Tòa án xử Khmer Đỏ tại Campuchia đã tuyên bố cáo trạng bốn cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ về tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng và đàn áp tôn giáo.

Trong vụ án 002 này, phiên tòa đã chấp nhận gần 30 nguyên đơn dân sự từ phía nạn nhân người Việt đang sống tại xứ Chùa Tháp vì gia đình, bà con và dòng họ của họ bị giết dưới thời đó. Cộng đồng người Việt sống sót sau thời Khmer Đỏ kêu gọi Tòa án bồi thường bằng cách cho nhập quốc tịch. Từ Campuchia, thông tín viên Quốc Việt có bài tường trình như sau.

Mất nhiều quyền lợi nếu không có quốc tịch

Cố vấn Luật hình sự quốc tế của Tòa án xử Khmer Đỏ và là Luật sư của nạn nhân Việt Nam bị giết tại Campuchia cô Nguyễn Lyma cho biết các nguyên đơn dân sự nạn nhân người Việt bị Khmer Đỏ trục xuất về Việt Nam hồi năm 1975, đã mất hết tài liệu cần thiết và quốc tịch Campuchia sau khi họ trở về từ Việt Nam. Những nguyên đơn dân sự và cộng đồng người Việt sống tại tỉnh Kampong Chhnang yêu cầu Tòa án xử Khmer Đỏ kiến nghị hoặc thành lập chương trình cấp quốc tịch cho họ thay vào việc bồi thường cho các nguyên đơn dân sự.

CAMBODIA_VILLAGE_KIDS_SO-305 AFP: Trẻ em Việt Nam đang chơi đá bóng trên bờ gần những chiếc ghe, xuồng cũng chính là nhà của những người Việt sinh sống bên Campuchia

Phiên tòa xét xử vụ án 002 đang diễn ra tại Campuchia xét xử bốn bị cáo gồm Nuon Chea, nguyên chủ tịch quốc hội, nhân vật chủ chốt số 2 của chính quyền Khmer Đỏ; Khieu Samphan, nguyên người đứng đầu nhà nước; Ieng Sary, cựu bộ trưởng ngoại giao và bà Ieng Thirith, nguyên bộ trưởng đặc trách các vấn đề xã hội dưới thời Khmer Đỏ. Trong vụ án 002, Tòa án đã chấp nhận 25 nguyên đơn dân sự của nạn nhân người Việt có gia đình, anh chị em, và dòng họ bị giết dưới thời Khmer Đỏ, còn 15 nguyên đơn dân sự của nạn nhân người Việt khác cũng sẽ được Tòa án chấp nhận sau này. Đa số người Việt sống tại Campuchia bị Khmer Đỏ trục xuất về Việt nam, bắt bỏ tù, tra tấn, ngược đãi về chính trị, chủng tộc, tôn giáo, hiếp dâm và buộc phải kết hôn…v.v.

P-5-305Trụ sở Hội người Việt Nam tại Campuchia.

Cô Nguyễn Lyma cho hay trước thời Khmer Đỏ những nạn nhân và các nguyên đơn dân sự người Việt sống ở tỉnh Kampong Chhnang đã có quốc tịch Campuchia vì cha mẹ sinh sống và lớn tại đây. Tuy nhiên họ lại trở thành nạn nhân nhập cảnh bất hợp pháp sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ. Cô cho rằng những tội ác do chế độ Khmer Đỏ để lại cho các nạn nhân người Việt còn sống sót là vấn đề quốc tịch. Cô Nguyễn Lyma giải thích:

“Nhiều người khách của em nói đã có quốc tịch Campuchia nhưng sau khi bị trục xuất về Việt Nam thì họ mất giấy tờ, quốc tịch, giấy chứng minh nhân dân…Bây giờ họ không có giấy tờ đó họ gặp khó khăn để nhập quốc tịch Campuchia, mà không có quốc tịch Campuchia thì người ta khổ lắm. Người ta không có quyền mở nhà băng, không có quyền được giáo dục. Đời sống của họ sẽ khó khăn hơn nếu họ không có quốc tịch”

Ông Nguyễn Oun, đại diện cộng đồng người Việt ở tỉnh Kampong Chhnang, một trong số các nguyên đơn dân sự trong vụ án 002 cũng cho biết cha mẹ ông sinh sống tại Campuchia. Dưới thời Khmer Đỏ anh chị và dòng họ của ông bị Khmer Đỏ lừa lên núi và giết chết trên đó. Ông và nhiều gia đình người Việt khác bị Khmer Đỏ trục xuất về Việt Nam nhưng sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ thì ông cùng cộng đồng người Việt trở lại Campuchia.

Vẫn theo ông, chính quyền Campuchia chỉ cấp giấy phép tạm trú cho ông và bà con người Việt mặc dù họ sinh sống tại xứ này hơn cả chục năm nay. Và đây cũng là lý do mà các nguyên đơn dân sự, cùng với bà con người Việt hàng ngàn người ở tỉnh Kampong Chhnang đang tập hợp chuẩn bị kiến nghị thư lên Quốc Vương.

Ông Nguyễn Oun chia sẻ khó khăn đang gặp hiện nay, “bà con mình có tiền muốn mua đất lên cư trú trên bờ cho an toàn  nhưng bà con mình không có quốc tịch, chính quyền không cho mua đất lên bờ đâu. Cho nên bà con mình cứ ở dòng dòng theo sông Mekong và biển hồ…rồi cuối cùng họ đỗ thừa mình ở dưới sông gây ô nhiễm môi trường. Con em mình đi học trình độ cao có nhưng không có quốc tịch, không có giấy khai sanh thì nó đâu có cho ra ngành gì đâu. Trở về cũng là dân câu lưới không…Nó cũng xem thường mình lắm. Nếu bà con mình có gì thì nó đàn áp.”

nguoi-viet-bien-ho-305Làng người Việt tại Tonlé Sap hay Biển hồ Campuchia. Source Blog HoangDan

Cố vấn pháo lý cho nạn nhân dân tộc thiểu số của Toà án xứ Khmer Đỏ là ông Angchanrith cũng cho biết ông từng làm việc với cộng đồng người Việt ở tỉnh Kampong Chhnang hơn 10 năm. Những người Việt thuộc tỉnh trên họ sống ở đây hàng chục năm, thậm chí ông bà cha mẹ họ sinh sống ở đây nhưng họ vẫn chưa được nhập quốc tịch. Theo ông, các nguyên đơn dân sự dân tộc thiểu số Chàm, Khmer Krom và một số dân tộc khác họ yêu cầu Tòa án xử Khmer Đỏ đền bù bằng cách xây dựng Tháp biểu tượng, Thư viện và Chùa, còn nạn nhân người Việt thì yêu cầu Tòa án và chính phủ Hoàng gia cấp cho họ quốc tịch.

Con em mình đi học trình độ cao có nhưng không có quốc tịch, không có giấy khai sanh thì nó đâu có cho ra ngành gì đâu. Trở về cũng là dân câu lưới không…Nó cũng xem thường mình lắm. Nếu bà con mình có gì thì nó đàn áp

Ông Ang Chanrith bày tỏ sự ủng hộ đối với yêu cầu của cộng đồng người Việt sinh sống tại Campuchia. Ông giải thích rằng chỉ có tài liệu liên quan và quốc tịch mới có thể đảm bảo đời sống, giúp họ xây tổ ấm, và có đầy đủ quyền lợi như những công dân Campuchia.

Phải có đủ điều kiện theo luật pháp mới được quốc tịch.

Chánh án của Tòa án xử Khmer Đỏ ông Nil Nonn khẳng định việc bồi thường tài chính thì Tòa án không thể thực hiện được vì có rất nhiều nguyên đơn dân sự. Trong mọi trường hợp, quy tắc của Tòa án chỉ trao quyền cho bồi thường tập thể và danh dự nhân phẩm.

Còn phát ngôn viên bộ Nội Vụ xứ Chùa Tháp ông Khiev Sopheak cho hay chính phủ luôn thực hiện đúng theo Pháp luật quy định. Campuchia đã có luật quốc tịch, đối với những người có đủ điều kiện thì họ sẽ có thể nhập quốc tịch. Những người hội đủ điều kiện, thì chính phủ Hoàng gia sẽ xem xét và cho quốc tịch

Luật sư của nạn nhân người Việt cô Nguyễn Lyma đưa ra nhận định rằng những nạn nhân này không muốn về Việt Nam nhưng họ bị Khmer Đỏ bắt buộc. Cô nói, “nhiều người có nói rằng người ta có quốc tịch mà tại vì bị truc xuất về Việt Nam rồi mất giấy tờ, bây giờ trở về Campuchia thì khó cho người ta. Người ta đâu muốn về Việt Nam đâu mà người ta bị Khmer Đỏ buộc ra khỏi Campuchia, tại vì lúc đó Khmer Đỏ muốn diệt chủng mấy người Việt Nam. Nó không muốn có người Việt Nam ở Campuchia nữa.”

Một cuộc thăm dò ý kiến năm 2010 cho thấy có hơn 90% số nạn nhân trong chế độ Khmer Đỏ tin rằng bồi thường nạn nhân một tháp biểu tượng là quan trọng nhất. Gần một nửa các nạn nhân đề nghị xây dựng một đài tưởng niệm, và đề xuất dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng.

Theo pháp luật hiện hành, bất cứ đứa trẻ sinh ra tại Campuchia với cha mẹ nước ngoài cũng đã được sinh ra và sống ở đây có đủ điều kiện nhập quốc tịch Khmer. Để có được quốc tịch, người nước ngoài phải thực hiện đầy đủ điều kiện bao gồm phải hiểu biết về truyền thống văn hóa, lịch sử, tiếng nói, chữ viết, thời gian cư trú tại Campuchia hơn 7 năm, có giấy xác nhận từ cơ quan địa phương là có tính nết và đạo đức tốt.

Quốc Việt, Thông tín viên RFA, Phnom Penh