Những ngày qua, chủ đề "tiến sĩ cầu lông" đang làm dậy sóng trở lại những trăn trở, hoài nghi về thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam từ sau vụ việc "lò sản xuất tiến sĩ" mới chỉ cách đây vài năm.

 

Nguồn hình ảnh: Lemontreeimages. Chụp lại hình ảnh, NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/AFP VIA GETTY IMAGES

Giới học giả, người làm giáo dục và dư luận đặt câu hỏi về thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay, khi mà có những đề tài luận án tiến sĩ như "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La", ngay tên đề tài đã bị đánh giá là "không phù hợp" với một luận án tiến sĩ và "không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học".

Nhu cầu học tiến sĩ ở Việt Nam

Trang báo Vietnamplus nêu thống kê số lượng người làm nghiên cứu sinh (NCS) tiến sĩ ở Việt Nam có xu hướng giảm từ năm học 2018-2019.

Cụ thể, năm học 2017-2018 ngành giáo dục Việt Nam tuyển mới 3.074 NCS. Tuy nhiên, số NCS năm học 2018-2019 giảm xuống còn 1.496, tức hơn 50% so với năm học trước. Đến năm học 2019-2020, số NCS tuyển mới trên cả nước chỉ còn 903 người.

Nguyên nhân giảm số lượng người theo học tiến sĩ giai đoạn này được lý giải là do tháng 4/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 08 về Quy chế tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ.

Theo đó, NCS muốn tốt nghiệp phải có 01 bài báo công bố trên tạp chí trong nước và 01 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus. Bài báo trên ISI/Scopus này có thể được thay thế bằng 02 báo cáo đăng trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện.

Thông tư 08 được nhiều nhà khoa học khi đó đánh giá là biện pháp nâng cao chuẩn đầu ra trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, trong bối cảnh phần lớn các tạp chí trong nước chưa có uy tín cao, chưa được quốc tế công nhận nhiều.

Trong khi đó, nhu cầu học tiến sĩ ở nước ngoài của người Việt được đánh giá là tăng dần qua các năm gần đây.

Trả lời BBC, Tiến sĩ Mark Ashwill - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Capstone Education - công ty tư vấn giáo dục có văn phòng tại Hà Nội và TP.HCM, nhận xét: "Trong giới trẻ Việt Nam đang học tập ở nước ngoài, nhu cầu học tiến sĩ tăng dần qua các năm."

Ông Mark lấy dẫn chứng số liệu từ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, trong năm 2014, Mỹ tiếp nhận 1.028 sinh viên Việt Nam theo học chương trình tiến sĩ, chiếm 4,4% tổng số. Con số đó tăng lên 1.489 sinh viên (4,9%) vào tháng 12/2018 và 1.844 (7,7%) vào tháng Mười năm ngoái.

Buổi khai mạc Hội chợ Giáo dục Đại học Hoa Kỳ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 30 tháng 1 năm 2015

Tuy nhiên, ông cũng nhận xét: "Thực tế là nhiều sinh viên trong số này đã ở lại nước ngoài sau khi hoàn thành khóa học và luận văn [TS], kể cả những sinh viên theo học chương trình được tài trợ bởi học bổng của chính phủ Việt Nam."

Một số lý do dẫn đến tình trạng này, theo Tiến sĩ Mark Ashwill, bao gồm:

"Điều kiện tốt hơn trong lĩnh vực nghiên cứu mà họ chọn. Ví dụ như, hỗ trợ nhiều hơn cho nghiên cứu, kết hôn, lương cao hơn..."

"Di cư, cuối cùng, là quyết định của cá nhân."

Thực trạng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam?

Những năm gần đây, vấn nạn "lò sản xuất tiến sĩ" và "tiến sĩ giấy" khiến dư luận Việt Nam quan tâm và đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo tiến sĩ trong nước.

Từ năm 2016, thông tin về "lò sản xuất tiến sĩ" tại Học viện Khoa học xã hội, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã gây xôn xao dư luận khi "sản xuất được 350 tiến sĩ" mỗi năm.

Trước bức xúc của dư luận xã hội, Thanh tra Bộ Giáo dục và Thanh tra chính phủ (TTCP) đều đã tiến hành thanh tra Viện Hàn lâm KHXH.

Ngày 29/4/2022, TTCP ra "Thông báo kết luận thanh tra số 638/TB-TTCP" về "Công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư; tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2015-2019 của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam".

Kết luận thanh tra của TTCP về đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho thấy "giai đoạn 2015-2017, công tác đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Học viện KHXH còn nhiều hạn chế, khuyết điểm về tuyển sinh, quy trình, chương trình và quản lý đào tạo".

Kết luận cũng chỉ ra một số sai phạm còn tồn tại trong đào tạo TS như: một số hồ sơ xét tuyển trình độ tiến sĩ không cho điểm phần đánh giá hồ sơ; hồ sơ học viên không có lý lịch khoa học của người hướng dẫn; có NCS đề xuất đề tài nghiên cứu không nằm trong danh mục nghiên cứu...

Trước đó, kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục năm 2017 cũng nêu ra sai phạm trong công tác tuyển sinh, đào tạo, và cấp phát văn bằng tiến sĩ của học viện.

Nhiều người đặt câu hỏi có phải vì những vụ việc như "lò sản xuất tiến sĩ" hay "tiến sĩ giấy" mà năm 2017 Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 08 với quy định khắt khe hơn về chuẩn đầu ra.

Tuy nhiên, đến năm 2021, Bộ GD&ĐT lại ra Thông tư 18 thay thế cho Thông tư 08. Điều nay ngay lập tức gây tranh cãi về chuẩn đầu ra, xung quanh việc bỏ yêu cầu công bố quốc tế đối với NCS theo quy chế cũ.

Nhiều nhà khoa học Việt Nam nhận xét đây là sự "thụt lùi" so với Thông tư 08, khi quy chế mới nới lỏng yêu cầu công bố kết quả khoa học trước khi bảo về luận án tiến sĩ.

Trao đổi với BBC, Tiến sĩ Đào Minh Hồng - Phó Trưởng khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF) thẳng thắn đánh giá: "Thực trạng đào tạo tiến sĩ ở VN cho đến năm nay [từ sau vụ 'lò sản xuất tiến sĩ'] vẫn không hề thay đổi, mà càng ngày càng tệ hơn."

Vị phó trưởng khoa chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến sự "thụt lùi" của đào tạo tiến sĩ ở trong nước, cụ thể là trong chuyên ngành KHXH, như: những người cầm cân nảy mực là những người chỉ "mua danh tiến sĩ"; NCS tiếp tục là những người lấy bằng TS để thăng tiến hoặc đủ điều kiện đi dạy; nghiên cứu KHXH ở VN không chịu cập nhật xu thế mới của thế giới, vẫn bám vào nghiên cứu theo kiểu "chép, tổng kết"... mà không biết thế nào là một nghiên cứu khoa học với một báo cáo tổng kết.

Lấy dẫn chứng từ đề tài luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đang gây xôn xao dư luận gần đây, bà Hồng nhận xét:

"Với tên đề tài như vậy, từ góc độ học thuật có thể nhận thấy đây không phải là một đề tài nghiên cứu khoa học.

"Tên đề tài thể hiện đây là một báo cáo tổng kết, báo cáo mang tính phát động một phong trào, và tên đề tài chưa cho người đọc thấy được câu hỏi nghiên cứu là gì.

"Dưới góc độ (nếu như) đây là một đề tài TS thuộc chuyên ngành KHXH, với tên đề tài như thế này chắc chắn đã không được thông qua Hội đồng bảo vệ Đề cương vì không đáp ứng được tính khoa học (tính kế thừa, tính mới, tính thực tiễn, tính đóng góp), không có cơ sở lý thuyết làm nền tảng cho nghiên cứu, và đề tài chỉ dừng lại ở khảo sát để tìm kiếm giải pháp cho một hoạt động, một phong trào... Như vậy không có câu hỏi nghiên cứu nào, không có vấn đề khoa học nào được đưa ra ở đây với tên đề tài như vậy," TS. Đào Minh Hồng kết luận.

Chụp lại hình ảnh, NGUỒN HÌNH ẢNH,HOANG DINH NAM/AFP VIA GETTY IMAGES

Vụ 'lò sản xuất tiến sĩ' từng gây xôn xao dư luận Việt Nam từ năm 2016 (Ảnh minh họa)

Cùng nhận xét về tên đề tài luận án tiến sĩ này, một vị tiến sĩ của một trường đại học ở TP.HCM nhận định với BBC: "Tên đề tài như vậy không phù hợp".

Ông giải thích: "Tên đề tài như này thường nằm ở chương 3 của luận án. Tức là người ta phải chỉ ra được tất cả các swot của vấn đề, rồi mới đề xuất giải pháp. Chứ không đặt tên đề tài là 'Nghiên cứu giải pháp' ngay từ đầu như thế."

Để có được một tên đề tài của luận án tiến sĩ, TS. Đào Minh Hồng cho biết, theo Quy định của Bộ GD&ĐT sẽ phải có Hội đồng bảo vệ Đề cương nghiên cứu. Hội đồng này sẽ có từ 3-5 thành viên.

NCS sẽ trình bày Đề cương với các nội dung chính: 1. Lý do lựa chọn đề tài; 2. Tình hình nghiên cứu; 3. Câu hỏi nghiên cứu; 4. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu; 5. Giới hạn đề tài nghiên cứu; 6. Phương pháp nghiên cứu; 7. Đề cương dự định.

Các thành viên trong Hội đồng sẽ đặt câu hỏi, phản biện và nhận xét. Sau đó bỏ phiếu quyết định được thông qua hay không được thông qua đề tài.

"Quy trình là vậy, nhưng các thành viên Hội đồng thật sự là các nhà khoa học nghiên cứu (đúng nghĩa) ỏ VN quá ít, quá thiếu. Rất nhiều TS không hề biết câu hỏi nghiên cứu là gì? Phương pháp nghiên cứu định tính, định lượng là gì?..." bà Hồng nhận xét.

Bằng tiến sĩ có thực sự cần thiết?

Đào tạo tiến sĩ là bậc học cao, và thường được phát triển lên từ hướng nghiên cứu đã có của NCS ở bậc đào tạo thạc sĩ.

Thời gian đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam thường từ 3 - 4 năm, do cơ sở đào tạo quyết định, theo quy định chung của Bộ GD&ĐT.

Với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trên cương vị một nhà giáo dục quốc tế và nhà khởi nghiệp giáo dục, từng đảm nhiệm chức vụ giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế (Institute of International Education) tại Việt Nam từ 2005 đến 2009, Tiến sĩ Mark Ashwill chia sẻ với BBC:

"Người học tiến sĩ cần được hỗ trợ đầy đủ để thực hiện nghiên cứu có chất lượng, không chỉ để đạt được bằng cấp chất lượng mà còn tạo ra những đóng góp có ý nghĩa và lâu dài cho lĩnh vực của họ, cho xã hội, và trong một số trường hợp là cho thế giới."

"Việc hoàn thành thành công chương trình học tiến sĩ không chỉ đòi hỏi sự xuất sắc mà còn cả sự cam kết, kiên trì, chăm chỉ và sự hỗ trợ," ông Mark nhấn mạnh.

"Việc thiếu một hoặc nhiều phẩm chất đó là lý do khiến tỷ lệ bỏ học tiến sĩ giữa chừng rất cao. Ở Mỹ, nơi đào tạo nhiều tiến sĩ nhất thế giới, tỷ lệ này trong nhiều lĩnh vực khác nhau dao động từ 36% đến 51%," ông nói thêm.

"Đạt được một tấm bằng tiến sĩ hợp pháp là cả một quá trình tốn nhiều thời gian và chi phí. Thực tế là hầu hết các vị trí công việc không yêu cầu bằng cấp tiến sĩ, cũng như trình độ học vấn và đào tạo mà nó thể hiện."

Bởi vậy, theo nhà chuyên gia giáo dục: "Yêu cầu bằng tiến sĩ cho những vị trí không cần đến nó là một sự lãng phí thời gian và nguồn lực. Điều này bao gồm hầu hết các vị trí công vụ."

Theo thống kê, năm 2019, Việt Nam có hơn 28% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ.

Tuy nhiên, "không phải mọi giảng viên đại học đều cần bằng tiến sĩ," ông Mark nói.

"Nó phụ thuộc vào bản chất và trọng tâm công việc của họ. Bằng thạc sĩ cùng với kinh nghiệm và cam kết giảng dạy là đủ cho nhiều vị trí giảng viên đại học."

Ở Việt Nam, việc có bằng thạc sĩ, tiến sĩ được nhiều người xem là tăng cơ hội thăng tiến trong bộ máy nhà nước.

Ví dụ, tháng 5/2021, Thành ủy thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 04 về "Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo".

Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; 100% cán bộ cấp sở, ngành, đảng bộ trực thuộc quản lý có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Năm 2017, một thống kê cho hay tại Đà Nẵng, cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý có 394 người. Trong đó, 223 người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ (56,6%).

Trước thực trạng này, TS. Đào Minh Hồng nêu trăn trở: "Bằng tiến sĩ hiện nay thật sự là một cuộc 'mua bán' vì vị trí, lợi nhuận, danh, ghế... trong xã hội nói chung và trong nền giáo dục nói riêng."

Để giải quyết vấn nạn này, bà Hồng đưa ra bốn giải pháp cho Việt Nam:

"Thứ nhất, bỏ chức danh tiến sĩ trong vị trí của các công việc không liên quan đến giáo dục."

"Thứ hai, thay thế hết những quy định về chức danh tiến sĩ đã lỗi thời, không vì nghiên cứu và giảng dạy."

"Thứ ba, cần quay trở lại với những quy định về đào tạo tiến sĩ như năm 2017. Thứ tư, không cần phải có chức danh tiến sĩ tràn lan trong mọi ngành, mọi nghề..." bà Đào Minh Hồng chia sẻ.

BBC Tiếng Việt