Đã từ lâu ngày Quốc tế Phụ Nữ 08/03 là một ngày lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh người phụ nữ bằng nhiều hình thức như tặng hoa, tặng thiệp,… cùng những lời chúc mừng để tỏ lòng trân trọng, tri ân. Tại Việt Nam, những năm gần đây, ngày này được mọi người biết đến và được tổ chức khá trang trọng, nhất là tại hai thành phố lớn Hà Nội và Sài Gòn, với nhiều hoạt động khác nhau như hội thảo, đêm văn nghệ, tiệc chúc mừng… người ta sẽ dễ dàng nhận ra dịp lễ khi có rất nhiều hoa bày bán trong các cửa tiệm, trên khắp các nẻo đường của thành phố... Đây là ngày để các đồng nghiệp Nam thể hiện tấm lòng với Nữ giới; những người Nam độc thân thể hiện sự lịch thiệp với bạn gái của mình; nhưng đôi khi những người Nam đã lập gia đình lại quên mất sự lịch lãm đó đối với vợ mình và thậm chí quên mất tình cảm với mẹ mình. Người ta cũng quên đi ý nghĩa lịch sử ban đầu của ngày Quốc tế Phụ Nữ mà chỉ mừng ngày lễ như một trào lưu. Để có thể có một ngày dành cho phụ nữ như ngày nay, hàng triệu chị em phụ nữ trên toàn thế giới đã phải đổ biết bao mồ hôi, nước mắt và thậm chí cả sinh mạng của mình cho công cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ.

image002Để mừng ngày Quốc Tế Phụ Nữ và giúp mọi người hiểu rõ về vai trò và sứ mạng cũng như phẩm giá của phụ nữ trong thế giới ngày nay, chiều thứ Bảy 05/03/2011, Chương Trình Chuyên Đề của Ban Mục Vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi nói chuyện chia sẻ về hai đề tài: “Giáo dục để thăng tiến phẩm giá phụ nữ trong xã hội hôm nay” do Nữ tu Mai Thành, Dòng Đức Bà trình bày, và đề tài: “Phái đẹp! Xin hãy đẹp vì Người” do cô Dương Thị Minh Nguyệt, phu nhân của Mục sư Phạm Đình Nhẫn thuyết trình tại Trung Tâm Mục Vụ Giáo Phận Sài Gòn, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1.

Mở đầu buổi nói chuyện, Nữ tu Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, Trưởng Ban Tổ Chức Chương Trình Chuyên Đề đã giới thiệu sơ lược về lịch sử hình thành của ngày Quốc tế Phụ Nữ. Theo đó, khởi đi ngày 08/03/1857, các công nhân ngành dệt chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại Thành phố New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, cũng trong tháng 3, các nữ công nhân Mỹ trong hãng dệt thành lập công đoàn đầu tiên đã được bảo vệ và giành được một số quyền lợi. 51 năm sau, ngày 08/03/1908, 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Sau đó, Đảng Xã hội Mỹ tuyên bố Ngày Quốc tế Phụ nữ là ngày 28 tháng 2 năm 1909. 

Đến Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II tổ chức ngày 08/03/1910, 100 đại biểu phụ nữ  thuộc 17 nước đòi quyền bầu cử cho phụ nữ. Chủ tịch hội nghị là Clara Zetkin, một phụ nữ Đức, đã đề nghị chọn một ngày quốc tế phụ nữ để nhớ ơn những phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới. Hội nghị đã chọn ngày 08/03 làm Ngày Quốc tế Phụ nữ.

Vào năm 1911, khoảng 80.000 người diễn hành trên các đường phố New York để đưa tang 145 nạn nhân chết cháy ngày 25/03 trong một xưởng dệt do cửa bị khóa không cho công nhân ra ngoài trước khi hết giờ làm việc. Sự kiện đau lòng này đã thúc đẩy cho việc sửa đổi luật lệ lao động thời bấy giờ.

