Chết là một thực tại mà loài người không thể chối bỏ. Thường người ta tưởng già mới chết. Tuy nhiên, chết có thể đến với bất cứ tuổi nào, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào. Ở những nơi an toàn nhất, người ta cũng có thể chết.

Chết không còn phải là điều kiêng kị. Như vậy sống và chết gắn liền với nhau. Đa số loài người đều có thể đương đầu với cuộc sống dù phải lầm than, vất vả và khổ cực. Tuy nhiên không mấy ai muốn đối diện với cái chết. Có những người  có cảm giác sợ chết. Người ta tưởng người già mới lo nghĩ về cái chết. Tuy nhiên có những người trẻ cũng bị ám ảnh bởi cái chết. Khi cảm giác sợ chết kéo dài và gây trở ngại cho những sinh hoạt hàng ngày của cuộc sống như không dám ăn uống một số thực phẩm, không dám ra khỏi nhà, không dám đến nơi nọ, nơi kia, sợ đi thang máy, sợ đi máy bay.., thì được gọi là hội chứng sợ chết (thanatophobia). Hội chứng sợ chết là những rối loạn, lo âu về cái chết sắp đến.

Đến tuổi nào người ta nghĩ về sự chết

Theo tiến trình của cuộc sống con người là: “sinh, lão, bệnh, tử”, thì từ 55 tuổi trở lên khi bệnh tật xuất hiện, nhất là những bệnh nan trị, khiến người ta nghĩ đến chết. Mức độ sợ chết tuỳ thuộc vào tuổi tác. Bước vào lớp tuổi “thất thập cổ lai hi” - bảy mươi tuổi trở lên - người ta thường nghĩ về cái chết của mình và nỗi sợ chết ám ảnh khi coi cáo phó, hoặc nghe tin họ hàng, bạn hữu lần lượt ra đi vĩnh viễn.

Những lí do thông thường cho câu hỏi tại sao sợ chết là vì chết là hết, chết là phải xa lìa người thân yêu, không còn mấy ai tưởng nhớ đến mình, không còn được theo đuổi sự nghiệp và không còn được vui hưởng cuộc sống đời này.

Đối với những người có đầu óc thực tiễn, thì sợ chết là sợ những gì người ta không biết được sẽ xẩy ra sau khi chết, linh hồn sẽ đi về đâu, điều gì sẽ xẩy ra cho linh hồn ở thế giới bên kia. Đa số các tôn giáo đều tin có linh hồn. Do đó người ta tin chết là một biến đổi: biến đổi từ đời này qua đời khác. Sợ rằng chết là hết mà có những người trước khi chết, đi tìm theo một tôn giáo nào đó với hi vọng nhận được một ân huệ cho linh hồn để chết không còn phải là hết.

Theo thánh kinh và giáo lí Công Giáo, thì những người sống đời ngay lành, chính trực, sau khi chết, linh hồn sẽ được lên Thiên Đàng, chiêm ngưỡng sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa Kitô phán: ‘Thầy là sự sống và là sự sống lại. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống’ (Ga 11:25). Còn đối với người sống đời bê tha, tội lỗi, thì sau khi chết, linh hồn sẽ phải sa hoả ngục. Chính Đức Giêsu cũng nói đến hoả ngục một số lần trong những câu thánh kinh trong ngoặc này (Mt 5:22, 29, 30; Mt 10:28; Mt 18:9; Mt 23:33; Mk 9:43, 45, 47; Lk 12:5). Những người sống đời bê tha, tội lỗi mà trước khi chết, tỏ lòng sám hối, hoán cải tâm hồn và thay đổi cuộc sống, thì được Thiên Chúa tha thứ như tội nhân trộm cướp cùng chịu đóng đinh với Chúa Ki-tô trên thập giá, tỏ lòng sám hối, đã được Chúa hứa cho hưởng phúc thiên đàng (Lc 23:42-43). Còn những người phạm tội nhẹ thì chưa được lên thiên đàng ngay, cũng không phải xuống hoả ngục, nhưng còn phải ở trong luyện ngục một thời gian để được thanh tẩy, rồi mới được lên Thiên Đàng. Ngay từ thời Thánh Kinh Cựu Ước, sách Macabê cũng đã nhắc đến việc dâng lễ cầu nguyện cho những người đã chết, được thanh luyện khỏi tội lỗi (2Mcb 12:45). Biết được như vậy, nhưng những người có óc thực tiễn vẫn sợ không biết cuộc sống trên thiên đàng, trong hoả ngục hay luyện ngục sẽ như thế nào cho linh hồn.

Sợ chết là sợ cho tương lai mà người ta chưa có ý niệm gì về đó cả. Họ muốn biết sau khi chết rồi, linh hồn sẽ được ở đâu, có được gặp người thân yêu không? Họ là những người muốn cậy dựa vào  những người thân trong gia đình, không muốn rời xa gia đình. Họ cũng có thể thuộc loại ngườì có óc tổ chức, biết phòng xa cho đời mình. Người ta thấy trong nhà họ, được bày biện, xếp đặt thứ tự và ngăn nắp. Họ là loại người sống và làm việc có chương trình. Trong đời sống, họ không muốn đổi việc hoặc đổi chỗ ở. Họ thuộc loại người thích đời sống ổn định, không thích phiêu lưu, mạo hiểm, cũng không thích du lịch nhiều. Do đó mà họ sợ cảnh ngộ mà họ không có ý niệm sau khi chết.

Đời sống tại thế là một cuộc hàng trình

Người Thiên Chúa Giáo cần nhận thức rằng đời sống con người tại thế là một cuộc hành trình đức tin đi về nhà Chúa. Trên cuộc hành trình, mỗi người tín hữu đi những chặng đường khác nhau. Có người đi chặng đường dài, hoặc rất dài; có người đi chặng đường vắn, hoặc rất vắn; có người đi chặng đường trung bình. Đi những chặng đường khác nhau, không tuỳ thuộc vào người tín hữu, vì thời giờ là của Chúa. Người tín hữu không phải là chủ thể của thời giờ, nên không thể đi trước thời giờ, cũng không thể kéo dài thời gian. Do đó có những người già cả, bệnh tật muốn chết mà chưa chết được. Lại có những người muốn sống mãi bằng cách tìm uống thuốc trường sinh, mà vẫn chết.

Cũng trên đường hành trình đức tin, người tín hữu không đi một mình, nhưng đi cùng với Mẹ Maria và các thánh trên Trời và  đi cùng với toàn thể dân Chúa ở trần gian và đi cùng với các linh hồn đã qua đời. Điều đó có nghĩa là theo Tín Điều ‘Các Thánh cùng Thông Công’ của Công Đồng Nicea II, Công Đồng Firenze và Công Đồng Tridentinô, mà Công Đồng Vaticanô II gọi là ‘Hiệp Thông Sống Động’ (Giáo Hội # 51) thì Mẹ Maria và các thánh ở trên Trời có thể  bầu cử cho người tín hữu tại thế. Người tín hữu tại thế có thể cầu nguyện, xin Mẹ Maria và các thánh bầu cử. Người tín hữu tại thế cũng có thể cầu nguyện lẫn cho nhau và khuyến khích nhau sống đức tin. Người tín hữu tại thế còn có thể cầu nguyện và làm việc hi sinh chỉ cho các linh hồn đã qua đời. Khi còn sống mà biết được sau khi chết vẫn còn có những người, nhất là họ hàng và thân nhân nhớ đến mình bằng lời cầu nguyện, là một niềm an ủi biết bao cho tâm hồn.

Nhận thức được rằng chết có thể đến ở tuổi già hoặc chết cũng có thể đến bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu (1 Tx 5: 2; Lc 12: 40), do bạo bệnh, do tai nạn lao động, tai nạn xe hơi, tai nạn máy bay, hoặc do thiên tai bão táp, mà có những người cảm thấy cần thiết phải sửa soạn chết.

Sửa soạn để ra đi vĩnh viễn

Để sửa soạn cho việc ra đi không hẹn ngày về, người tín hữu cần tập sống giản dị và tối thiểu bằng cách giục bỏ những vật dụng cá nhân không cần thiết và những gì mình không muốn cho người khác biết. Người tín hữu cần buông bỏ những giận hờn, những oán hận và những than trách để cho việc ra đi được nhẹ nhàng. Người tín hữu cũng cần giũ bỏ dần những ràng buộc về đời sống vật chất và tình cảm mà không giúp ích cho tâm hồn được bình an.

Người tín hữu cần nhớ lại những lỗi lầm, những tham lam và ích kỉ để xin được tha thứ. Người tín hữu cần thanh toán nợ nần với tha nhân như Chúa dạy: ‘Anh em hãy mau giàn hoà với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy, kẻo người ấy nộp anh em cho quan toà, rồi quan toà lại giao anh em cho biện lí và anh em sẽ bị tống ngục’. (Mt 5: 25). Người tín hữu còn cần sửa soạn tính sổ nhà linh hồn với Đấng Tạo Thành, nghĩa là thanh tẩy tâm hồn bằng cách xưng thú những tội lỗi, cả những tội đã phạm trong quá khứ, gồm những tội đã quên xót.

Người tín hữu cần nhớ lại những người đã giúp đỡ và làm ơn cho mình về vật chất cũng như tinh thần và đời sống thiêng liêng bằng lời cầu nguyện cho mình để tạ ơn họ. Nếu có những vật dụng cần giục bỏ, thì cũng có những vật dụng mà mình muốn để lại cho người thân, những người đã làm ơn cho mình về vật chất, tinh thần hoặc đời sống thiêng liêng, hoặc cho những người mà họ có thể nhớ cầu nguyện cho mình. Người tín hữu cũng có thể nói cho những người ở lại, những người được tin tưởng về những ước muốn của mình sau khi chết trong việc tổ chức tang lễ và phân phối tiền của và tài sản của mình, nếu có hay nếu còn.

Người tín hữu cần ghi nhớ những tài năng, những ân huệ và tiền của mà Thiên Chúa đã ban để được sống trong tâm tình ta ơn bằng cách cho đi. Trong  ngày phán xét, Chúa bảo: ‘Ta bảo thât các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế (giúp đỡ), cho một trong những anh chị em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta’ (Mt 25: 45).

Nói tóm lại, thời gian sửa soạn chết là thời gian từ bỏ nết xấu và tích luỹ nhân đức như lời Đức Giê-su dạy: ‘Hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cướp không đào ngạch và lấy đi được’ (Mt 6:20; Lc 12:34). Một trong những cách thế để sửa soạn chết là việc làm di chúc.

Tại sao cần làm di chúc

Tại Việt Nam cũng như ở ngoại quốc, người chết mà không để lại di chúc, quyền thừa kế tài sản sẽ về người thân trong gia đình, tuỳ theo cấp bậc liên hệ trong gia đình. Trong gia đình cổ truyền đồng quê Việt Nam, khi bố hay mẹ già qua đi, thường không để lại di chúc. Bố mẹ nghĩ rằng con cháu có bổn phận tổ chức tang lễ cho cha mẹ để báo hiếu, làm sao cho người ngoài khỏi dị nghị, nhất là khi cha mẹ đã làm lụng vất vả để của cho con. Tuy nhiên đời nay, có những trường hợp người chết qua đi, mà không có di chúc, khiến con cái không biết tổ chức đám đang thế nào, không biết cha mẹ muốn được hoả táng hoặc chôn cất ở đâu? Trường hợp cha mẹ qua đi, có tài sản để lại, mà không làm di chúc, con cái có thể tranh chấp, làm mất tình nghĩa anh chị em. Đời xưa bố mẹ qua đi mà không có di chúc bằng lời nói hay chữ viết, con cái có thể không biết bố mẹ chôn cất vàng bạc hay dấu tiền ở đâu. Đời nay bố mẹ qua đi mà không có di chúc, con cái không biết bố mẹ đầu tư tiền của ở nhà băng nào, dưới chương mục nào, ở tiểu bang nào hay quốc gia nào. Nếu không tìm được và giàn xếp để lấy được thi kể là uổng.

Gần đây báo chí Việt Nam có tường thuật những vụ kiện về thừa kế tài sản của một số người quá cố, kéo dài cả ba, bốn năm vì người quá cố không để lại di chúc. Có những giáo phận Công Giáo đòi hỏi linh mục trong giáo phận phải làm di chúc mặc dầu chưa đến tuổi cao niên.

Làm di chúc như thế nào?

Làm di chúc gồm có hai việc chính là tổ chức tang lễ và phân phối tài sản. Việc tổ chức tang lễ có thể rất đơn giản, hoặc kéo dài đến cả mấy tuần lễ. Còn việc phân phối tài sản cũng có thể rất đơn giản và vắn tắt hoặc rất phức tạp và dài dòng văn tự, tuỳ theo những trường hợp khác nhau. Thực ra nếu người chết mà con cái còn sống, không muốn nhắn nhủ gì cho người thân yêu, thì không cần làm di chúc vì sau khi qua đi, vợ con hay chồng con tự lo việc chôn cất cho người quá cố. Còn muốn tổ chức đám tang thế nào, muốn chôn cất ở đâu và theo thể thức nào hay muốn hoả táng, thì cũng chỉ cần nói với người phối ngẫu hoặc con cái là đủ.  Còn tiền của sẽ về người phối ngẫu và con cái trong gia đình

Trường hợp người còn sống muốn phân chia bao nhiêu phần trăm tiền của cho vợ, chồng, cho từng con hay chia tài sản cho những cơ sở từ thiện, bác ái để giúp đỡ trẻ mồ côi, người neo đơn, tàn tật.. hoặc muốn xin lễ cầu nguyện cho mình, thì cần làm di chúc. Để nhắc nhở cho người thân thuộc và bạn hữu nhớ cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, mà khi tổ chức tang lễ người ta thường cho in hình người quá cố với kinh nguyện cầu cho linh hồn người đã khuất bóng.

Có tiểu bang chấp nhận di chúc viết bằng tay với chữ kí mà không cần người thị thực chữ kí chứng nhận, cũng không cần luật sư thảo di chúc. Ở Việt Nam có mẫu di chúc của Hội Luật gia. Người làm di chúc điền vào mẫu di chúc, rồi nhờ người làm chứng kí nhận và công chứng kí nhận hai chữ kí của người làm di chúc và người làm chứng. Tại Mĩ cũng có mẫu làm di chúc sẵn, người làm di chúc chỉ cần điền vào chỗ trống, rồi kí tên cũng như hai người làm chứng kí tên, rồi đến công chứng (notary public) kí nhận  đương sự đã kí tên chứng nhận giấy tờ.

Còn nếu di chúc có tính cách phức tạp thì nên bàn hỏi với luật sư và nhờ luật sư thảo và viết Di Chúc (Last Will and Testament) và chỉ định người thi hành Di Chúc (Executor).  Khi làm lại di chúc mới, phải viết ở phần đầu di chúc là di chúc mới này loại bỏ tất cả những di chúc cũ. Nên nhờ tổ hợp luật sư giúp làm di chúc để khi luật sư giúp làm di chúc cho mình về hưu hay qua đi, thì còn có luật sư khác trong tổ hợp luật sư giúp theo dõi di chúc của mình.

Làm thêm bản kí thác nếu cần.

Để việc thi hành Di Chúc được dễ dàng, thì tại Hoa Kì, ngoài bản Di Chúc, người ta có thể làm thêm bản Kí Thác (Trust) và chỉ định người thi hành bản Kí Thác (Trustee). Bản Di Chúc và bản Kí Thác bổ túc cho nhau. Người thi hành bản Di Chúc và người thi hành bản Kí Thác nên chỉ định cùng một người cho công việc thi hành được dễ dàng. Để cho có sự tiếp nối, nên chỉ định 3 người thi hành bản Di Chúc và ba người thi hành bản Kí Thác. Đây không phải là ba người đồng quyền, nhưng là tiếp nối quyền thi hành. Nếu người thứ nhất vì lí do gì không thi hành được, thì đến người thứ hai, rồi đến người thứ ba. Nếu vì lí do gì, người thứ ba cũng không thi hành được, thì người thứ ba có quyền chỉ định người khác thi hành.

Khi sửa đổi một số khoản trong bản Di Chúc, hay bản Kí Thác, thì phải viết những khoản tu chính mới (Amended and Restated Trust) thay vào những khoản cũ trong bản Di Chúc hay bản Kí Thác.

Những người/cơ sở nào được hường tiền của di chúc?

Đời xưa người ta nói ‘cha mẹ làm giầu để của cho con’. Đời nay cha mẹ cho con đi học, con cái có bằng cấp, có việc làm chuyên môn, có thể làm nhiều tiền gấp bội cha mẹ. Ngoài ra, sống trong xã hội có nền kinh tế, chính trị ổn định, có chính sách thuế vụ tương đối công bình, với tiền bảo hiểm sức khoẻ cho người đi làm, tiền an ninh xã hội cho người về hưu, tiền bảo hiểm y tế của chính phủ cho người đi làm đã đóng thuế, khi về hưu dưỡng; tiền hưu dưỡng của sở cho người đi làm lúc về hưu và tiền an sinh xã hội của chính phủ (khác tiền an ninh xã hội) cho người nghèo và thất nghiệp, thì ý niệm làm giầu để của cho con, không còn hợp thời và cần thiết. Do đó mà nhiều cơ sở tôn giáo, giáo dục, y khoa, khoa học, cơ sở từ thiện bác ái nhận được những khoản tiền di chúc để làm những công việc này.

Di chúc của người còn sống

Đề phòng trường hợp cho người còn sống mà bị tàn tật, bất tỉnh, không tự quyết định và không tự săn sóc cho mình được, thì nên làm thêm di chúc cho người còn sống (Living Will). Về di chúc cho người còn sống thì có  bản ‘Hướng dẫn trước về việc chăm sóc sức khoẻ’: Advance Medical Directive (AMD), khi đương sự còn sống mà nếu mắc bệnh nan trị, không tự quyết định cho mình được, thì chỉ định người thừa hành (Agent) để chăm sóc và quyết định về việc chữa trị bệnh cho bệnh nhân. Tuy nhiên người chăm sóc về sức khoẻ cho bệnh nhân không thể kí chi phiếu của bệnh nhân để trả tiền thuốc men được. Còn người thi hành Di Chúc (Executor) và người được kí thác (Trustee) cũng không thể kí chi phiếu của bệnh nhân được khi bệnh nhân vẫn còn sống. Vì thế cần làm thêm bản gọi là ‘Quyền Luật Sư kéo dài nói chung’: Durable General Power of Attorney (POA), còn gọi là luật sư trên thực tế (Attorney-in-fact) để làm người thừa hành (Agent) bệnh nhân mà kí chi phiếu của người bệnh để trả tiền chăm sóc sức khoẻ hoặc những chi phí khác cho bệnh nhân. Trường hợp này người được chỉ định làm luật sư trên thức tế cho người bệnh, đem bản POA ra nhà băng để chứng minh là luật sư trên thực tế và kí tên lưu tại nhà băng để kí chi phiếu của bệnh nhân. Không làm bản ‘Hướng dẫn trước về việc chăm sóc sứ khoẻ’(AMD) mà bệnh nhân sống như trong tình trạng thực vật (Vegetative state), óc đã chết thì ngay cả người thân trong gia đình cũng không có quyền quyết định cho người bệnh ra đi và bác sĩ nhà thương phải tiếp tục điều trị.

Cũng như trong trường hợp di chúc cho người khi qua đời, thì nên chỉ định ba người thi hành bản (AMD): ‘Hướng dẫn trước về việc chăm sóc sức khoẻ’ và ba người thi hành bản (POA): ‘Quyền Luật Sư kéo dài nói chung’và cũng là ba người thi hành Di Chúc (Will) và 3 người thi hành bản Kí Thác (Trust). Người chăm sóc sức khoẻ cho bệnh nhân có thẻ cùng là người kí           chi phiếu của bệnh nhân để trả chi phí cho bệnh nhân.

Giúp cho người thân sửa soạn chết như thế nào?

Có những người nhà bệnh nhân thường theo thói quen được thực hành trong quá khứ xa xưa, cứ đợi đến giờ phút cuối cùng của người bệnh, mới nhờ linh mục đến cử hành các bí tích cần thiết cho bệnh nhân. Lúc đó có thể đã quá trễ cho bệnh nhân để lãnh nhận bí tích một cách hiểu biết và ý thức và khơi dạy tâm tình sám hối. Vậy người nhà nên tham khảo với bác sĩ xem vào thời điểm nào bệnh nhân có thể ra đi vĩnh biệt để báo cho bệnh nhân biết mà sửa soạn tâm hồn. Đây không phải chuyện giấu giếm bệnh nhân. Đây cũng là lúc cho người sắp ra đi nói những lời trối trăng với người ở lại. Lời trối trăng khác với di chúc. Bệnh nhân có thể không cần làm di chúc. Còn nếu cần làm di chúc thì di chúc đã phải làm trước đó, khi người bệnh còn tỉnh trí với chữ kí của hai nhân chứng và một công chứng vì có liên quan đến pháp lí. Còn lời trối trăng nhắm đến phương diện tinh thần và đời sống thiêng liêng trong phạm vi gia đình. Đây còn là dịp để vợ chồng nói những lời xin lỗi người phối ngẫu nếu người nọ đã súc phạm đến người kia; con cái xin bố mẹ tha thứ, nếu đã gây đau khổ cho bố mẹ. Quan trọng hơn nữa còn là dịp để bệnh nhân nguyện cầu và kêu xin cùng Đấng mà họ tôn thờ theo ước nguyện của họ.

Theo những nhà dẫn đàng thiêng liêng thì vào cuối đời, ma qủi thường hay cám dỗ người bệnh ngã lòng tin cậy Chúa. Vì thế linh mục có thể đề nghị gia đình đeo tràng hạt vào cổ người bệnh hay cuốn vào cổ tay bệnh nhân để giúp trấn an tâm hồn họ. Gia đình cũng có thể trưng bày ảnh tượng cho họ thấy có Chúa hiện diện bên giường bệnh qua những tượng ảnh. Người nhà còn có thể mở nhạc đạo hoặc những băng dẫn đàng thiêng liêng cho họ nghe. Những hội đoàn thì có thể thay phiên đến đọc kinh xung quanh giường bệnh nhân. Những bài thánh ca hoặc những lời kinh nguyện vẫn có thể đi vào tiềm thức của bệnh nhân ngay cả khi họ mê man.

Nếu bệnh nhân hấp hối mà sợ chết, thì người nhà và người thân nên đặt tay lên vai họ, nắm tay chân họ để giúp trấn an họ. Còn linh mục giúp họ tìm sự bình an trong tâm hồn thay vì để họ phàn nàn kêu trách. Có những bệnh nhân mắc bệnh nan trị, có thể tự hỏi tại sao họ phải mang bệnh tật này, tại sao Chúa lại gửi thánh giá bệnh tật đến cho họ, tại sao Chúa gọi họ ra khỏi đời này. Lúc này linh mục chăm sóc bệnh nhân không thể trả lời cho họ những câu hỏi tại sao - mà cũng không ai trả lời được - nhưng chỉ có thể ủy lạo tinh thần, giúp bệnh nhân chấp nhận thánh giá bệnh tật với đức tin, tìm ra ý nghĩa của việc mang vác thánh giá của bệnh tật và sự chết trong bình an để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô, hầu có thể chia sẻ cuộc phục sinh với Chúa.

Lm Trần Bình Trọng

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch