WHĐ (28.09.2023) – Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, trong bài có tựa “Hòa thuận trong đời sống gia đình” đã viết như sau: “Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn. Trong đời sống gia đình, sự hòa thuận là một điều quan trọng và rất cần thiết, vì nhờ sự hòa thuận mà các thành viên được liên kết gắn bó với nhau như các bộ phận trong cơ thể con người.
Anh em nào phải người xa, / Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân, / Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy (Ca dao).
“Sự hòa thuận càng quan trọng trong đời sống vợ chồng vì đó là mối dây ràng buộc làm cho vợ chồng khăng khít với nhau không thể chia lìa được. Đời hôn nhân – gia đình lý tưởng rất phong phú mà cũng phức tạp. Vì đó là sự hòa hợp của yêu thương trên cơ sở của rất nhiều khác biệt. Khác biệt về giới tính, sinh lí, tâm tính, văn hóa – giáo dục, tín ngưỡng, … Không biết dung hòa thì ắt sẽ bùng nổ bất hòa, rồi chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh. Bởi thế các bậc cha mẹ ông bà ta mới quả quyết: Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn.”[1]
Thực vậy, trong đời sống vợ chồng sự hòa thuận thương yêu nhau luôn được coi là một gia tài quý giá hơn cả vàng bạc châu báu trên đời này và nó tạo ra một sức mạnh đặc biệt có khả năng biến gia đình thành tổ ấm yêu thương, biến những cơ cực khổ lụy thành niềm vui hạnh phúc. Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy tình yêu mơ mộng ban đầu sẽ nhạt dần để nhường chỗ cho những chuỗi ngày đối diện với thực tế phải chịu đựng và giải quyết muôn vàn khó khăn trong đời sống, nhất là phải làm sao vững vàng, mạnh mẽ và khéo léo nhằm duy trì mối quan hệ bền chặt giữa hai vợ chồng. Đúng như ý nghĩa của các câu danh ngôn sau: “Hôn nhân không phải là luống hồng mà là bãi chiến trường” và “Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller). Thực tế cho thấy, trong môi trường sống phức tạp và khó khăn của đời vợ chồng, đôi bạn luôn là những chiến binh dũng cảm dám chiến đấu đến cùng để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc của mình.
Trong bài báo có tựa “Hòa hợp sau hôn nhân”, người ta đã nhận định như sau: “Nhiều người đã đúc kết ra rằng, tình yêu không phải là tất cả, sau này về chung sống sẽ hiểu, bởi trải qua một quãng thời gian, cần sự hòa hợp chứ không đơn thuần chỉ là tình yêu. Một thực tế đáng buồn hiện nay là không ít đám cưới đến từ kết quả của một tình yêu dài đẹp đẽ và tràn đầy hạnh phúc, nhưng lại đổ vỡ chỉ vì những khúc mắc rất nhỏ nhặt. Khi yêu, nhiều người nhận thấy đối phương có cách nghĩ, cách sống khác mình nhưng lúc đó, họ chỉ nghĩ đơn giản là tình yêu và thời gian sẽ xóa nhòa sự khác biệt ấy. Nhưng về sống với nhau, khi ‘khoảng trời riêng’ va chạm nhau chan chát, họ đi từ sự khác biệt đến đối chọi, mâu thuẫn cứ gặm nhấm dần và cuối cùng là giết chết tình yêu.”[2]
Chúng ta biết rằng, đời sống hôn nhân không phải lúc nào cũng êm ả xuôi chèo mát mái cả đâu. Có những lúc sóng gió nổi lên ào ào khiến cho cuộc sống của đôi bạn trở nên nặng nề, khó chịu. Những lúc như vậy, chúng ta phải bình tĩnh để nhận ra rằng những gì xảy ra dù có phức tạp đến mấy đi nữa thì cũng là chuyện bình thường và rồi cũng có cách giải quyết. Như một danh nhân đã nói: “Bí quyết lớn nhất làm cho cuộc hôn nhân thành công là coi tất cả các tai họa là chuyện nhỏ và không bao giờ biến chuyện nhỏ thành tai họa” (Harold Nicholson). Đúng vậy nên coi tất cả là chuyện nhỏ vì, như người xưa đã nói cái chén cái bát đặt cạnh có lúc cũng xô đẩy nhau huống chi con người.
Tuy nhiên, như ta thường nói “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, để giúp ngăn ngừa các đổ vỡ do mối bất hòa xảy ra giữa hai vợ chồng, người ta đã đưa ra một số bí quyết cụ thể mà nội dung bao hàm các chữ “HÒA” theo châm ngôn “Dĩ hòa vi quý” của người xưa để lại. Đó là Hòa hợp, Hòa đồng, Hòa hoãn và Hòa giải.
Sau đây chúng ta sẽ bàn về 4 bí quyết đã nêu trên.
Ai trong chúng ta cũng đều biết rằng vợ chồng sống hòa hợp với nhau lâu dài là điều rất khó vô cùng nhưng đó lại được coi là điều kiện tiên quyết để đôi bạn sống hạnh phúc và tránh được nhiều xung đột đổ vỡ. Sống hòa hợp với nhau không có nghĩa là hai người cố gắng để trở nên giống nhau, để tìm mọi cách làm vừa lòng nhau hay thậm chí để tâng bốc nhau hay lừa dối nhau. Không phải vậy. Sống hòa hợp với nhau là một nỗ lực của cả con tim và của lý trí, làm sao để hai người luôn là chính mình nhưng sẵn sàng gắn bó với bạn đời, như thể hai-trong-một nhưng vẫn là hai, “Ta với mình tuy hai mà một, mình với ta tuy một mà hai”. Đó là mầu nhiệm nên một trong hôn nhân. Ơn gọi của hôn nhân là sống với nhau suốt đời, trọn tình, vẹn nghĩa, chứ không phải cưới nhau rồi loại trừ nhau hay bỏ nhau.
Các chuyên gia tâm lý tình yêu hôn nhân cho rằng những đôi vợ chồng sống hòa hợp lâu dài luôn là những đôi bạn biết chấp nhận nhau, biết thích nghi với nhau và biết thay đổi bản thân để hòa hợp.
1.1. Chấp nhận nhau: Trong khi hai giới tính nam-nữ rất khác biệt nhau thì mỗi cá nhân này với cá nhân kia cũng có nhiều điểm không tương đồng, vì bá nhân bá tính. Thế nhưng khi cưới nhau, người nam và người nữ sẽ tình nguyện về sống chung với nhau trong một mái nhà. Cuộc sống chung luôn là một thử thách lớn đối với mọi người khi bước vào đời sống hôn nhân. Trên thực tế ta thấy rằng có nhiều đôi bạn sau một thời gian ngắn kết hôn, vì không thể chấp nhận làm bạn đường của nhau đã đưa nhau ra tòa xin ly hôn. Ly hôn sớm trong những năm đầu thì ta gọi là “Ly hôn xanh”, còn ly hôn khi đã bước vào tuổi xế chiều thì ta gọi là “Ly hôn xám”. Đó là hệ quả của việc hai vợ chồng không-thể-chấp-nhận-sống-với-nhau lâu dài.
Do đó, để giữ sự hòa hợp lâu dài, đôi bạn phải biết chấp nhận nhau như là một người bạn đời không thể thiếu được của mình. Dù khác biệt nhau, nhưng họ hiểu nhau, thương nhau, cần nhau và luôn gắn kết với nhau như bóng với hình. Khi nói chấp nhận nhau thì có nghĩa là đôi bạn sẵn sàng đón nhận tất cả thực tế hiện sinh của con người bạn đời. Ưu điểm cũng như khuyết điểm. Sở trường cũng như sở đoản. Mặt mạnh cũng như mặt yếu. Tính tốt cũng như thói xấu v.v… Như có câu nói sau: “Hãy vững tin vào những mặt mạnh của nhau và bỏ qua những điểm yếu của nhau” (Khuyết danh).
1.2. Thích nghi với nhau: Người ta nói đến vấn đề thích nghi trong hôn nhân như là một nghệ thuật sống. Nghệ thuật thích nghi. Ông bà ta thường nói, “Ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Điều đó có nghĩa là hai bạn khi về chung sống với nhau họ phải từng bước trưởng thành để người này thích nghi với người kia, làm sao để trong cách cư xử và hành động họ có thể tìm được tiếng nói chung. Như một danh nhân đã nói: “Họ là hai tâm hồn nhưng một ý nghĩ, là hai quả tim nhưng một nhịp đập” (Maria Lowell). Nhưng nếu vì một lý do nào đó hai người không thể và không muốn thích nghi với nhau, lúc đó thay vì họ kết hợp nên một trong tình yêu, trong lý tưởng, thì họ lại rời xa nhau. Thực vậy, “Nhiều cuộc hôn nhân thay vì cộng hai người lại với nhau, thì lại trừ người này khỏi người kia” (Ian Fleming). Đó là bi kịch của một cuộc hôn nhân không áp dụng nghệ thuật thích nghi một cách triệt để.
1.3. Thay đổi bản thân: Để sống hòa hợp và thích nghi với nhau, điều cần thiết nhất là mỗi bạn phải biết mình và biết người kia. Biết mình để tự điều chỉnh, còn biết người kia để nhắc nhở, hỗ trợ và thăng tiến họ. Chúng ta biết rằng, ai trong chúng ta cũng có những thói quen không tốt. Nếu ta nhận ra bản thân mình hay bạn đời có những thói quen xấu đang làm ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng thì hãy cố thay đổi, sửa chữa nó. Thay đổi bản thân trước hết là mỗi người chúng ta nhận ra những khuyết điểm, thiếu sót của chính mình để cố gắng tự sửa sai, tự điều chỉnh. Nếu người chồng keo kiệt còn người vợ hoang phí thì khó ở chung với nhau lâu dài. Vậy tốt nhất là chồng bớt đi tính keo kiệt, biết rộng rãi hơn, còn vợ hãy giảm bớt chi tiêu vung vãi để tiết kiệm ngân sách gia đình. Một ví dụ khác, không bà vợ nào chấp nhận một ông chồng nóng tính, gắt gỏng, vũ phu. Vậy nếu chồng mắc phải tật xấu đó thì phải thay đổi bản thân, làm sao để trở nên hiền lành, nhu hòa và đối xử với vợ con cách nhân bản hơn.
Kinh nghiệm cho thấy đôi vợ chồng nào biết sống hòa đồng với nhau thì họ sẽ hạnh phúc lâu dài. Hòa đồng tức là không có cảnh “chồng chúa vợ tôi”, không còn cảnh kẻ trên người dưới, không còn tình trạng vợ là osin của chồng, hay chồng là đầy tớ phục vụ cho vợ. Hôn nhân đích thực không chấp nhận điều đó. Trong hôn nhân, hai người nam-nữ là bạn đời của nhau, không ai hơn ai, không ai làm chủ của ai. Họ bình đẳng với nhau trước lương tâm và trước pháp luật. Không ai được phép đối xử bất công, bất bình đẳng với bạn đời mình. Danh ngôn có câu: “Chính sự bình đẳng mới có thể làm cho tình yêu vững bền” (G.E.Lessing).
Ngày nay, người ta nói nhiều đến tệ nạn gia trưởng trong đời sống hôn nhân, trong đó người chồng dễ mắc phải và trong nhiều trường hợp nó trở thành một căn bệnh trầm kha khó chữa. Người ta đã dùng cụm từ “bệnh gia trưởng” hay “thói gia trưởng” để chỉ tính cách độc đoán, bảo thủ, cứng cỏi, nóng nảy, vũ phu của những ông chồng luôn muốn thống trị, sai bảo vợ con hơn là lãnh đạo, phục vụ, chăm sóc gia đình. Tất nhiên trong mối quan hệ vợ chồng, nếu xảy ra căn bệnh gia trưởng thì đôi bạn khó mà tận hưởng được bầu khí yên vui hòa hợp được.
Các chuyên gia tâm lý khuyên rằng trong khi xảy ra bất kỳ mối xung khắc bất đồng nào, đôi bạn hãy bình tĩnh, khoan giận hờn, không nóng nảy, bớt tự ái để có một thái độ hòa hoãn thích hợp. Bởi vì nhiều khi chuyện bé thì xé ra to, chuyện nhỏ thì làm cho phình ra lớn, khiến cho vợ chồng luôn sống trong căng thẳng, khó chịu.
Thực vậy, chúng ta biết rằng khi xung đột, mâu thuẫn xảy ra, chúng ta phải biết tùy thời điểm thích hợp để giải quyết, vì nếu không chọn thời điểm thích hợp thì có khi chuyện nhỏ thành to, chuyện đơn giản thành phức tạp. Cuối cùng chúng ta không đạt được mục đích theo ý mình muốn. Một tác giả đã viết như sau: “Lựa chọn thời điểm để hóa giải mâu thuẫn là một điều rất quan trọng. Hãy quyết định trò chuyện khi cả bạn và đối phương đều đã bình tĩnh, bớt tức giận. Bởi vì khi đó đôi bên mới có thể suy nghĩ thấu đáo những lời người kia nói và thấu cảm, đồng cảm với nhau. Nếu như bạn đời của bạn vẫn đang bực bội, khó chịu trong người, đừng vội phân trần hay giải thích với người ấy bất kỳ điều gì vì điều đó chỉ gây phản tác dụng. Thay vào đó, hãy làm những hành động thể hiện sự quan tâm dành cho đối phương, để người ấy cảm nhận được tình cảm chân thành từ bạn. Ví dụ như làm bữa ăn tối, hay pha cho người ấy một cốc nước trái cây mà người ấy thích, hoặc nếu có thể, đàn hát một bài hát như một lời nhắn nhủ sẽ giúp đối phương nhanh chóng bình tĩnh trở lại.”[3]
4.- Chấp nhận HÒA GIẢI khi có xung đột
Ai cũng biết trong đời sống gia đình, vợ chồng khó tránh khỏi những va chạm, mâu thuẫn, xung khắc này nọ. Bởi, “Chén bát còn có lúc xô xát, huống chi vợ chồng” (Tục ngữ Việt Nam). Do đó, điều quan trọng trong đời sống vợ chồng không phải là tránh mâu thuẫn nhưng là tìm cách giải quyết tốt đẹp, êm thắm những xung đột. Đó là con đường hòa giải. Tùy theo tính cách, kinh nghiệm, trình độ và hoàn cảnh sống của mỗi gia đình, chúng ta sẽ có những giải pháp riêng biệt, đặc thù. Một cách chung nhất, dựa theo kinh nghiệm của nhiều người, có thể đưa ra mấy giải pháp chẳng hạn:
- Một sự nhịn chín sự lành;
- Nếu lỡ có tranh cãi thì “Hãy nhường cho chồng/ vợ của bạn thắng trong cuộc tranh cãi, nếu cần có người thắng” (Danh ngôn);
- Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau cãi vã (Alfred Musset);
Tóm lại, hãy luôn giúp nhau sống bao dung, tha thứ. Hai người phải chứng minh người này luôn cần thiết cho người kia, luôn biết lắng nghe và cảm thông. Hãy biết giữ mình để không bao giờ là người gây chiến trước. Luôn tự chủ để làm chủ lời nói, thái độ và các phản ứng của mình. Đặc biệt không bao giờ biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn…
Tác giả Nguyễn Đình Xuân, trong cuốn “Tâm lý học tình yêu gia đình” đã viết như sau: “Vợ chồng ăn ở với nhau dù yêu nhau thắm thiết đến đâu, cả cuộc đời cũng khó tránh khỏi được sự cãi cọ, hờn giận, ghen tuông bởi ‘bát đũa cũng có khi xô’ huống chi con người. Song vấn đề chính là cách thức giải quyết các sự va chạm đó như thế nào cho tốt.”[4]
Quả đúng vậy. Vấn đề của đôi bạn không phải là giải trừ hết những bất đồng, mâu thuẫn nhưng là giúp nhau tìm các phương cách khả thi để giải quyết khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng. Dưới đây, chúng ta sẽ thử bàn về một số quy tắc cơ bản giúp đôi bạn giải quyết thỏa đáng các mối bất đồng bất hòa giữa hai người.
Quy tắc đầu tiên, đó là hai bạn biết áp dụng khéo léo nghệ thuật nhượng bộ. Khi xảy ra xung đột, nếu cả hai người đều tỏ ra ngoan cố muốn dành phần thắng về mình thì sẽ chẳng giải quyết được gì. Nhưng nếu cả hai biết nhún nhường, nhịn nhục thì mối bất hòa dù lớn đến mấy cũng sẽ được giải quyết ổn thỏa. Ông bà ta đã nhắn nhủ, “Một sự nhịn chín sự lành”. Nhịn tức là nhượng bộ để cùng nhìn ra vấn đề và tìm cách giải quyết tốt đẹp. Nhịn không phải là thỏa hiệp một cách tiêu cực nhưng là coi trọng người bạn đời của mình vì biết rằng nhân vô thập toàn, ai cũng có sai sót khuyết điểm hay tính xấu này nọ và họ cần có thời gian để nhận ra và sửa chữa.
Trong lúc hai vợ chồng bất đồng, người nào biết cách nhượng bộ, người đó là người chiến thắng. Sự nhượng bộ sẽ đem lại hòa khí trong gia đình và nhất là có sức mạnh thuyết phục phía-bên-kia cũng nhượng bộ như mình. Khi hai người biết nhịn nhục, họ sẽ dễ dàng làm lành với nhau và cuộc chiến sẽ mau chóng kết thúc... Tác giả André de Mission đã viết: “Tìm hiểu nhau ba tuần, yêu nhau ba tháng, cãi nhau ba năm và nhường nhịn nhau suốt quãng đời còn lại”. Trong đời sống gia đình, ai mà chẳng mong ước hòa khí. Nếu cả hai bạn đều có thiện chí muốn nhượng bộ để làm hòa với nhau, thì chắc chắn gia đình sẽ êm ấm. Văn hào Alfred Musset đã nói: “Trong tình yêu, niềm khoái lạc nhất là lúc làm lành với nhau sau khi cãi vã”.
