Mười một quốc gia trong đó có Việt Nam vừa ký Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tại Chile, Santiago hôm 8/3. Hiệp định này bao gồm một thị trường gần 500 triệu người, dù Hoa Kỳ rút lui, chiếm hơn 13% kinh tế toàn cầu.

Đây là thỏa thuận mậu dịch lớn nhất trên thế giới hiện nay.

CPTPP thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui năm 2017.

Những người ủng hộ cho rằng việc đạt được thỏa thuận mậu dịch này mang ý nghĩa lớn và nó có thể là một hình mẫu cho các giao dịch thương mại trong tương lai.

Mục đích của CPTPP

CPTPP bao gồm một thị trường gần 500 triệu người, dù Hoa Kỳ rút lui, chiếm hơn 13% kinh tế toàn cầu. Reuters. Bản quyền hình ảnh

Mục đích chính của CPTPP là cắt giảm thuế quan giữa các nước thành viên.

Đồng thời giảm bớt các biện pháp phi thuế quan gây trở ngại cho thương mại thông qua các quy định.

CPTPP có những chương nhằm hài hoà các quy định này, hoặc ít nhất là làm cho chúng minh bạch và công bằng.

Ngoài ra còn có cam kết thực thi các tiêu chuẩn môi trường và lao động tối thiểu.

Nó cũng bao gồm cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư-nhà nước, cho phép các công ty kiện các chính phủ khi họ tin rằng một sự thay đổi về luật pháp gây phương hại đến lợi nhuận của họ.

Các nước tham gia ký CPTPP bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.

Ai được ai mất

Getty Images. Bản quyền hình ảnh

Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson cho rằng CPTPP sẽ giúp Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam tăng trưởng thêm hơn 2% GDP vào năm 2030.

New Zealand, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile và Úc sẽ tăng trên dưới 1% GDP.

Trong khi đó Hoa Kỳ có thể là một 'kẻ bại trận', với mức tăng GDP chỉ 0,5% (trị giá 131 tỷ đôla).

Hơn nữa, Mỹ có thể mất thêm 2 tỷ đôla vì các công ty ở các nước thành viên có động lực để trao đổi thương mại với nhau thay vì với các công ty Mỹ.

Nhưng Donald Trump không phải là người duy nhất không bị giá trị của hiệp định này thuyết phục.

Các hiệp hội (đặc biệt là ở các nước thành viên giàu có hơn như Úc và Canada) cho hay thoả thuận có thể thủ tiêu công ăn việc làm và kéo lương sụt giảm.

Một số nhà kinh tế cũng cho rằng các hiệp định thương mại tự do được vẽ ra bởi những nhu cầu đặc biệt, làm cho giá trị kinh tế của chúng trở nên vô cùng mập mờ.

BBC Tiếng Việt