Một số người Việt đang xin tị nạn chính trị tại Thái Lan bày tỏ niềm vui và hy vọng sớm được định cư tại Hoa Kỳ sau khi có tin chính phủ của Tổng thống Joe Biden kích hoạt chương trình bảo lãnh định cư tư nhân (Private sponsorship).

 Người Việt Nam tị nạn ở Thái Lan nhận quà cứu trợ từ mạnh thường quân.  Fb Đường Văn Thái

Theo hãng tin AP, chương trình do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khởi xướng như một cách để trao cho các công dân bình thường một vai trò trong việc tái định cư hàng ngàn người tị nạn mỗi năm, người Mỹ có sẽ có thể giúp những người tị nạn thích nghi với cuộc sống ở quê hương mới.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có kế hoạch công bố chính thức chương trình vào ngày 19/1, được đặt tên là Welcomed Corps (tạm dịch là "Hoan Nghênh Đoàn"). Cơ quan này đặt mục tiêu có 10.000 người Mỹ có thể giúp đỡ 5.000 người tị nạn trong năm đầu tiên của chương trình.

Theo đó, năm người Mỹ trở lên sẽ có thể thành lập một nhóm phi lợi nhuận và đảm nhận việc giúp đỡ người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới khi họ lần đầu tiên đến đất nước này và đối mặt với một lối sống khác hẳn nơi quê nhà.

Người Việt hồ hởi đón nhận tin

Ông Hoàng Trọng Mẫn, thành viên của nhóm Hiến Pháp, sang tị nạn tại Thái Lan từ năm 2018 để tránh cuộc đàn áp của lực lượng an ninh Việt Nam, cho biết ông kỳ vọng chương trình bảo lãnh tư nhân sẽ giúp ông và những người tị nạn khác sớm được định cư ở nước tự do.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua điện thoại:

Tôi cảm thấy rất là vui mừng bởi vì chương trình này có thể giúp những người tị nạn chúng tôi được định cư sớm. Đây là hy vọng của rất nhiều người đang tị nạn tại Thái Lan sau rất nhiều năm.

Ông Mẫn, người có thu nhập chính từ Youtube, cho hay người tị nạn ở Thái Lan đang phải vật lộn với mưu sinh do nền kinh tế Thái Lan đang đi xuống sau một thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVI-19. Nhiều người Thái còn bị mất việc làm khiến khả năng kiếm được việc làm của người tị nạn càng khó khăn hơn.

Một số ít người Việt tị nạn làm báo tự do hay Youtube. Đa số còn lại đi nhặt rau hoặc làm xây dựng, với thu nhập từ 150 baht (tiền tệ Thái Lan) đến 350 baht/ngày trong khi chi phí tối thiểu cho ăn ở là 4.000-4.500 baht/người/tháng (khoảng 2 triệu 800 ngàn đồng đến hơn 3 triệu đồng).

Bên cạnh đó, người tị nạn còn phải đối diện với khả năng bị bắt và giam lâu dài trong trại giam di trú do Chính phủ Thái chưa ký vào Công ước quốc tế về người tị nạn và sẵn sàng tống giam nếu phát hiện người tị nạn làm việc không giấy phép lao động.

Rất may là Thái Lan có chương trình giáo dục phổ thông miễn phí và được áp dụng cả cho trẻ em tị nạn nên những gia đình có con nhỏ cũng bớt khó khăn trong việc học hành của trẻ.

Ông Đường Văn Thái, một người tị nạn tại Thái Lan cũng từ năm 2018 (năm có nhiều cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng), cho biết chương trình bảo lãnh tư nhân có thể giúp cho người tị nạn sớm rời khỏi vương quốc mà ông đang tạm sống trong bối cảnh đe doạ gia tăng từ lực lượng an ninh mật vụ Việt Nam và sự cộng tác chặt chẽ giữa chính quyền Hà Nội và Bangkok.

Với sự nguy hiểm của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thì chúng tôi muốn rời khỏi Thái Lan càng sớm càng tốt. Và đây là một tin rất vui.”

Đầu năm 2019, lực lượng an ninh Việt Nam bắt cóc nhà báo tự do Trương Duy Nhất, một blogger của RFA khi ông vừa mới nộp giấy đăng ký xin tị nạn chính trị cho Văn phòng Cao uỷ LHQ (UNHCR) về người tị nạn ở đây.

Ân xá Quốc tế cho biết cơ quan này đã có được những tài liệu đặt ra những câu hỏi về sự liên quan của cảnh sát Thái Lan trong việc chủ trang blog "Một góc nhìn khác" bị bắt cóc.

Cả ông Mẫn và ông Thái đều được UNHCR cấp quy chế tị nạn và thẻ tị nạn, tuy nhiên gần đây cơ quan này đang chuyển giao tiến trình cứu xét quy chế tị nạn cho chính phủ Thái Lan mặc dù quốc gia này chưa ký Công Ước LHQ về Tư Cách Tị Nạn, theo Mạch Sống Media.

Do vậy, Thái Lan sẽ không công nhận tư cách tị nạn mà chỉ quyết định những ai là người tạm thời cần sự bảo vệ, những người này được tạm thời ở lại Thái Lan cho đến khi đi định cư hoặc hồi hương.

Điều nguy hiểm là chính quyền Thái Lan có thể rút lại quy chế "người tạm thời cần sự bảo vệ" bất cứ lúc nào, kể cả đối với những người đã được UNHCR công nhận tư cách tị nạn từ trước.

Ông Đường Văn Thái, người thường đưa tin về tình trạng tham nhũng của quan chức Việt Nam và cuộc chiến quyền lực giữa các phe phái trong Đảng, bày tỏ sự hy vọng Chính phủ Mỹ sớm triển khai hiệu quả chương trình này và cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ tích cực tham gia chương trình để hỗ trợ những người tị nạn như ông.

Ông Nam Lộc, một thiện nguyện viên từng tham gia nhiều chương trình hỗ trợ người tị nạn định cư tại nước thứ ba, nói với RFA về chương trình bảo trợ tư nhân:

Người Mỹ phát động lại chương trình bảo lãnh tư nhân. Đối với tôi đây là một giấc mơ mà cá nhân tôi và những người vận động cho người tị nạn Việt Nam nói riêng và người tị nạn trên thế giới nói chung, rất là mong chờ, và mong mỏi chương trình sớm được áp dụng.”

Ông cho biết hàng năm, Hoa Kỳ thu nhận hàng nghìn người tị nạn từ khắp nơi trên thế giới nhưng với một số lượng nhất định. Ông cho rằng với chương trình bảo lãnh định cư tư nhân, số người có thể được định cư tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên đáng kể.

Hãng tin AP cho biết, người tham dự chương trình bảo lãnh tư nhân có thể nộp đơn xin tài trợ riêng cho những người tị nạn để tái định cư ở Mỹ và sẽ chịu trách nhiệm quyên góp tiền của mình để giúp đỡ những người tị nạn trong 90 ngày đầu tiên của họ ở nước này. Hỗ trợ sẽ bao gồm mọi thứ, từ việc tìm một nơi ở cho đến việc đưa trẻ em đi học.

Ông Nam Lộc, người hợp tác với VOICE Canada và hỗ trợ thành công đưa khoảng 170 người Việt định cư tại Canada từ năm 2015, cho biết chương trình bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ có điều kiện dễ dàng hơn của Canada.

Trong khi Chính phủ Canada quy định người tham gia bảo lãnh định cư tư nhân cần phải chứng minh tài chính để cung cấp 10.000 đô la Mỹ cho một người được bảo lãnh trong thời gian một năm thì trong thời gian thử nghiệm chương trình trong một năm qua, Hoa Kỳ chỉ yêu cầu cung cấp 2.275 đô la Mỹ/một người được bảo lãnh trong thời gian ba tháng.

Ông dự đoán chương trình chính thức có điều kiện tương tự.

Ông cho biết hiện nay trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ có năm hội đoàn đang hỗ trợ người tị nạn định cư ở Hoa Kỳ, bao gồm Voice, BPSOS, Viet For Afgans, Bách Việt Organization, và Voice Co.

Ông hy vọng các tổ chức này cùng tham dự và tiếp tay bảo trợ người tị nạn trên thế giới, và người Việt nói riêng trong chương trình mới này.

Đón nhận tin mừng nhưng thận trọng

Người tị nạn Việt Nam tại Thái Lan nhận gạo hỗ trợ (minh họa). Hình: FB Thái Văn Đường

Cũng có những người coi chương trình bảo trợ định cư tư nhân của Hoa Kỳ là tích cực nhưng không kỳ vọng nhiều vào hoạt động này vì cho rằng khó có thể sớm giúp được tất cả người tị nạn.

Ông Nguyễn Văn Ân, một nhà hoạt động về tự do tôn giáo ở giáo xứ Kẻ Gai (Nghệ An) và hiện đang cùng gia đình tị nạn ở Thái Lan, nói với RFA:

Tôi thấy rằng đây là một cánh cửa mở giúp cho người tị nạn cơ hội tái định cư tới một nước tự do cụ thể ở đây là Hoa Kỳ.

Nhưng bản thân tôi không kỳ vọng lắm vào chương trình bảo trợ tư nhân như thế này. Như chúng ta biết rằng Chính phủ của ông Biden hứa sẽ nhận 125.000 người tị nạn đến từ nhiều quốc gia nhưng cho đến nay chương trình này chưa được thực hiện hoặc được thực hiện một cách nhỏ giọt.”

Ông Ân, người cùng vợ và hai con đang tị nạn ở Thái Lan, cho biết có khoảng 5.000 người từ nhiều quốc gia và sắc tộc đang tị nạn tại Thái Lan và đã được Cao uỷ LHQ cấp quy chế tị nạn. Trong số này có khoảng 1.000 người Việt Nam.

Bên cạnh đó, có khoảng 800 người đến từ Việt Nam nhưng chưa được cấp quy chế tị nạn hoặc đã bị Cao uỷ LHQ về tị nạn từ chối cấp quy chế.

Ông Nguyễn Đình Thắng, chủ tịch kiêm tổng giám đốc của tổ chức BPSOS có trụ sở ở Virginia (Hoa Kỳ) trong bài viết trên trang Mạch Sống Media hôm 18/1 cho rằng, ít nhất trong vài năm tới, chương trình bảo trợ tư nhân của Hoa Kỳ không cho phép các nhóm tư nhân chọn người tị nạn để bảo lãnh theo ý mình mà chỉ được bảo lãnh người tị nạn do chính phủ giao cho.

Do vậy, khả năng người tị nạn ở Thái Lan được định cư theo chương trình này là thấp. Họ vẫn phải qua cuộc cứu xét tư cách tị nạn bởi Cao uỷ Tị nạn LHQ, vẫn phải chờ để được cơ quan này giới thiệu định cư với Chính phủ Hoa Kỳ, từ đó được đưa vào danh sách phỏng vấn định cư (nếu may mắn), và phải qua mọi thủ tục phỏng vấn, xét lý lịch… của Sở Di trú Hoa Kỳ.

Theo bài viết "Chương trình định cư tị nạn theo diện bảo lãnh tư nhân của Hoa Kỳ: hy vọng nhưng thận trọng", ông Thắng cho rằng chương trình chỉ khác một điều là, khi người tị nạn đến Mỹ thay vì được chính phủ tài trợ giúp họ hội nhập đời sống thì nay một nhóm tư nhân đảm đương công việc này.

Ông Thắng cho hay, chỉ trong hai tuần đầu năm 2023, có hơn 100 người sắc tộc Jarai từ Việt Nam đã đến Thái Lan, trong khi không có một sự kiện đáng kể nào xảy ra nơi nguyên quán của họ, tỉnh Gia Lai.

Ông cũng kêu gọi người tị nạn, nhất là các đồng bào Tây Nguyên, hãy phối kiểm mọi thông tin từ các nguồn tin cậy trên Internet để tránh các trường hợp hiểu lầm về chương trình mà qua Thái Lan ồ ạt, gây nên tình trạng tốn kém tiền bạc, công sức. 

Theo AP, chương trình bảo lãnh định cư tư nhân của Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ được triển khai theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên dự kiến bắt đầu trong nửa đầu năm 2023, các nhà tài trợ tư nhân sẽ được kết hợp với những người tị nạn đã được chấp thuận cho tái định cư theo Chương trình Hỗ trợ Người tị nạn của Hoa Kỳ.

Trong giai đoạn thứ hai của chương trình, các nhà tài trợ tư nhân sẽ có thể xác định những người tị nạn ở nước ngoài mà họ muốn giúp đỡ và sau đó giới thiệu những người đó đến Chương trình Hỗ trợ Người tị nạn và hỗ trợ họ khi họ đến Hoa Kỳ.

RFA Tiếng Việt