Tôi đang loay hoay, lục lọi trong thư viện để tìm cuốn sách nói về các nước trên thế giới, thì gặp một cuốn mang tựa đề “Tên các nước, các địa danh trên thế giới” (Anh – Việt). Nhóm tác giả cuốn sách viết rất ngắn gọn về các nước và được viết bằng song ngữ. Tác giả chủ yếu viết về tên nước, diện tích, dân số, kinh tế, văn hóa, tôn giáo của các nước đó. Điều tôi muốn tìm trong cuốn sách là diện tích một vài nước, nhưng do tính “tham lam”, tôi đã “chu du vòng quanh thế giới” bằng cách mở rất nhiều trang để xem tôn giáo của các nước ra sao. Tôi đã đọc được như sau: Aland Islander: tôn giáo: Kitô giáo (Công Giáo); Albania: Công giáo; Argentina: Công giáo; Australia: Công giáo; Brasil: Công giáo; Bulgaria: Công giáo; France: Công giáo; United Kingdom: Công giáo; United States of America: Công giáo; Philippines: Công giáo; v.v. Khi thấy thế, lòng tôi cả mừng! Tôi thầm thốt lên: “Ôi lạy Chúa! “Đã” vậy còn gì! Đó là nguyên nhân khiến hồn tôi bay bổng tựa như diều gặp gió! Tôi tự hào! Tôi mừng rơn! Đúng vậy, một thời, Giáo hội Chúa lừng lẫy, vang vọng khắp năm Châu, Tin Mừng được loan xa tới nhiều nơi trên trái đất. Nay thì… Tôi lững thững, thẫn thờ bước ra khỏi thư viện, trong tay vẫn còn cuốn “Tên các nước, các địa danh trên thế giới”, lòng suy nghĩ miên man…

NiemHyVongQua các phương tiện truyền thông và sự chia sẻ của nhiều người đã từng chứng kiến sinh hoạt của Giáo hội ở nhiều nơi, tôi có cơ hội tìm hiểu về sức sống của Giáo hội hôm nay. Những thông tin đã cho tôi biết: người tín hữu ở nhiều nơi thuộc Châu Âu đã có thái độ dửng dưng đối với đạo, ít người đến nhà thờ và đi lễ ngày Chúa Nhật, mà đa số là ông già bà lão; ơn gọi tu sĩ linh mục suy giảm tới mức trầm trọng; một số chủng viện, tu viện, nhà thờ đang treo bảng bán vì không còn người đi tu và đi nhà thờ nữa! Tình trạng tục hóa đã gặm nhấm đời sống của người tín hữu, kể cả linh mục tu sĩ khiến cho đời sống đạo đức và thiêng liêng bị giảm thiểu. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện trạng đáng buồn của Giáo hội như thế? Có nhiều nguyên nhân.

I. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng của Giáo hội hiện nay

1. Xã hội văn minh, hiện đại

Xã hội văn minh hiện đại đã và đang cuốn hút nhiều người vào trong vòng xoáy cuộc đời. Người tín hữu cũng bị lôi cuốn vào việc lo toan sao cho có thật nhiều tiền bạc, của cải, tiện nghi. Điều này khiến cho nhiều người sao nhãng và dần xa rời đời sống đạo, thiếu hẳn cảm nghiệm về đời sống tâm linh, sống khô khan nguội lạnh và cuối cùng đánh mất niềm hy vọng, đánh mất đức tin.

2. Tục hóa:

Các luồng gió độc của các phong trào tục hóa đã len lỏi, thấm nhiễm vào đời sống người tín hữu. Thay vì họ “thánh hóa” đời thì lại bị đời “tục hóa” đạo và tục hóa đời sống họ. Tục hóa đã khiến cho nhiều tín hữu không còn thấy điều gì là linh thánh nữa và xem thường tất cả. Trực cảm về ân sủng dường như phai mờ; cảm thức về tội lỗi và về những điều chẳng xứng đã tàn phai. Từ đó “chất đời” đã chiếm lĩnh tất cả hoạt động của người tín hữu. Vì vậy, còn đâu nữa đời sống đạo tốt lành của người tín hữu?

