Chúng ta bước vào năm hoạt động mục vụ theo định hướng “Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn” của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đề ra. Theo Carl Rogers và các nhà tâm lý học khác, có ít nhất hai điều kiện thiết yếu để giúp người đang gặp hoàn cảnh khó khăn thực hiện được những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ.

Một là việc ta lắng nghe, đón nhận vô điều kiện người đang gặp vấn nạn rắc rối. Thứ đến là sự đồng cảm – là khả năng hiểu và chia sẻ được những cảm xúc. Ta cần truyền đạt thông tin đến với người cần được trợ giúp rằng ta hiểu biết được những nỗi khó khăn, những cảm xúc khó chịu mà họ đang cảm nhận. Nhằm gợi ý cho hoạt động đồng hành với các gia đình gặp khó khăn thu hoạch được kết quả cụ thể, từ những kinh nghiệm trong công tác tham vấn tâm lý, chữa lành cho các gia đình, trong phạm vi bài viết này chúng ta cùng xem xét khả năng lắng nghe. Đây là kỹ năng thiết yếu không chỉ cho những nhà chuyên môn, mà còn hữu ích rất nhiều cho bất cứ ai muốn tăng cường hiệu quả trong giao tiếp với người khác.

Ít nhiều trong cuộc sống, đã có những lần chúng ta được yêu cầu lắng nghe những vấn đề của một người bạn đang gặp rắc rối. Hầu hết những người này có thể nhận được sự giúp đỡ hiệu quả bởi bất kỳ ai có trách nhiệm chăm sóc, biết đồng cảm, và giúp cho họ bình ổn lại cảm xúc. Vậy các giáo sĩ, các tu sĩ, và các anh chị em giáo dân đang cộng tác trong những lãnh vực mục vụ có sẵn sàng là người cung cấp sự trợ giúp hữu hiệu nhất bao nhiêu có thể trong khả năng của mình không?

Lắng nghe, chúng ta có thật sự sử dụng khả năng này như là một công cụ hữu hiệu trong việc chữa lành những anh chị em đang gặp những tổn thương chưa?  Chúng ta có dùng đôi tai mà Chúa ban để lắng nghe nhiều hơn là dùng miệng để nói? Giữa những ồn ào lo toan của cuộc sống, chúng ta có lắng nghe được những điều thổn thức trong trái tim của những anh chị em đến với ta không? Ta đã từng trải qua những cảm xúc như thế nào khi được một ai đó thật sự lắng nghe ta? Có lẽ không có cách nào tốt hơn để biểu lộ cho thấy rằng chúng ta quan tâm đến một ai đó và kết nối với họ hơn là việc lắng nghe – thực sự lắng nghe bằng trái tim của ta – về những gì người ấy chia sẻ. Động từ nghe có vẻ như là một hành vi đơn giản, chẳng ai cần phải học vì đó là chức năng của đôi tai, thế nhưng không phải như thế.

THẾ NÀO LÀ LẮNG NGHE TÍCH CỰC

Trong ngôn ngữ Trung Hoa, động từ lắng nghe (thính) được cấu tạo bởi năm chữ:

- Chữ tai (nhĩ): chắc chắn vai trò của cơ quan thính giác không thể thiếu, nó giúp não bộ chúng ta ghi nhận, xử lý những âm thanh một cách chủ động cũng như thụ động. Đôi tai giúp ta đón nhận nội dung của thông điệp người nói, nội dung này có thể được chi phối bởi cung giọng, tốc độ của người nói...

- Chữ mắt (nhãn): con mắt là cửa sổ tâm hồn, ta không thể biết về tâm tư của người đối thoại nếu không mở cánh cửa tâm hồn ta để đón nhận thông tin do đôi mắt ta quan sát được từ những biểu hiện trên khuôn mặt, những biểu thị của ngôn ngữ không lời, dáng điệu, cử chỉ…

- Chữ tim (tâm): lắng nghe bằng con tim hay tấm lòng của ta, chỉ khi ấy những điều xuất phát từ con tim của người nói mới dễ dàng chuyển tải đến con tim của người đang lắng nghe họ.

- Chữ một (nhất): biểu hiện sự tập trung tâm trí của ta vào điều người đang nói muốn trình bày, không bị xao nhãng bởi những yếu tố chung quanh.

- Chữ vua (vương): cho thấy sự trân trọng của ta dành cho người đang giao tiếp với ta.

Như thế, rõ ràng việc lắng nghe không đơn giản như việc nghe thấy một âm thanh nào đó. Lắng nghe đòi hỏi sự nỗ lực tập trung trọn vẹn con người của ta bao gồm các giác quan thính giác, thị giác, cùng với tâm, trí, và thái độ trân trọng của ta đặt nơi người đang trò chuyện, chia sẻ, tâm sự… với ta.

LẮNG NGHE TÍCH CỰC ĐEM LẠI HIỆU QUẢ GÌ ?

Trong thực tế, nhiều người trong chúng ta chưa biết cách lắng nghe. Với những ai đã tham dự các khóa huấn luyện về tham vấn trị liệu tâm lý, họ đều đã được dạy về kỹ năng lắng nghe như môn học căn bản đầu tiên ngay khi bắt đầu khóa đào tạo, nhưng những bài học hữu hiệu nhất thiết tưởng đến từ chính cuộc sống và thực tế tham vấn trị liệu. Nhà tham vấn hay trị liệu không chỉ học và thực hành nhuần nhuyễn kỹ thuật lắng nghe thân chủ, mà còn biết huấn luyện thân chủ cũng học biết lắng nghe.

Một trong những bài học rút ra được sau tiến trình trợ giúp để hàn gắn những đôi vợ chồng gặp khó khăn trong cuộc sống chung đó là việc người trợ giúp không đưa ra lời khuyên răn giáo điều cho họ, mà thay vào đó là việc giúp đôi vợ chồng biết lắng nghe nhau bằng con tim, và sau đó giúp họ thể hiện sự nhận biết và quan tâm của bản thân dành cho người phối ngẫu bằng cách phản ánh chân thật cảm xúc.

Những người chú tâm vào việc tập luyện khả năng lắng nghe đích thật, không chỉ gia tăng khả năng này, mà còn học được cách đón nhận và hưởng lợi từ việc lắng nghe. Chắc chắn ở giai đoạn đầu của việc tập luyện lắng nghe, chúng ta tập trung vào những cảm xúc và mối quan tâm nơi người đang chia sẻ, thậm chí đến độ thiếu việc lắng nghe chính bản thân mình. Và khi ta học cách chia sẻ chân thành từ trái tim mình với những người có khả năng lắng nghe tốt như người thân yêu, bạn bè, hay với nhà tham vấn trị liệu, chúng ta đồng thời khám phá ra những ơn phước tuyệt vời nhất mà ta lãnh hội được từ việc có được ai đó lắng nghe mình, đó là bình an, được quan tâm chăm sóc, được nhìn nhận, tạo thêm sức năng động, những nhận biết mới, và nhiều ơn khác nữa!

Cho dẫu vị trí của ta trong xã hội là gì, ta vẫn có thể áp dụng kỹ năng lắng nghe tích cực trong tất cả các tương giao của ta với mọi người. Làm được như vậy ta sẽ giúp cho những người gặp gỡ ta cảm thấy được rằng họ được quan tâm chăm sóc. Chính khả năng lắng nghe tích cực sẽ xây dựng tính thân mật trong các mối tương giao của ta. Khả năng lắng nghe sẽ giúp ta phát triển trí tuệ và thành công trong cuộc sống. Vậy đâu là những kỹ năng giúp ta tập luyện có được khả năng lắng nghe đích thật?

TẬP LUYỆN KỸ NĂNG LẮNG NGHE TÍCH CỰC

Theo kinh nghiệm huấn luyện của các nhà tham vấn trị liệu tâm lý Hoa Kỳ, động từ “LẮNG NGHE” trong tiếng Anh “to LISTEN” cũng chỉ ra những bài học căn bản cho ta thực hành việc lắng nghe tích cực. Với sáu mẫu tự L-I-S-T-E-N chúng ta có được sáu kỹ năng sau đây.

L thay thế cho động từ love - yêu thương: Muốn có khả năng lắng nghe tích cực, ta phải có động cơ xuất phát từ tình yêu thương dành cho những người đến với ta, như thánh Thánh Augustino đã từng nói: “Yêu thương rồi hãy làm những gì bạn muốn!” Chính tình yêu sẽ giúp ta có thái độ cần thiết ngay từ khoảnh khắc tiếp xúc ban đầu là đón nhận họ như họ là, không vội đưa ra bất cứ một phán xét nào về họ. Bởi vì bất cứ lời phán xét hay dán nhãn – đặc biệt là tiêu cực lúc ban đầu cũng sẽ chi phối ta trong cách cư xử không thích hợp, hoặc đưa ra phán đoán thiếu chuẩn mực ở những bước tiếp theo. Chính tình yêu thương và không phán xét sẽ cho phép ta “bước vào đôi giày của người khác” và bắt đầu tìm hiểu về họ. Hãy cởi mở và chân thành; vì những lời chỉ trích và định kiến sẽ nhanh chóng khiến cho người ta khép kín cánh cửa trái tim của họ.

I thay thế cho động từ invite – mời gọi: Lời mời gọi hãy tự bộc lộ bản thân, cởi mở cõi lòng, cảm xúc qua những câu hỏi mở. Những câu hỏi này có thể giúp làm sáng tỏ, hay mời gọi tập trung vào một vấn đề: “Bạn có ý muốn nói gì về điều đó?”; hay mời gọi trình bày những suy nghĩ: “Hãy nói cho tôi biết rõ hơn suy nghĩ của bạn về điều đó?”; hoặc chia sẻ những cảm xúc: “Cảm xúc về mẹ của bạn như thế nào?”; và đề nghị đưa ra ví dụ cụ thể: “Cho tôi một trường hợp mà khiến bạn giận dữ. Cố gắng chỉ cho tôi thấy từng bước trong diễn tiến hành vi của bạn.” Tránh đặt các câu hỏi chỉ có thể được trả lời bằng “có” hoặc “không”. Những câu hỏi mở là công cụ khá hữu ích trong tham vấn, trị liệu để giúp người đang gặp vấn nạn tìm hiểu những khó khăn mà họ đang chịu đựng một cách đầy đủ hơn, đôi khi giúp họ thoát ra khỏi điểm tắc nghẽn. Trong việc trợ giúp qua những tương giao hàng ngày, những câu hỏi mở cũng sẽ giúp cho người đang gặp khó khăn có một tầm nhìn rộng hơn, đánh giá vấn đề ở nhiều góc cạnh hơn khi đối diện với thực tại, mà đôi khi “Chuyện người thì sáng, chuyện mình thì quáng”. Hơn nữa, những câu hỏi này chứng tỏ cho họ thấy rằng ta đang lắng nghe và quan tâm đến vấn đề của họ.

S thay thế cho động từ summarize – tóm kết, tóm tắt lại. Tóm tắt những gì ta đã nghe. Điều quan trọng là phải xác minh được rằng ta hiểu vấn đề của người đó bằng cách diễn tả qua những câu như: “Khi nghe bạn nói rằng ..., tôi hiểu là…”, hoặc “Tôi hiểu rằng bạn rất quan tâm đến vấn đề…”. Tránh đưa ra giải pháp hoặc lời khuyên khi ta không được yêu cầu. Bởi vì lời khuyên không được yêu cầu thường khiến người nghe đi vào thế phòng thủ. Tránh việc cố gắng giải quyết những vấn đề hoặc mối quan tâm của người khác thay cho họ; vì điều này làm suy giảm hiệu quả tiến trình trợ giúp. Khi ta tự nguyện đặt trách nhiệm giải quyết vấn nạn của người khác vào cho bản thân mình là ta đang thay vì thi hành nhiệm vụ hướng dẫn giúp họ đưa ra phương án giải quyết tốt nhất cho cuộc đời của họ, thì ta lại dường như muốn đang sống thay cho họ - đây là điều không thể xảy ra. Chính họ phải sống cuộc đời của họ, chứ ta không sống thay cho họ, vì thế hãy để cho họ quyết định. Ta chỉ là người đồng hành với họ, ta có thể cầm đèn chiếu ánh sáng giúp họ bước đi trên con đường của họ, chứ không hành động thay thế họ.

T thay thế cho tính từ timely – đúng lúc, kịp thời. Phản ánh cảm xúc của người đang cần ta trợ giúp vào đúng thời điểm thích hợp. Tránh gây gián đoạn, cố gắng chỉ tiếp lời khi họ đã nói xong. Sau khi lắng nghe những điều được chia sẻ, ta nên dành một khoảng thời gian ngắn ít là một đến hai giây, để người chia sẻ có thể bổ túc thêm những điều họ chợt nhớ, đồng thời cũng là khoảng thời gian để bản thân ta “uốn lưỡi bảy lần” trước khi đưa ra một phản hồi hay đặt câu hỏi tiếp tục. Vào mỗi thời điểm, ta chỉ cần tập trung vào một vấn đề, cố gắng lựa chọn một cảm xúc hay một ý tưởng nổi bật nhất chứ đừng nuôi tham vọng giải quyết tất cả mọi vấn nạn. Xác nhận cảm xúc (cảm xúc nội tâm, trải nghiệm, và cảm nhận đều cần thiết) là chìa khóa mở ra tấm lòng của họ. Tập trung nhiều vào cảm xúc của chính họ hơn là những sự kiện diễn ra xung quanh. Tránh dùng họ như công cụ khai thác thông tin về người thứ ba. Cũng không nên đưa ra hàng loạt những câu hỏi cùng một lúc, vì người nói và người nghe đều dễ dàng bỏ lỡ những thông tin cần thiết. Hãy lần lượt đưa ra từng câu hỏi vào thời điểm thích hợp. Những câu nói như: “Nghe có vẻ dường như bạn cảm thấy ....”, “Dường như bạn cần ....” thật là hữu ích để thăm dò cảm xúc của người mà ta đang đối thoại. Thỉnh thoảng ta cũng sẽ gặp phải những trường hợp vì lý do nào đó, người chia sẻ vòng vo, lan man, hoặc lặp đi lặp lại một vấn đề. Trong trường hợp này, sau khi đã kiên nhẫn lắng nghe, ta nhẹ nhàng can thiệp vào để hướng cho họ tập trung hay nhận ra điều chính yếu họ muốn đề cập đến là gì?  Tránh dùng những lời phê bình, nhận xét nặng lời rất dễ gây tổn thương cho họ.

E thay thế cho tĩnh từ even – điềm đạm, bình thản. Lắng nghe thật bình tĩnh, đừng vội phản ứng. Kiểm soát cảm xúc của ta và suy nghĩ trước khi nói. Những phản ứng gây ra do cảm xúc nơi ta (ví dụ: sốc, bất ngờ, giận dữ, ghê tởm, đau đớn, sợ hãi) khiến cho người kia khép lòng, giữ thái độ im lặng. Họ đang cần sự giúp đỡ của ta, họ cần ta tập trung vào cảm xúc của chính họ, chứ không phải để chịu đựng những cảm xúc mới phát sinh từ phía ta. Thường những người cần sự trợ giúp đang trong tình trạng bất an, điều họ đang cần là một ai đó có khả năng giúp họ vượt qua những khó khăn hiện tại. Làm sao ta có thể trao ban được điều mà chính bản thân mình chưa có?  Vì thế ta cần có sự tự tin, bình thản và hy vọng để có thể nâng đỡ, chia sẻ cho những người đến với ta. Một khi lòng mình bất an, ta hãy hẹn buổi gặp gỡ, trò chuyện vào dịp khác. Vì theo kinh nghiệm, khi tâm ta chưa an, ta thường gây tổn thương cho người khác, và hậu quả của những buổi gặp gỡ vội vàng, thiếu chuẩn bị sẵn sàng thường đem đến tai hại hơn là chữa lành.

N thay thế cho tĩnh từ nonverbal – ngôn ngữ không lời. Thỉnh thoảng ta nên đưa ra những biểu lộ âm thanh như “Mm hmm”, “Ồ”, hay những biểu hiện trên khuôn mặt như một ánh mắt kiên định và nụ cười ấm áp giúp người đang chia sẻ biết rằng bạn đang lắng nghe họ. Thông thường khi chúng ta lắng nghe một ai đó, chúng ta đón nhận những gì họ nói được bày tỏ bằng những lời bề ngoài. Có những lần khác, chúng ta có cảm giác rằng những thông điệp mà họ muốn chuyển tải nhiều hơn những từ ngữ, có nghĩa là còn có điều gì đó hơn lời không thực sự nói ra, thậm chí có khi còn có điều gì đó mang ý nghĩa ngược lại. Đôi khi có những manh mối để giúp ta lắng nghe được điều mà lời không diễn tả: nói rằng không xấu hổ nhưng lại không dám nhìn trực diện vào mắt ta, nói rằng không tức giận nhưng mím chặt môi, nói rằng mọi chuyện đều tốt đẹp nhưng lại rơi nước mắt, và nói rằng chỉ đùa thôi mà không hề nở nụ cười… Hãy luôn đặt câu hỏi đâu là những thông điệp chứa đựng trong ngôn từ diễn tả bằng lời cũng như không lời.

KẾT

Giờ đây ta đã biết ý nghĩa quan trọng và hiệu quả thiết thực của việc thực sự lắng nghe, vậy hãy tự hỏi bản thân, “tôi có biết lắng nghe gia đình, bạn bè và đồng nghiệp không?” Tốt hơn hết, hãy hỏi trực tiếp những người ấy! Họ sẽ phản hồi cho ta biết khả năng lắng nghe của ta ở mức độ nào. Lắng nghe là một nghệ thuật; chúng ta không thể có thói quen thực hành kỹ năng này nếu không có việc tự học và luyện tập. Hy vọng những gợi ý trên đây có thể gợi mở cho người đọc có phương án tự huấn luyện bản thân để có thể đạt được khả năng lắng nghe đích thật và hữu hiệu.

Hãy ghi nhớ lời thánh Gia-cô-bê tông đồ đã nhắn nhủ: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói… (1,19).” Trong sách Châm Ngôn cũng đề cập đến thái độ của người khôn ngoan đó là biết lắng nghe: “Người khôn ngoan hãy nghe để được thêm kiến thức; người hiểu biết hãy nghe, và sẽ tìm được lời hướng dẫn (1,5).”

Lm. Joseph Hoàng Ngọc Dũng

Nguồn: giaophanvinhlong.net

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch