WHĐ (31.01.2024) – Tôi vẫn thường nói với các bạn trẻ về câu chuyện ẩn dụ liên quan đến Giáo hội: Trên thế giới trước giờ có nhiều tôn giáo khác nhau. Mỗi tôn giáo như một chiếc thuyền. Từ bờ bên này (trong thế gian), qua bờ bên kia (sau cái chết), ai trong chúng ta cũng cần chiếc thuyền tôn giáo này.

Ai cũng có tự do để bước lên một trong nhiều chiếc thuyền ấy. Bạn cũng có đủ thông tin và nhận xét của mình về chiếc thuyền. Hẳn nhiên chúng ta chỉ bước lên chiếc thuyền tốt nhất, tin tưởng và hy vọng nhất. (Xin đừng tự mình bơi sang bờ bên kia! Cười). Rất nhiều người đã chọn bước lên con thuyền Giáo hội Công giáo. Lý do? Thưa: “Giáo hội là bí tích phổ quát của ơn cứu độ và là bí tích biểu hiện sứ mạng của Ðức Kitô và của Thánh Thần. Là bí tích, nghĩa là dấu hiệu và là dụng cụ của chính sự sống Thiên Chúa”[1]. Tôi cũng vậy. Hơn nữa tôi được sinh ra trên chiếc thuyền này.

  1. Lịch sử của chiếc thuyền

Giáo hội được ví như Hiền Thê của Đức Giêsu. Điều này gợi lại mối tương quan mật thiết sống còn giữa Giáo hội và Thiên Chúa. Giáo hội không thể bỏ Thiên Chúa; và ngược lại, Thiên Chúa hẳn nhiên xem Giáo hội là thân thể của chính mình. Đức Kitô là “Ðầu của thân thể, nghĩa là của Hội thánh.” (Cl 1,18). Hội thánh sống nhờ Người, trong Người và cho Người. Ðức Kitô và Hội thánh tạo thành “Ðức Kitô toàn thể” (thánh Augustinô). “Ðầu và các chi thể làm nên cùng một con người huyền nhiệm” (Thánh Tôma Aquinô). Trong nghĩa này, Công Đồng Vatican II định nghĩa Giáo hội là một bí tích[2].

Ngoài ra, chúng ta vẫn quen gọi Giáo Hội vừa là Mẹ, vừa là Thầy. Các giáo phụ rất thích dùng hình ảnh này để diễn tả về vai trò của Giáo hội. Theo Thánh truyền này, lời mở đầu của Công Đồng Vatican II đã vang lên niềm vui của Mẹ Giáo Hội (Mater ecclesia). Sau đó, Đức Gioan XXIII đã khải triển chi tiết hơn trong thông điệp Mater et Magistra (15.5.1961). Cách đây không lâu, Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi hình ảnh này là nét đẹp nhất của Giáo hội.

Một hình ảnh khác mà chúng ta đang bàn ở đây: Con thuyền (ship hoặc boat). Con thuyền gợi lại cảnh ngày xưa Chúa Giêsu chọn gọi bốn môn đệ đầu tiên (Mt 4,18-22; Mc 1,16-20; Lc 5,1-8). Ngài bước lên một chiếc thuyền (πλοῖον) của ông Simon, người sau này là Giáo hoàng đầu tiên chèo chống con thuyền Giáo hội. Không ít lần Chúa bảo các môn đệ: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” βάθος– chỗ nước sâu nghĩa là những nơi có nhiều cá, nhưng lắm hiểm nguy đòi hỏi các môn đệ phải can đảm. Kết quả của hành động này là: “Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới.” (Lc 5,1-11)

Các nhà chú giải Thánh Kinh cũng hiểu đoạn Kinh Thánh (Lc 5,1-11) liên hệ đến con thuyền của Giáo hội. Trên đó có Thiên Chúa như là thuyền trưởng, có thánh Phêrô như là người đại diện của Chúa để lèo lái con thuyền. Nơi đó cũng có các thành viên như là những người cùng nhau ra khơi để bắt cá. Từ Giáo hội sơ khai, con thuyền này được hiểu như “con thuyền cứu độ - the ship of salvation[3].

Phải thừa nhận rằng hình ảnh con thuyền này bắt nguồn từ văn chương Hy Lạp và Rôma. Trong nền văn chương này, con thuyền thường tượng trưng cho nhà nước. Thông thường, việc ám chỉ nhà nước như một con thuyền được đưa ra để nhấn mạnh mối nguy hiểm mà nó phải đối mặt. Ngoài ra, thuyền còn liên hệ đến sự nguy hiểm của biển cả. Chẳng hạn vị vua trong thần thoại Hy Lạp, Oedipus trong tác phẩm Sophocles được thúc giục phải chịu trách nhiệm quản lý thành phố ‘bị bão tàn phá nặng nề đến nỗi không thể ngẩng đầu lên khỏi dưới vực sâu của biển giận dữ giết chóc’ (Sophocles, Oed. tyr. 20). Triết gia Plato cũng dùng hình ảnh con tàu để miêu tả nhà nước trong lập luận của ông rằng: con tàu này phải được cai trị bởi các nhà triết học. (Resp. 6.487d-488e).

Còn về văn chương Rôma, sử gia Dio Cassius cũng hiểu con thuyền nhà nước như là hình ảnh đoạn Kinh thánh trên đây[4]. Thực ra điều này không mới khi chúng ta nhớ lại văn chương Cựu ước: Con thuyền Nô-ê (St chương 6-9), thuyền của Giacóp (St chương 27-28). Trong văn chương Kitô giáo, con tàu Nô-ê là biểu tượng của sự phán xét và sự cứu rỗi sắp xảy ra. Trong đó, Đức Giêsu là Trưởng tử của mọi tạo vật (Rm 8,26-30). Chính Ngài thiết lập Giáo hội. Ngài tái sinh các thành viên nhờ nước, đức tin và thập giá[5]. Giáo phụ Tertullian cũng nói: Con tàu là hình ảnh của Giáo hội, trong đó Giáo hội bất an ‘trong biển’, nghĩa là trong thế giới, ‘bởi những làn sóng’, tức là bởi những cuộc bách hại và cám dỗ. Trên đó, đôi khi Thiên Chúa dường như ngủ yên, cho đến khi được đánh thức trong những phút cuối cùng bởi lời cầu nguyện của các vị thánh. Ngài điều khiển thế giới và khôi phục lại nền hòa bình.[6]

  1. Con thuyền cần người đứng đầu

Chúng ta vẫn tự hào trong Chúa, vì con thuyền Giáo hội đã lướt qua biết bao sóng gió (Mt 8,23-27). Thành quả này một lần nữa cho thấy đây là công trình của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu là thuyền trưởng. Đức Giáo hoàng là người đại diện để lắng nghe thuyền trưởng lèo lái con thuyền Giáo Hội. Nhìn về Giáo hội địa phương, chúng ta thấy các giám mục, linh mục cũng đang tiếp tục sứ mạng này. Nếu hiểu từng gia đình là con thuyền thu nhỏ của giáo hội, thì ông bà cha mẹ cũng có trách nhiệm lèo lái con thuyền đạo đức của gia đình mình.

Kể ra một vài cơ cấu như thế để cho thấy chúng ta đang cùng đi trên một con thuyền. Để thuyền ra khơi tốt, hẳn nhiên cần người đứng đầu. Nếu chúng ta lo lắng cho thuyền Giáo hội hiện nay, thì chính Thiên Chúa cũng đang lắng lo làm sao để Giáo hội của Ngài vượt qua được các sóng gió. Chúa vẫn luôn mời gọi các mục tử cộng tác, kêu gọi từng thành viên tham gia vào những công việc thú vị trên con thuyền này. Các công việc trong đời sống Giáo hội tưởng như riêng lẻ, nhưng khi đặt vào con thuyền Giáo hội, thì điều chúng ta đang làm sẽ có ý nghĩa. Đó là nét đẹp của tham gia, của sống đạo, của đời sống thiêng liêng. Hoặc nói như nhà văn Hippolytus người Rôma xưa: “Biển là thế gian; Giáo hội, giống như một con tàu, bị dòng nước lắc lư, nhưng không bị nhấn chìm. Lý do là Giáo hội có một người lèo lái tài giỏi là Chúa Kitô”. Do đó, biểu tượng này thường được diễn tả trong nghệ thuật, ký hiệu, hoặc trang trí bên trong các nhà thờ Công giáo. Một con thuyền chứa nhiều người, tượng trưng cho các tín hữu trong Giáo hội, được Chúa Kitô lãnh đạo. Điều này nói lên sự đoàn kết và hỗ trợ tương tác giữa các thành viên của cộng đoàn trong hành trình đời sống đức tin.

Thực tế cho thấy nếu không tôn trọng người lái thuyền, chúng ta khó mà đi xa. Khi cùng cộng tác và lắng nghe thuyền trưởng, con thuyền đỡ sóng sánh, không bị lật thuyền hoặc gặp nguy hiểm. Chỉ trong tình trạng này, mỗi người chúng ta mới cảm thấy bình an và hạnh phúc lướt tiếp trên cuộc đời này.

  1. Con thuyền Giáo hội

Cách đây nhiều năm, trong bài phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, trong cuốn sách Muối Cho Đời, câu hỏi này đáng được quan tâm: “Dù vậy càng ngày càng có nhiều người tự hỏi không biết con thuyền Giáo hội có còn chạy được nữa không. Nó còn đáng cho mình bước lên?”. Đức Giáo Hoàng trả lời:

“Còn chạy và đáng bước lên, tôi tin chắc chắn như vậy. Đó là một con tàu dày dạn kinh nghiệm nhưng đồng thời lại rất trẻ. Nhất là chúng ta lại càng cần nó khi phải đối diện với tình thế hôm nay. Hãy thử tưởng tượng lấy con tàu đó ra khỏi bàn cân đối lực hiện tại thì ta sẽ thấy thế giới đổ vỡ ra sao và tinh thần nhân loại chao đảo như thế nào. Chúng ta cũng biết rằng, vì sự suy đồi của Giáo hội và Kitô giáo trong ba, bốn mươi năm qua mà thế giới đã phải chứng kiến bao cảnh đổ vỡ tinh thần, mất định hướng và tan hoang. Vì thế tôi dám nói: Nếu chưa có con tàu thì ta phải tạo ra nó. Nó đáp ứng nhu cầu sâu thẳm của con người; nó bám rễ sâu trong bản chất, nhu cầu và bổn phận của con người đến nỗi tôi tin rằng con người sẽ không mất đi những nguồn lực căn bản của mình, họ sẽ là sự bảo đảm cho con tàu không bị đắm chìm” [7].

Trong lời xác tín trên, chúng ta cùng nhau tin rằng:

- Giáo hội luôn tồn tại.

- Kinh Thánh là nền tảng, là động cơ để con thuyền Giáo hội chạy về phía trước, hướng về Thiên Chúa [8].

- Chính Thiên Chúa điều khiển con thuyền này. Bởi con thuyền Giáo hội không chỉ là của Chúa, nhưng còn là của tôi, của bạn và của chúng ta. Thiên Chúa nhất định không để cho nó chìm đâu!

- Nếu yêu Giáo hội, nghĩa là chúng ta cùng nhau chèo chống con thuyền này.

Với những lý do trên chúng ta biết niềm tin vào Thiên Chúa và Giáo hội là hợp lý và hợp tình. Lý do: Con thuyền Giáo Hội có động cơ vững mạnh là Lời Chúa, và sức sống bền bỉ là truyền thống thánh thiện. Là con Chúa, chúng ta hạnh phúc đang đi trên con thuyền Hội Thánh. Dù có sóng sánh đại dương hoặc khủng hoảng xảy ra, Thiên Chúa luôn biết cách hướng dẫn, chèo chống con thuyền của Ngài đến bến bờ hạnh phúc. Vì lý do này, chúng ta hoàn toàn có lý để Thiên Chúa dẫn đưa với Lời của Ngài.

Chúng ta khép lại đề tài rộng lớn này với lời nhận xét của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận: “Hội thánh có nhiều khuyết điểm và gương xấu, nhưng Hội thánh có lời hứa của Chúa. Hội Thánh là một phép lạ liên lỉ. Tuy nhiên, đừng vì thế mà phơi bày khuyết điểm và gương xấu cho mọi người. Cũng đừng vì đó mà tha hồ làm gương xấu, để Chúa làm phép lạ mỗi ngày” [9]. Để tránh làm gương xấu, Lời Chúa có thể giúp chúng ta nêu gương tốt. Để nhận ra phép lạ, chúng ta cứ nhìn bằng cặp mắt đức tin. Để sống hạnh phúc, ước gì chúng ta đón nhận Giáo hội như là “bảo bối” để tiến về phía trước.

Tạm kết

Các nhà truyền giáo đã đưa con thuyền Giáo hội vươn đến mảnh đất con rồng cháu tiên từ thế kỷ 17 (1615). Ông cha ta đã bước lên con thuyền này. Hơn nữa, cùng với Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục lèo lái con thuyền này vượt biển khơi. Trên con thuyền này luôn có Tin mừng, có Thiên Chúa và chúng ta có nhau. Theo đó, chúng ta không chỉ được cứu độ, nhưng còn giúp người khác có thể bước lên con tàu này.

Lm. Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

[1] Xem GLHTCG số 738 và 932

[2] https://catechesis.net/ban-tinh-cua-giao-hoi-giao-hoi-la-mot-bi-tich/

[3] https://orthochristian.com/93292.html

[4] Dio Cassius, Roman History, Volume VI: Books 51–55 (trans. Earnest Cary and Herbert B. Foster; LCL, 83; Cambridge, MA: Harvard University Press, 1917).

[5] Justin Martyr, Dialogus cum Tryphone (trans. Thomas B. Falls; Washington, DC: Catholic University of America Press, 2003). See also 1 Apol. 55 where Justin mentions the ship among other cruciform symbols.

[6] Tertullian, De baptismo, in Alexander Roberts, James Donaldson, and Arthur Cleveland Coxe (eds.), The Ante-Nicene Fathers, Volume 3 (trans. S. Thelwall; Buffalo: Christian Literature Publishing, 1885), p. 669.

[7] Ratzinger, Joseph Benediktus XVI, Muối Cho Đời, (Người dịch: Phạm Hồng Lam và Trần Hoành), 1996, tr 9.

[8] Đọc thêm: https://www.vatican.va/news_services/press/sinodo/documents/bollettino_25_xiii-ordinaria-2012/02_inglese/b04_02.html

[9] Đường Hy Vọng số 264

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch