Adaptation-3Con người có khả năng thích ứng. Nhưng làm thế nào để thích ứng có hiệu quả nhất trước những thay đổi của môi trường sống, trước những đổi thay của công việc là một thách đố cho mỗi người chúng ta.

Chiều thứ Bảy 14/04/2013, Chương trình Chuyên đề Giáo dục, thuộc Ban Mục vụ Gia Đình TGP Sài Gòn đã tổ chức buổi chuyên đề với đề tài: THÍCH ỨNG ĐỂ THAY ĐỔI do Ths. Trần Đình Dũng, Giám đốc Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Khuê Văn, trình bày.

 

Dẫn vào đề tài: Thích ứng để thay đổi

 

Mở đầu bài chia sẻ, Thạc sĩ Trần Đình Dũng cho hay buổi nói chuyện nhằm khơi gợi những điều mà mọi người đã biết trong cuộc sống, những điều chúng ta thường gặp hằng ngày trong công việc và học tập, trong đời sống gia đình và xã hội, để từ đó, nhận biết những tình huống xảy ra,và tìm hiểu xem phải làm gì trong tương lai.

 

Thích ứng không có nghĩa là chuyển hóa bản thân hoàn toàn để trở thành con người khác. Thích ứng chính là khả năng điều chỉnh, khả năng chịu đựng của mỗi người trước những thay đổi xung quanh. Chẳng hạn, với người Sài Gòn, ngày nào còn phải ra đường là còn phải thích ứng với vô vàn những tình huống bất ngờ có thể xảy ra khi tham gia giao thông: phóng nhanh, vượt ẩu, giành đường, vượt đèn đỏ, chạy xe trên vỉa hè... Điều này không dễ dàng gì thích ứng đối với những người ngoại tỉnh mới lên thành phố hay những người từ nước ngoài mới trở về Việt Nam. Với mật độ giao thông dày đặc, khi đi bộ băng qua đường cũng là điều khó khăn với họ.

 

Đối với đời sống xã hội, trước đây, lương công nhân chỉ 300.000 đồng là người ta có thể dành dụm để mua vàng. Còn ngày nay, lương công nhân 3 triệu đồng, không đủ tiền ăn, tiền ở, nhưng người ta vẫn có thể gói ghém để sống. Xăng từ 14.000 đồng, tăng dần lên đến 24.000 đồng như hôm nay, nhưng người ta vẫn phải thích ứng để có thể sử dụng xe máy làm phương tiện lưu thông. Thực tế cho thấy tiền điện, tiền nước, tiền xăng và vô vàn thứ khác lên giá, trong khi lương thì không tăng, nhưng người ta vẫn thích ứng với hoàn cảnh dù cuộc sống có chật vật. Chúng ta có khả năng thích ứng một cách tuyệt vời, và có lẽ Chúa cho mỗi người có khả năng điều chỉnh, khả năng chịu đựng vô giới hạn.

 

Tại sao chúng ta phải thay đổi?

 

“Thay đổi là điều duy nhất bất biến trên đời này” (Change is the only permanent thing in life, Tạp chí Harvard Business Review tháng 3/2003). Sự thay đổi là chuyện đương nhiên trong cuộc sống. Làm kinh doanh thì thay đổi giá, nhà cung cấp, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận. Làm thầy giáo thì thay đổi học trò, thay đổi giáo trình, thay đổi phòng học. Buôn bán thì thay đổi khách hàng… Chúng ta đối diện với sự thay đổi hằng ngày, đôi khi chúng ta bị sự thay đổi kéo theo làm bản thân mình thay đổi theo quá nhanh, quá nhiều mà không hay biết.

 

Vấn đề đặt ra là có cần thích ứng với sự thay đổi không? Có người cho rằng: “Tôi là người có cá tính, tôi là người có bản lĩnh, tôi không thay đổi, bất cứ điều gì muốn thay đổi là phải thay đổi theo ý tôi”. Có thể có người nghĩ rằng đây là một quan niệm đúng và hay, nhưng điều đó chỉ đúng cách đây năm ba chục năm trước, quan niệm này khó có thể tồn tại trong cuộc sống hôm nay. Ngày nay, chúng ta có tràn ngập thông tin, tại Sài Gòn, chúng ta có 127 kênh TV, 69 kênh radio, tất cả những thông tin đó thay đổi theo đơn vị giây. Bên cạnh đó, internet là một khối thông tin khổng lồ, chúng ta có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi. Với sự bùng nổ thông tin như thế, cuộc sống, con người, những quy định, những tương quan cũng thay đổi theo. Có ba loại thay đổi:

 

-        Thay đổi thụ động: Khi không còn sự chọn lựa nào thì mới thay đổi. Đây là cách thức của những năm về trước, là cách thức của cha mẹ, anh chị chúng ta ngày xưa thường áp dụng.

 

-        Thay đổi tích cực: Nhìn thấy cơ hội là biết nắm bắt, nhìn thấy rủi ro là tránh xa. Phần lớn chúng ta đang thay đổi theo cách này. Trước một sự kiện, cần xem xét thông tin bên ngoài xem chúng có lợi hay có hại, tốt hay xấu, được hay mất, cho hay nhận, luôn chia ra thành hai vế để chủ động tiến hay lùi. Chưa xét đến tốt hay xấu vì mỗi người sẽ có cách sống khác nhau. Tuy nhiên, khi sống với tâm thức này, sẽ có những lúc chúng ta gặp những sai lầm.

 

-        Thay đổi năng động: Chủ động tạo ra sự thay đổi. Suy nghĩ này sẽ tạo ra sự đa dạng khi áp dụng trong công việc và trong đời sống. Chẳng hạn như khi đi ăn uống: chọn lựa ăn uống để tiếp khách, để ăn cho ngon, ăn cho vui, ăn cho khỏe… chúng ta có tất cả các thông tin để đưa ra quyết định. Cuộc sống thay đổi bởi mình thay đổi, đó là cách năng động thích ứng với cuộc đời.

 

Những sự thay đổi bên ngoài cuộc sống phải chăng là cơ hội cho mỗi người chúng ta? Khi chúng ta tự động thay đổi để thích ứng với môi trường, hoàn cảnh xung quanh mà không hề có chủ đích, đó là một bước biến chuyển từ thụ động sang chủ động. Nhưng khi chúng ta có chủ đích, cố tình thực hiện để có một năng lực đối diện với sự thay đổi, đó là lúc chúng ta đang năng động để thích ứng với cuộc sống. Tất cả sự thay đổi chẳng qua chỉ là thử thách để vượt qua. Trở lại với chuyện tham gia giao thông, với người chủ động khi gặp kẹt xe thì luồn lách lấn tuyến, lấn lên vỉa hè, thậm chí vượt đèn đỏ sao cho nhanh, lúc nào cũng phải canh công an để khỏi bị phạt. Thế nhưng, với người năng động thì hãy cứ bình tĩnh, chạy xe đúng luật, rồi cũng sẽ đến nơi mình cần đến.

 

Những bạn trẻ lên Sài Gòn học thích ứng với sự thay đổi của đất Sài Gòn rất nhanh, từ tiếng động cho đến con người, từ thức ăn cho đến giọng nói dù họ từ miền Bắc, miền Trung hay miền Nam. Họ thích ứng rất nhanh để tồn tại, nhưng cha mẹ ở quê thì không thích ứng kịp với những thay đổi của họ. Một ngày nào đó, khi họ có chồng, có vợ, có nhà riêng, cha mẹ dưới quê lên thăm lại không thích ứng được với đời sống thành thị, không ở nhà bê tông, không leo lầu, không tắm vòi sen, do cách sống khác nhau. Vô tình, sự lệch pha của 2 dòng thích ứng không cùng tần số, con cái làm cho cha mẹ buồn và bị tổn thương mà không biết. Đây là điều các bạn trẻ cần biết để năng động hơn trong cách ứng xử với gia đình mình.

 

Những người có con đi học nước ngoài thường nhớ con, chưa kịp thích ứng để đối diện với việc con đi xa, nỗi lo con cái phải đối diện với môi trường mới. Chỉ có người quá mạnh mẽ về mặt lý trí, về mặt tinh thần mới có thể thích ứng để triệt tiêu nỗi nhớ đó. Nhưng trong trường hợp này, hãy giữ lại một chút những gì không thích ứng để cho cuộc đời dễ thương, và để biết trân trọng cha mẹ mình, biết yêu thương con cái mình. Lúc nào cũng thích ứng nhanh quá sẽ tạo nên sự tàn nhẫn của cuộc đời.

 

Thích ứng là tích cực hay tiêu cực? Tùy vào kết quả của việc thích ứng sẽ nói lên giá trị là tích cực hay tiêu cực. Cần phải xác định rõ thích ứng cho ai, để làm gì, ta sẽ biết được là tích cực hay tiêu cực. Thích ứng cho người mình thương yêu, đôi lúc chấp nhận bản thân thiệt thòi một chút vẫn là tích cực; thích ứng với cái xấu thì trở thành tiêu cực. Thích ứng để người khác hạnh phúc, vui vẻ thì tích cực; thích ứng để hại người khác thì tiêu cực. Thích ứng là điều chúng ta thường thực hiện, phải thực hiện, luôn luôn thực hiện bởi vì môi trường xung quanh luôn thay đổi cho dù chúng ta có mong muốn hay không.

 

Sự thích nghi dù ở đâu, trong tình huống nào, nó vẫn luôn được đặt trên nền tảng tin yêu. Khi nào còn tin, còn yêu thì dù có thích nghi, có thay đổi, chuyển hóa, hay có tạo ra bất kỳ hình thái nào, nội dung nào thì giá trị cũng không thay đổi. Khi hết tin yêu thì tất cả những thích nghi, thay đổi, nếu có, đều là giả tạo để trục lợi.

 

Thích ứng để thay đổi là một đề tài tương đối rộng và chia thành nhiều mảng: gia đình, cha mẹ, con cái, doanh nghiệp… nó là một rừng những câu chuyện về sự thay đổi, về sự thích nghi. Tựu trung, nếu còn giá trị tin yêu thì còn tất cả.

 

Thích ứng với sự thay đổi trong gia đình

 

Học thay đổi với cuộc đời là một hành trình thú vị. Tuy nhiên, học thay đổi với chính mình, với người thân trong gia đình là một thử thách.

 

“Con trai nhìn kết quả, con gái nhìn quá trình”. Con trai không cảm được về hạnh phúc nhưng cảm được rất nhiều về thành công. Con gái cảm được rất nhiều hạnh phúc nhưng ít cảm về thành công. Thành công là điểm đến, hạnh phúc là con đường. Con gái sống trên con đường nên “tung tăng hái hoa bắt bướm”, còn con trai thường nỗ lực để đạt được mục tiêu đã đề ra. Đó là tâm lý khác biệt nam nữ trong quá trình trưởng thành của người trẻ, chúng ta cần biết để thích ứng.

 

Trong bữa cơm gia đình của người Việt Nam, dù chúng ta ăn cơm nhiều hơn thức ăn, nhưng thức ăn phải ngon thì bữa cơm mới tạo được bầu khí đầm ấm, hạnh phúc. Thức ăn ngon là do có nhiều gia vị. Tương tự như vậy, trong đời sống vợ chồng, người vợ phải có nhiều loại gia vị để đổi món ăn, đổi khẩu vị, để giữ hạnh phúc gia đình. Các ông chồng thì thích tươi vui, trẻ trung, mới lạ… liệu người vợ có thể đáp ứng được không? Vấn đề ở chỗ vợ chồng có tin nhau và còn yêu nhau hay không, nếu còn thì có 1001 kiểu thích ứng với thay đổi. Những sự thích ứng về màu sắc, âm thanh đều là gia vị để làm cho gia đình hạnh phúc. Chẳng hạn, lâu lâu vợ chồng phải đi du lịch hay sắm đồ cho nhau để thay đổi gia vị cuộc sống. Người Việt Nam ít làm điều này sau khi cưới, trong khi lúc còn đang yêu thì nhớ ngày sinh, ngày kỷ niệm, lên kế hoạch ăn uống, đi chơi.

 

Thích ứng trong tình yêu: Khi yêu nhau, sự chăm sóc của người con trai không những chỉ dành cho bạn gái mà còn dành cho những người thân của bạn gái. Chính vì thế, các cô gái đang yêu thường yêu cách cư xử của người con trai dành cho người thân của mình. Quan trọng ở chỗ chữ tin yêu của người con trai có được lan tỏa ra cho người mình yêu thương và cả người mình không yêu thương hay không.

 

Khi đã lập gia đình, cần thích ứng trong cách nuôi dạy con cái. Đứa con đầu lòng dạy cho các cặp vợ chồng cách làm cha mẹ. Bởi lẽ, đôi vợ chồng trẻ có rất nhiều thứ vụng về vì chưa làm cha, làm mẹ bao giờ. Cho đến khi có đứa con thứ hai thì mới tìm được sự cân bằng để làm cha làm mẹ đúng cách. Bên cạnh đó, đôi lúc cha mẹ thương con nhưng không biết cách bày tỏ tình thương. Đứa đầu, dạy con bằng tình cảm, đứa thứ hai dạy bằng tình cảm và lý trí, vì thế con trẻ sẽ mang cảm giác bị thiên vị. Con trẻ sẽ không tin, không yêu, chúng sẽ thích ứng để thay đổi nhằm mục đích đối kháng với cha mẹ chứ không phải để làm bạn với cha mẹ. Các bậc cha mẹ cần nhận biết điều này để điều chỉnh hành vi trong quá trình nuôi dạy con cái nên người.

 

Với thời gian, người ta sẽ lớn lên và già đi, những người xung quanh mình cũng thế. Có bao giờ chúng ta thay đổi chính mình để sống với tuổi già và tuổi lớn của những người xung quanh. Những sự thích ứng để thay đổi là một nghệ thuật sống, bàng bạc trong từng bữa cơm, trong từng giấc ngủ, kể cả trong từng lời ru. Còn tin, còn yêu mọi cái đều có thể hóa giải trong cuộc sống.

 

Giao lưu và tạm kết

 

Sau phần trình bày của mình, Thạc sĩ Trần Đình Dũng đã dành thời gian để trả lời các câu hỏi của các tham dự viên. Với những ví dụ cụ thể, đời thường, thậm chí lấy dẫn chứng ngay cả cuộc đời mình, thầy đã giúp gỡ rối nhiều vấn đề cụ thể mà các tham dự viên đưa ra.

 

"Tôi cong nhưng không gãy", nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine nổi tiếng của Pháp, khi nói về sự thích ứng của con người, đã nhận định như thế. Rõ ràng, thay đổi cách ứng xử cho phù hợp từng tình huống sẽ giúp tìm được sự đồng điệu, tìm được tiếng nói chung để giải quyết vấn đề, giúp người ta hòa nhập vào môi trường sống một cách nhanh chóng.

Trần Đình Dũng tường trình

Tạ Ân Phúc tường thuật

Hình: adaptation-3

 

 

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch