Cô đơn, nếu không được đối diện và nắm bắt một cách thức có ý nghĩa, nó có thể làm cho chúng ta trở thành một con người chai đá và thiếu nhạy bén.

Cô đơn là một nỗi đau, giống như các nỗi đau khác chúng ta chịu đựng, nó phải được lắng nghe và được giải quyết. Không nhận biết cơn đau thể lý là rất nguy hiểm vì một đau đớn nhỏ có thể trở nên một bệnh lý nghiêm trọng nếu không được săn sóc. Việc từ chối lắng nghe nỗi đau xúc cảm và tâm lý cũng nguy hiểm không kém. Sẽ như thế nào nếu chúng ta không chịu lắng nghe nỗi đau cô đơn? Chúng ta sẽ thành người chai đá và thiếu nhạy bén. Điều này là do không chịu lắng nghe nỗi đau tâm hồn, tự mình bào mòn và làm chai sạn các nhu cầu và khát mong thực sự của mình, và với tất cả những gì thâm sâu nhất và êm ái nhất trong lòng. Kết quả luôn luôn là bi kịch. Với một con người chai sạn và cay đắng, tôi có thể chỉ ra cho bạn đó là người chưa bao giờ xử lý được với cô đơn của họ.

Một lần nữa tôi lại làm sáng tỏ điều này bằng một dụ ngôn hiện đại, Thiên thần đá (The Stone Angel), một tác phẩm của Margaret Laurence.

Thiên thần đá là câu chuyện về Hagar Shipley. Trong câu chuyện này, Hagar tự kể về mình khi bà đã chín mươi tuổi và suy gẫm lại cuộc đời:

Bà là con gái của một chủ cửa hàng trong một thị trấn ở thảo nguyên Canada. Cha của bà là một người giàu có và có giáo dục hơn hầu hết dân trong vùng đó. Từ rất sớm, Hagar đã học ở người cha sự khinh thị đối với người không đáng giá bằng, không sáng trí bằng và những người yếu đuối hơn cô. Cũng từ rất sớm, cô học thói coi thường sự yếu đuối, cho dù ở bất cứ kiểu nào, ở trong cô hay nơi người khác. Theo những gì cô học được, thì bí mật đời sống là sự tự tin và độc lập, không bao giờ khóc, và mạnh mẽ hơn người khác.

Khi lớn lên, tốt nghiệp ở một trường phía Đông, cô trở về giúp đỡ công việc làm ăn của cha, Hagar học được nhiều hơn để chế ngự mình một cách hoàn hảo, để dửng dưng trước mọi chuyện, không nồng hậu cũng không thương cảm ai, không yếu đuối, cô đơn cũng không khóc trong lòng.

Cha của cô xem cô là người có văn hóa quá cao, không muốn cô quen biết với những chàng trai bản xứ, nhưng cô bác bỏ điều này, lại còn kết hôn với Bram Shipley, một người thô lỗ, bất lịch sự, vô cảm và vô tôn giáo nhất trong vùng. Anh lớn hơn cô vài tuổi. Nhưng than ôi, Hagar quá vô cảm đến nỗi cô không quan tâm đến những vấn đề đó!

Cô không trông mong gì từ anh (hay từ cuộc sống) và cũng chẳng nhận được gì. Cô không hạnh phúc cũng không buồn bã, không nản lòng, không khóc lóc, đời sống của cô xấu dần đến mức không còn gì. Điều tệ nhất, cô hoàn toàn không có hứng thú gì để làm nó trở nên tốt hơn. Khi lập gia đình với Bram, cha của cô đã từ cô và bây giờ khi sống ở một trang trại ngoại ô, cô còn không vào thị trấn để mua sắm hay đi nhà thờ. Cô không còn chăm sắc diện mạo bên ngoài, nhìn bên ngoài, cô giống như anh chàng Bram rách nát. Cô sống kiểu này trong hai mươi bốn năm vô nghĩa. Rồi một việc bất ngờ đặc biệt choáng váng đã làm cô phải hành động và xém cứu được cô.

Sau hai mươi năm hiện diện vô thức, diện mạo của cô suy giảm thê thảm. Một ngày nọ, cô cùng John, con trai của cô, đi đến thị trấn để bán trứng. Lúc đó đang là mùa đông và cô ăn mặc cực kỳ bê tha, áo trùm đầu cũ kỹ lụng thụng. Cô bấm chuông một nhà khá giả, một cô gái ăn vận đẹp ra chào. Cô gái trẻ gọi mẹ: “Mẹ ơi, có người đến bán trứng!” Mẹ cô quay ra và không ai khác, đó là một trong những người bạn thời trung học của Hagar (một người mà Hagar luôn khinh thị và cảm thấy mình cao hơn cô ta một bậc). Khi nghe cô con gái người bạn học cũ gọi mình là “người bán trứng” cô bị chấn động, lần đầu tiên trong nhiều năm, cô nhìn lại mình. Ngay sau khi rời căn nhà đó, cô đến một phòng tắm công cộng và nhìn vào gương. Một nỗi đau thiêu đốt cô. Trong giây phút ơn huệ đó, cô không thể hiểu nỗi chính cô: “Tôi đứng đó rất lâu, nhìn ngắm, tự hỏi làm sao mà một con người có thể thay đổi quá nhiều và không bao giờ thấy được sự thay đổi đó. Dần dần nó xảy đến… Khuôn mặt, một khuôn mặt rám nắng và khô cứng không phải là khuôn mặt của tôi. Chỉ có đôi mắt là của tôi, nhìn chằm chằm như thể muốn đâm xuyên tấm gương dối trá và tìm kiếm một hình ảnh chân thực hơn, một hình ảnh xa cách vô cùng.”

Vào lúc đó, trong đầu cô nảy sinh ý định bỏ chồng. Và cô thực hiện việc đó trong vòng vài ngày, cô đưa đứa con trai đi cùng mình. Cô đi đến vùng bờ biển phía Tây, làm quản gia cho một bà góa thế giá, và từ từ lấy lại phong độ, cách nói chuyện văn hóa, và vẻ ngoài của mình. Nhưng cô không có cách nào lấy lại cảm xúc của mình. Cô sống bên lề cuộc sống của cô như khi cô sống với Bram, lạnh lùng, lãnh đạm, vô cảm, khinh thị yếu đuối nơi người khác và cả với chính mình. Cô kìm nén tâm trạng cô đơn, không bao giờ khóc, một khoảnh khắc cũng không cho phép mình tỏ ra nồng hậu chân thực hay lộ tâm trạng cô đơn của mình cho người khác thấy.

Suốt cuộc đời, cô cũng có những giây phút mở tấm lòng dịu dàng như khi con trai rời nhà ở bên kia bờ đại dương suốt cuộc chiến. Lúc đó là lúc dịu dàng, lúc cảm xúc, nhưng Hagar, luôn luôn như vậy, kềm chế không mở lòng lúc khai thị, giây phút mà Thiên Chúa xuyên thấu lòng cô. Cô từ chối cả việc ôm lấy đứa con khi anh nói tạm biệt: “Đột nhiên, tôi đã muốn ôm lấy nó thật chặt, cầu xin nó, chống lại tất cả lý do và hiện thực đã bắt nó phải ra đi. Nhưng tôi không muốn làm khó cho cả nó và tôi, cũng không muốn nó nghĩ rằng tôi đã xúc động đến mất đi ý thức của mình.”

Sự kiện này tiêu biểu cho trọn cuộc đời cô. Nhiều lúc, cô hầu như mở ra với sự nồng ấm, thương cảm và dịu dàng chân thực, nhưng luôn luôn, đúng lúc đó, ttr phòng vệ, chai đá, giữ vẻ bề ngoài đúng chuẩn đã đẩy lùi và ngăn chặn không cho cô thực hiện được hành động từ bỏ đó.

Kết quả là, cô bước đi trong cuộc đời, với niềm tin rằng đời là một sự lừa lọc tàn ác, không có gì thực sự dành cho mình. Sự bất lực của cô trong việc tin vào có một khả thể cho quan hệ giữa con người với nhau và giữa cộng đồng, ngăn không cho cô tin vào Thiên Chúa. Mối liên hệ của cô với Thiên Chúa, cũng như với tha nhân và với đời sống của cô nói chung, là mối liên hệ dửng dưng hoàn toàn. Cô cho là mình không thể biết về điều mà đời sống và tha nhân tặng cho mình, và một cách lôgic, cô cho là không thể nhận biết Thiên Chúa và những gì Ngài ban cho chúng ta.

Cơ hội cuối cùng cho cô nắm lấy đời sống của mình đến vào chính giờ chết. Mục sư của con dâu và người con trai của đến viếng thăm phòng bệnh.

Khi ông mới bước vào phòng, bà chào đón vị mục sư Troy với thái độ vừa thực dụng vừa lãnh đạm. Bà cảm thấy ông chẳng có gì để cho bà, nhưng bà vẫn sẽ lịch sự để có thể mời ông đi dễ dàng. Ông hỏi bà liệu ông có thể cầu nguyện cho bà hay không. Lúc đầu bà từ chối, nhưng rồi, nhớ lại những khúc thánh ca đã nghe trong nhà thờ khi thời trẻ, bà yêu cầu ông hát một bài. Ông đồng ý và bắt đầu hát. Khi ông hát, ngôn từ của bài hát, cùng với trực giác của một người đang thấy cái chết kề bên, đã làm lóe lên một khoảnh khắc nhạy cảm, một khai ngộ:

“Tất thảy mọi người trên địa cầu,

Hãy cất tiếng hát lên reo mừng Thiên Chúa.” 

Tôi hẳn đã mơ ước điều đó. Nhận thức này đến với tôi quá mãnh liệt, quá choáng váng, và quá chua cay, một cảm giác mà tôi chưa từng cảm nhận. Hẳn là tôi luôn luôn, luôn luôn muốn một điều _ đơn giản là hân hoan. Nhưng sao tôi không bao giờ có thể làm được vậy? Tôi biết, tôi biết. Bao lâu rồi tôi đã biết? Hay là tôi đã luôn luôn biết, trong một kẽ hở xa xăm của quả tim tôi, một hang động bị chôn chặt quá sâu, quá giấu kín? Tất cả hoan lạc tốt đẹp mà tôi có lẽ đã có được, nơi người chồng hay người con của tôi, hay thậm chí là ánh sáng mộc mạc của buổi sáng, của việc bước đi trên mặt địa cầu này, tất cả đã khựng lại, bởi sự cần thiết một vẻ ngoài hợp lý đã kìm hãm chúng – ôi, hợp lý đối với ai đây? Khi nào tôi mới nói sự thật cho quả tim tôi? Sự kiêu hãnh chính là vùng hoang vu của tôi, và con quái vật dẫn dắt tôi đến đó chính là nỗi sợ hãi. Tôi chỉ có một mình, chẳng có điều gì khác ngoài một mình, và không bao giờ tự do, vì tôi mang xiềng xích trong tôi, và chúng lan rộng từ nơi tôi và ngăn chặn tất cả những gì tôi chạm vào.

Tuy nhiên, cũng như nhiều lần trước đó, Hagar cự lại sự cứu độ. Bà không cho mình khóc, không cho mình thừa nhận lỗi lầm, không vươn tay ra để được cứu. Thay vào đó, sau giây phút ân sủng, bà lại rút vào cái tôi chai đá của bà và bỏ lỡ ơn cứu độ. Đất đã ẩm xốp, cơn mưa đã đến, ánh mặt trời đã sưởi ấm vùng đất màu mỡ, nhưng bà đã không chịu gieo hạt.

Cơ hội cuối cùng để bà có được những giọt nước mắt mang ơn cứu độ trước khi bà chết là lúc người con trai đến gặp mẹ. Anh lúng túng nán lại bên giường bệnh của mẹ, bà cảm thấy anh muốn hai mẹ con hòa hợp với nhau (Như Giacop vật lộn với thiên thần: “Tôi sẽ không để ngài đi nếu ngài không chúc lành cho tôi!”) Bà giả vờ dịu dàng và đưa tay ra chạm đến anh, nhưng bên trong quả tim bà vẫn là sự xa lánh. Bà đã dối lừa để đẩy anh đi, và rồi thậm chí ngay cả trên giường bệnh, bà không thể chạm đến được giây phút nồng ấm của sự gần gũi chân thực. Và như thế, bà đã ra đi cũng như khi bà sống, xa lánh cuộc đời, xa lánh chính mình, xa lánh của nhu cầu của mình, tâm hồn mình, xa lánh người khác và xa lánh cả Thiên Chúa nữa. Không chờ mong điều gì và không chờ nhận gì!

Đó là câu chuyện của Hager Shipley, một bi kịch có thể so sánh với bất kỳ bi kịch nào của Shakespeare. Thật vậy, câu chuyện của Hagar còn bi thảm hơn nữa. Trong những bi kịch của Shakespeare, các nhân vật của ông ít nhất cũng chết đi trong sự nắm bắt, trong mưu cầu đam mê, công lý và ý nghĩa, mưu cầu tình yêu và chủ đích. Chỉ có Hagar tội nghiệp, chết đi mà không mưu cầu bất cứ điều gì, thậm chí cả cái chết.

Ở trang thứ hai của tự truyện, Hagar mô tả bia mộ mà bà vẫn thường đọc thấy khi còn trẻ:

Yên nghỉ

Bởi lao công miệt mài,

Regina Weese, 1886

Bà thêm vào: “Quá buồn cho Regina, giờ đây đã chìm vào quên lãng ở Manawaka, cũng như tôi, Hagar, chắc chắn sẽ bị lãng quên. Và tôi đã luôn cảm giác rằng cô ấy chỉ có đổ lỗi cho chính mình, bởi cô ấy là một tạo vật tầm thường và nhu nhược, nhạt nhẽo như cái bánh trứng.”

Bất hạnh thay, Hagar tội nghiệp cũng chỉ có thể than trách mình bởi cô giờ đã bị quên lãng, quên lãng vì cô đã sống một đời sống không có say mê, không có tâm trạng cô đơn hay tình yêu, không có sự sống và Thiên Chúa – nhạt nhẽo như cái bánh trứng!

Câu chuyện này, như câu chuyện Hành trình của con thỏ của Updike, cũng là một dụ ngôn, một dụ ngôn đau đớn mô tả tâm trạng chai đá tận cùng của tâm hồn, một gặm nhấm tội lỗi không thể tha thứ chống lại Thần Khí. Hagar, cũng như hàng triệu người chúng ta, có lẽ không chịu lắng nghe tâm trạng cô đơn và nỗi đau trong tâm hồn mình. Thay vào đó, cố bào mòn tiếng nói đó, làm chai đá chính mình với tiếng gọi của nó, và chối từ việc lắng nghe. Kết quả là, và luôn luôn đó là kết quả của những trường hợp như vậy, tạo ra một con người không nhạy cảm, đóng băng trong sự bất lực không cảm nhận bất cứ điều gì, dù cô đơn hay tình yêu. Kết quả là thành một người lệch lạc đến mức không thể rơi một giọt nước mắt. Với một người như vậy, việc có được một đời sống có ý nghĩa là điều không thể, vì ơn cứu độ cần có những giọt nước mắt của con người như những bông hoa mùa xuân cần dòng nước nuôi dưỡng khi băng giá mùa đông tan.

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser

J.B. Thái Hòa dịch

Nguồn: phanxico.vn

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm A đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1 ___________________

Every Week God Speaks – We Respond, Cycle A was published Online in the US. The introduction of the book is recorded at “Sách của Tác giả Chủ trương, Column 1.

Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm B đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ cuối cột 1

  Hằng tuần Chúa Nói Ta Đáp, Năm C đã được xuất bản tại Hoa Kì và được xuất bản lần 2 tại Việt Nam. Lời giới thiệu về sách được ghi ở Mục: Sách của Tác giả trang chủ, cuối cột 1.

   ------------------------------------

 Năm Mục Vụ Giới Trẻ 2021.  HĐGM ấn định một chương trình Mục vụ Giới trẻ 3 năm với các chủ đề tương ứng: Năm 2020: Đồng hành với người trẻ hướng tới sự trưởng thành toàn diện.

Năm 2021: Đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình. Để hiểu ý nghĩa và thực hành, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://giaophannhatrang.org/vi/news/muc-vu-gioi-tre/cong-bo-logo-nam-muc-vu-gioi-tre-2021-20614.html

Năm 2022: Đồng hành với người trẻ trong đời sống Giáo hội và xã hội.

--------------------------------

Năm Thánh Giu-se: Nhân kỷ niệm 150 năm Đức Giáo hoàng Pio IX chọn thánh Giuse làm Đấng Bảo Trợ Giáo Hội Công Giáo, Đức Phanxicô đã ban hành Tông thư “Patris corde” – Trái tim của người Cha – và công bố “Năm đặc biệt về thánh Giuse” từ ngày 8/12/2020 đến ngày 8/12/2021. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng vào hoàn cảnh VN, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-thanh-giuse-nhung-dieu-nguoi-cong-giao-can-biet-61799

--------------------------------------

Năm “Gia đình Amoris Laetitia” 2021 về “Vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu gia đình” do Bộ Giáo Dân, Gia Đình và Sự Sống tổ chức, được Đức Phanxicô khai mạc dịp Lễ Thánh Giuse 19/ 3/ 2021 và bế mạc ngày 26/6/2022 trong dịp Hội Ngộ Thế Giới các Gia Đình lần thứ 10 diễn ra tại Roma. Để biết thêm ý nghĩa và áp dụng, xin nhấn vào đường dẫn này:

https://tgpsaigon.net/bai-viet/nam-gia-dinh-amoris-laetitia-muc-tieu-va-sang-kien-62928

 --------------------------------------

Hình ảnh giải trí.

 

Dương Lịch & Âm Lịch