Tờ Hoàn cầu Thời báo hôm 29/8 vừa đăng một bài xã luận tiêu đề: "Việt Nam không nên để phương Tây làm ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc".

Cuộc gặp gỡ giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Hoa Kỳ, Tướng James Mattis hồi đầu tháng này cho thấy dấu hiệu gia tăng hợp tác quốc phòng giữa hai nước.

Bài xã luận nói Trung Quốc biết nhiều nước phương Tây đang rất mong Việt Nam đóng một vai trò chính trong việc chống Trung Quốc ở Biển Đông và cho rằng Hoa Kỳ có lợi khi Hà Nội chống lại Bắc Kinh.

"Các nước phương Tây vốn không thích thể chế của việt Nam sẽ rất nóng lòng muốn thấy sự mâu thuẫn giữa hai quốc gia Cộng sản.

"Và nếu Việt Nam làm vậy thì sẽ trở thành một quân cờ của Hoa Kỳ và Nhật Bản để đạt lợi thế địa chính trị, đổi lại chút hỗ trợ tinh thần và viện trợ ít ỏi," tác giả viết.

Bài của báo có quan điểm cứng rắn từ Bắc Kinh cho rằng Việt Nam đã "thông minh" khi ngừng khoan dầu tại Biển Đông, và điều này thể hiện sự "trưởng thành" trong mối quan hệ Việt-Trung.

"Trung Quốc chưa hề đe dọa bất kì quốc gia láng giềng nào hay đề xướng sự bá chủ khu vực. Các quốc gia trong khu vực không có lí do gì để chống lại Trung Quốc," bài này nhấn mạnh.

Tuy vậy, mới chỉ một tháng trước đây, Việt Nam đã phải ngưng thăm dò khí đốt tại khu vực có tranh chấp ở Biển Đông, sau khi bị Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực tại Trường Sa.

Một nguồn tin trong ngành dầu khí châu Á nói với BBC rằng Repsol, công ty của Tây Ban Nha đứng sau dự án khoan thăm dò, được lệnh phải rời khỏi khu vực.

Bài xã luận của Hoàn cầu Thời báo còn lấy Philippines làm ví dụ, nói rằng "Philippines là một trong những quốc gia từng đối đấu với Trung Quốc, Philippines đã tự nhấc tảng đá lên chỉ để làm rơi xuống chân mình. Kết cục là, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã quyết định ngừng lại vai trò mà Hoa Kỳ và Nhật Bản đã dựng sẵn cho họ.

Việt Nam và Trung Quốc có thời kỳ căng thẳng năm 2014 khi Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển tranh chấp. Bản quyền hình ảnh AFP

"Việc Philippines quay đầu hợp tác với Trung Quốc đã đem lại nhiều lợi ích thực tiễn cho quốc gia này. Việt Nam đã có một quyết định đúng đắn khi ngừng khai thác dầu sau khi cân nhắc kĩ lượng lợi hại trong việc hợp tác với Bắc Kinh."

"Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng tốt. Về mặt kinh tế, Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Hà Nội. Về chính trị, cả hai quốc gia xã hội chủ nghĩa đều được dẫn dắt bởi Đảng Cộng Sản và có rất nhiều điểm tương đồng."

Và "Việt Nam không nên vì tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông mà để ảnh hưởng đến hợp tác thương mại và trao đổi văn hóa" giữa hai nước.

Tác giả kết luận bằng cách lặp lại rằng hai quốc gia nên đừng để các thế lực bên ngoài ảnh hưởng đến mối quan hệ hợp tác song phương thân thiện.

BBC Tiếng Việt