Vấn đề giấy tờ của người gốc Việt ở Campuchia đang được cải thiện, theo như người dân và Đại sứ quán Việt Nam cho BBC biết. Hôm 23/4, hơn 100 người gốc Việt đã được tiến hành đăng ký Thẻ Ngoại Kiều ở Chbar Ampov, thủ đô Phnom Penh, Đại sứ Việt Nam Vũ Quang Minh cho biết.

Hơn 100 người Campuchia gốc Việt thuộc Quận Chbar Ampov đến đăng ký nhận Thẻ Ngoại Kiều hôm 23/4. Bản quyền hình ảnh: FB Vũ Quang Minh

Đây là một nhóm nhỏ trong số hơn hàng chục ngàn người gốc Việt đã được cấp giấy tùy thân hợp pháp theo quy định của chính phủ Campuchia.

Khi chính phủ Campuchia thông qua Nghị định 129 hồi tháng 7/2017, nhiều người dân đã tỏ ra lo ngại về việc thu hồi những giấy tờ cũ - giấy tờ tùy thân duy nhất mà họ đã sở hữu hàng chục năm qua.

Chưa kể đến mức phí 250.000 riel (khoảng 1,4 triệu VND) mỗi lần đăng ký, vượt quá khả năng chi của nhiều người dân gốc Việt nghèo khó.

Tuy nhiên, theo phóng sự của BBC Tiếng Việt hồi tháng 12, khi chính phủ Campuchia thu hồi giấy tờ cũ, một số người Việt cho biết họ được hỗ trợ trả khoản phí đăng ký giấy tờ từ một nguồn tài trợ riêng biệt.

Theo đó người gốc Việt dù đến Campuchia vào thời điểm nào, miễn trước 2012, đều phải đăng ký 3 lần, cứ hai năm một lần, cho đến năm thứ 7 thì có thể xin vào quốc tịch Campuchia.

Đại sứ Vũ Quang Minh cho BBC Tiếng Việt biết hôm 24/4 rằng thời gian qua các cơ quan liên ngành giữa hai nước Việt Nam và Campuchia đã làm việc để giải quyết vấn đề này.

"Thời gian qua các cơ quan liên quan của hai nước, đặc biệt bao gồm Bộ Nội vụ CPC (Tổng cục Di trú), Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế CPC, Bộ Công An Việt Nam, và Bộ Ngoại giao Việt Nam (Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài) đã làm việc rất tích cực."

"Có sự hợp tác của Tổng hội người CPC gốc Việt và các cơ quan đại diện Việt Nam ở CPC (ĐSQ, hai Tổng lãnh sự quán ở Battambang và Sihanoukville) để triển khai việc thực hiện hoàn tất giấy tờ pháp lý cho người CPC gốc Việt, sớm thực hiện mục tiêu cấp giấy tờ tùy thân hợp pháp cho tất cả bà con người CPC gốc Việt để có thể có địa vị pháp lý hợp pháp, ổn định cuộc sống ở CPC theo luật pháp CPC và thông lệ, luật pháp quốc tế," ông Minh nói.

Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh cũng cho biết, nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện... đã quyên góp thành một khoản quỹ để giúp người dân có điều kiện khó khăn, không thu xếp được tiền nộp lệ phí đăng ký nhận thẻ thường trú ngoại kiều.

"Nên đây không còn là rào cản bà con đi làm thủ tục," Đại sứ cho biết.

 

Thẻ Ngoại Kiều Thường Trú.  Bản quyền hình ảnh. FB Vũ Quang Minh

Một người gốc Việt nhận Giấy chứng nhận Ngoại Kiều và Thẻ vàng Ngoại kiều Thường Trú. Bản quyền hình ảnh. FB Vũ Quang Minh

"Chúng tôi mong bà con còn chưa làm thủ tục sớm hoàn tất hồ sơ. Chúng tôi cũng hy vọng thời gian tới, con em người Campuchia gốc Việt sẽ được bảo đảm tốt hơn quyền được đến trường công lập," ông Minh viết trong bài đăng hôm 24/4 trên Facebook.

Nhưng quyền lợi của người dân vẫn không có gì thay đổi, theo như BBC được biết. Khác biệt duy nhất là tất cả những người gốc Việt giờ sở hữu trong tay giấy tờ tùy thân hợp pháp được công nhận bởi chính quyền nước sở tại.

Những người từng có hộ chiếu mà bị thu hồi, thì được biết đến nay, những quyền lợi đã có sẽ không bị ảnh hưởng, theo một nguồn tin của BBC.

Bị ép đóng phí lạ?

Nhiều người dân ở vùng Siem Reap, Biển Hồ Tonle Sap xác nhận với BBC rằng họ cũng đã được cấp thẻ vàng.

Hình chụp từ chuyến đi của phóng viên BBC đến Biển Hồ cuối 2017.  Bản quyền hình ảnh. Thùy Linh/BBC

Những người đăng ký lần đầu tiên được cấp thẻ xanh, còn những người đăng ký lần thứ hai thì được cấp thẻ vàng cho Ngoại kiều Thường trú.

Họ cho biết họ không phải đóng phí 250.000 riel tuy nhiên mỗi hộ bị buộc đóng 10.000 riel "phí cơm" cho cán bộ làm thủ tục đăng ký.

Ngoài ra, người lớn phải đóng 7.000 riel phí chụp ảnh, còn trẻ em, ngay cả trẻ sơ sinh thì đóng 5.000 riel.

Một quan chức cho BBC biết chính phủ đã tài trợ toàn bộ tiền phí này cộng với chi phí mời cơm đón tiếp các cán bộ làm việc, và cho biết sẽ điều tra các cáo buộc trên của người dân.

Quan chức này cũng cho biết, cuộc tổng rà soát cho thấy có khoảng 170.000 người gốc Việt đang sinh sống ở Campuchia, nhưng con số này ước tính chỉ chiếm khoảng 80% số dân gốc Việt thực sự.

BBC đã tìm cách liên hệ với ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Tổng hội người Campuchia gốc Việt nhưng ông không nhấc máy.

BBC Tiếng Việt