3. Thiếu sức sống

Sức sống ấy là sức sống đạo, sức sống của người tín hữu với Chúa. Do chạy theo sự hưởng thụ, tiện nghi và lo toan cho cuộc sống sung túc, tất cả hoạt động và quỹ thời gian của người tín hữu đã chiếm lĩnh toàn bộ cuộc sống. (kể cả hoạt động làm ăn và các hoạt động mua sắm, vui chơi, giải trí). Sức sống đạo giờ đây dần nhường chỗ cho hoạt động dân sinh và như thế dần đi đến chỗ thiếu sinh khí.

4. Niềm tin khủng hoảng:

Con người tự bản chất mang đầy khiếm khuyết, yếu đuối. Vì vậy, người ta tìm mọi cách để khỏa lấp bất toàn ấy. Họ đi tìm cho bằng được tri thức, tiện nghi, của cải vật chất. Những thứ ấy tưởng như làm cho con người được thỏa mãn trọn vẹn. Từ đó, người tín hữu không còn cảm thấy cần phải sống niềm tin của mình nữa. Tiếc thay, những thứ mà con người vơ vào cho mình ấy không sao làm cho con người được thỏa mãn thực sự. Đời sống mất định hướng, và tâm hồn bị xâu xé dần dần. Cuộc sống trở nên vô định và thiếu định hướng.

5. Niềm hy vọng đang dần nhạt nhòa

Niềm tin và niềm hy vọng không thể tách rời nhau. Có hy vọng mới dẫn đến niềm tin. Có tin người ta mới hy vọng tràn đầy. Vì thế, một khi con người bị khủng hoảng về niềm tin thì khi ấy, niềm hy vọng cũng lung lay chao đảo và dần lụi tắt. Có lẽ, hơn bao giờ hết, con người ngày nay bị khủng hoảng niềm tin cho đến mức, không còn tin hay hy vọng vào cuộc sống mai sau. Nhiều người cho đó là chuyện tầm phào và là chuyện của các cụ già hay con nít, thậm chí họ không cần đếm xỉa đến nữa. Một khi niềm hy vọng vào Thiên Chúa, vào Đấng Tạo Hóa không còn, thì con người sẽ tự mình lao xuống vực thẳm bi đát.

6. Giáo hội đang thiếu trầm trọng những chứng nhân

Thế giới hôm nay, đặc biệt là Giáo hội cần những chứng nhân hơn là thầy dạy. Bởi lẽ người ta nói thì rất dễ, nhưng khi bắt tay vào thực hành mới là điều khó. Chứng nhân là những người dám thực thi những gì mình nói và thực thi cách xuất sắc những yêu sách của Tin Mừng, các mối phúc cũng như những lời khuyên của Tin Mừng. Thiếu chứng nhân có nghĩa là sự sống của Chúa Kitô chưa được thể hiện nơi người Kitô hữu. Và như vậy, người ta khó có thể nhận ra Thiên Chúa sống động đang hiện diện trong Giáo hội; và còn thấy đâu nữa những dấu chỉ của niềm hy vọng để mà tin và hy vọng vào Đấng Tối Cao?

II. Thử đề xuất vài cách giải quyết

1. Xã hội loài người văn minh tiến bộ, khoa học phát triển, đó là điều tốt. Nó mang lại cho con người rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, người Kitô hữu cần phân định rõ ràng đâu là phương tiện, đâu là mục đích để xác tín và định hướng cho cuộc đời. Một khi đã xác định được như thế, người Kitô hữu sẽ đặt hết niềm tin và niềm hy vọng vào Đấng mình phụng thờ và yêu mến. Dù cuộc đời có thế nào thì họ vẫn vững bước trong tin tưởng và hy vọng.

2. Cuộc sống dân sinh gắn liền với đời sống người Kitô hữu, không thể tách rời. Vì vậy, người Kitô hữu cần trau dồi cho mình đời sống nội tâm, thiết thân với Chúa, sống thánh thiện khả dĩ mạnh đủ, để dầu thế tục có “tấn công” cách mấy thì người tin vẫn luôn vững vàng, thậm chí còn “thánh hóa” đời, làm cho đời dậy men Tin Mừng. Chúa đã chẳng nói: “Anh em hãy trở nên muối, men cho đời” đó sao?

3. Sức sống và niềm hy vọng của Giáo hội rất quan trọng và mang tính quyết định cho sự sống còn của Giáo hội. Sức sống ấy và niềm hy vọng có mạnh mẽ thì Giáo hội mới có sức cuốn hút. Sức sống ấy lớn mạnh và sinh động khi đời sống mỗi Kitô hữu ngày thêm hoàn thiện về: đức tin, đức cậy, đức mến.

4. Đức tin và niềm hy vọng mạnh mẽ sẽ là cơ sở và là nền tảng cho sự vươn tới tầm cao trong sự sống Chúa Kitô của người Kitô hữu. Như vậy, họ chứng thực cho thế giới rằng: chúng tôi đang sống trong thực tại này nhưng thực ra sự sống siêu nhiên, sự sống Nước Trời đang ở trong và ở giữa chúng tôi. Chúng tôi sống là chính Chúa đang sống trong chúng tôi. Sức sống ấy không ngừng lớn mạnh để biến nhân gian trở thành con cái Thiên Chúa.

5. Sống những giây phút cô tịch: Giữa bao xáo động của cuộc sống, người Kitô hữu cần sống những giây phút ở nơi thanh vắng trong cô tịch diện đối diện với Thiên Chúa và với chính mình. Sống trong thanh tịnh chính là những giây phút quý báu giúp làm nên “vũ khí” hầu chiến thắng trong “cuộc chiến” nội tâm, vượt thoát những sóng gió cuộc đời, vững vàng trong tin tưởng và hy vọng.

6. Chứng nhân: Phải nói mạnh rằng, ở một khía cạnh nào đó, bản chất con người là bắt chước và thưởng thức! Thấy siêu phàm thì theo, thấy tốt thì khen, thấy hay thì vỗ tay, thấy đẹp thì mê mẩn, thấy sinh động thì nhiệt tình và tham gia. Vì thế, niềm tin và niềm hy vọng của người tín hữu phải mạnh mẽ, đầy sức sống và phải bộc lộ rõ ra bên ngoài bằng dấu chỉ cụ thể, thì người khác mới thấy và tin theo như mình đã tin và hy vọng. Đức tin và hy vọng phải đi đôi với hành động của người tín hữu. Hành động ấy không gì khác hơn là cầu nguyện, yêu thương, bác ái, hy sinh, tha thứ, ủi an, xây dựng hòa bình, ngay cả việc phải chịu thiệt thòi và khổ đau vì Thiên Chúa, vì Nước Trời. Chứng nhân đích thực phải là thế chứ không khác hơn được. Thế giới ngày nay rất cần những chứng nhân thực thụ như thế.

Giáo hội Công giáo đã một thời lừng lẫy, rộng khắp, sinh động vì đã có niềm tin và hy vọng tràn trề. Lòng người sẽ cảm thấy lắng lo và không khỏi tiếc nuối khi nhìn vào Giáo hội hôm nay, nhất là Giáo hội ở Châu Âu, Châu Mỹ. Bởi niềm hy vọng của người tín hữu đang bị xã hội tục hóa nhận chìm và đi đến chỗ nhạt nhòa. Ta nên nhớ, niềm hy vọng chính là sự sống còn của Giáo hội. Một tia hy vọng cũng đủ làm cho người tín hữu vươn lên bất chấp cuộc đời nghiệt ngã thế nào. Một khi niềm hy vọng thiếu hoặc không còn thì sự sống còn của Giáo hội cũng thiếu hoặc không còn hay bị đe dọa. Nói đến đây, tôi chợt nhớ đến Lời Chúa cảnh báo: “Liệu có còn lòng tin trên trái đất này nữa chăng khi Con Người ngự đến?” (Lc 18,8). Thật may thay, cho đến hôm nay, niềm tin và niềm hy vọng ấy ở đây đó vẫn được nhen nhúm và hun nóng lên nơi người tín hữu, báo hiệu một ngày mai tươi sáng. Điều quan trọng là Giáo Hội, mỗi người tín hữu ý thức về bổn phận và trách nhiệm của mình để sống tròn đầy tư cách người tín hữu, trở nên chứng nhân và trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho con người thời đại hôm nay.

Giờ đây, tôi trở về lại thư viện, trong tay cầm cuốn sách “Các nước, các địa danh trên thế giới” trả lại thư viện, lòng thơ thới hơn và lạc quan hơn…

“Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín” (Dt 10,23).

Thanh Quang CSsR

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch