cấp bách của người dân, Đức Cha Giuse- Giám mục giáo phận đã gọi điện thoại động viên thăm hỏi các giáo xứ. Cha Giám Đốc Caritas giáo phận – Gioan Đỗ Văn Khoa, quý Soeurs và các anh chị em trong Ban bác ái Caritas giáo phận qua sự giúp đỡ của Caritas Việt Nam đã đến tận các giáo xứ bị thiệt hại nặng nề nhất như: Mỹ Thủy, Vô Hốt, Đồng Đinh, Xích Thổ để thăm hỏi, đồng cảm với người dân, trao tặng mì tôm và hỗ trợ một phần kinh phí để giúp họ giải quyết những nhu cầu khẩn thiết trước mắt. Một số giáo xứ như:  Ngọc Cao, Sơn Lũy, Khoan Dụ bị cô lập hoàn toàn không thể tiếp cận được nên cha Giám Đốc Caritas giáo phận đã gửi cho cha xứ một số tiền để hỗ trợ người dân. Có những giáo xứ nước tràn vào lên đến tận gian cung thánh, bàn ghế, âm ly…bị chìm trong nước, nhà xứ bị ngập tới mái, nhưng Cha xứ cùng ban hành giáo đã đến với các gia đình để giúp họ di chuyển tới những nơi an toàn hơn. Thật đáng trân trọng biết bao tấm lòng của người mục tử luôn hết mình vì đoàn chiên.

Thật vậy, cơn mưa lũ lịch sử đã để lại nhiều thiệt hại nặng nề cho người dân: hoa màu mất trắng, ruộng đồng thất thu, nhà cửa ngập lụt, gia cầm, gia xúc, đồ dùng bị cuốn trôi…Nhưng bên cạnh cũng khơi dậy tình yêu thương, sẻ chia, sự quan tâm, động viên của nhiều người dành cho những người dân nơi đây. Caritas Phát Diệm xin chân thành cảm ơn Caritas Việt Nam và Quý ân nhân xa gần đã hỗ trợ kinh phí để Caritas Phát Diệm như là nhịp cầu trao gởi yêu thương, sự giúp đỡ kịp thời tới những người dân đang sống chung với lũ. Caritas Phát Diệm ước mong sẽ nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn nữa từ những tấm lòng luôn thao thức mang niềm vui, sự quan tâm, giúp đỡ đến với những ai đang gặp khó khăn thử thách trong cuộc sống. Để từ sự quảng đại chia sẻ này mà những người dân vùng lũ vơi đi nỗi vất vả, có thể trở lại nhanh với cuộc sống.

VP Caritas Phát Diệm

-------------------------------

Bổ túc của Mục Vụ Văn Bút:

Để làm hình lớn ra, thì nhấn vào: “Xem 78 hình” trong bài. Để làm hình lớn ra, nhấn vào hình đầu, rồi nhấn vào mũi tên bên phải hình đã lớn. Rồi cứ thế cứ thế mà coi tiếp.

Phải xem hình mới thấy tận mắt được và mới cảm được cảnh khổ cực của nạn nhân lũ lụt như thế nào, khi thấy có bà chèo thuyền băng 2 chân, có những em bé đứng trên bo-ong thuyền sát ven thuyền mà không có lan can chắn cho khỏi trượt  chân ngã, giơ 2 tay ra nhận những thùng mì do nhân viên Caritas / Bác  Ái trao tặng từ thuyền cứu trợ của Caritas /Bác Ái.

Đến miền đất này khi không có lũ lụt, người ta thấy có những cánh đồng với những dãy núi sen kẽ, những ruộng lúa với mức nước chừng 20 đến 30 xăng ti mét. Giữa ruộng lúa có những quả núi kích cỡ lớn nhỏ khác nhau mọc ngay giữa ruộng, bao bọc bằng những con sông lượn khúc. Khúc sông Hoàng Long bên Nhà Thờ Đồng Đinh thuộc huyện Nho Quan rất đẹp với cảnh núi non, sông nước nên thơ, hữu tình. Ở cửa đoạn sông dẫn vào khu vực Giáo xứ có núi Gò mọc lên giữa lòng sông. Hai bên bờ sông có giáo dân thuộc hai họ đạo cư ngụ. Trên núi giáo dân đặt tượng thánh giá và tượng Mẹ Sầu Bi. Năm 2007 giáo dân cho biết, tượng Mẹ Sầu Bi bị chính quyền địa phương cho người đến đập phá. Sau đó giáo dân cho sửa lại. Từ nhà thờ giáo xứ, muốn đến cầu nguyện với Mẹ Sầu Bi, giáo dân phải đi thuyền trên sông. Thuyền đậu tấp nập chung quang núi để giáo dân cầu nguyện. Trong những dịp lễ hội, người ta còn thấy có mục đua thuyền trên sông. Mỗi thuyền có đến 8 tay chèo bận đồng phục, trông có vẻ hào hứng.

Trong miền có mấy địa điểm du lịch là Động Tam Cốc, có con sông chảy qua 3 núi (Tam là ba, cốc là núi). Khi khách du lịch đến, thì thấy chừng 10 người lái đò – đa số là các bà - đang đợi sẵn ở bến để thay nhau đưa khách đến khúc sông chảy luồn qua ba núi. Có bà biểu diễn chèo thuyền bằng chân, thay vì tay. Đứng trên thuyền, khách du lịch giơ cao tay có thể chạm vào mỏm đá ở vòm núi.

Điểm du lịch khác là cố Đô Hoa lư, một thời do các vua Nhà Đinh, rồi đến Nhà Lê đóng đô, với đền đài xây cất trong lòng chảo. Chung quanh lòng chảo là đồi núi che chở khỏi quân xâm lăng phương Bắc.

Với đồi núi mọc lên giữa đồng bằng, đồng ruộng và lòng sông mà người ta gọi miền này là “Vịnh Hạ Long trên cạn”.

Đi xa hơn chút nữa về phiá tây bắc có Vườn Quốc Gia Cúc Phương (hay rừng Cúc Phương). Theo Wikipedia Việt ngữ, Vườn Quốc Gia Cúc Phương được thiết lập năm 1966 có diện tích 22.200 ha, trong đó có 11.350 ha thuộc địa giới Tỉnh Ninh Bình, 5.850 ha thuộc địa giới Tỉnh Thanh Hoá, 5.000 ha thuộc địa giới Tỉnh Hoà Bình. Rừng Cúc Phương là khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái. Thực vật trong rừng có hàng chục họ, hàng chục chi và hàng ngàn loại. Động vật gồm gần trăm loại thú - nổi bật là khỉ - hơn trăm loài chim, gần trăm loài bò sát, hơn 10 loài cá, và hàng ngàn loài côn trùng. Trong rừng còn có những hang và động tiền sử. Bảo tàng viện Cúc Phương là địa điểm nghiên cứu cho giới sinh viên và học giả. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như mồ mả, mũi tên, rìu đá, dao bằng vỏ sò.

Còn đi về hướng tây nam thì có quần thể Nhà thờ chính toà Phát Diệm được xây theo lối kiến trúc Á đông. Một trong 4 nhà thờ phụ xây toàn bằng đá: mái bằng đã, cửa cũng bằng đá.

Mục Vụ Văn Bút hướng dẫn cách gửi tiền về giúp như sau:

- Gửi cho Caritas / Bác Ái Phát Diệm qua tài khoản của Giáo Phận Phát Diệm để được trao cho nạn nhân lũ lụt. Gửi nhiều hay ít, đều phải trả lệ phí 50 mĩ kim cho nhà băng bên Mĩ và cũng trả lệ phí tương đương với 50 mĩ kim cho nhà băng bên VN. Như vậy nếu gửi 50 mĩ kim, nhà băng bên Mĩ sẽ không nhận vì không còn tiền trả lệ phí cho nhà băng bên VN. Nếu gửi 100 mĩ kim thì chỉ đủ trả tiền lệ phí cho hai nhà băng thôi.

- Gửi cho linh mục giám đốc Caritas / Bác Ái Phát Diệm qua cơ quan chuyển tiền bên Mĩ để được trao cho nạn nhân lũ lụt, không phân biệt tôn giáo. Lệ phí gửi cho cơ quan chuyển tiền là 2 mĩ kim cho mỗi 100 tiền gửi. Mục Vụ Văn Bút sẽ cho tên, địa chỉ và điện thoại của linh mục giám đốc Caritas / Bác Ái Phát Diệm.

- Hoặc nhờ Mục Vụ Văn Bút chuyển. Xin liên lạc qua 1 trong hai email và điện thoại cuối Trang Chú: www.mucvuvanbut.net , Ban Quản Trị Mục Vụ Văn Bút sẽ hướng dẫn cách gửi cho MVVB, rồi Ban Quản Trị MVVB sẽ gửi về theo một trong 2 cách thế trên đây.
http://mucvuvanbut.net/index.php?option=com_content&view=article&id=3917:caritas-phat-diem-mang-niem-vui-chua-phuc-sinh