Chúa Nhật 29 Mùa Thường Niên, Năm A

Mt 12: 15-21

Trong những dụ ngôn mà chúng ta có dịp nói đến trong những Chúa Nhật vừa qua: Dụ ngôn hai người con, dụ ngôn những tá điền sát nhân, dụ ngôn tiệc cưới của hoàng tử, chúng ta thấy mối căng thẳng giữa nhóm Pha-ri-sêu và Chúa Giêsu càng ngày càng tăng. Nhóm nầy tìm hết mọi cách để hạ uy tín của Chúa Giêsu trước mặt dân chúng, và hôm nay họ tìm cách gài bẫy Ngài.

Nhóm Pha-ri-sêu và nhóm thân Hê-rô-đê không bao giờ hợp nhau, vì lập trường của họ thường đối chọi nhau. Nhưng đối với Chúa Giêsu, họ lại cấu kết với nhau, vì cả hai nhóm đều căm thù Chúa Giêsu và ganh tị với Ngài.

Trong xã hội mọi thời, chúng ta cũng thấy đầy dẫy những liên minh giữa những nước thù địch nhau, tranh chấp với nhau trước một kẻ thù chung. Giữa những phe phái và các nhóm cũng thế, cấu kết với nhau để diệt kẻ thù chung.

Họ đến với Chúa Giêsu, lời lẽ của họ ngọt ngào làm sao! “Thầy là người chân thật… không vì nể ai…”

Chúa Giêsu không thích dua nịnh. Hơn nữa, Ngài thấu suốt tâm tưởng của họ, Ngài thẳng thắn vạch trần sự điêu ngoa giả trá của họ: “Tại sao các ngươi lại thử tôi? Hỡi những kẻ giả hình!”

Ngài trả lời câu hỏi của họ không né tránh: “Hãy cho tôi xem đồng tiền nộp thuế”.

Vào thời của Chúa Giêsu, người Do-thái sống dưới ách nô lệ của người Rô-ma. Họ phải sử dụng đồng tiền của Rô-ma, của kẻ thống trị. Họ phải nộp rất nhiều thứ thuế và xem đó như một ách nô lệ đang đè nặng trên vai họ. Họ âm thầm phản đối, nhưng vẫn phải nộp thuế. Trốn thuế, đối với người Rô-ma là một tội nặng phải vào tù.

Nhóm Pha-ri-sêu chống chính quyền Rô-ma, còn nhóm thân Hê-rô-đê thì lại thân chính quyền, nhưng lần này họ thỏa thuận với nhau để đánh gục kẻ thù chung của họ là Chúa Giêsu.

Họ đặt câu hỏi như một cái bẫy, như một gọng kềm, trả lời cách nào cũng bị mắc bẫy: “Thưa Thầy, xin Thầy cho biết ý kiến, có được phép nộp thuế cho vua Xê-da hay không?” Chỉ có một câu trả lời: nộp thuế hay không .

Nếu bảo nộp thuế, thì Chúa Giêsu sẽ bị dân chúng phản đối, vì đó là hành động đồng lõa với kẻ thống trị, bóc lột thường dân. Uy tín của Ngài sẽ bị tổn thương nặng nề trước mặt dân chúng. Còn nếu bảo đừng nộp thuế, thì phe Hê-rô-đê sẽ tố cáo với chính quyền Rô-ma và Ngài sẽ bị vào tù. Trả lời kiểu nào cũng thua.

Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, không ai có thể ràng buộc Ngài hay gài bẫy Ngài được. Ngài sẽ phải trả lời thế nào để thoát khỏi gọng kềm đang siết chặt quanh Ngài?

Nhiều người trong chúng ta thường xem câu trả lời của Chúa Giêsu là quá hợp lý, và Ngài đã làm câm miệng bọn người gian manh kia. Chúng ta không đặt vấn đề gì, nhưng cần phải hiểu tại sao Chúa Giêsu bảo nộp thuế mà mọi người đều đồng ý, và không có ai thắc mắc gì cả, kể cả nhóm Pha-ri-sêu? Đối với nhóm này, nộp thuế là nô lệ, là phản dân hại nước, sao họ không phản đối gì cả?

Câu hỏi của họ có tính cách dân sự và chính trị. Chúa Giêsu không đứng trên bình diện tầm thường đó, Ngài đưa vấn đề về phương diện đạo đức, Ngài giải quyết vấn nạn bằng Luật Chúa. Ngài không nói ra, nhưng mọi người đều có thể hiểu là điều răn thứ bảy đòi buộc: “Của ai phải trả cho nấy”. Ngài hỏi: “Đồng tiền này của ai? Hình này là của ai?” Họ trả lời mà không biết Ngài đi đến đâu: “Của Xê-da”. “ Vậy, của Xê-da thì trả cho Xê-da”, đó là đúng Luật Chúa, không ai không biết điều đó và họ phải đồng ý thôi. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở đó, Ngài đòi buộc họ đi xa hơn, lên cao hơn.

