Nói đến thâm thủng mậu dịch, nước Mỹ là quốc gia đứng đầu thế giới, và trong mấy năm gần đây, trung bình mỗi năm là con số hơn $500 tỷ, vậy thử hỏi làm sao mà không khiến cho nhiều giới chức trong chính quyền sốt ruột.

Nhưng cũng chỉ vì người dân Mỹ tiêu xài quá mức và đó là lý do chính biến nước Mỹ thành quốc gia tiêu thụ đứng đầu thế giới. Nói đâu xa, chỉ riêng trong lãnh vực năng lượng thôi cũng đã ngốn hết một phần tư số xăng dầu sản xuất trên thế giới, trong khi dân số chỉ chiếm 4.4 phần trăm.

Mặc dù vậy, Mỹ cũng là quốc gia xuất cảng hàng đầu thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, với mức xuất cảng hàng hoá năm 2017 lên đến $1.5 ngàn tỷ. Nhưng nếu có thể kể luôn cả những món tuy gọi là xuất cảng nhưng lại không phải chuyên chở ra khỏi nước Mỹ như du lịch, dịch vụ tài chánh và bảo hiểm, và một số sản phẩm về trí tuệ thì tổng số giá trị xuất cảng của nước Mỹ tính ra lên đến $2.3 ngàn tỷ. Với số xuất cảng cao như thế thì Tổng thống Donald Trump đâu có lý do gì để tiếp tục phàn nàn về vấn đề thâm thủng mậu dịch nữa.

Tuy nhiên vẫn còn một món hàng xuất cảng không được ai nhắc tới nhưng nó lại là món hàng lời nhất – lời hơn cả dầu lửa hay thuốc men hay phim ảnh Hollywood hay máy bay của Boeing. Nó không chỉ mang lại cho nước Mỹ một lời mười hay thậm chí một lời một trăm, mà là một lời tới gần 1,000 lần: xuất cảng tiền. Vâng, đúng là tiền – và toàn là những tờ $100 màu xanh với hình ông già Benjamin Franklin cười mỉm thật dễ thương mà ai ai cũng mến.

Năm ngoái, nước Mỹ xuất cảng ra ngoại quốc $65.3 tỷ tiền mặt – hầu hết là loại tiền giấy $100.

Thế giới rất cần một loại tiền quốc tế, và đồng đô la từ lâu nay hẳn nhiên nắm giữ địa vị đó là vì nước Mỹ, cho dù cũng có những thăng trầm kinh tế của riêng nó, vẫn mặc nhiên được nhiều người xem như là trung tâm của kinh tế toàn cầu. Nợ của chính phủ Mỹ lại là loại đầu tư được thế giới ưa chuộng và tin cậy nhất, và công khố phiếu của chính phủ chỉ có thể mua được bằng đô la. Dầu lửa là món hàng thương mại chủ yếu của thế giới, và nó cũng được định giá và được bán bằng đồng đô la chứ không bằng một loại tiền nào khác.Do đó đã có người ví nó giống như trang mạng xã hội Facebook vậy, mọi người sử dụng đồng đô la là vì mọi người khác cũng sử dụng đô la. Chỉ đơn giản vậy thôi!

Thời đại ngày nay, hầu hết các cuộc giao dịch có liên quan đến tiền đều được thực hiện qua hình thức điện tử: tiền được cất giữ trong các trương mục của ngân hàng và hiển thị trên máy vi tính; lương bổng được chuyển trực tiếp từ công ty vào trương mục cá nhân, mua sắm tại các cửa hàng được trả bằng thẻ tín dụng; thanh toán hoá đơn hàng tháng cũng được trả qua internet. Thế thì tại sao những tờ tiền giấy vẫn được người ta ưa chuộng đến thế?

Trong chúng ta có mấy ai còn nhớ lần cuối cùng trong tay chúng ta cầm tờ $100 không? Nó vừa bất tiện (dùng để mua món gì nếu không bị nghi là tiền giả thì thường các cửa hàng cũng không có đủ tiền để thối lại) lại vừa không an toàn (có thể bị cướp giật bất cứ lúc nào).

Vậy mà nhu cầu ở ngoài nước Mỹ cần đến tờ tiền giấy có mặt ông già Benjamin Franklin thì lại cứ tăng đều mặc dù trong khi việc sử dụng tiền mặt ở trong nội địa nước Mỹ ngày càng giảm. Con số tiền giấy $100 đang được lưu hành ước tính tăng gấp đôi trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2017, và các chuyên gia phỏng đoán một số lớn là ở trong tay của người ngoại quốc.

Thêm một điều đáng nói nữa, Ngân hàng Dự trữ Liên bang mới đây loan báo cho biết là vào khoảng cuối năm 2017 vừa qua, con số tiền giấy $100 đang được lưu hành lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt qua số tiền giấy $1.

Vậy chắc chắn một số lớn những tờ bạc $100 kia đang nằm trong tay của những chủ nhân của chúng chứ không ở ngân hàng, đặc biệt là ở những quốc gia nơi người dân mất tin tưởng vào giá trị hiện kim của loại tiền của nước họ, hay sự thanh liêm chính trực của hệ thống tài chánh xứ ấy. Mà giữ một tờ hay nhiều tờ $100 ở nhà cũng không phải là điều lý tưởng, dễ gây sự chú ý đối với những người có sẵn lòng tham bất chính, chẳng khác nào một lời mời gọi để những kẻ có lòng tham ghé nhà mình vào những lúc đêm khuya hay những khi chủ vắng nhà. Thế nên những người sở hữu những tờ $100 đó phải tìm cách giấu sao cho thật kỹ, ở một nơi nào đó thật an toàn không ai ngờ tới, không dễ bị hư hại nếu chẳng may có hoả hoạn hay lụt lội. Có thể nói không sợ sai rằng người ta tích trữ đô la cũng như tích trữ kim cương hay vàng, chỉ khác một điều đô la dễ tiêu hơn hai thứ kia nhiều.

Thậm chí đến ngay những kẻ thù không đội trời chung với Mỹ, sớm tối chửi Mỹ không tiếc lời, cũng tích trữ đồng đô la của Mỹ: năm 2003 khi những binh lính Hoa Kỳ lục soát một trong những toà lâu đài của Saddam Hussein ngay sau chiến tranh thì họ bất ngờ phát giác ra cha con Hussein cất giấu khoảng $650 triệu, toàn là những tờ $100 còn tươi nguyên.

Mà đây cũng là một sự khám phá rất tình cờ khi một thượng sĩ để ý thấy có một lỗ hổng trên một bức tường giả và nhìn xuyên qua lỗ hổng thì thấy ở mặt bên kia bức tường có mấy hộp sắt đặt gần đấy. Họ đi xem thử những phòng ốc xung quanh thì tìm được tổng cộng 164 hộp.

Tất cả các hộp này đều có nắp đóng bằng đinh vít và được bọc cẩn thận bằng một loại giấy và bọc nhựa giống nhau. Họ xem xét các nhãn được dán ở bên ngoai thì biết được đó là những thùng tiền nguyên thủy được chuyển từ Ngân hàng Jordan qua Ngân hàng Iraq và sau đó được chở về toà lâu đài. Họ thử chọn lấy mấy hộp trong số ấy và mở ra thì thấy mỗi hộp chứa 4 triệu đầy những tờ 100 được xếp thành từng bó rất gọn gàng. Tất cả số tiền này sau đó được giao lại cho chính quyền mới của Iraq.

Những tờ $100 còn là loại tiền rất được ưa chuộng trong những vụ trao đổi, buôn bán bất hợp pháp: đánh bạc, buôn bán bạch phiến và vũ khí lậu. Kinh tế gia Barry Eichengreen, một chuyên gia nghiên cứu và hiểu biết rất rõ về đồng đô la, nhận thấy là hầu như tất cả các nhân vật phản diện trong phim ảnh, cho dù đó là phim của quốc gia nào, cũng thường hay đòi tiền chuộc được trả bằng đồng đô la xanh.

Một sự tiện lợi rõ ràng mà ai cũng thấy khi người ta sử dụng loại tiền lớn như thế cho các vụ buôn bán, trao đổi nơi mà tiền dùng để thanh toán luôn được cất giữ kín đáo trong các va li gọn nhỏ. Thế nên cách đây không lâu đã từng có người đưa ra ý kiến nói rằng để bài trừ tệ đoan và tội ác trong xã hội thì không gì bằng thu hồi không cho lưu hành tờ $100 nữa và chỉ cho sử dụng tờ $10 là tối đa. Là vì không ai làm ăn buôn bán bí mật và bất hợp pháp mà lại chở theo một xe cam nhông tiền theo bao giờ.

Thế nhưng ngay cả loại tiền giấy 200 euro, có giá trị hơn tờ $100 nhiều lần, cho đến nay vẫn là loại tiền euro được lưu hành ít nhất. Thế mới biết ngay cả các tay tội phạm cũng chỉ thích đô la mà thôi.

Tuy nhiên, người ta vẫn không thể giải thích vì sao nhu cầu giữ đô la ở ngoại quốc tăng gấp đôi như vậy. Thời thập niên 1990, sau khi Liên Sô sụp đổ đã làm cho làn sóng tích trữ đồng đô la dân cao thì còn hiểu được. Trong mấy năm gần đây không có sự kiện quan trọng nào xảy ra cả. Hơn nữa đồng đô la ngày càng gặp sự cạnh tranh của đồng euro, bản vị của một khu vực kinh tế lớn hơn Mỹ, và đồng nguyên, bản vị của Trung Quốc nơi mà nền kinh tế không thua kém Mỹ bao nhiêu.

Một số chuyên gia tài chánh phỏng đoán vị trí ưu thế của đồng đô la sẽ không còn kéo dài bao lâu nữa. Nhưng các chuyên gia cũng đã từng đưa ra lời phỏng đoán như vậy từ nửa thế kỷ trước. Trong khi đó nước Mỹ tiếp tục cho in thêm tiền ở hai xưởng in tại Washington và Fort Worth, và sau đó phân phối tới những kho chứa bạc tại những trung tâm tài chánh thế giới như London, Frankfurt và Singapore.

In đô la, nói cho cùng, là một ngành kinh doanh chỉ lời chứ không lỗ, mà hơn nữa lại lời rất nhiều. Người ta xếp hạng các món hàng xuất cảng của Mỹ thì đô la xanh có giá trị cao đứng hàng thứ nhì chỉ sau dầu lửa. Tuy nhiên, xuất cảng đô la thì có lời hơn nhiều.Chi phí để in một tờ $100 chỉ tốn 14 xu, và thêm vài xu lẻ nữa để gửi ra ngoại quốc.

Cho đến cuối năm 2018, ngoại quốc giữ tiền đô la của nước Mỹ tổng cộng là $773.9 tỷ.

Nhưng nhu cầu về đồng đô la Mỹ cao cũng là con dao hai lưỡi. Nhu cầu tăng cũng có nghĩa là trị giá hối đoái của đồng đô la tăng theo, và người Mỹ được lợi khi mua hàng và dịch vụ của ngoại quốc với giá rẻ hơn. Nhưng ngược lại thì hàng xuất cảng của Mỹ trở nên mắc mỏ hơn đối với người mua ngoại quốc.

Dù gì đi nữa thì cho đến nay đô la vẫn là món hàng nước Mỹ thích xuất cảng nhất.

Trong cuốn hồi ký “Đèn cù”, tác giả Trần Đĩnh kể lại câu chuyện sau 30 Tháng 4 đại khái: một ông cụ cựu chuyên viên tài chánh miền Nam nói với một người mới ngoài Bắc vào Nam là Mỹ đi rồi Mỹ lại về thôi. Người miền Bắc này nghe xong phá lên cười, nói một cách quả quyết rằng Mỹ đừng hòng trở lại nơi mà cờ búa liềm đã cắm xuống. Ông cụ mới điềm tĩnh nói nhỏ nhẹ: thế là vì các anh chưa hiểu sức mạnh của đồng đô la đó thôi.

Nay thì ta lại biết thêm một câu chuyện nữa về sức mạnh vạn năng ấy.

Huy Lâm

Nguồn: thoibao.com