Bao_Con_Son_2010Theo dự báo khí tượng, trận bão Côn Sơn sau khi quét ngang Philippines đã vào đến Biển Ðông hôm Thứ Tư và sẽ đổ bộ lên miền Bắc Việt Nam ở khu vực tỉnh Quảng Ninh khoảng trưa hay chiều Thứ Bảy, 17 tháng 7 giờ địa phương (đêm sáng Thứ Bảy giờ California). Quỹ đạo của bão Côn Sơn được ghi nhận cho đến ngày Thứ Năm, 15 tháng 7, sau đó quỹ đạo dự đoán có khác biệt đôi chút, như ghi trên sơ đồ này của Trung Tâm Hong Kong, tùy theo tính toán của các trung tâm khí tượng trong khu vực. (Hình: RSMC-HongKong)

Trận bão Côn Sơn hay 03W, theo danh số của Trung Tâm Hỗn Hợp theo dõi bão tố của Hải Quân Hoa Kỳ (JTWC) tại Hawaii, có nghĩa là trận bão thứ ba trong mùa ở vùng Tây Thái Bình Dương. Trải qua một quá trình dài, hiện nay Tổ chức Khí Tượng Thế Giới WMO (World Meteorological Organization) đã đi đến quy định thống nhất về việc đặt tên cho các trận bão ở mỗi vùng trên thế giới.

Từ sau Thế Chiến II, Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn của Hải Quân và Không Quân Hoa Kỳ ấn định sẵn hằng năm danh sách các trận bão ở vùng Tây Thái Bình Dương, theo thứ tự mẫu tự, có nghĩa là trận bão thứ nhất bắt đầu bằng chữ A, thứ nhì là chữ B, thứ ba là C,... Có lẽ do một ý nghĩ vui đùa, tất cả đều dùng tên phụ nữ, chẳng hạn Anne, Brigitte, Caroline,...

Giới phụ nữ dần dần phản đối chuyện này với lập luận rằng đâu phải chỉ họ mới là dữ dội như bão tố, vì vậy từ năm 1979 dùng cả tên đàn ông luân phiên xen kẽ với tên phụ nữ. Sau này tại Á Châu người ta lại thay đổi cách đặt tên, 14 quốc gia trong vùng mỗi quốc gia đề nghị sẵn mỗi năm 10 tên và Trung Tâm Khí Tượng Thủy Văn khu vực (thuộc WMO) sẽ lựa chọn. Tên bão là tên Á Châu nhưng không nhất thiết phải là tên người mà có thể là địa danh, hoa cỏ, muông thú hay thực phẩm. Tất nhiên danh sách này không dùng hết vì mỗi năm không thể có đến 140 trận bão mà trung bình chỉ có từ 10 đến 20.

Do đó trận bão thứ ba trong mùa ở Tây Thái Bình Dương năm nay mang tên Việt Nam là Côn Sơn. Bão Côn Sơn là trận bão đầu tiên vào đến Biển Ðông nên tại Việt Nam gọi là bão số 1.

Vả lại một trận bão hình thành chỉ được đặt tên khi trở thành Bão Nhiệt Ðới (Tropical Storm) nghĩa là sức gió mạnh lên quá 39 miles/giờ (63 km/giờ). Nếu sức gió chưa tới mức đó thì chỉ là một Áp Thấp Nhiệt Ðới (Tropical Depression) và không có tên.

Nếu gió mạnh trên 74 dặm/giờ (119 km/giờ), danh xưng khí tượng gọi là Tropical Cyclone, nhưng tiếng Việt không có tên riêng, vẫn chỉ gọi là Bão. Tropical Cyclone là tên gọi ở vùng Tây Thái Bình Dương, vùng Tây Ðại Tây Dương gọi là Hurricane.

Sức mạnh của bão được diễn tả theo “cấp”, và có thể khiến gây ra sự hiểu lầm bởi vì cấp của Tropical Storm được tính theo thang bậc Beaufort (từ 8 đến 12), trong khi cấp của Hurricane (hay Tropical Cyclone) tính theo thang bậc Saffir-Simpson (từ 1 đến 5). Bão nhiệt đới cấp 12 (Beaufort) mới ngang bằng Hurricane cấp 1 (Saffir-Simpson).

Bão nhiệt đới Côn Sơn khi vào đến Biển Ðông còn là một bão mạnh trên cấp 10, sức gió từ 89-102 km/giờ. Vào lúc 5 giờ chiều (giờ California) ngày Thứ Năm, 15 tháng 7, trung tâm của bão Côn Sơn ở tọa độ 16.9 độ Bắc, 110.9 độ Ðông, phía Ðông-Nam đảo Hải Nam. Bão di chuyển về hướng Tây với vận tốc 10 dặm/giờ. Bão sẽ đi ngang đảo Hải Nam và yếu đi chút ít trước khi ra biển trở lại ở Vịnh Bắc Việt.

Theo dự đoán sau khi đổ bộ vào đất liền ở khu vực từ Hải Phòng đến Quảng Ninh, bão Côn Sơn sẽ đi song song với biên giới Việt Hoa và gây mưa lũ trong khu vực này, rồi tan dần ở gần Hà Giang vào ngày Chủ Nhật.

Mùa bão ở Việt Nam kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11. Những trận bão đầu mùa thường đổ bộ vào đất liền ở miền Bắc, sau đó giữa mùa dần dần chuyển xuống miền Trung và vào tháng cuối cùng trong mùa bão đi hướng về phía Tây Nam hoặc chỉ ở trên biển không lên đất liền. (HC).

- Ngưòi Việt Online