Cuộc sống của chúng ta thường đặt chúng ta vào những hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như thế. Cần phải chọn một giải pháp đúng, và phải chọn theo tiêu chuẩn của Chúa chứ không theo trần gian. Chúng ta là những kẻ tin Chúa, cho nên chúng ta vừa là công dân trần thế, vừa là công dân Nước Trời.

Hiện nay chúng ta đang sống trong một xã hội vô đạo. Con người hôm nay đa số là duy vật (duy vật thực hành) và một số người Công giáo đã sống theo làn sóng vô đạo đó. Tiền bạc, danh vọng và tiện nghi trở thành một thứ tôn giáo mới: thờ tiền. Đó là một thứ tôn giáo đang lan tràn nhanh chóng trong thế giới, trong mọi tầng lớp xã hội hiện nay.

Một số người Công giáo đã từ từ bỏ rơi Thiên Chúa để chạy theo “ông thần tài”.

Tôn giáo mới này hấp dẫn hơn và làm thỏa mãn những ước muốn vật chất của con người; vì “có tiền, mua tiên cũng được”. Ngay cả những người của Chúa cũng không thoát khỏi cơn cám dỗ của “ông thần tài” này.

Chúa Giêsu khẳng định: “của Xê-da, hãy trả cho Xê-da, của Chúa hãy trả cho Chúa”.

Trả cho Chúa cái gì?

Chúng ta có gì để trả cho Chúa? Thực ra chúng ta không có gì để trả cho Chúa cả. Chúng ta trọn vẹn là của Chúa. Chúng ta được tạo nên và “có cái gì mà chúng ta không lãnh nhận?” (Thánh Phao-lô).

Chúng ta sẽ trả cho Chúa được gì?

Tất cả. Mọi sự của chúng ta là của Chúa ban, nhưng chúng ta có thể trả cho Chúa một thứ: Chúng ta phải trả cho Chúa tình yêu. Chúng ta mắc nợ Chúa một món nợ mà suốt đời chúng ta trả không hết: đó là nợ tình yêu.

Chúa không buộc chúng ta làm gì cho Ngài, vì Ngài không cần chúng ta. Ngài chỉ mong chúng ta hạnh phúc. Từ lúc Ngài quyết định: “Ta sẽ tạo nên con người giống hình ảnh Ta”, Ngài chỉ mong tạo nên một đứa con và đứa con đó sẽ hạnh phúc với Ngài và trong Ngài. Sách Sáng Thế đã vẽ ra cảnh sống thần tiên trong vườn địa đàng, và khi A-đam phản bội, Chúa không bỏ rơi con người trong vực sâu tội lỗi, nhưng Ngài cho chúng ta Người Con Một của Ngài… Và xuyên suốt quyển Kinh Thánh, chúng ta thấy gì? Chúng ta chỉ thấy tình yêu tràn ngập trên chúng ta, là những con người đáng ghê tởm.

“Của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”. Đó là những gì Thiên Chúa đang đợi chờ nơi chúng ta. Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài chỉ mong chúng ta sống cho tình yêu. Chúng ta được yêu thương trọn vẹn, hãy đáp trả lại bằng tình yêu trọn vẹn. Thực ra tình yêu của chúng ta chỉ như sương mờ ban mai, mau tan mau biến, nhưng bàn tay của Chúa luôn yêu thương dìu dắt. Thánh Thần Tình Yêu đã được ban cho chúng ta, nhờ đó chúng ta có thể gọi: “Abba”, (lạy Cha) với tất cả tâm tình con thảo.

Hơn nữa, Người Con Một yêu dấu của Chúa Cha đã đến với chúng ta, để nhờ Ngài, chúng ta đến với Chúa Cha: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy.” Chính nhờ Ngài, “Đấng đầy ân sủng và chân lý”, chúng ta được “hết ơn này đến ơn khác”, và trong Ngài, chúng ta yêu mến Chúa Cha như Ngài hằng mong ước. Như thế, chúng ta đáp trả tình yêu bằng tình yêu.

Hôm nay, nơi bàn thờ này, chúng ta thấy thực hiện trước mắt chúng ta, chương trình yêu thương của Chúa Cha. Ngài đã ban Con Một Ngài cho chúng ta, và tiếp tục ban đến tận thế. Nơi đây, chúng ta được yêu thương, được nuôi dưỡng, không phải bằng thứ của ăn hay hư nát, mà bằng Bánh ban sự sống.

Hãy làm như Chúa Giêsu đã nói: “Của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa”. Chúng ta trả bằng chính Người Con Một của Ngài, và cùng với Người Con Cha yêu dấu ấy, chúng ta cũng hiến dâng tất cả cuộc sống, tất cả gánh nặng hôm nay, tất cả con tim nhỏ bé của chúng ta.

Lm. Trầm Phúc

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch