Khi biết tôi bắt đầu làm nghiên cứu về duy trì tiếng Việt cho trẻ em Việt nam ở Úc, bạn bè hỏi tôi làm thế nào để giúp các con nói tiếng Việt ở nhà.

 TS Trần Hồng Vân đọc truyện tranh tiếng Việt cho con gái út. Bản quyền hình ảnhTRAN HONG VAN

 Việc này vừa dễ lại vừa khó. Dễ là ngay từ khi các con tập nói, bố mẹ đã tạo thói quen nói tiếng Việt ở nhà và liên tục duy trì thói quen này, còn khó là khi để chúng lớn và quen với việc nói tiếng Anh ở nhà rồi mới bắt đầu "thiết lập trật tự" nói tiếng Việt.

 Có rất nhiều cách để giữ tiếng Việt cho con, tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, các bố mẹ có thể lựa chọn ra cách phù hợp với gia đình mình nhất.

 1. Tự dạy con qua sách, truyện tranh, phim ảnh, ca nhạc tiếng Việt

 Khi các con đến tuổi đi học, bố mẹ có thể dạy con tập đọc, tập viết theo một cuốn giáo trình đơn giản dành cho trẻ em ở nước ngoài.

 Nếu không có điều kiện để dạy con theo sách thì hình thành thói quen đọc truyện tranh tiếng Việt cho con mỗi tối từ khi con còn bé là một cách rất hiệu quả để con quen dần với từ ngữ tiếng Việt.

 Các nghiên cứu ở Anh, Úc, Mỹ, Đức, Hà lan, Isarael, và nhiều nơi khác trên thế giới đã chỉ ra rằng việc "dạy" con tiếng mẹ đẻ bằng các cách khác nhau như dạy theo sách, nói chuyện, đọc sách, cho con xem phim ảnh ca nhạc, … là yếu tố quan trọng nhất trong việc giữ tiếng mẹ đẻ cho con.

 Thói quen đọc truyện tranh tiếng Việt cho con từ khi con còn bé là cách hiệu quả để con quen dần với từ ngữ tiếng Việt. Bản quyền hình ảnhTRAN HONG VAN

 Khi phát hiện ra con gái út gần 4 tuổi của tôi bắt đầu nói tiếng Anh nhiều hơn ở nhà, tôi nhắc cháu nói tiếng Việt.

 "Con không nói được, vì mẹ không dạy con", cháu nhăn nhó.

 "Mẹ nói chuyện với con, đọc truyện tiếng Việt với con, có từ nào con không hiểu hay con không biết tiếng Việt là gì thì con hỏi mẹ, thế là mẹ đang dạy con đấy", tôi giải thích cho cháu.

 Sau đó, một tối trước khi đi ngủ, cháu hỏi:

 "Mẹ ơi, tiếng Việt 'Aboriginal' là gì hả mẹ?"

 "Là những gì thuộc về người thổ dân con ạ. Con định nói gì?", tôi giải thích và hỏi cháu.

 "Hôm nay cô giáo bảo mình phải cám ơn người thổ dân đã share land với mình", cháu đáp.

 "Đúng rồi, cám ơn người thổ dân đã cho mình cùng chung sống trên nước Úc nhỉ", tôi nhắc cháu phần từ ngữ tiếng Việt mà cháu không biết và không quên động viên "Con giỏi lắm. Tuyệt vời đấy".

 "Tuyệt vời ông mặt trời, clever sun. I am clever sun!", cháu tự hào nói.

 Khen con kịp thời mỗi khi con nói được các từ , ngữ tiếng Việt khó là hình thức động viên hữu ích với trẻ em. Các bố mẹ trong nghiên cứu của tôi cho biết con em của họ khi được khen nói tiếng Việt giỏi thì càng thích nói.

 2. Trường Việt ngữ

Học sinh trường Việt ngữ Inner West đón Tết Kỷ Hợi 2019. Bản quyền hình ảnhTRAN HONG VAN

Nếu bố mẹ không có điều kiện để dạy con tiếng Việt theo sách thì trường dạy tiếng Việt là nơi phụ huynh có thể đưa con đến vào cuối tuần.

 Các em nên bắt đầu đi học tiếng Việt từ khi vào tiểu học vì càng lớn các em càng có khó khăn khi học tiếng mẹ đẻ. Nhiều em đến tuổi học trung học không hào hứng với việc đi học tiếng mẹ đẻ nữa.

 Không phải em nào cũng thích đi học ở trường tiếng Việt nhưng nếu biết cách, các bố mẹ có thể giúp các em có cảm hứng để đi học.

 Thời kỳ vàng để học ngoại ngữ?

 Tuổi nào tốt nhất để học một ngôn ngữ

 Một năm trước, khi được hỏi về việc đi học tiếng Việt, con gái lớn 9 tuổi của tôi từ chối ngay.

 ''Con thử đi một buổi xem có thích không, mẹ nghĩ là con sẽ thích vì có bạn Emma và chị Hương cũng đi đấy", tôi thử thuyết phục cháu.

 Cháu đồng ý đi thử và sau đó đồng ý tiếp tục đi học. Ngoài việc được chơi với các bạn đã quen biết và kết bạn với các bạn mới, ở nhiều trường tiếng Việt, các em còn được học và chơi nhạc dân tộc, hát múa, chơi các trò chơi, tham gia các lễ hội truyền thống, nhờ đó mà các em yêu tiếng Việt và văn hóa Việt, có thêm cảm hứng để đi học.

 3.Thăm Việt Nam và năng giao tiếp với người thân ở Việt Nam

Các con chị Vân được học tiếng Việt, văn hóa Việt qua những lần về thăm Việt Nam. Bản quyền hình ảnhTRAN HONG VAN

Một tháng về Việt nam có nghĩa là một tháng "học" tiếng Việt trong môi trường tự nhiên, có minh họa thực tế. Nếu có thể, cho các em vào học ở các trường phổ thông cùng với các bạn cùng lứa tuổi ở Việt nam cũng là một cách giúp các em học tiếng Việt nhanh.

 Giao tiếp với người thân, họ hàng ở Việt nam bằng cách viết thư, gửi bưu thiếp, hoặc nói chuyện trên điện thoại hoặc các phương tiện tương tác có hình ảnh cũng là cho các em thêm cơ hội sử dụng tiếng Việt, đồng thời duy trì quan hệ với người thân.

 Các nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ ở Mỹ đã chỉ ra rằng việc các em về chơi, thăm người thân, và tham gia học ở trường học ở các nước xuất xứ của bố mẹ như Nhật bản, Hàn quốc, Mexico, Costa Rica, … có tác động tích cực đến trình độ tiếng mẹ đẻ của các em.

 Các em còn duy trì được mối quan hệ với ông bà và họ hàng và có thêm những người bạn mới để sau đó tiếp tục liên lạc với nhau dùng ngôn ngữ mẹ đẻ.

 4.Tấm gương sáng

Bố mẹ phải là tấm gương nói tiếng Việt cho các con và các anh chị lớn phải là tấm gương nói tiếng Việt để các em nhỏ bắt chước.

 Các nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ ở Mỹ, Canada và Nhật Bản đã chỉ ra rằng việc duy trì các ngôn ngữ mẹ đẻ như tiếng Tây Ban nha, tiếng Trung, tiếng Việt và các ngôn ngữ khác (ở Mỹ và Canada) và tiếng Thái (ở Nhật bản) trở nên khó khăn hơn với các em sinh sau trong gia đình một phần vì thời gian bố mẹ dành cho mỗi con ít đi, một phần vì các anh chị hay nói tiếng của nước sở tại với các em.

 Ban nhạc dân tộc của trường Việt ngữ Inner West biểu diễn tại Đại học Sydney. Bản quyền hình ảnhTRAN HONG VAN

Khi phát hiện ra con gái út của tôi bắt đầu nói tiếng Anh ở nhà nhiều hơn, tôi đã tìm ra phần nào "thủ phạm" là anh chị của cháu. Tôi bảo anh chị cháu "các con là tấm gương, là thầy cô của em trong việc học tiếng Việt nên các con cố gắng nói tiếng Việt khi chơi với em". Anh chị cháu rất thích "vai trò" mới này và luôn nhắc nhở em nói tiếng Việt ở nhà.

 Thái độ tích cực với tiếng Việt và văn hóa Việt

Đây là một yếu tố rất quan trọng trong việc duy trì tiếng Việt cho con. Người ta không thể muốn giữ cái mà người ta không thích. Làm thế nào để con yêu văn hóa Việt và yêu tiếng Việt?

 Tránh thường xuyên nói chuyện tiêu cực về Việt nam trước mặt các con và cùng nhau xem các chương trình giải trí bằng tiếng Việt là các cách bố mẹ có thể làm.

 Gia đình tôi hay cùng nhau xem một số chương trình giải trí của truyền hình Việt nam, thấy con gái út 4 tuổi cười khanh khách, tôi hỏi: Con có hiểu không? Cháu bảo: Có và không, nhưng chú này buồn cười quá.

 Không quan trọng là các cháu phải hiểu hết chương trình, mưa dầm thấm lâu, học một ngôn ngữ là như vậy. Mỗi ngày một ít, với nhiều hình thức khác nhau, quan trọng là phải liên tục và đều đặn.

 Với các gia đình bố mẹ không cùng chung một ngôn ngữ và các em có vấn đề về ngôn ngữ

Giữ tiếng Việt trong các gia đình có cả bố và mẹ đều nói tiếng Việt đã là khó, giữ tiếng Việt trong các gia đình mà bố hoặc mẹ không nói tiếng Việt hoặc có con em có vấn đề về ngôn ngữ lại càng khó hơn nhiều lần.

 Trong những trường hợp này, nhiều gia đình thường có xu hướng "hi sinh" tiếng mẹ đẻ vì sự phát triển của tiếng của nước sở tại vì lo ngại các em "lẫn" hai ngôn ngữ. Thực ra, như đã nhắc đến ở bài viết trước về lợi ích của việc duy trì tiếng Việt, việc phải chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thực ra là một bài tập rất hữu ích cho não bộ.

 Các em có thể viết thiếp cho ông bà và người thân bằng tiếng Việt. Bản quyền hình ảnhTRAN HONG VAN

Các nghiên cứu về tác động của đa ngôn ngữ với trẻ em có vấn đề về phát triển ngôn ngữ ở Anh, Úc, Mỹ đã chỉ ra việc sử dụng hai hay nhiều ngôn ngữ với các em bị tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ, và các rối loạn phát triển thần kinh khác không hạn chế khả năng tiếp thu ngôn ngữ cũng như giao tiếp xã hội của các em.

 Vì thế gia đình của các em có vấn đề về ngôn ngữ có thể "yên tâm" duy trì tiếng Việt, không nên vì sợ tiếng Việt làm các em "lẫn" mà cả nhà chỉ sử dụng tiếng Anh hay tiếng của nước sở tại, làm mất đi cơ hội duy trì tiếng mẹ đẻ cho các em nhỏ khác trong gia đình.

 Với các gia đình chỉ có bố hoặc mẹ nói tiếng mẹ đẻ, các nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ đã cho biết một phương pháp mà các gia đình có thể áp dụng là "mỗi cha mẹ một tiếng". Ví dụ như ở Úc, nếu chỉ có mẹ nói được tiếng Việt còn bố nói tiếng Anh, theo phương pháp này, đứa trẻ sẽ nói tiếng Việt khi nói chuyện với mẹ và nói tiếng Anh khi nói chuyện với bố.

 Giữ Tiếng Việt cho con cần có sự kiên định của cha mẹ. Bản quyền hình ảnhTRAN HONG VAN

Tóm lại, có nhiều cách khác nhau để duy trì tiếng Việt cho con và tùy vào hoàn cảnh của mình, mỗi gia đình có thể chọn ra những cách phù hợp nhất. Điều quan trọng nhất là luôn tâm niệm mình cần giữ tiếng Việt cho con và không thỏa hiệp vì bất kỳ lý do nào.

 Kiên định là chìa khóa

Mùng một Tết âm lịch, tôi nhận được tin nhắn chúc Tết của một người bạn mới, cô nói " Chúc mừng năm mới chị. Các bé nhà em phải nói tiếng Việt mà nhiều khi xoắn cả lưỡi".

 "Các bạn nhà chị lưỡi cũng xoắn liên tục em ạ. Quan trọng là đừng thấy con xoắn lưỡi mà mình "rụt lưỡi" nói tiếng Việt với con là được. Chúc mừng năm mới!", tôi nhắn lại cho cô.

 Trần Hồng Vân

Viết cho BBC