Sau một thời gian dài đấu tranh bền bỉ, các nước Đức, Pháp, Thụy Sĩ… lần lượt đã chấp nhận quyền bầu cử của phụ nữ, và đến ngày 8 tháng 3 năm 1975, Liên Hiệp Quốc bắt đầu chú ý và tổ chức ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, năm 1977, vào ngày Quốc tế Phụ nữ, Liên Hiệp Quốc quyết định mời các nước dành một ngày để nói lên quyền lợi của người phụ nữ và hòa bình thế giới. Và ngày 8 tháng 3 được chọn để trở thành ngày lễ chung cho nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, từ năm 1950, vào ngày mùng 6 tháng hai âm lịch mỗi năm đều có tổ chức ngày lễ Hai Bà Trưng ở Sài Gòn, và sau đó đã dùng ngày lễ này làm ngày Phụ Nữ. Mỗi năm đều chọn một nữ sinh trường Trưng Vương và một nữ sinh trường Gia Long đóng vai Hai Bà Trưng ngồi trên bành voi trong dịp cử hành lễ.

Cuối phần trình bày của mình, Sr. Maria Hồng Quế đã đưa ra thông điệp dành cho ngày Quốc Tế Phụ Nữ: Đối xử hòa đồng, không phân biệt giới tính là cách thể hiện sự trân trọng của bạn dành cho nữ giới.

Tiếp đến, bằng chất giọng rất trầm ấm của một nữ tu đã 82 tuổi, Sr. Mai Thành đã diễn tả niềm thao thức của mình đối với phụ nữ khi chia sẻ đề tài “Giáo dục để thăng tiến phẩm giá phụ nữ trong xã hội hôm nay”. Sr. cho hay chủ đề phẩm giá phụ nữ là một vấn đề thời sự bức thiết nhưng cũng rất mênh mông, bao gồm những thực tại và thách thức đa dạng.

image003Theo Sr., đối với Tình trạng người phụ nữ hiện nay, phải công nhận rằng những thế kỷ vừa qua, vị trí người phụ nữ đã có những bước tiến quan trọng đặc biệt tại các nước phát triển tiên tiến, tự do, dân chủ, nơi mà nhân quyền, sự bình đẳng nam nữ được nhìn nhận và phát huy rõ nét tại các nước phát triển Âu Mỹ từ thế kỷ 19 qua đến thế kỷ 20. Nhưng ngược lại, nhiều nước thuộc lục địa Phi châu, Á châu, Nam Mỹ, truyền thống phong kiến “trọng nam khinh nữ” còn bám trụ dai dẳng. Có lẽ nếu thi sĩ Nguyễn Du sống trong thế kỷ 21 chắc cũng không ngần ngại nhắc lại lời ca thán: “Đau đớn thay phận đàn bà; Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Trên bình diện quốc tế, Liên Hiệp Quốc không ngừng quan tâm đến thân phận phụ nữ và đã tổ chức nhiều hội nghị để tìm kế hoạch thăng tiến phẩm giá người phụ nữ. Thống kê LHQ cho biết những bất công trong số phận đàn bà: cứ 3 người mù chữ thì có 2 người là nữ; Hiện nay có 565 triệu phụ nữ mù chữ ở châu Á, châu Phi và nam Mỹ; Cứ 6 em trai học tiểu học thì chỉ có 1 em gái. Năm 1995, tại Hội nghị Phụ Nữ ở Bắc Kinh, LHQ nhận định: “Các bà mẹ trẻ em mù chữ bị giam hãm trong vòng vây luẩn quẩn, sản sinh như súc vật và tử vong hỗn loạn. Phải phá vỡ cái vòng vây của dốt nát, thất học đi đôi với nghèo đói, lạc hậu, người phụ nữ trở nên một mặt hàng rẻ tiền, bán thân xác để sinh sống và cứu sống gia đình”.

Tại Việt Nam, hiện trạng người phụ nữ, về chính trị xã hội có tiến bộ, hiện nay có những người nữ là phó chủ tịch nước, chủ tịch HĐND, giám hiệu các trường trung học, đại học mở, giám đốc bệnh viện, đại biểu QH… Nhưng số lượng tham gia các trách nhiệm đó còn rất hiếm hoi, tình trạng bình đẳng trong gia đình cũng như ngoài xã hội còn nhiều lỗ hổng và chênh lệch lớn. Những cuộc điều tra gần đây cho biết trong số phụ nữ Việt Nam có 50% phải lao động tay chân để sống, trong đó 17% làm nghề lượm rác, quét rác, hốt rác. Tệ nạn mãi dâm đã xâm nhập vào nhiều thành phố và ngày càng tăng, năm 1990:  1,5% mãi dâm từ 12 đến 17 tuổi, đến năm 1997 là 13,5%. Hiện nay tệ nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em đang ở mức báo động.

Tại TP Cần Thơ, đầu năm 2008, số nạo phá thai là 2.568 ca, trong đó 30% là trẻ vị thành niên. Tại BV Phụ sản Từ Dũ, năm 2007 có 24.177 ca nạo phá thai, trong đó vị thành niên là 2,8%; Trong 6 tháng đầu năm 2008 có 11.532 ca, tỷ lệ trẻ vị thành niên là 2,38%. Chính lứa tuổi được giáo dục, đào tạo về phẩm giá của mình thì lại rơi vào tệ nạn đau khổ nhất đối với phụ nữ.

Nguyên nhân là do gia đình đổ vỡ hoặc quá nghèo, nợ nần, không có việc làm, thất học,
mù chữ, cha nghiện rượu, mẹ bị bạo hành…; do bất bình đẳng giới: trong gia đình, con trai được ưu đãi hơn gái, được đi học nhiều hơn, cao cấp hơn; quan niệm chồng là gia trưởng, vợ là gia nhân vẫn còn tồn tại. Hiện nay trong số phụ nữ lâm nạn mãi dâm, 35% là vị thành niên. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là 1 trong số 3 nước có tỷ lệ nạo phá thai cao nhất thế giới.

Về quan điểm của các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo về phụ nữ, Đức Giáo Hoàng Gioan 23 trong sứ điệp “Hòa bình trên thế giới” cho hay: “Nói đến công bình xã hội mà không thấy những bất công đối với phụ nữ là đi lạc hướng”. Nhân dịp Năm Thánh Mẫu 1988, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố một Tông thư nổi tiếng Mulieris dignitatem “Phẩm giá người Phụ nữ”, trong đó ngài ngỏ lời tạ ơn Chúa về huyền nhiệm thiên tài, thiên khiếu phụ nữ và những công trình vĩ đại Thiên Chúa đã thực hiện qua người nữ.

Nhân Hội Nghị Thế Giới lần thứ IV về Phụ Nữ họp ở Bắc Kinh ngày 29/06/1995, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã có “Thư Gửi Người Phụ Nữ” trong đó ngài ngỏ lời cám ơn từng người phụ nữ một không loại trừ một ai: “Xin Cám Ơn Chị Em, Hỡi Những Người Phụ Nữ”. Cám ơn mỗi người mẹ, mỗi người vợ, mỗi người con gái trong gia đình. Cám ơn những người nữ hoạt động trong lãnh vực xã hội, kinh tế, văn hóa, tôn giáo, chính trị, nghệ thuật …Cám ơn các nữ tu tận hiến cho vương quốc của Tình Yêu.

Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu trong những thập niên gần đây tuyên bố công khai: Tình cảnh của người phụ nữ Á Châu rất tồi tệ về thể lý, văn hóa, gia đình và tình trạng xã hội cũng rất thảm thương, trong khi sự đóng góp của nhiều phụ nữ trong xã hội và Giáo Hội không được tôn trọng và đánh giá đúng mức. Thêm vào đó làn sóng thương mại hóa, đưa vào mạng lưới thị trường tình dục, “các điều đó không những tha hóa nữ giới mà còn tha hoá xã hộinhân loại.

