Hoa Kỳ áp lệnh trừng phạt đối với 24 công ty Trung Quốc, liên quan tới với những diễn biến mới nhất trên Biển Đông. Tuyên bố của Hoa Kỳ được đưa ra hôm thứ Tư, theo đó nói lệnh hạn chế visa được áp dụng với các công ty và cá nhân tham dự vào việc xây dựng các đảo nhân tạo ở vùng biển có tranh chấp.

Getty Image

24 công ty này nay được đưa vào danh sách cấm của Bộ Thương mại, theo đó không được mua các mặt hàng và nguyên liệu từ Mỹ.

Chính quyền ông Trump đã trừng phạt hàng chục công ty Trung Quốc trong những tháng qua, với việc đưa các hãng này vào danh sách gây quan ngại cho an ninh quốc gia, liên quan tới công nghệ và tới các cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Uighur thiểu số ở Tân Cương.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên lệnh trừng phạt được đưa ra đối với việc bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông.

"Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã sử dụng các công ty quốc doanh để nạo vét và bồi đắp hơn 3.000 acres tại các thực thể có tranh chấp trên Biển Đông, gây bất ổn cho khu vực, giày xéo lên quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường nghiêm trọng không kể xiết," Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong một tuyên bố.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ nói rằng có khoảng 20 công ty đã "đóng vai trò hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông, hành động bị quốc tế lên án."

Bộ Ngoại giao trong một tuyên bố riêng rẽ nói rằng sẽ áp dụng các hạn chế visa đối với các cá nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với" hành động đó ở Biển Đông, và những người có liên quan tới "việc ép buộc các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải từ bỏ quyền tiếp cận của họ tới các nguồn tài nguyên ngoài khơi."

Các cá nhân này có thể sẽ bị cấm vào Mỹ, và các thành viên gia đình họ cũng có thể phải đối diện với các hạn chế visa, tuyên bố của Bộ Ngoại giao nói.

Liên tục leo thang căng thẳng

Hoa Kỳ đã tiến hành nhiều chiến dịch tự do đi lại trên biển bằng cách đưa tàu chiến tới khu vực.

Trung Quốc luôn phản ứng gay gắt trước các hoạt động này.

Hôm thứ Ba, Trung Quốc đưa ra phản đối chính thức tới Hoa Kỳ về việc Washington cho một máy bay do thám U2 tới vùng cấm bay phía trên nơi đang diễn ra các cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Trung Quốc.

Bắc Kinh gọi đây là hành động khiêu khích.

Việc phi cơ do thám U2 bay trên trên vùng trời miền Bắc Trung Quốc, khu vực Vịnh Bố Hải, là vi phạm các quy tắc an toàn giữa hai quốc gia, Tân Hoa Xã tường thuật, dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, và là "can thiệp nghiêm trọng vào các hoạt động tập trận bình thường".

Hành động này có thể dễ dàng dẫn tới sự hiểu nhầm hoặc đánh giá sai tình hình, hoặc xảy ra "sự cố ngoài ý muốn", Bộ này nói thêm.

Trong một tuyên bố, quân đội Hoa Kỳ nói rằng một chiếc U2 đã bay trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, và nói đó là chuyến bay "trong khuôn khổ các quy định luật pháp quốc tế được chấp nhận".

Để đáp trả, Trung Quốc vào sáng hôm thứ Tư 26/8 đã đưa hai tên lửa tầm trung vào Biển Đông, tờ South China Morning Post tường thuật, nhằm gửi tín hiệu cảnh báo tới Hoa Kỳ.

Quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã trở nên tồi tệ đi trong mọi khía cạnh, từ thương mại tới nhân quyền, cho tới điều mà Hoa Kỳ coi là những bước đi hung hăng của lực lượng vũ trang Trung Quốc, đặc biệt là tại vùng Biển Đông có tranh chấp và xung quanh hòn đảo Đài Loan.

BBC Tiếng Việt