Lời Toà Soạn: Tại sao số người Công Giáo tại Việt Nam trong suốt 43 năm qua không tăng? Theo tường trình của Tổng Giám Mục Nguyễn Chí Linh, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho Đức Phanxicô trong buổi triều yết Ad Limina, ngày 05/ 03/2018 tại Vatican thì số người Công giáo tại VN với 7 triệu giáo dân vẫn không gia tăng kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975.

Theo  Đức Phanxicô trong đầu đề bài này thì “Giáo Hội tăng trưởng trong thinh lặng, chứ không phô diễn”. Nghe nói có một linh mục với quí danh bắt đầu bằng vần “H”, làm việc truyền giáo tại miền sông nước Hậu Giang, tiếp xúc với những bà đầu trùm khăn ca-rô, miệng nhai trầu tóm tém và giới đàn ông đầu chít khăn mỏ quạ, miệng thở phì phà điếu thuốc rê, được họ gọi một cách thân tình là “Anh Tám”. Khi Anh Tám linh mục được mời giảng lễ tại Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn, có nhận xét là khoe đạo chỉ khiến cho người ta ghét đạo. Mà ghét đạo thì sao ngươòi ta muốn theo đạo? 

Đã có những bài viết cũng như những nhận xét của linh mục cũng như giáo dân trong khoảng hai thập niên qua về vấn đề “khoe đạo, phô trương đạo và trình diễn đạo” trong những buổi lễ hội tại Quê Hương. Phải chăng trong thời buổi này thì việc được tổ chức những buổi lễ tôn giáo theo kiểu lễ hội như vậy để ghi âm thanh và hình ảnh cho đăng trên video, youtube hay Internet đã bị trúng kế để làm ru ngủ? Rồi khi xem video, youtube, internet mà thấy giáo xứ, hoặc giáo phận nọ tổ chức thì giáo xứ, giáo phận khác có khuynh hướng cạnh tranh, cũng muốn tổ chức lớn hơn hay ít là không thầm lặng quá.

---------------------------------------------------------------------------------

Trong Thánh Lễ tại nhà nguyện thánh Marta, hôm 15.11.2018, Đức Thánh Cha đã suy niệm về đoạn Tin Mừng theo thánh Luca 17,20-25 và nhắc nhớ rằng Giáo Hội diễn tả chính mình nơi Bí Tích Thánh Thể và nơi những việc lành.

Giáo Hội tăng trưởng trong sự giản dị, thinh lặng, trong ngợi khen, trong Bí Tích Thánh Thể, trong cộng đoàn huynh đệ, nơi tất cả mọi người yêu thương nhau mà không làm tổn thương, lột trần nhau. Cũng thế, Đức Thánh Cha lặp đi lặp lại rằng Nước Thiên Chúa không phải điều gì ngoạn mục, làm người khác chú ý, nhưng Nước ấy tăng trưởng trong thinh lặng.

Những việc lành không thu hút sự chú ý

Vì thế, Giáo Hội tự diễn tả mình nơi Bí Tích Thánh Thể và trong những việc lành, chứ Giáo Hội không thu hút sự chú ý. Hiền Thê của Đức Kitô có đức tính thinh lặng và sản sinh những hoa trái mà không ồn ào, không khua chiêng đánh trống như những người Pharisiêu.

Bằng dụ ngôn người gieo giống, Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta cách thức Giáo Hội tăng trưởng. Người gieo giống đi ra gieo giống và hạt giống lớn lên vào ban ngày cũng như ban đêm. Thiên Chúa làm cho nó lớn lên. Và người ta sẽ nhìn thấy những hoa trái. Nhưng điều quan trọng trước nhất là Giáo Hội tăng trưởng trong thinh lặng và kín đáo; Đó chính là lối sống, phong cách của Giáo Hội. Vậy lối sống ấy diễn tả thế nào trong Giáo Hội? Giáo Hội diễn tả mình với những hoa trái của những việc lành để thiên hạ thấy và tôn vinh Chúa Cha, Đấng ngự trên trời. Giáo Hội cũng diễn tả trong việc cử hành, trong lời ngợi ca và hy tế của Đức Kitô nơi Bí Tích Thánh Thể.

Cám dỗ mê hoặc

Giáo Hội tăng trưởng nhờ làm chứng tá, nhờ cầu nguyện, nhờ sự thu hút của Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội, chứ không nhờ những sự kiện. Đúng là những sự kiện cũng hữu ích, nhưng sự tăng trưởng đích thực nơi Giáo Hội cần phải sinh hoa trái trong thinh lặng, thầm kín với những việc lành và cử hành Hy Lễ Vượt Qua của Đức Kitô và ngợi khen Thiên Chúa.

Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng sa vào cám dỗ mê hoặc. Chúng ta mong muốn Giáo Hội cần phải trổi vượt hơn, và chúng ta tự hỏi “chúng ta có thể làm gì để Giáo Hội được rạng danh đây?” Và thường thì chúng ta rơi vào một Giáo Hội của những sự kiện chứ không phải một Giáo Hội có khả năng tăng trưởng trong linh lặng với những việc lành và có khả năng sống kín đáo.

Tinh thần thế gian không khoan nhượng việc tử đạo

Sống trong thế gian, người ta thường không cưỡng nổi cám dỗ của sự hào nhoáng phô trương, của tinh thần thế gian, của những điều bên ngoài. Chính Chúa Giêsu cũng đã bị sự quyến rũ của những điều hào nhoáng cám dỗ: “nhưng tại sao lại phải mất nhiều giờ để thực hiện công trình cứu chuộc nhỉ? Hãy làm một phép lạ vĩ đại. “Ông hãy nhảy xuống từ nóc đền thờ và mọi người sẽ tuốn đến, sẽ nhìn thấy và sẽ tin vào ông.” Nhưng Ngài đã chọn cuộc đời rao giảng, cầu nguyện, làm việc lành. Ngài cũng chọn thánh giá và đau khổ.

Thập giá và sự đau khổ.

Giáo Hội lớn lên cùng với máu của các vị tử đạo, của những người nam và người nữ hiến dâng cuộc đời mình. Ngày nay, cũng có rất nhiều người như thế. Điều lạ lùng là: những điều ấy không được biết đến. Thế gian che giấu những điều này. Tinh thần của thế gian không khoan nhượng cho những vị tử đạo, nhưng nó bưng bít điều đó.

Trần Đỉnh, SJ - Vatican

15 tháng mười một 2018, 12:01