Nền tảng của phẩm giá Phụ Nữ theo quan điểm của Tin Mừng cho thấy Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của Thiên Chúa, dưới dạng Nam và Nữ (St 1,27). Ngài chúc phúc, trao cho cả hai nhiệm vụ làm bá chủ muôn loài và thông truyền sự sống: “Hãy hiện diện trên toàn mặt đất và thống trị nó” (St 1,28). Ngay từ buổi sơ khai của nhân loại, nam và nữ đều bình đẳng vì cả hai là hình ảnh của Thiên Chúa nhưng mỗi người phản chiếu vẻ đẹp của Thiên Chúa dưới một góc độ riêng tư độc đáo của mình, nam tính và nữ tính, cả hai kết hợp với nhau để nói lên tính cách toàn diện của tình yêu trong Thiên Chúa.

Nét đặc thù của mỗi giới: Nam thì hướng về ngoại giới, những vật hữu hình, vũ trụ, vật chất và tất cả những gì lý trí có thể dễ dàng đề cập đến. Nữ hướng về nội giới, về cái tâm, bên trong con người về những điều mà con mắt không thấy được. Ngoại giới là thế giới của sự vật, nội giới là thế giới của tình cảm, Nam mạnh về trí, nữ mạnh về tâm. Nam có khả năng phân tích, mổ xẻ, đo lường: khoa học kỹ thuật, hệ thống tư duy, giỏi tấn công nhưng dễ ngã không chịu đựng lâu dài, mặc dầu đầy thiện chí.  Nữ có khả năng cảm tính, giàu trực giác, mạnh về thế giới tâm linh, giỏi tấn trụ, kiên trì, thủy chung và sẵn sàng hi sinh chịu đựng. Cảm tính đi đôi với Mẫu Tính, với cảm quan của con người có sứ mệnh làm Mẹ. Các nhà tâm lý và thần học gọi đó là Nguyên Lý Mẹ, điểm phát xuất của tình yêu và sự sống.

Giáo dục Phụ Nữ có một tầm quan trọng rất lớn vì không những nữ giới là một nửa nhân loại mà còn là MẸ của nhân loại vì cưu mang sự sống, dưỡng dục mỗi con người từ lúc phôi thai đến lúc chào đời, từ tấm bé đến lúc thành nhân. Giáo dục bắt đầu từ gia đình vì “Gia đình cưu mang di sản và tương lai của nhân loại” (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội Á châu). Dưới mái ấm gia đình, tình yêu phu phụ, sự tương quan bình đẳng, tương kính, tương thân trong sự khác biệt nhưng bổ sung cho nhau cùng nhau gánh vác trách nhiệm gia trưởng, phân công hài hòa để cho mỗi gia đình trở nên bến đỗ của tình yêu, mỗi đứa con là quà tặng vô giá của Thiên Chúa không phân biệt gái hay trai, nhưng do người nữ giàu tình cảm và trực giác nên cần được giáo dục tâm trí hài hòa, rèn luyện khả năng suy luận khách quan.

Hiện nay, tác nhân giáo dục trong gia đình không chỉ có cha mẹ, các phương tiện truyền thông đại chúng có ảnh hưởng rất mạnh đến con cháu chúng ta. Truyền thông vừa mở rộng tầm nhìn nhưng cũng gieo mầm ô nhiễm vào tâm tư giới trẻ, báo chí thường lạm dụng cơ thể phụ nữ để quảng cáo hàng hóa đủ loại, đó là độc tố cần phải đề phòng. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tuyên bố: “Truyền Thông Đại Chúng là một thách đố cho công tác giáo dục. Cha mẹ có trách nhiệm khơi dậy lương tâm nhạy bén của người trẻ biết chọn lựa những chương trình thích hợp, hữu ích và can đảm khước từ những gì không chính đáng”. Giáo dục gia đình gắn liền với giáo dục học đường, với tình thương và tôn trọng đồng đều, cha mẹ tạo điều kiện cho mỗi con gái cũng như con trai được phát triển khả năng của mình đến mức tối đa như Victor Hugo từng nói: “Mở một nhà trường là đóng cửa một trại tù”.

Để bảo vệ và phát huy phẩm giá phụ nữ, Liên Hiệp Hội Đồng Giám mục Á Châu, đã lập nên văn phòng giáo dân trong đó cánh Nữ rất năng động tổ chức nhiều hội nghị định kỳ với sự tham gia của hàng Giáo Phẩm, nhiều đại biểu nữ giáo dân thuộc nhiều nước và tôn giáo khác nhau. Qua các hội nghị trên đã có lời tuyên bố nhằm tạo điều kiện giới nữ học hành nâng cao kiến thức về đời cũng như đạo: luân lý, tín lý, Kinh Thánh, thần học bao gồm giới tính, sự sống, tình yêu, để phát huy mọi tiềm năng phong phú của người nữ. “Bằng mọi cách tổ chức các khoá bồi dưỡng, cung cấp học bổng giúp các bạn gái, bà chị, bà mẹ nhẹ gánh việc nhà để được thường huấn với thời biểu phù hợp theo khả năng và hoàn cảnh của mỗi người”.     

Vì con người có xác và hồn nhất thể, giáo dục hôm nay cũng cần đặt nặng vấn đề giáo dục thể lý. Dù gái hay trai, giúp trẻ nhìn nhận cơ thể của mình là một kỳ công của Tạo hóa. Ví dụ đơn giản nhất là hoạt động của bàn tay để viết, vẽ, đàn, thêu, múa, đến những diễn tả khoa học, tính cảm thiêng liêng… Bàn tay người mẹ để vuốt ve, âu yếm và ôm ấp đứa con vào lòng và truyền đạt tình yêu của mình cho con.

Chiều kích siêu linh của thể xác: Thiên Chúa đến với con người bằng cách trở nên một đứa bé trong lòng người phụ nữ, dưới hình hài một phôi thai ẩn kín thầm lặng trong cung lòng một thôn nữ làng Nagiaret: “Ngôi Lời đã trở thành xác thể và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14); Thể xác con người được Thánh Kinh giải thích: “Anh em chẳng biết rằng thân xác của anh em là thân thể, là chi thể của Chúa Kitô sao?”; “Anh em đâu còn thuộc về mình nữa…Anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.”; “Thân thể của anh em là Đền thờ của Chúa Thánh Thần.” Nhân loại sống và tồn tại là nhờ Nguyên Lý Mẹ, Nguyên lý của tình yêu, của Sự Sống, nguyên lý của Trái Tim mà tuyệt đỉnh là Trái Tim Đức Giêsu.

Tin Mừng diễn tả một cách tuyệt vời tình yêu vô cùng tế nhị và thâm sâu của Đức Giêsu với mỗi người phụ nữ nhất là những người bị khinh miệt, trong đó có người đàn bà 5 chồng xứ Samari. Ngài đã cúi mình xin nước uống để đem lại cho bà nước trường sinh khiến bà trở thành người tông đồ đầy uy tín của xứ Samari vốn thù nghịch với dân Do thái.

Một câu chuyện hết sức độc đáo mà Đức Giêsu dùng để minh hoạ trái tim ái mẫu của Thiên Chúa là chuyện “Người cha nhân hậu” mà hoạ sĩ Rembrandt đã mô tả qua bức tranh nổi tiếng. Các nhà thần học và tâm lý học nhận ra nơi đây chân dung của Thiên Chúa vừa là cha vừa là mẹ với cái đầu cúi xuống nhìn con và hai bàn ôm ấp đứa con hoang vào lòng bằng tất cả tình yêu. Tình yêu đó được diễn tả và đến với chúng ta qua trái tim của Đức Giêsu và trái tim của Đức Maria là mẹ của nhân loại.

image004Tất cả chương trình cứu độ Thiên Chúa đã giao cho một người nữ, và sau khi nhận sứ mệnh làm mẹ của Thiên Chúa, Đức Maria đã thăm bà Êlisabeth, và Chúa Thánh Thần đã cho bà Êlisabeth biết đây là Mẹ của Đấng Cứu Thế và điều kỳ diệu là tất cả chương trình kế hoạch cứu độ nhân loại nằm trong trái tim của hai người phụ nữ.

Để kết thúc bài thuyết trình, cộng đoàn tham dự viên được Sr. mời gọi hát bài Lòng Mẹ của nhạc sĩ Y Vân để nói lên tâm tình của những người con đối với mẹ mình. Tuy đã 82 tuổi nhưng Sr. đã tự làm tập tin trình chiếu powerpoint rất kỹ, tham khảo nhiều tài liệu, tự điều khiển máy vi tính trong lúc thuyết trình. Có thể nói Sr. là chứng nhân sống về mẫu gương người phụ nữ chăm học hỏi, tìm hiểu trong suốt cuộc đời mình.

Sau giờ giải lao, nữ Mục Sư Dương Thị Minh Nguyệt đã thuyết trình đề tài: Phái Đẹp! Xin Hãy Đẹp Vì Người”. Mở đầu, phu nhân của Mục sư Phạm Đình Nhẫn cho hay phụ nữ là những người được mệnh danh là phái đẹp, và ai cũng muốn mình là một người đẹp. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để trở nên một người đẹp? muốn trở nên một người đẹp phải bao gồm những yếu tố nào?

image005Trước khi trình bày câu trả lời qua bài thuyết trình, diễn giả tiết lộ một tin vui là mỗi một con người đều là một người đẹp vì mỗi người là tạo vật ưu mỹ, tạo vật tối cao của Thiên Chúa, ngài đã tạo dựng con người một cách vô cùng đẹp đẽ.

Khi nói về cái đẹp thì nó chỉ mang tính tương đối và không có quan điểm nhất định về cái đẹp. Người thế nào được gọi là đẹp, ốm hay mập, da trắng hay đen hay da vàng, cao thấp thế nào? Các cuộc thi hoa hậu đã chứng tỏ rằng không phải nhất thiết da trắng mới đẹp mà có nhiều người da đen đã vào vòng chung kết. Vậy vẻ đẹp không phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài, và mọi người đều xinh đẹp dù là da trắng, da đen, da màu, dầu cao thấp bao nhiêu, thân hình to khỏe hay mảnh khảnh vì tất cả mọi người đều là người đẹp mà Chúa đã dựng nên cách độc đáo.

Tôi xinh đẹp! bạn xinh đẹp! hãy bắt đầu một lời khen chân thành những người chị em cạnh mình cũng như hãy tự tin rằng tôi có nét đẹp riêng vì mỗi người là tạo vật của Thiên Chúa, nên có thể tự khám phá nét đẹp nơi mình. Suy nghĩ của chúng ta về chính mình ảnh hưởng đến cách sống, cách cư xử rất nhiều, nếu cứ nghĩ mình là người xấu, không được đẹp thì bản thân sẽ e dè, không mạnh dạn trong giao tiếp và còn nhiều điều ảnh hưởng đến cuộc sống. Cần mạnh dạn nói ra mình là người xinh đẹp vì Thiên Chúa đã tạo nên mình và thỏa lòng về điều đó.

Mỗi người phụ nữ dù là độ tuổi bao nhiêu đi nữa vẫn muốn mình là một người phụ nữ khả ái, duyên dáng, thanh lịch trước mặt người khác. Nói về vẻ đẹp có thể kể đến vẻ đẹp bề ngoài, nó thể hiện ở sự khỏe mạnh, sự xinh xắn, mái tóc, làn da, trang phục trang điểm…

Sức khỏe là điều quý giá và rất quan trọng, cần thiết cho phụ nữ, nó gắn kết với vẻ đẹp. Để có sức khỏe tốt cần chú ý đến thức ăn, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất là có nhiều rau xanh, quả tươi để nuôi dưỡng thân thể… Bên cạnh đó nước uống cũng rất cần thiết, cần để ý đến thời điểm uống nước, không nên vừa ăn, vừa uống sẽ làm giảm sự hấp thụ vitamin trong thức ăn của cơ thể, nên uống nước trước và sau bữa ăn ít nhất một giờ. Giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến sức khỏe nhất là đừng thức khuya nhiều quá. Đối với chế độ nghỉ ngơi, người phụ nữ thường không được nghỉ ngơi mà thay đổi công việc từ nơi làm việc sang ngôi nhà của mình bằng công việc nội trợ. Thế nên, đôi lúc tùy theo điều kiện của mình mà cần có chuyến nghỉ ngơi xa, có thể vài ngày hoặc trong ngày để thay đổi lệ thường của công việc, bước ra khỏi đời sống nhàm chán hằng ngày.

Để người phụ nữ trở nên xinh xắn hơn, ngày nay người ta có thể chọn mái tóc từ những kiểu mẫu trên máy vi tính để có những kiểu tóc phù hợp với gương mặt cũng như có những bí quyết để làm đẹp làn da của mình. Tuy nhiên, mỗi người một vẻ nên cũng cần vui với làn da của mình dù là trắng hay ngăm đen hoặc chấp nhận những khuyết điểm trên khuôn mặt vì càng phiền muộn sẽ càng làm cho làn da sạm tối hơn, những khuyết điểm sẽ làm người ta ngượng ngùng hơn. Thay vào đó, cần bằng lòng vui vẻ với những gì thuộc về mình vì Thiên Chúa đã tạo dựng như thế: “Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng, công trình Ngài xiết bao kỳ diệu! Hồn con đây biết rõ mười mươi. Xương cốt con, Ngài không lạ lẫm gì, khi con được thành hình trong nơi bí ẩn, được thêu dệt trong lòng đất thẳm sâu” (TV 139, 14-15).

Để có vóc dáng đẹp, người phụ nữ cần rèn luyện thân thể, để có khuôn mặt đẹp, cần trang điểm phù hợp với lứa tuổi của mình, nghệ thuật trang điểm làm tăng thêm vẻ đẹp, giảm thiểu nét khiếm khuyết. Trang phục phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với nơi mình sẽ đến cũng thể hiện tính cách mỗi người. Đối với phụ nữ Việt Nam, mặc áo dài sẽ tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ nhất là đối với bạn bè quốc tế, họ rất thích thú và tôn trọng.

Nét đẹp của một con người chỉ có bề ngoài không thôi chưa đủ, nét đẹp thật sự của một người là nét đẹp bên trong, vì mỗi người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa. Để có được nét đẹp bên trong, người đó phải có những suy nghĩ đẹp, nghĩa là cần có suy nghĩ tích cực về chính mình, suy nghĩ tích cực về hoàn cảnh của mình. Đừng suy nghĩ xa vời, ước vọng cao xa vì ngay chính trong nhà mình nhiều khi có nhiều thứ quý báu mà mình không phát hiện ra, nhất là về người chồng quý báu, người con quý báu. Khuôn mặt cần luôn nở nụ cười vì bất cứ ai cười cũng sẽ đẹp, nụ cười trên khuôn mặt rạng rỡ đón chào người đối diện khi tiếp xúc.

Bên cạnh đó, để có nét đẹp bên trong cũng cần có lời nói đẹp vì nó làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là lời khen, lời êm dịu, lời khích lệ… Hãy có nhiều lời khen đối với người xung quanh, để làm được điều này cần nhìn vào những điều tích cực của người khác, dù đó là người con, hay người chồng. Sức mạnh của lời nói là thật quan trọng, đó là một phương tiện mà con người sử dụng mỗi ngày: Cái lưỡi là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, nhưng cái lưỡi cũng như tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao! (x Gc 3,5). Một lời nói tàn hại có thể làm chán nản cả một cuộc đời. Thế nên, cái lưỡi cần được huấn luyện, cần được tập tành để nói ra những lời khen ngợi.

Một điều quan trọng nữa là cần có những hành động đẹp. Hành động xuất phát từ lòng yêu thương, sự chân thật. Bất cứ ai, dù họ không có địa vị, da đen, da trắng hay da màu, xuất thân từ giai cấp nào nhưng họ là tạo vật ưu việt của Thiên Chúa thì mình không có quyền xem thường bất cứ ai. Mọi tạo vật đều có giá trị vì mọi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa, cần cư xử với mọi người nhã nhặn, khiêm nhường: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).

Kết thúc đề tài thuyết trình, diễn giả nhắn nhủ tất cả mọi người phụ nữ cần khẳng định lại mình: Tôi là người nữ xinh đẹp trước mặt Thiên Chúa và mỗi ngày sẽ càng xinh đẹp hơn”.

Buổi chuyên đề mừng ngày Quốc tế Phụ Nữ tràn ngập hoa trang trí và những bó hoa tươi thắm dành tặng cho các diễn giả, và càng thêm sinh động khi có thêm sự góp mặt của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Thức, ca sĩ Phi Nguyễn và ca sĩ Hà Bảo Thu trình bày những bài hát về mẹ, về người phụ nữ Việt Nam để tặng các diễn giả và các tham dự viên.

Các tham dự viên còn được nhận những mảnh giấy màu trắng (dành cho các nữ tu), màu hồng (các chị em sống đời thường), màu xanh (nam giới) để ghi lại ước mơ của mình nhân ngày 08/03. Và đây là một ước mơ của một chị em sống đời thánh hiến: “Ước gì các vị linh mục biết tôn trọng nhân phẩm của con chiên của mình. Ước gì môi trường Đại chủng viện hay các Dòng tu là những nơi đào tạo nhân bản, và thực hành nhân bản một cách kỹ lưỡng”. Một cảm nhận tức thì sau khi tham dự buổi thuyết trình: “Tôi cảm nhận Chương Trình Chuyên Đề đã làm cho tôi ý thức hơn về vai trò, phẩm giá của người phụ nữ, giáo dục phụ nữ là xây dựng thế giới mà trong đó mọi người biết yêu thương và tôn trọng lẫn nhau, tôi yêu và nhận ra nhiều nét đẹp của người phụ nữ nhiều hơn”. Và một tham dự viên nam đã nói lên tâm tình của mình: “Tôi nhớ đặc biệt đến các em gái bị lạm dụng, các chị em thiếu thốn điều kiện vật chất, các bà mẹ tần tảo lam lũ nuôi con, tất cả những người phụ nữ đang sống rất tốt, và mọi người phụ nữ trên thế giới này. Xin bày tỏ lòng biết ơn đối với các mẹ, các chị em, sự hiện diện của quý vị làm cho đời tôi vui hơn, ý nghĩa hơn và đáng sống hơn”. Và còn rất nhiều những ước mơ được chia sẻ qua những mảnh giấy của các khán giả tham dự buổi chuyên đề, các ước mơ đó đã được Ban Tổ Chức tập hợp lại để xin dâng thánh lễ đặc biệt cho chị em phụ nữ. 

Xin đặc biệt tri ân những người mẹ, người vợ, người chị, những em gái, đã thầm lặng tô điểm cuộc đời này thêm phần xinh đẹp và cuộc sống có ý nghĩa hơn mỗi ngày. Tạ ơn Thiên Chúa Tình Yêu, Đấng tạo dựng mọi điều tốt đẹp!

Buổi thuyết trình khép lại bằng việc anh Mai Thanh Hoài ngỏ lời cám ơn chân thành đến Sr. Maria Hồng Quế, là người đã làm việc tận tụy để các buổi thuyết trình đến với khán giả, độc giả đều đặn hàng tuần trong suốt hơn hai năm qua dù vấp phải nhiều khó khăn về tài chính, nhân lực. Sr. cũng nhận được bó hoa tươi thắm cùng cánh thiệp thể hiện tấm lòng của anh chị em cộng tác viên dành tặng cho người phụ nữ đã đồng hành, dìu dắt họ trong mọi công việc liên quan đến Chuyên Đề.

Sàigòn, ngày 09 tháng 03 năm 2011,

Tạ Ân Phúc

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch