Sống tinh thần Tam Nhật Vượt Qua

Lễ Vượt Qua (Passover Feast, Paschal Feast) của người Do Thái kỉ niệm biến cố người Do Thái trốn khỏi ách nô lệ bên Ai Cập. Họ ăn thịt chiên và bánh không men cách vội vã để còn có đủ giờ sửa soạn chạy trốn ban đêm. Đức Giêsu chọn mừng lễ Vượt Qua của người Do Thái trong Bữa Tiệc Li với các môn đệ vào chiều trước ngày Người chịu khổ hình thập giá và tử nạn. Người đến như Con Chiên tự nguyện chịu chết để chuộc tội thế gian để nhân loại được sống.

Tam Nhật Vượt Qua không phải là 3 ngày lễ buộc. Tuy nhiên người tín hữu nên dành thời giờ đến nhà thờ, tham dự vào những lễ nghi phụng vụ của Giáo Hội để giúp cho mình hiểu biết về những lễ nghi cao điểm của Giáo Hội và hiệp thông với Giáo Hội.

Tam nhật Vượt Qua bắt đầu từ Lễ Chúa Lập Bí Tích Thánh Thể và chức linh mục vào Thứ Năm Tuần Thánh cho tới chiều Thứ Bảy Lễ Vọng Phục Sinh.

 Thứ Năm Tuần Thánh: Kỉ niệm việc Chúa rửa chân cho các tông đồ để dạy họ và cũng dạy người tín hũu bài học phục vụ trong khiêm hạ.

Chúa còn bảo các tông đồ rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau.

Hôm nay Chúa truyền Phép Thánh Thể bằng bánh không men để ở lại với loài người cho đến tận thế.

Ðể tiếp tục Bí tích Thánh thể, Chúa còn lập chức linh mục.

Như vậy Thánh thể và linh mục đi liền với nhau vì không thể có Bí tích Thánh Thể nếu không có linh mục.

 

Thứ Sáu Tuần Thánh: Kỉ niệm cuộc khổ nạn của Chúa trên thập giá để làm giá cứu chuộc nhân loại.

Hôm nay là ngày ăn chay và kiêng thịt. Ăn chay kiêng thịt không phải như người Pharisêu.

Kiêng thịt không phải hễ không ăn thịt là đủ. Kiêng thịt mà lại ăn tôm hùm chẳng hạn: vừa mắc tiền, lại vừa ngon miệng, thì sao có thể nói được là hãm mình.

Ăn chay kiêng thịt không phải vì luật buộc phải làm một cách bất đắc dĩ cho qua lần chiếu lệ. Hi sinh, hãm mình ăn chay kiêng thịt vì yêu mến thì việc ăn chay kiêng thịt mới khỏi trở nên nặng nề, mới có ý nghĩa và mang lại ơn phúc. Và đó là tình yêu biến đổi. Chúa đã chết cho tội lỗi loài người.

Để được sống lại trong tâm hồn, người tín hữu cần chết đi cho tội lỗi và các thứ tính mê nết xấu để được sống lại trong ơn thánh.

 

Thứ Bảy Tuần Thánh: Vẻ trầm mặc của ngày THứ Bảy Tuần Thánh giúp người tín hữu tiếp tục suy niệm về cuộc tử nạn của Chúa và mong được sống lại về phần linh hồn cùng với Chúa sống lại vào Chúa Nhật Phục Sinh.

Trong buổi tiếp kiến 20 ngàn tín hữu hành hương tại Quảng Trường Thánh Phêrô vào Thứ Tư Tuần Thánh 2009, Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI nói về ý nghĩa của Thứ bảy Tuần Thánh như sau:

"Giáo Hội canh thức cầu nguyện, chia sẻ tâm tình đau thương của Mẹ Maria và tín thác nơi Chúa. Sự mặc niệm này dẫn chúng ta đến buổi canh thức vọng Phục Sinh, trong đó niềm vui và ánh sáng Phục Sinh bùng lên trong đêm tối". (Theo bản dịch của Lm Trần Đức Anh, OP).

Lm Trần Bình Trọng