holding_the_crossCuộc sống hiện tại của con người ngày nay, xét về phương diện khoa học kỹ thuật đã và đang trên đà tiến bộ vượt bậc. Các phát minh, sáng chế về y học, công nghệ thông tin ..v...v...các thành tựu của chúng đã đem lại cho con người nhiều lợi ích là những điều rõ ràng không thể phủ nhận.

Nhưng song song theo đó, con người ngày nay phải chịu đựng những khủng hoảng cấp bách, đặc biệt tại các nước chậm phát triển, và cụ thể nơi những người nghèo khổ là những đối tượng phải gánh chịu trước tiên những vấn nạn này, tình trạng đói nghèo, bệnh tật đã làm cho nhiều nơi rơi vào khủng hoảng, tình trạng hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm không khí và nguồn nước làm cho con người lâm vào tình trạng khốn đốn.

Hậu quả của những vấn nạn này đã để lại cho con người những nỗi thống khổ đầy nước mắt, mất dần hướng tương lai. Nhịp sống hiện đại hóa đã làm cho con người chạy đua một cách hối hả, tất bật và biến động của thời đại đã ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức và cách hành xử với nhau giữa người với người, làm cho đời sống cá nhân và gia đình gặp những vấn đề nan giải, con người sống trong tâm trạng bất an.

Vậy đâu là phương pháp tốt nhất để giải quyết các vấn nạn này, con người sẽ tìm đâu chiếc chìa khóa vạn năng để mở lối cho con người tìm thấy nguồn bình an và hạnh phúc.

Chiều thứ bảy ngày 21.8.2010 vừa qua, tại TTMV – TGP Sàigòn, Lm. Giuse Lê Quang Uy, DCCT, đã chia sẻ với các khán thính giả tham dự Chương Trình Chuyên Đề về những vấn nạn nêu trên, và cùng nhau đi tìm chiếc chìa khóa vạn năng đó qua đề tài: “CHÌA KHÓA GIẢI GỠ CÁC VẤN NẠN GIA ĐÌNH THỜI @”. Hôm nay có gần 150 người tham dự gồm các Tu Sĩ, các bậc phụ huynh và các bạn trẻ.

                 DU_chia_khoa_van_nang

Chiếc chìa khóa vạn năng ấy, theo cha Quang Uy, không cần phải thắp đèn tìm kiếm đâu xa, nhưng chính ta đang cầm trên tay, đang mang trong lòng, đang giữ trong cuộc đời, ta đã được ban tặng và sỡ hữu từ lâu rồi mà ta đã quên mất. Chiếc chìa khóa ấy chính là ... THẬP GIÁ GIÊSU !

Vâng, thập giá ấy mang tên Giêsu, chứ không mang tên ai khác. Ngài là Chúa của ta, là thầy giáo, là thầy thuốc, là bạn đồng hành, và là tất cả của đời ta và gia đình ta. Chúng ta hãy nhìn ngắm lại xem, khi Ngài giang tay trên thập giá, rõ ràng thành hình một chiếc chìa khóa để mở lối cho cuộc đời ta, cho mọi người và cho toàn thế giới. Ngài là một Thiên Chúa toàn năng nhưng cũng rất gần gũi với con người.

  • Đức Giêsu là Chúa của ta: Ngài từ Thiên Chúa mà đến, đã vâng phục Chúa Cha xuống thế làm người để loan báo Tin Mừng Cứu Độ về một triều đại Thiên Chúa, một triều đại của Tình Thương, Hòa Bình và Công Lý, Ngài đã làm chứng cho sự thật qua việc can đảm uống cạn chén đắng trong Vườn Cây Dầu và đón nhận cái chết ô nhục trên Thập Giá để đem niềm vui Ơn Cứu Độ đến với muôn người, để nối kết, giao hòa giũa con người và Thiên Chúa, Ngài là Vị Cứu Tinh của con người. 
  • Đức Giêsu là Thầy Giáo của ta: Ngài đã kiện toàn lề luật yêu thương, mở lòng trí của những con người đang còn ngồi trong bóng tối của sự chết để họ nhận ra được nguồn ánh sáng của Tin Mừng, giảng dạy cho con người nhận biết giáo huấn của Nước Trời, chỉ vẽ và làm gương cho chúng ta con đường đích thực đi về Nhà Cha mà Ngài đã phải đánh đổi bằng giá máu.
  • Đức Giêsu là Thầy Thuốc của ta:  Đức Giêsu là một Thầy Thuốc tuyệt vời trên các thầy thuốc. Ngài không những đã chữa lành các bệnh tật tâm hồn mà còn chữa lành các bệnh tật về thể xác cho dân chúng, Ngài đã chữa cho người mù được thấy, người què được đi, kẻ chết sống lại, Ngài đã trả lại cho họ niềm vui cuộc đời, Ngài đã đến và yêu thương họ đúng nghĩa là một “lương y”. 
  • Đức Giêsu là Bạn Đồng Hành của ta:  Khi chu toàn sứ mạng, Ngài không để các môn đệ mồ côi, bơ vơ, Ngài đã lập Bí Tích Thánh Thể để được ở cùng các môn đệ hằng ngày cho đến tận thế.

Thập Giá Giêsu gồm hai thanh dọc và thanh ngang.

  1.     Thanh dọc nối đất thấp với trời cao, tức là nối chúng ta với Thiên Chúa.

Như vậy, thanh dọc là chìa khóa mở cho ta cánh cửa, khuyến khích ta ngoi lên từ cảnh đời thường, kéo ta lên cao, kéo ta vào sâu trong cung lòng yêu thương và tràn đầ bình an của Thiên Chúa.

Ta hãy cùng nghe Thầy Thuốc Giêsu chẩn bệnh và ngỏ ý với các bệnh nhân: “Hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng...”

Thầy Giáo Giêsu đã mở trường mang tên: “Trường Đại Học Mở Rộng – TÌNH YÊU”, Ngài cũng đã chiêu sinh và dạy học một cách lạ lùng như thế này đây: “Hãy mang lấy ách của Thầy và hãy học cùng Thầy, vì Thầy có lòng hiền hậu và khiêm nhường...” Ngài khẳng định với các môn sinh: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách Thầy êm ái và gánh Thầy nhẹ nhàng...” ( Mt 11, 28 – 30 ). Những bài học lạ đời: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, phúc cho ai sầu khổ, phúc cho ai bị bắt bớ vì lẽ công chính, phúc cho ai vì Thầy mà bị sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa...”

Những bài học và cách giảng dạy khác người, ấy vậy mà suốt hơn 2000 năm qua có biết bao môn sinh đã đăng ký theo học tại ngôi “Trường Đại Học Mở Rộng – TÌNH YÊU” này.

  1.     Thanh ngang nối chúng ta lại với nhau, với cuộc đời quanh ta.

Như vậy, thanh ngang là chìa khóa mở cho ta cánh cửa đi vào lòng người, chạm đến tâm hồn tha nhân, những người nghèo khổ hơn ta, nhất là những người ta không ưa và những người không ưa ta. Và rồi, tay sẽ nắm lấy tay nhau, những con tim hòa cùng một nhịp, ánh mắt sẽ nhìn và nhận ra nhau tất cả là con cái cùng một Cha trên Trời và cùng sống chung một Ngôi Nhà Thế Giới.

Cha Lê Quang Uy mời gọi tất cả tham dự viên hãy nhận diện những ách khổ đau, những gánh nặng đang đè bẹp bản thân và gia đình mình trong cuộc sống hiện tại, những cái gì đang làm ta kiệt sức, buồn lo, chán nản, sợ hãi mà có thể đưa ta tới khủng hoảng tuyệt vọng.

Và các tham dự viên đã ghi thật nhanh vào các mẩu phiếu góp lại, hoặc đứng lên phát biểu trực tiếp, đâu là những vấn nạn đang chi phối và gây gánh nặng tâm lý cho mình như:

  • Thử thách trong công việc.
    • Con cái không nghe lời.
    • Sự chia rẽ trong cộng đòan.
    • Hôn nhân khác tôn gíao
    • Con cái bỏ nhà đi
    • Không được cha mẹ ủng hộ trong tình yêu và cuộc sống
    • Phá sản
    • Tan vỡ trong tình yêu
    • Bệnh tật
    • Đổ vỡ trong gia đình
    • Không dám mở lòng vì tự ái
    • Thiếu quan tâm và lo toan nhiều
    • Không hiểu lẫn nhau, không cảm thông
    • Sự kiêu căng, ích kỷ
    • Đồng tiền chi phối cuộc sống
    • Chưa biết tha thứ
    • Sống vì bản thân, ích kỷ
    • Mất niềm tin nơi cuộc sống
    • Bệnh tật
    • Gia đình bất hòa
    • Xét đoán người khác
    • Bất đồng quan điểm
    • Lười biếng
    • Tham lam vật chất
    • Vô tâm, vô trách nhiệm
    • Lo lắng về kinh tế gia đình
    • Sự thay đổi tâm lý của con cái
    • Bất hoà trong nơi làm việc
    • Gia đình ở thành phố: bỏ lễ, bỏ xưng  tội, bỏ kinh tối
    • Ngoại tình
    • Tự ti
    • Sợ mất ba mẹ

Chiều nay, cha Quang Uy cũng mời được những nhân chứng sống động, người thật việc thật, đến để chia sẻ với mọi người về những khó khăn, những bế tắc, những đau khổ trong cuộc sống mà Thiên Chúa cho phép xảy đến với cuộc đời mình, với niềm cậy trông vào Thiên Chúa, biết chạy đến với Ngài, bám víu vào Ngài như chiếc phao cứu sinh, đưa ta đến bến Bình An, như là chiếc chìa khóa mở hướng cho ta can đảm bước vào đời.                  

Đôi nhân chứng sống động đó là anh chị Ba Ơn, thuộc Nhóm Gia Đình Khuyết Tật mang tên Halleluya, nhóm được thành lập để các gia đình thành viên gặp gỡ nhau thường xuyên, chia sẻ, cảm thông và nâng đỡ nhau trong cuộc sống giúp nhau vượt qua những gian nan, vất vả thiếu thốn, nhất là cùng động viên, khích lệ nhau trong đời sống đạo để duy trì đời sống đức tin luôn sống động giữa cuộc đời.

Anh Ba Ơn chia sẻ: Anh là một Việt kiều Campuchia, khi lên 5 tuổi, một cơn sốt đã làm cho đôi chân của anh không còn đi lại được, vào năm 1970 khi người Campuchia “Cap Yuồn” ( cắt đầu người Việt ) một cách dã man, gia đình anh đã trôi dạt về Việt Nam, lúc đó anh sống nhờ dưới gác chuông Nhà Thờ Tân Phú. Anh có tài đàn ca, qua lời ca tiếng hát anh đã quen được chị Thanh (là vợ của anh cho đến hôm nay), anh chị đã đến với nhau trước những nỗi lo ngại của cả hai gia đình vì anh là người tật nguyền, biết làm gì nuôi nhau khi sanh con đẻ cái ?

Nhưng với niềm tin vào Thiên Chúa và vào tình yêu của nhau, anh chị đã vượt mọi khó khăn để đến với nhau. Nhưng khi đã thành vợ thành chồng, cuộc sống không còn êm ả như trước nữa, trước đây khi chưa lấy nhau, vào những buổi chiều tối anh còn có thời gian dạo lên những cung đàn để tặng cho người yêu như là: “Em ơi suốt đêm thao thức vì em” hay là “Anh sẽ vì em làm thơ tình ái”... Giờ đây, anh phải thức suốt đêm để may cho xong nhưng mặt hàng khách yêu cầu. Giờ đây, anh lại phải lo nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền nuôi vợ nuôi con.

Cái khó bó cái khôn, nhiều lúc quá khó khăn cũng đã làm cho anh điêu đứng, lo âu, một mình may thì không đủ ăn, anh chị bàn tính ráng dành dụm số tiền để mua thêm một cái máy may nữa để chị phụ với anh, khi dành dụm được đủ tiền, anh chị chở nhau trên chiếc xe đạp đến chợ Tân Bình mua máy may, khi đến nơi thì số tiền dành dụm đã bị kẻ gian lấy mất, anh thì buồn bã, chị thì khóc lóc tiếc của nhưng cũng đành phải chở nhau về, nuốt nước mắt mà đối diện với những khốn đốn lao đao.

Nhưng với một niềm tin cậy trông vào Chúa, chạy đến Chúa thầm thĩ cầu xin, phó dâng tất cả trong vòng tay quan phòng của Chúa. Thế rồi Chúa đã ra tay, gia đình anh chị cũng vượt qua mọi khó khăn và rồi cũng chắt bóp đủ tiền mua được chiếc máy may mới. Cho đến hôm nay chính anh cũng không lý giải được sự nhiệm mầu kỳ diệu này trong cuộc sống gia đình.                     

Chị Thanh, vợ của anh Ba Ơn chia sẻ: Trong cuộc sống gia đình cũng gặp nhiều sóng gió, nhất là những chuyện xảy ra giữa mẹ chồng con dâu, chị dâu em chồng cũng đã làm cho chị từng giận dỗi bỏ đi, lánh nạn về nhà mẹ ruột, nhưng chỉ qua một câu nói của anh, chị đã can đảm vượt qua tất cả. Anh chỉ nói với chị một câu: “Anh luôn cầu nguyện cho em có đủ nghị lực để theo anh suốt cả cuộc đời”. Và chị hiểu ý, chị đã cầu nguyện xin Chúa giúp chị, thêm sức mạnh cho chị cùng anh vượt qua những gian nan thử thách. Chính Thập Giá Chúa Giêsu là chiếc chìa khóa mở lối cho chị, giúp cho chị can đảm đón nhận cuộc sống quá nhiếu bấp bênh, và chị đã tìm thấy bình an nhờ cậy trông vào Chúa.

Giờ đây cuộc sống của anh chị Ba Ơn đã ổn định, các con lớn khôn, lập gia đình, anh chị đã có cháu nội, cháu ngoại, gia đình đấm ấm hạnh phúc. Hôm nay, dù tuổi đã là ông là bà, anh chị vẫn xin hát tặng khán thính giả bài hát “Lâu Đài Tình Ái” mà ngày xưa hai anh chị vẫn thường hát với nhau và hát cho nhau. Những tràng pháo tay thật lớn của mọi người đã thay cho lời cám ơn và chúc mừng hạnh phúc của anh chị.

Hôm nay, còn có sự hiện diện một nhân chứng nữa là anh Nguyễn Anh Tuấn, anh là một thành viên trong Ban Truyền Thông của Website Giáo Phận Sàigòn, anh là một người rất năng nổ, tích cực, hăng say trong công việc. Nhưng cách đây vài tháng, các bác sĩ đã báo cho anh một tin sét đánh, anh bị “Ung Thư Máu”. Lúc đầu tinh thần anh cũng suy sụp, lo âu, nhưng với bản lĩnh của một người đã được rèn luyện trong gian khổ, anh sẵn sàng đón nhận căn bệnh như là một hồng ân Chúa ban. Hôm nay anh đến với Chương Trình Chuyên Đề xin mọi người cầu nguyện cho anh để anh có thêm sức mạnh vác thập giá mà Chúa trao cho anh, giúp anh luôn giữ vững niềm tin và bình an trong Chúa. Anh không dám xin Chúa cho mình hết bệnh, chỉ mong cho mọi sự được vâng theo ý Chúa mà thôi..

Tiếp theo, để giải quyết các vấn nạn mà các tham dự viên vừa nêu, cha Quang Uy đơn cử một vài “bí quyết” theo kinh nghiệm của ngài:

  1. A.   Dùng chìa khóa thanh dọc để mở cánh cửa hiệp thông với Thiên Chúa:
    1. Dứt khoát không bỏ cuộc hẹn Chúa Nhật nào với Chúa Giêsu ( không theo kiểu nói quen thuộc là “bỏ Lễ Chúa Nhật” ).
    2. Trong suốt ngày sống, mỗi lúc dừng xe ở các ngã tư chờ đèn xanh đèn đỏ, mỗi lúc có chuông điện thoại reo, mỗi lúc chờ computer khởi động, hãy tận dụng 15 – 30 giây quí giá ấy để kịp kêu lên với Chúa Cha lời cầu nguyện “Abba – Cha ơi !”
    3. Dành ra mỗi tối 15 phút, cả nhà cùng “nối mạng” với Trời, để “chat” với... Chúa Giêsu và sau đó nhớ ghé thăm Facebook của... Mẹ Maria (cách nói khá bất ngờ của thời @ về cầu nguyện hoặc giờ kinh ).
  2. B.   Dùng chìa khóa thanh ngang để mở ra những mối dây liên hệ “tử tế - dễ thương” gần là trong gia đình, xa hơn là với tha nhân quanh ta
    1. Mỗi đầu ngày, hãy tự nhủ lòng sẽ làm ít nhất một việc tốt cho nhau và cho tha nhân ( bên các bé Sói Con của Hướng Đạo gọi là một việc thiện, B.A. ( Bonne Action ).
    2. Trong ngày, làm sao gia đình có được ít nhất một bữa ăn chung đông đủ cả nhà hiệp thông quây quần bên nhau ( nhìn về nhau, trò chuyện với nhau, tránh không để cho cái TV chi phối, thu hút ).
    3. Mỗi tối, hãy tập thành một thông lệ, cứ khoảng 20 giờ, nhớ gọi điện thoại ân cần thăm hỏi cha mẹ mình hoặc con cái mình đang ở xa.
    4. Mỗi thứ bảy cuối tuần, hãy dành cho cả nhà một bất ngờ nghịch ngợm, một ngạc nhiên thú vị, một sáng kiến thay đổi bầu khí chung như: một chuyến đi chơi, một món quà vui, một bữa ăn lạ, một vị khách mời đặc biệt…).
    5. Chúa Nhật là ngày để nghỉ ngơi, cũng là ngày để gặp gỡ, không làm việc, không buôn bán, không mở cửa hàng, sau Thánh Lễ, cả nhà cùng về thăm bên nội hoặc bên ngoại, hoặc thăm một gia đình bạn bè đang có chuyện không vui.
    6. Đừng ngần ngại cũng đừng chần chừ, nhưng vợ chồng, cha mẹ con cái hãy tế nhị dành cho nhau những lời nói ngọt ngào, những cử chỉ trìu mến, vuốt ve cụ thể để xoa dịu những stress gây căng thẳng.
    7. Cả nhà nên nuôi chung một chú “heo đất”, bằng sự dành dụm, tiết kiệm hằng ngày cho đến khi có dịp cả nhà sẽ cùng đi thăm và chia sẻ với một Mái Ấm của các cháu mồ côi, các cụ già neo đơn...

Chúng ta cùng lắng nghe lời Chúa Giêsu nhắn nhủ: “Chính anh em là muối cho đời, muối đã nhạt thì lấy gì ướp nó mặn lại được? Nó đã thành vô dụng, chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian, chẳng ai thắp đèn mà để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên đế cao để đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. ( Mt 5, 13 – 16 ).

Vậy, hãy nhận diện tất cả những gì khiến muối của ta trở thành nhạt nhẽo vô duyên, những gì làm đèn ta leo loét, chập chờn rồi vụt tắt, những gì làm cho gia đình ta rệu rã, có nguy cơ đổ vỡ, tan tác. Và ngược lại, ta cũng hãy tìm ra, những gì muối ta có thể ướp mặn, những gì đèn ta có thể rọi sáng, từ đó giúp cho tâm hồn ta cảm thấy bình an, gia đình ta cảm thấy ấm áp, những ai sống quanh ta cảm thấy được vui hơn.

Cha Quang Uy còn đề nghị mọi người thuộc lòng công thức: “7 HÃY + 1 PHẢI = BÌNH AN” của Thánh Phaolô. 7 cái hãy chính là:

  1. 1.     Hãy thương cảm
    1. 2.     Hãy có lòng nhân hậu
    2. 3.     Hãy luôn khiêm nhu
    3. 4.     Hãy ăn ở hiền hòa
    4. 5.     Hãy nhẫn nại
    5. 6.     Hãy chịu đựng lẫn nhau
    6. 7.     Hãy tha thứ cho nhau

Và cộng với 1 phải là “Phải có lòng bác ái”, vì đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Mọi người cùng đọc chung với nhau mấy lần liền đoạn Thánh Thư Cl 3, 12 – 17 để cảm nghiệm sâu xa rằng “bình an của Đức Giêsu” sẽ điều khiển tâm hồn mọi người.

Bây giờ thì chiếc Chìa Khóa Vạn Năng đã có trong tay, chúng ta chỉ cần làm thêm một việc rất quan trọng nữa, đó là CẦU NGUYỆN. Chính Đức Giêsu đã để lộ cho ta biết rằng, Ngài chỉ chờ ta xin để tặng quà cho ta, chỉ chờ ta tìm là cho ta gặp, chỉ chờ ta gõ cửa là mở toang lòng Trời cho ta, cho gia đình ta được lọt vào bên trong GIA ĐÌNH BA NGÔI của Ngài.

Đây là một thực tế rất rõ ràng do chính lời của Đức Giêsu tuyên bố: Ta có xác tín điều này không ?

Để không lạc mất Chúa, nhưng luôn được Chúa ở cùng, cha Quang Uy đề nghị mọi người tham dự cùng đóng góp thêm những phương thế cụ thể khác giúp cho gia đình có nội lực vượt qua các thách đố cuộc sống:

  • Tâm niệm hình ảnh được Mẹ Maria đặt tay lên đầu để ban ơn
    • Cầu nguyện hoặc lần chuỗi trong lúc làm việc
    • Phó thác cho Chúa trong cơn khó khăn
    • Treo một tấm bảng nhỏ tại vị trí dễ thấy trong nhà có ghi Lời Chúa.
    • Chia sẻ với Chúa như một người bạn
    • Chiêm ngắm và khóc trước Thánh Giá
    • Đọc Lời Chúa mỗi ngày
    • Đến với Thánh Lễ mỗi ngày
    • Lãnh nhận Bí Tích Hòa Giải mỗi tháng
    • Tham gia một hội đoàn Công Giáo
    • Tận dụng thời gian đi chợ để cầu nguyện
    • Dâng việc hy sinh cầu nguyện
    • Tôn trọng bản thân và mỗi người trong gia đình
    • Giúp đỡ các thành viên trong gia đình về vật chất và trong tư duy.
    • Cầu nguyện cho người thân được sống đạo đức.
    • ......

Để kết thúc, cha Quang Uy lại dạo đàn và mọi người cùng hát với nhau bài hát: NỐI MẠNG VỚI TRỜI – NỐI MẠNG VỚI ĐỜI do chính cha sáng tác.

Hãy gõ lên bàn phím để nối mạng với trời,

Hãy gõ lên bàn phím thấy Chúa đang cười tươi.

Hãy gõ lên bàn phím để nối mạng với đời,

Sẽ thấy ra tình yêu đang vẫy chào niềm vui.

Có những nỗi khát khao, có những nỗi đớn đau,

Có những nỗi lắng lo, chia san với con người.

Có tiếng khóc xót xa, có tiếng nói thiết tha,

Có tiếng hát khẽ ru, đưa nhau đến an hòa.

Có chút ánh sáng soi, có chút muối mến yêu,

Có chút bánh đến trao, cho vơi bớt kiếp nghèo.

Mọi người ra về trong niềm vui, hân hoan, vì trên tay mỗi người vẫn còn cầm chiếc chìa khóa vạn năng, đó là cây Thập Giá bằng hai que tre rất đơn sơ mà từ lúc đầu cha Quang Uy đã trao tặng cho mọi người. Tôi đã gắn cây Thập Giá này ngay trước máy computer tại nhà để mỗi khi làm việc, thỉnh thoảng lại có thể ngước lên tâm sự: “Abba, Cha ơi !”

AP. MẶC TRẦM CUNG tường trình

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch