Thảo luận về bổ nhiệm đặc phái viên, các giám mục cùng với việc thành lập các trung tâm giáo dục Công giáo. Một phái đoàn của Vatican đã thảo luận với chính quyền Việt Nam về việc bổ nhiệm đặc phái viên Vatican và giám mục cho các giáo phận trống tòa.

Phái đoàn của Vatican do Đức ông Antoine Camilleri, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vatican, làm trưởng đoàn, đã có chuyến thăm làm việc 5 ngày tại Việt Nam từ ngày 16-20/1.

Đức ông Antoine Camilleri, trái, và Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh tham dự nghi thức tiếp đón tại tòa tổng giám mục Huế hôm 19-1. Ảnh: ucanews.com

Một nguồn tin Giáo hội cho ucanews.com biết hôm 18-1 phái đoàn của Vatican làm việc với Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ban tôn giáo chính phủ, và các cơ quan chính phủ khác.

“Hai bên đã thảo luận về việc bổ nhiệm tân đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam trong tương lai, thay thế Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli”, nguồn tin cho biết.

Đức cha Girelli, đại diện không thường trú đầu tiên của Vatican ở Việt Nam từ khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản năm 1975, ngài làm việc với Việt Nam 7 năm. Tháng 10 năm ngoái, ngài được thuyên chuyển làm Sứ Thần Tòa Thánh tại Israel và đại diện Tòa Thánh tại Jerusalem và Palestine.

Tuy nhiên, giới chức chức cả hai bên Vatican và Việt Nam chưa thống nhất về việc bổ nhiệm, theo nguồn tin.

Hai bên còn thảo luận việc bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận trống tòa gồm Phan Thiết và Thanh Hóa. Đức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống của Phan Thiết qua đời tháng 3-2017. Giáo phận Thanh Hóa trống tòa từ khi Đức cha Giuse Nguyễn Chí Linh được bổ nhiệm làm tổng giám mục của tổng giáo phận Huế năm 2016.

Các cuộc thảo luận còn đề cập đến việc bổ nhiệm người đứng đầu cho tổng giáo phận Hà Nội sắp tới do Đức Hồng y Tổng Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Nhơn bước sang tuổi 80 vào tháng 4.

Đức cha Linh, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công giáo Việt Nam, nói trong cuộc phỏng vấn với một tờ báo Công giáo nước ngoài hồi tháng 7 năm ngoái rằng, giới chức chính quyền không có quyền đề cử ứng viên giám mục nhưng có thể từ chối.

Ngài cho biết, việc bổ nhiệm giám mục cho 3 tổng giáo phận phức tạp hơn việc bổ nhiệm giám mục cho các giáo phận.

Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo đầu tiên của Việt Nam, có hiệu lực ngày 1-1, quy định bổ nhiệm và tấn phong có liên quan đến các yếu tố nước ngoài cần phải được sự chấp thuận trước của chính phủ.

Nguồn tin cho biết phái đoàn Vatican còn thương thảo với giới chức Việt Nam về khả năng thành lập các trung tâm giáo dục do Giáo hội Công giáo trong nước quản lý. Các tổ chức tôn giáo hiện nay chỉ được phép quản lý các trường mầm non.

Phái đoàn Tòa Thánh, trong đó có Đức ông người Việt Nam Phanxicô Cao Minh Dung thuộc Văn phòng Quốc vụ khanh Tòa Thánh, và Đức ông Yovko Genov Pishtiyski thuộc Tòa Khâm Sứ ở Singapore, viếng thăm 3 tổng giáo phận Hà Nội, Huế và Sài Gòn cùng với giáo phận Phát Diệm nơi có quần thể nhà thờ chính tòa Phát Diệm mang đậm kiến trúc phương Đông cổ điển được công nhận là di tích quốc gia.

Phái đoàn còn dâng Thánh lễ đặc biệt tại Trung tâm Thánh Mẫu La Vang, được thành lập cách đây 220 năm, thuộc tỉnh miền trung Quảng Trị.

Việt Nam và Tòa Thánh thành lập một nhóm làm việc chung thường xuyên thảo luận về các vấn đề của Giáo hội tại Việt Nam từ năm 2009.

Hôm 19-1, Thông tấn xã Việt Nam đưa tin Thủ tướng Phúc bày tỏ sự hài lòng về việc duy trì nhóm làm việc chung qua đó hai bên tiếp tục đối thoại để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và giải quyết các vấn đề.

Ông Phúc nói Việt Nam hy vọng tăng cường quan hệ với Tòa Thánh, gồm trao đổi thảo luận giữa các phái đoàn cấp cao.

Theo tin tức cho biết, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh kêu gọi Tòa Thánh tiếp tục hướng dẫn cộng đồng Công giáo tại Việt Nam, cộng đồng lớn thứ hai tại châu Á, tích cực tham gia bảo vệ và phát triển đất nước và tuân thủ luật pháp và chính sách nhà nước.

Ucan Tiếng Việt