Chúa Nhật 4 Mùa PHục Sinh, Năm B

Ga 10: 11-18

Hình ảnh người mục tử nhân lành đã quá quen thuộc với chúng ta, vì đa số chúng ta thường hát những bài thánh ca: Chúa là mục tử bắt nguồn từ thánh vịnh 22. Nhưng chúng ta không quen thuộc với nghề chăn chiên. Chỉ mới sau này, người Việt Nam chúng ta mới bắt đầu nuôi chiên để ăn thịt.

Nghề chăn chiên đã có từ xa xưa ở xứ Do Thái, và đó là nguồn lợi chính của dân vùng đó. Người chăn chiên sống với đàn chiên của mình suốt nhiều tháng, đi từ đồng cỏ này đến đồng cỏ khác, chỉ đưa chiên về nhà khi cần như lúc xén lông mà thôi. Vì thế, người chăn chiên gắn bó với đàn chiên của mình, săn sóc chiên từng ngày, lo cho những con chiên con còn yếu ớt, chữa lành những con chiên bị thương tích, bảo vệ đàn chiên khỏi bọn sói rừng… Như thế chúng ta hiểu mối liên hệ mật thiết giữa chủ chăn và đàn chiên.

Hơn nữa, con chiên là một vật dễ thương, hiền lành, không phá phách và rất ngoan. Khi dẫn chiên đi, người chăn chiên đi trước và cả đàn theo sau, không có con chiên nào đi riêng. Khi đến đồng cỏ, người chăn chiên dừng lại, lúc ấy chiên mới tản ra đi ăn. Hiểu được mối liên hệ này chúng ta mới hiểu tại sao Chúa Giêsu dùng hình ảnh chủ chăn để nói lên mối liên hệ giữa Ngài với đàn chiên của Ngài là chúng ta.

Chúa Giêsu tự xưng mình là mục tử nhân lành và điều Ngài nhấn mạnh là Ngài ban mạng sống cho đàn chiên. Mục tử đôi khi cũng liều mạng cho đàn chiên khi sói đến. Người mục tử phải ra tay đánh đuổi chó sói để bảo vệ đàn chiên, nhưng chết cho đàn chiên thì chắc không có ai.

Trong Cựu Ước, hình ảnh của người mục tử được dùng rất nhiều. Thiên Chúa cũng xem mình như người chăn chiên và dân Do Thái chính là đàn chiên Ngài chăm sóc. Những người lãnh đạo dân như Môsê, Giosuê hay các vua chúa cũng được xem như người chăn chiên. Trong số đó có những người không biết thương dân, khai thác dân. Vì thế, các tiên tri như Êdêkien, Giêrêmia lên tiếng cảnh báo và đe phạt những kẻ chăn thuê, ăn thịt chiên, mặc áo lông chiên mà không chăn dắt chiên.

Chúa Giêsu tự xưng mình là mục tử nhân lành. Ngài là vị chủ chăn thương đàn chiên đến nỗi dám chết cho đàn chiên. Khác với những kẻ chăn thuê, không tha thiết gì với đàn chiên. Khi sói đến là bỏ chiên chạy trốn. Đàn chiên sẽ bị sói tàn phá, giết hại.

Chúa Giêsu xem đàn chiên là của mình. Ngài biết chiên của Ngài và chiên của Ngài biết Ngài.Biết ở đây, theo nghĩa Do Thái, là yêu thương. Ngài yêu thương đàn chiên đến nỗi chết cho đàn chiên. Điều Chúa Giêsu đã làm. Tình yêu của Ngài đối với đàn chiên của Ngài được so sánh với tình yêu của Ngài đối với Chúa Cha: “Tôi biết chiên tôi và chiên tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi và tôi biết Chúa Cha”. Nếu chỉ đọc sơ qua, chúng ta không thấy gì lạ cả, nhưng khi suy nghĩ chính chắn hơn chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên. Chúa Giêsu yêu mến Chúa Cha thế nào, Ngài cũng yêu thương chúng ta như thế. Chúng ta có thấy gì khác lạ trong câu nói đó không? Chúng ta có thấy ngỡ ngàng không? Chúng ta là gì mà được yêu thương đến như thế? Ngài yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt hay dễ thương mà vì Ngài là Tình Yêu. Ngài chỉ muốn chúng ta hạnh phúc. Vì thế Ngài phải ra tay, phải liều mạng. Hạnh phúc của chúng ta là những kẻ tội lỗi phải trả bằng giá máu của Chúa Con. Thánh Phêrô đã nói: “Anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô”. Chúng ta là đối tượng của tình yêu Thiên Chúa: “Mục tử nhân lành “biết” chiên của mình và chiên của Ngài cũng biết Ngài. Tình yêu vô điều kiện.

Ngài tự nguyện hy sinh mạng sống cho đàn chiên , chỉ vì yêu thương. Nhưng Ngài là Thiên Chúa nhập thể. Ngài không lệ thuộc vào trần gian, không lệ thuộc vào một quyền bính nào. Ngài cho đi mạng sống, nhưng có quyền lấy lại. Không ai dám nói như thế và cũng không ai làm được những gì Ngài làm. Ngài đã liều mạng cho chúng ta, đã chết thê thảm trên thập giá, nhưng Ngài đã sống lại. Ngài là Thiên Chúa. Vì thế chỉ có Ngài mới biết yêu như Ngài đã làm.

Trong Tin Mừng, nhất là trong Tin Mừng thánh Luca, chúng ta đã nghe nói nhiều lần, Chúa Giêsu thương đám dân lành, bơ vơ vất vưỡng như đàn chiên không có người chăn. Ngài giảng dạy họ, mở trí cho họ hiểu con đường hạnh phúc, nhân bánh ra nhiều cho họ ăn, chữa lành những người bệnh hoạn tật nguyền, và nhất là Ngài thương những người tội lỗi, chung đụng ăn uống với họ…

Ngài làm gì thế? Ngài dạy chúng ta cho đi, dạy chúng ta yêu thương. Ngài cho đi tất cả, đến nỗi không còn gì để cho. Ngài trở thành hạnh phúc của chúng ta. Và chúng ta chỉ hạnh phúc khi đi theo Ngài, dám cho đi. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi biết cho đi. Nhiều người không biết cho đi. Họ chỉ biết gom góp, khai thác công khổ của đồng bào mình, sống trên xương máu của anh em mình. Họ hạnh phúc lắm? Họ sung sướng lắm nhưng hạnh phúc thì… chưa chắc. Chúng ta đừng lẫn lộn hạnh phúc và sung sướng. Sung sướng là thỏa mãn vật chất và chóng qua. Hạnh phúc nằm trong tâm hồn và bền vững.

Các thánh đã biết cho đi như Chúa. Hiện nay cũng có nhiều người cũng dám cho đi. Có những nhà tỷ phú đã dám cho chín mươi phần trăm tài sản để giúp những người nghèo trên thế giới… Chúng ta có dám cho đi không? Hình như đa số chúng ta sợ mất mát. Cái mất mát lớn nhất là không biết cho đi. Những người không biết Chúa thường tìm bảo đảm cho cuộc đời bằng tiền bạc, tài sản. Chúng ta có bảo đảm mà vẫn sợ. Chúa là nơi chúng ta nương thân, là thành lũy bảo vệ chúng ta, chúng ta sợ gì? Một ngày nào đó chúng ta sẽ nghe Chúa nói: “Ta đói, các ngươi không cho ăn, Ta khát, các ngươi không cho uống…” Chúng ta sẽ nghĩ sao? Giờ này chúng ta còn có dịp lo cho Chúa, chúng ta đừng ngại.

Chúa Giêsu nói: “Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, vì tôi hy sinh mạng sống mình”. Chúa Cha cũng sẽ yêu chúng ta, nếu chúng ta dám hy sinh như Chúa Giêsu, Con của Ngài. Chúng ta có nghĩ rằng tình yêu của Chúa quí hơn mạng sống không? Chúng ta có thấy rằng chúng ta hèn tin không?

“Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Phải chăng đây chỉ là một ước mơ hay là một đau khổ? Tình thương của Ngài bao gồm mọi người, không trừ ai. Còn quá nhiều chiên tản mát, không thuộc ràn này. Chúng ta làm được gì để ước mơ của Ngài được thực hiện, để Ngài thấy rằng những đau khổ và cái chết của Ngài không oan uổng?

Ngài đã khao khát trên thập giá, và hôm nay vẫn còn khao khát thấy tình thương của Ngài được mọi người hưởng nhờ và tìm được hạnh phúc. Chúng ta hãy mang lấy nỗi khát khao đó như Ngài. Không lẽ chúng ta cứ ung dung sống vô lo để cho anh em chúng ta hư mất? Phải làm bất cứ cái gì có thể để chỉ có một đàn chiên và một chủ chăn. Chúng ta đã làm gì? Những lúc cầu nguyện, những lúc dự lễ, chúng ta làm gì? Chúng ta có mang lấy nỗi ưu tư lo lắng của Chúa không? Danh Cha cả sáng là gì đối với chúng ta?

Chúa Giêsu, Mục tử nhân lành, hôm nay và cho đến tận thế vẫn luôn nuôi đàn chiên của Ngài bằng chính Thịt Máu Ngài. Tình thương của Ngài không ngơi bao bọc chúng ta. Chúng ta ăn lấy Ngài để làm gì nếu không là để cùng với Ngài sống cho mọi người, để cùng với Ngài cho đi tất cả để chỉ có một đàn chiên và một mục tử mà thôi.

Lm Trầm Phúc

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch