Vào chiều ngày 30/6, tại Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Thương mại Tự do với EU (EVFTA).

Lễ ký EVFTA giữa EU và Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/6/2019. AFP

Tham dự lễ ký, về phía EU có Cao uỷ thương mại EU, bà Cecilia Malmstrom và Bộ trưởng Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Romania Stefan Radu Oprea.

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ông kỳ vọng EVFTA và Hiệp đinh Bảo hộ Đầu tư giữa hai bên sẽ như một “đường cao tốc quy mô lớn” giúp thúc đẩy hợp tá, thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam.

Theo thoả thuận, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ EU ngay khi EVFTA có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá trong giai đoạn 10 năm.

Cũng theo thoả thuận, EU sẽ giảm hơn 70% thuế quan đối với hàng hoá Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được xoá thuế trong 7 năm tiếp theo.

Theo thủ tục, EVFTA sẽ phải chờ Nghị viện Châu Âu phê chuẩn trước khi có hiệu lực, dự kiến là vào năm 2020.

Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) giữa hai bên sẽ mất thời gian lâu hơn vì còn phải chờ từng nước trong EU thông qua.

Việt Nam và EU đã kết thúc đàm phán EVFTA từ tháng 12 năm 2015 nhưng việc ký kết hiệp định đã bị trì hoãn vài lần vì những quan ngại của EU về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là quyền của người lao động.

Để EU có thể thông qua EVFTA, Việt Nam phải tham gia thêm 3 công ước của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) liên quan đến quyền của người lao động.

Quốc hội Việt Nam trong tháng 6 vừa thông qua Công ước 98 về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể.

Hiện Việt Nam đã tham gia 6 trên 8 công ước của ILO. 2 công ước còn lại là Công ước 87 và 105 là các công ước về Tự do Hiệp hội, và Xoá bỏ Lao động Cưỡng bức.