Cong_Bang_XHDẫn nhập: Từ khi loài người có ý thức về chính mình thì công bằng là một trong những khát vọng lớn nhất và cũng là lý tưởng cao cả mà họ hằng theo đuổi trong suốt dòng lịch sử.

Nói đến công bằng, thông thường người ta chỉ nghĩ đến việc thực hành phân phối các lợi ích về mặt kinh tế. Tuy nhiên, để thực hiện công bằng thực sự, đòi hỏi phải có sự nhận thức và giải quyết đúng đắn, hài hòa các mối quan hệ đa dạng và hiện sinh trong các lĩnh vực không chỉ thuần túy vật chất, mà còn cả trong những lĩnh vực tinh thần và thiêng liêng nữa.

ông bằng đương nhiên luôn luôn là một lý tưởng phải theo đuổi không ngừng, và lý tưởng đó phải được cụ thể hóa và gắn liền với những sự kiện sinh hoạt mang tính công bằng và nhân đạo trong thực tế của cuộc sống. Công bằng phải là điều kiện thiết yếu và cơ bản cho mọi mối quan hệ của con người, hơn nữa, nó còn là một trong bốn nhân đức trụ khẳng định phẩm giá siêu việt của mỗi nhân vị. Vì thế, công bằng không chỉ là một ý niệm, nhưng còn phải là một thực hành trong đời sống luân lý và pháp lý có tính cấp thiết và quan trọng của đời sống hiện sinh, nhất là trong xã hội ngày hôm nay.

1. Khái niệm và phân loại công bằng

phú, đa nghĩa, thậm chí khá phức tạp và hàm hồ, vì ý nghĩa của nó không những mang chiều kích luân lý đạo đức mà còn cả về chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế nữa. Trong các tương quan xã hội nói chung, ý niệm công bằng thường bị lạm dụng và bị “sử dụng” theo mục đích nhiều khi rất chủ quan của những tổ chức hay đảng phái như một khẩu hiệu nhằm vận động quần chúng ủng hộ cho mục đích của tổ chức hay đảng phái đó.

Tuy nhiên, nguyên lý giản đơn và căn bản nhất của công bằng là trả cho người khác những gì thuộc quyền họ sở hữu. Ngoài ra, xét theo khía cạnh luân lý đạo đức, công bằng có một ý nghĩa tích cực, rộng rãi và phổ quát hơn: công bằng là trả lại cho mỗi người những gì họ đáng được hưởng, mặc dù điều đó có thể không được luật pháp hiện hành qui định. Do đó, theo một nghĩa rất tự nhiên và căn bản, công bằng là sự đòi hỏi một thái độ với sự nghiêm chỉnh tôn trọng tính bình đẳng trong việc trao đổi, phân phối và đền bù.

nh Thomas Aquino đã nêu ra bản chất của nhân đức công bằng nằm ở chỗ làm cho trở nên tốt trong những hành vi nhân linh, liên quan đến toàn bộ mọi hành động khác nhau của con người.

qui định về công bằng đều có tính bó buộc mọi người phải tuân hành, nhờ đó mọi quan hệ xã hội mới đi đến trật tự, quyền lợi mỗi người và cộng đồng được tôn trọng, loại trừ những bất công, những thiệt hại được bù đắp tương xứng. Tuy nhiên, trong thực tế đa diện của cuộc sống, việc thực thi công bằng phải vượt trên những qui định giới hạn mang tính pháp lý đòi buộc, để vươn tới chiều kích liên đới và yêu thương hầu không chỉ trả lại cho mỗi người những gì thuộc về họ, mà còn cung cấp cho họ những gì thiết yếu để tồn tại và phát triển về mọi chiều kích nhân sinh.

Trên thực tế, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, người ta chia công bằng thành các loại chính sau đây: Công bằng giao hoán; công bằng phân phối; công bằng đóng góp; và công bằng xã hội.

Công bằng giao hoán đòi hỏi các của cải và dịch vụ phải được trao đổi theo đúng luật cân bằng về giá trị đã được thỏa thuận theo bản chất sự kiện hoặc theo hợp đồng được ký kết. Còn công bằng phân phối qui định các quan hệ giữa cộng đồng với các thành viên của mình, theo đó mọi lợi tức cũng như mọi trách nhiệm đều được phân phối một cách công bằng và tương xứng cho các thành viên của cộng đồng đó. Đối với công bằng đóng góp hay còn gọi là công bằng chung – công bằng theo luật, loại công bằng này đòi các thành viên trong cộng đồng phải đáp ứng một cách có trách nhiệm các yêu cầu của công ích thông qua các nghĩa vụ chính đáng đối với cộng đồng và tổ quốc như nộp thuế, góp phần khắc phục thiên tai, tham gia nghĩa vụ quân sự lành mạnh… Còn lại là công bằng xã hội – một khái niệm rất rộng và bức thiết đối với xã hội hôm nay, bao gồm những qui tắc có tính phổ quát nhằm làm cho mọi thành phần trong xã hội được hưởng phần tương xứng đối với các thành quả chung của kinh tế quốc gia và quốc tế qua hình thức như trả lương, trợ cấp chính đáng hay đền bù tương xứng cho các thành viên trong xã hội. Hơn nữa, loại công bằng xã hội này đòi buộc nhà cầm quyền phải phân chia một cách công bằng và tương xứng các tài sản quốc gia như tài nguyên đất, nguồn nước, khoáng sản… cho mọi tầng lớp khác nhau được quyền hưởng trong xã hội. Công bằng xã hội cũng đòi buộc những người điều hành đất nước phải biết điều tiết các nguồn vốn đầu tư, các dự án phục vụ lợi ích dân sinh, các dự án tài trợ phát triển… sao cho các dịch vụ đó thực sự giúp cho sự phát triển về kinh tế và xã hội của các cộng đồng dân cư một cách đồng đều giữa các vùng miền khác nhau. Ngoài ra, công bằng xã hội còn yêu cầu các nước giàu phải có bổn phận giúp các nước nghèo về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý để các nước nghèo có điều kiện phát triển.

2. Chiều kích luân lý và xã hội của công bằng

Công bằng trước hết là một nhân đức luân lý khách quan; mặt khác, công bằng hay bất công luôn là vấn đề đạo đức xã hội nóng bỏng, và hơn nữa công bằng còn là nền tảng cho mọi tương quan lành mạnh của bất kỳ một xã hội dân chủ và văn minh nào. Để theo đuổi sự công bằng, giả thiết mỗi người phải có khả năng phân biệt và phán đoán một cách bén nhạy qua các hành động có tính liên đới đối với các thành viên khác trong cộng đồng. Công bằng là “đạo người ta ở đời”, hơn nữa, là một nhân đức luân lý khách quan nên trên nguyên tắc, các đòi hỏi của đức công bằng buộc mọi người liên đới phải chấp hành cách nghiêm chỉnh mọi nơi mọi lúc.

Chiều kích luân lý khách quan của công bằng qui định tính xã hội của nó, vì thế, công bằng không thể chỉ được hiểu như là một nhân đức thuần túy mang tính tôn giáo, nhưng nó phải là những chuẩn mực phổ quát cho mọi tương quan trong một xã hội được coi là lành mạnh. Ngoài ra, hành xử công bằng là điều kiện tiên quyết để xây dựng xã hội trong đó mọi lợi ích chính đáng của cá nhân và cộng đồng được phối hợp và đáp ứng một cách hài hòa, nhờ đó lý tưởng về một xã hội tự do, nhân quyền và bền vững mới có thể trở thành hiện thực. Hơn nữa, vì công bằng là yếu tố không thể thiếu cho việc xây dựng một xã hội hài hòa, nên nó phải là mục tiêu hàng đầu cho việc tổ chức một nhà nước pháp trị, các phúc lợi xã hội được đảm bảo, các khả năng cá nhân được phát triển, và là nền tảng vững chắc cho sự phát triển đất nước trong tương lai.

Tuy nhiên, thật dễ khi lý luận và theo đuổi lẽ công bằng về mặt lý thuyết, nhưng thật khó để xác định cái gì là công bằng thực sự trong từng chi tiết của các mối quan hệ hiện sinh đầy bất trắc nhưng rất cụ thể liên quan tới nhân phẩm, danh dự và quyền lợi của mỗi người và cả cộng đồng. Vì thế, công bằng đích thực không phải là ý niệm hay những phân tích lý thuyết suông về nó, nhưng là những thực tại sống với mọi khía cạnh hiện sinh của từng người trong mối quan hệ với người khác và với cộng đồng. Hơn nữa, cảm nhận và thực hành về công bằng luôn luôn phải là những phản ứng thực hữu, và phải được coi là đạo lý sống cốt yếu của mọi cộng đồng cũng như mọi cá nhân. Công bằng hệ tại ở chỗ “hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’, thêm thắt điều gì là do ác quỉ” (Mt 5,37); và ở chỗ “Anh em nợ ai cái gì thì hãy trả cho người ta cái đó” (Rm 13,7).

Trên thực tế, trong nỗ lực theo đuổi công bằng, người ta chỉ mới chú ý tới những mặt tiêu cực của nó như, chỉ ra những “bất công tự nhiên” (nguồn gốc sinh học, vùng địa lý), phân tích những “bất công hợp lý” (khả năng cá nhân, nỗ lực cạnh tranh chính đáng), hoặc lên án những bất công quá phi lý (nạn tham ô, hối lộ, trộm cắp…), nhưng chưa đưa vào thực tế những hành động công bằng tích cực như, tạo ra những cơ hội thuận lợi và điều kiện phát triển ngang nhau cho tất cả mọi thành viên trong cộng đồng, đảm bảo các phúc lợi xã hội căn bản như ý tế, giáo dục và giao thông, cũng như phải điều tiết vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội một cách hợp lý và đồng đều giữa mọi vùng miền. Ngoài ra, công bằng tích cực là phải đảm bảo cho người dân thực sự có tiếng nói trong những vấn đề hệ trọng của quốc gia, minh bạch hóa trong việc điều hành Đất nước và trong các chính sách xã hội khác.

Trong viễn cảnh về một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh, thì những khía cạnh căn bản của công bằng mang tính xã hội cao và có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ là yêu cầu phải được thực hành về mặt xã hội, nhưng còn là đòi buộc gắt gao phát xuất từ tính khách quan của nguyên tắc luân lý khách quan về công bằng. Những sức mạnh về tài nguyên, tiềm lực kinh tế, lợi thế về khoa học – kỹ thuật luôn luôn cám dỗ đối với những cá nhân hoặc tổ chức sở hữu nó, vì thế những người lao động trình độ thấp luôn luôn bị bóc lột quá sức. Bên cạnh đó, những quyền lợi về chính trị thường không thể dung hòa một cách công bằng giữa các phía đối lập, do đó để bám trụ và giữ vững quyền lợi của mình, những cá nhân hoặc tổ chức luôn luôn tìm mọi thủ đoạn nhằm loại trừ đối phương một cách bất công. Ngoài ra, những giá trị được xem là rất thuần túy tinh thần và nhân văn như văn học nghệ thuật, văn hóa và tôn giáo nhưng vẫn luôn luôn bị kì thị, và trên thực tế bị đối xử quá bất công mà nguyên nhân là do sự cố chấp và tham vọng của những thế lực có chức và có quyền. Điều đáng nói ở đây, là tất cả những bất công xảy ra không chỉ là những sai phạm về nguyên tắc công bằng trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, nhưng còn là những tội ác nặng nề theo các nguyên tắc luân lý và đạo đức khách quan.

Việc theo đuổi lý tưởng công bằng cho mọi xã hội không chỉ phải được khẳng định mà còn phải được tôn trọng và cụ thể hóa trong thực tế hiện sinh qua các cơ chế, nghĩa là mọi người dân sống trong xã hội phải được bình đẳng thực sự trước luật pháp, được luật pháp bảo vệ những quyền lợi chính đáng của họ. Điều này cũng đòi hỏi luật pháp trước hết phải đảm bảo tính công bằng ngay trong chính bản thân nó. Để có được công bằng xã hội thực sự, đòi hỏi một chế độ dân chủ thực sự, nghĩa là không thể có một nhóm người hay một tổ chức nào, dưới bất kì danh nghĩa gì, tự cho mình đứng lên trên xã hội và luật pháp, áp đặt ý chí của mình trên người khác và loại trừ những người có chính kiến khác với mình. Công bằng xã hội đòi hỏi sự tôn trọng đầy đủ đối với những lựa chọn chính đáng của công dân.

Chiều kích luân lý của công bằng không chỉ là điểm qui chiếu cho công bằng xã hội, mà còn là những đòi buộc gắt gao hơn và vượt lên trên những qui ước của xã hội về công bằng. Chiều kích luân lý của công bằng đòi hỏi phải có tính bác ái trong khi thực thi công bằng, nhờ đó, thực hành đức công bằng không phải là tuân giữ theo những qui định luân lý một cách khô khan, nhưng phải là những liên đới sống động và yêu thương theo tinh thần Tin Mừng. Tuy nhiên, nghĩa vụ luân lý tối thiểu luôn buộc ta phải thực thi những bổn phận của đức công bằng trước khi làm bất cứ việc bác ái nào.

B. Vai trò của Giáo Hội đối với vấn đề công bằng trong xã hội Việt Nam hôm nay

Nhãn quan của Giáo Hội Công giáo về công bằng hết sức đặc biệt: công bằng không phải là một sự vật bất động cần được giữ lấy hay là một thứ thực hành luân lý gượng ép và cứng nhắc. Công bằng theo giáo lý Công giáo là một trong bốn nhân đức trụ, nó hệ tại ý chí kiên định và cương quyết trả những gì phải trả cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Đức công bằng đòi buộc ta tôn trọng quyền lợi của mỗi người cách tự giác và thiết lập sự an hòa giữa mọi người để có thể thực hiện sự công bằng một cách hài hòa đối với mọi người và đối với công ích. Đức công bằng xã hội gắn liền với công ích và qui định việc sử dụng quyền bính.

Quan điểm của Giáo Hội Công Giáo về công bằng xã hội bao gồm việc đảm bảo các điều kiện để các cộng đồng và các cá nhân đạt được những gì mà họ có quyền nhận được theo bản tính và ơn gọi của họ. Như thế, công bằng xã hội vẫn phải đảm bảo những chiều kích thiêng liêng và đạo đức của nó, và nhờ đó nó mới có thể đạt đến sự tôn trọng phẩm giá siêu việt của con người. Mọi người, dù có những khác biệt nhưng bình đẳng như nhau về phẩm giá và quyền lợi, và đó là chuẩn mực để tiến tới loại bỏ những bất bình đẳng về tôn giáo, văn hóa, xã hội và kinh tế. Để từ việc đảm bảo những yếu tố căn bản của công bằng đó, đức công bằng Kitô giáo mới có thể vươn lên một tầm mức cao hơn là liên đới và chia sẻ những lợi ích tinh thần và những giá trị thiêng liêng trong toàn thể cộng đồng nhân loại.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam ngày hôm nay luôn phải đối diện với những chất vấn song song về vai trò của mình trong xã hội nói chung, và nói riêng đối với tầng lớp nghèo khó và ít được quan tâm trong xã hội. Một số người yêu cầu các vị mục tử chỉ nói về Thiên Chúa thôi, còn những vấn đề trần thế hãy để cho Chính quyền đảm nhiệm. Tuy nhiên, logic của mầu nhiệm Nhập thể làm người của Ngôi Lời đòi buộc Giáo Hội của Người phải lên tiếng bảo vệ cho những người mà quyền lợi và nhân vị của họ bị xâm hại. Có thể nói về một Giáo lý công bằng và yêu thương không, khi mà những bất công vẫn còn xảy ra trong chính Giáo Hội ? Có thể rao giảng về một Vị Thiên Chúa là Đấng công chính và yêu thương không, khi mà các vị mục tử vẫn làm ngơ trước những cảnh bất công như: dân nghèo bị đàn áp, người lao động bị bóc lột, dân thường không được hưởng các dịch vụ căn bản như y tế, giáo dục, đi lại…? Và, Giáo Hội có thể hoàn thành sứ vụ thánh hóa các thực tại trần gian này không, khi mà Giáo Hội không hề lên tiếng chính thức trước những việc làm phi pháp, phi đạo đức, xâm phạm nhân quyền một cách nặng nề và có hệ thống ?

Giáo Hội không thể đứng ngoài các hoạt động trần thế, bởi đỉnh cao của nền tu đức Kitô giáo được thể hiện qua các việc trần thế: cho kẻ đói ăn, nâng đỡ cô nhi quả phụ, bảo vệ quyền lợi kẻ nghèo… Đời sống đức tin của Giáo Hội không thể chỉ được gói gọn trong những vấn đề thuần túy thiêng liêng, nhưng sứ mệnh trần thế phải được xem như một đòi hỏi gắt gao của chính đức tin. Hơn nữa, Giáo Hội không những phải vượt qua cơn cám dỗ cố kết với những người giàu có và quyền lực, nhưng còn phải lên án những thế lực, những hành động và thể chế độc tài và độc quyền. Tuy nhiên cũng cần phải phân biệt vai trò cao quí của Giáo Hội với vai trò của Quốc gia. Giáo Hội là Nhiệm Thân của Đức Kitô, với sứ mạng không thể thoái thác là bày tỏ các chiều kích thiêng liêng và đạo đức của công bằng trong chính xã hội này. Giáo Hội có trách nhiệm hướng dẫn và ban tặng con đường cứu rỗi bằng đời sống công bằng và yêu thương, dù có thể bị bách hại vì thực thi sứ mạng của mình,  còn Quốc gia có trách nhiệm thực hành công bằng qua việc bảo đảm hữu hiệu các quyền lợi của người dân về mọi mặt như tôn giáo, văn hóa, kinh tế và chính trị.

Kết luận

Ngày hôm nay, vẫn còn có sự bất công quá đáng trong các lĩnh vực thiết yếu giữa các thành viên hoặc giữa các nhóm cộng đồng trong mỗi quốc gia và trên cả thế giới, và đó là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến xung đột và chiến tranh. Bất cứ hình thức bất bình đẳng nào liên quan đến các quyền căn bản của con người đều trái với ý định của Thiên Chúa, bởi tự nguồn gốc trong ý định ngàn đời của Ngài, tất cả mọi người đều được mời gọi thông phần vào vinh phúc thần linh như nhau, nghĩa là tất cả mọi người đều được bình đẳng về phẩm giá trước mặt Thiên Chúa.

FX. Cẩm Trường

http://lamhong.org/