Hôm 2 Tháng 11 năm 2018, hàng trăm giáo dân Sài Gòn và các vùng phụ cận đã công khai đến nghĩa trang Lái Thiêu, để viếng mộ và tham dự thánh lễ giỗ lần thứ 55 cho cố tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu.

So với những năm trước, buổi tưởng niệm nay được cho rằng diễn ra khá suôn sẻ.

Diễn ra suôn sẻ

Người Sài Gòn làm lễ tưởng niệm cố TT Ngô Đình Diệm. Courtesy of Tran Bang

Nguyễn Peng, một thanh niên Công giáo, thế hệ 8X, hằng năm đều tham gia những buổi tưởng niệm ngày giỗ cố TT Ngô Đình Diệm cho biết hoạt động năm nay diễn ra khá suôn sẻ.

“ Sự việc diễn ra suôn sẻ và thời gian làm lễ được rút gọn do thời tiết, và các Cha còn những buổi lễ khác.”

Ông Trần Bang, người tham gia 5 năm liền ngày giỗ của cố TT Ngô Đình Diệm cho biết có khoảng vài trăm người từ Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương... đặc biệt có bạn trẻ từ Cần Thơ, An Giang. Đặc biệt năm nay có nhiều Linh mục đến làm lễ hơn, ngoài Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế còn Linh mục dòng Đa Minh, dòng Don Bosco (tổng cộng 10 Linh mục đồng tế). Không những thế có cả người Việt định cư ở Úc, Mỹ cũng về tham dự.

Những năm trước, cũng theo những người này kể lại, họ đã bị ngăn chặn ngay từ trước vài ngày trước ngày giỗ của ông Ngô Đình Diệm. Có những bạn trẻ muốn tưởng niệm trước để tránh sự ngăn cản nhưng vẫn không thành công.

Bạn trẻ Nguyễn Peng cho biết thêm năm nay khi mọi người vào cổng phải xuất trình tên tuổi, để xe bên ngoài và chỉ có 1 cổng vào duy nhất.

Vào năm 2017, Trên Facebook cá nhân của Linh mục An Tôn Lê Ngọc Thanh loan báo về việc phóng viên của trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, Nguyễn Huyền Trang bị tấn công bởi một người trung niên.

Theo các Facebooker tham dự lễ giỗ chia sẻ một đoạn video clip mô tả nhà cầm quyền đã giăng lưới B40 bịt kín các lối vào bên trong phần mộ, khiến người dân phải chui qua một lỗ nhỏ mới vào được.

Ở phía ngoài đường thì có một số kẻ cố tình mở loa đài với công suất lớn nhằm gây ồn ào và nhiễu loạn Thánh lễ.

Năm nay, theo lời ông Trần Bang kể lại, an ninh bịt mặt đội mũ chen trong buổi lễ chĩa camera vào mặt từng người quay gây bức xúc, khi nhắc nhở thì lớn tiếng hoạnh hoẹ doạ nạt gây mất trật tự. Tuy nhiên, điều khác biệt là:

“Năm nay không cưa đá, không bật loa át tiếng Linh mục giảng và tiếng thánh ca, tiếng cầu nguyện như hai ba năm trước...”

Một cựu chiến binh không muốn nêu tên, có mặt trong buổi lễ cho biết ông nhận thấy năm nay có sự dễ dàng hơn.

“Năm nay có dễ hơn năm ngoái. Tuy cũng có những người an ninh, nhưng năm ngoái thì họ để nhạc họ phá, năm nay thì họ im lặng. Những an ninh đứng đó bịt mặt im lặng chứ không bày tỏ thái độ hung hăng gì hết.”

Trang Tin Mừng Cho Người Nghèo cũng tường thuật buổi lễ cho biết an ninh cử nhiều lực lượng đến trãi dài từ ngoài đường vào đến nơi làm lễ. Họ đứng chỉ cách nơi chủ tế 2 mét. Tuy nhiên không có những hành động quấy phá như năm vừa qua.

Không thể biết lý do

Vị cựu chiến binh trên cho biết ông đã đi dự 2 năm rồi và thấy rằng năm nay có phần dễ dãi hơn, nhưng chính ông cũng không biết vì sao.

Lễ tưởng niệm cầu nguyện TT Ngô Đình Diệm có khoảng 130 người Chịu Lễ (đón nhận Mình Máu Thánh Chúa), nên số chung có thể lên tới 300 người tham dự.

Theo tin tức của trang Tin Mừng Cho Người Nghèo cho biết năm nay là lần đầu tiên cha GB. Thêm, nguyên Bề trên giám tỉnh dòng Don Bosco, và cha GB. Thanh Bích, CSsR đến tham dự. Các cha quen thuộc là cha Nhứt-OP, cha Tỉnh-OFM, các cha DCCT khác: Thành, Phương, Thanh, Loc, Vũ. Thánh lễ do Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Việt Nam chủ tế.

Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Trần Bang rằng liệu ông có cho rằng năm nay chính quyền Sài Gòn “cởi mở” hơn cho người dân tổ chức tưởng niệm cố TT Ngô Đình Diệm? Ông nói rằng có thể năm nay người đi dự ít mặc đồ lính hơn. Do đó, “an ninh, công an làm ngơ”.

Cộng đồng mạng xã hội chia sẻ rất nhiều những video clips về buổi lễ được diễn ra trang nghiêm và thuận lợi. Rất nhiều ý kiến cho rằng năm nay chính quyền Sài Gòn đã cởi mở hơn trong việc “cho phép” người dân thực hiện tưởng nhớ ngày giỗ cố TT Ngô Đình Diệm.

Tuy nhiên vẫn không có ý kiến nào xác định cụ thể lý do vì sao có sự cởi mở đó.

RFA