Khối ASEAN hôm 4/8 đã cảnh báo về nguy cơ những biến động do căng thẳng ở eo biển Đài Loan có thể dẫn đến ‘toan tính sai, đối đầu nghiêm trọng, xung đột có căn nguyên sâu xa và hậu quả khó lường giữa các cường quốc’.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp ASEAN tại phiên họp ngoại trưởng của khối ở Phnom Penh hôm 4/8 năm 2022.        Reuters

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang họp ở Campuchia với sự tham gia của ngoại trưởng 27 nước, nhưng sự kiện này bị lu mờ trước những diễn biến xung quanh Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

“ASEAN sẵn sàng đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc tạo điều kiện đối thoại hòa bình giữa tất cả các bên”, tổ chức này cho biết trong một tuyên bố, đồng thời kêu gọi kiềm chế tối đa.

Các nước Đông Nam Á thường thận trọng khi đưa ra lập trường để cân bằng quan hệ giữa họ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, đồng thời khéo léo tránh chọc giận cả hai cường quốc này.

Mỹ và truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết hai ngoại trưởng Vương Nghị và Anthony Blinken không có kế hoạch gặp nhau ở Campuchia. Trước đó, cũng trong ngày 4/8, ông Blinken đã gặp gỡ các đối tác từ Ấn Độ, Qatar và nước chủ nhà Campuchia.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cuộc gặp giữa ông Vương và người đồng cấp Nhật Bản tại Campuchia đã bị hủy bỏ và nêu lý do là Trung Quốc bất bình về tuyên bố của G7 kêu gọi Trung Quốc giải quyết căng thẳng về Đài Loan một cách hòa bình.

Các cuộc thảo luận của ASEAN dự kiến sẽ tập trung vào nỗ lực ngoại giao kém hiệu quả của khối để giải quyết khủng hoảng ở Myanmar, vốn đã hỗn loạn kể từ khi quân đội tiếm quyền sau cuộc đảo chính hồi năm ngoái.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm 3/8 cho biết ASEAN buộc phải xem xét lại kế hoạch hòa bình đã được nhất trí với Myanmar nếu các lãnh đạo quân sự của nước này hành quyết nhiều tù nhân hơn.

ASEAN bất mãn với việc chính quyền quân sự chẳng có mấy tiến bộ, với các ngoại trưởng trong khối cáo buộc là chính quyền này nhạo báng nỗ lực của ASEAN. Khối này đã lên án Myanmar mới đây hành quyết 4 nhà hoạt động trong phong trào chống đối sự cai trị của quân đội, vụ hành hình đầu tiên sau nhiều thập kỷ.

Chính quyền quân sự tuần trước đã biện hộ cho các vụ hành quyết, gọi đó là ‘công lý cho người dân’, gạt đi sự lên án dồn dập của cộng đồng quốc tế.

Myanmar là thành viên ASEAN nhưng các tướng lĩnh của họ đã bị cấm tham dự các cuộc họp của khối cho đến khi kế hoạch hòa bình do ASEAN đưa ra có tiến triển.

Reuters – VOA Tiếng Việt