HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và học theo gương thành công của những nước như Israel, Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc.

Đó là lời khuyên của ông Ehud Barak, cựu thủ tướng Israel, 80 tuổi, vừa kết thúc chuyến thăm Việt Nam hơn hai tuần lễ, từ ngày 2 đến 19 Tháng Tám. Ông đến nước này theo lời mời của nhà cầm quyền Hà Nội để ông cho lời khuyên để họ có thể tiến bộ.

Cựu Thủ Tướng Ehud Barak nói chuyện về kinh nghiệm phát triển của Israel tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, ngày 16 Tháng Tám 2022. (Hình: Tuổi Trẻ)

Ông Barak được mọi người kính nể, từ một sĩ quan cấp thấp trong quân đội, ông đã lên tới tổng tham mưu trưởng rồi bộ trưởng Quốc Phòng, bộ trưởng Ngoại Giao và sau cùng là thủ tướng Israel.

Sau khi rời chính phủ, ông vẫn còn là một doanh nhân hoạt động ở Mỹ.

Những khuyến cáo gì thật sự ông nói với các lãnh tụ CSVN không được guồng máy tuyên truyền của chế độ đề cập. Nhưng trong suốt những ngày đó, ông đã đi từ miền Nam ra miền Bắc, qua rất nhiều tỉnh thị, gặp gỡ từ nhà cầm quyền đến sinh viên, học sinh.

Ít nhất, qua các cuộc tường thuật buổi nói chuyện của ông ở Nhà Hát Lớn Hà Nội ngày 16 Tháng Tám và rải rác qua những cuộc trả lời phỏng vấn của một số báo, ông nói về kinh nghiệm của Israel về giáo dục, về sử dụng nhân tài, về chính sách khuyến khích đầu tư. Qua đó, người ta hiểu CSVN đang làm ngược lại những gì mà ông cho rằng cần phải làm để đất nước không tụt hậu.

Theo ông kể, Israel dân số ít ỏi dựng nước trên một mảnh đất sa mạc khô cằn và nhỏ bé, biển thì cá không sống nổi (Dead Sea) nhưng họ đã vươn lên thành một cường quốc quân sự và công nghệ hàng đầu thế giới dù phải trải qua một số cuộc chiến. Ông cho hay Israel đã đầu tư cho giáo dục gấp nhiều lần đầu tư cho quốc phòng dù luôn luôn bị đe dọa về quân sự từ bên ngoài.

“Chúng tôi đã bắt đầu chương trình sàng lọc học sinh lớp 11 và 12 tại các trường phổ thông trên cả nước và lựa chọn khoảng ba đến sáu học sinh xuất sắc nhất của mỗi trường. Mỗi năm, trong số 20,000 học sinh xuất sắc nhất đó, chúng tôi sẽ tiếp tục lựa ra thêm 400 đến 500 em để đào tạo trong quân đội. Luật của Israel là ai cũng phải đi nghĩa vụ quân sự.” Ông Barak nói về mô hình chọn và nuôi dưỡng nhân tài của chính phủ Israel tại buổi nói chuyện ở Hà Nội ngày 16 Tháng Tám.

Ông cho hay những người giỏi nhất về toán học, khoa học và lập trình sẽ phục vụ nhiều năm tại các đơn vị công nghệ, máy tính hay tình báo. Những người này sau khi hoàn thành nghĩa vụ có thể vừa đóng góp cho cả ngành quốc phòng lẫn các công ty công nghệ dân sự, theo Tuổi Trẻ thuật lại.

“Từ 400 đến 500 cá nhân này chúng tôi lại lựa chọn tiếp, lấy ra khoảng 40-50 người xuất sắc nhất để cho đi học đại học theo chương trình đặc biệt. Mỗi em sẽ được một giáo sư theo sát để hỗ trợ, hướng dẫn việc học tập và nghiên cứu. Sau ba năm học đại học, mỗi em sẽ có ít nhất hai bằng, là một chuyên gia trong lĩnh vực mà mình theo học,” lời ông Barak.

Nhờ một chương trình đầu tư giáo dục và khuyến khích nhân tài như thế suốt 45 năm qua, Israel đã đào tạo được hàng chục ngàn chuyên viên khoa học phục vụ trong các ngành công nghệ tiên tiến nhất mà trong đó có “khoảng 1,600 đến 1,700 thiên tài.”

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak xem tranh của trẻ em yếu thế tại chùa Vĩnh Nghiêm, Sài Gòn, này 4 Tháng Tám 2022. (Hình: VNExpress)

Theo ông quốc gia khởi nghiệp thành công không phải từ mưa hay nguyên liệu thô mà từ khối óc con người. Cần phải tập trung vào giáo dục, đầu tư cho phát triển nhân tài. Khuyến khích tinh thần doanh nhân, nuôi dưỡng văn hóa không xấu hổ chỉ vì mình thất bại. Phải dám làm. Ông nói Việt Nam nên học theo kinh nghiệm của một số nước thành công như Israel, Nam Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc.

Hiện nền giáo dục của Việt Nam vẫn đang nhồi nhét vào đầu học trò “tư tưởng Mác-Lê” trong khi chính sách kinh tế tuy tuyên truyền là “kinh tế thị trưởng” nhưng vẫn còn bám lấy cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa.” Gần đây dư luận kêu rên vì học phí và các loại đóng góp phụ thuộc gia tăng quá sức chịu đựng của các gia đình nghèo khó trong khi sách giáo khoa độc quyền của nhà nước cũng bị tăng giá gấp bội.

Giáo dục tại Việt Nam từ tiểu học lên đến đại học đầy những khuyết tật không năm nào không thấy bị đem ra mổ xẻ. Nhiều phần, ông Barak không hề biết về thực trạng của người ta ở đây. 

(TN) [kn]

https://www.nguoi-viet.com/