Trong bài viết có tựa đề “Bí quyết kìm chế cơn giận dữ trong hôn nhân” đăng trên trang vietnamnet.vn, tác giả đã chia sẻ như sau:
“Muốn hôn nhân được lâu dài, bền vững, các cặp vợ chồng cần học cách khắc phục những xung đột và tìm tiếng nói chung giữa hai bên. Trong hôn nhân, chuyện tranh cãi bất đồng là chuyện không thể tránh khỏi. Và nếu không bình tĩnh, cẩn thận thì mối quan hệ của bạn rất dễ dàng ‘đường ai nấy đi’. Vì thế đôi bạn cần quan tâm đến một số điều sau đây để giúp cả hai cùng ‘hạ hỏa’. Chẳng hạn:
“Đừng vội thất vọng. Nếu cả hai chưa tìm được tiếng nói chung thì hãy chủ động im lặng để người bạn đời có thời gian suy nghĩ.
“Dù tức giận đến mấy cũng không được đe dọa người bạn đời bằng ly hôn.
“Không lợi dụng những điểm yếu của nhau để công kích đối phương, buộc người bạn đời phải câm miệng.
“Không bao giờ được tái diễn cuộc cãi vã ngày hôm trước. Cuộc tái đấu khẩu bao giờ cũng quyết liệt hơn trận lượt đi. Âm hưởng của cuộc đấu hôm trước còn lâu mới tan.
“Đừng phóng đại tầm quan trọng của vụ xung đột từ lần trước. Nó chỉ làm cho những vấn đề thêm tồi tệ chứ không ích lợi gì. Trong khi bốc hỏa, ai cũng có thể nói quá lời. Đừng vin vào lời nói quá đó để đẩy xung đột lên cao hơn v.v…”[5]
Trong cuốn Những quy tắc trong đời sống vợ chồng, người ta đã nói đến vấn đề đôi bạn phải học cách điều khiển và kiểm soát tình huống khi có xung đột. Bài viết đã nhấn mạnh như sau: “Mâu thuẫn xung đột, cãi vã là điều không thể tránh khỏi trong hôn nhân, dù ít hay nhiều. Nó không phải là vấn đề gì nghiêm trọng vì mọi cuộc hôn nhân đều phải có xung đột. Đời sống vợ chồng mà không có đôi lần cãi nhau thì cũng kém phần thú vị! Nếu cư xử khôn khéo và hợp lý thì không những làm cuộc cãi vã mau kết thúc, mà còn làm tình cảm hai vợ chồng càng thắm thiết hơn. Ngược lại, nếu chúng ta nóng nảy và không kiềm chế cái tôi quá lớn trong mình, chúng ta sẽ dễ dàng đẩy cuộc tranh cãi vào ngõ cụt và làm tổn hại đến hôn nhân...”[6]
Các chuyên gia về tâm lý hôn nhân đã đưa ra lời khuyên này là bất kỳ trong tình huống bất hòa xung khắc nào, đôi bạn phải cố gắng nói ít và lắng nghe nhiều hơn. Đó là một cách hành xử khôn ngoan của những đôi vợ chồng trưởng thành và biết điều. Ngay như ông bà ta xưa vẫn nhắc nhở “Chồng giận thì vợ bớt lời / Cơm sôi nhỏ lửa một đời chẳng khê”.
Người ta cũng thường khuyên là “Im lặng là vàng”, do đó việc đầu tiên khi gặp mâu thuẫn, cả hai cùng nên im lặng. Im lặng không có nghĩa là chịu đựng cách tiêu cực mà là bình tĩnh trước sự việc. Không nóng vội. Không bốc đồng. Không thành kiến. Im lặng là sự biểu lộ của lòng vị tha và bao dung. Có người đã nói: “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Và người nào nói nhiều sẽ là người thất thế hơn. Do đó có ý kiến thế này: “Phải có hai người mới đủ gây lộn, nhưng người có lỗi vẫn là người nói nhiều nhất”.
Tuy nhiên nhiều trường hợp muốn giải quyết bất hòa vợ chồng, ta phải biết phá tan sự im lặng giữa hai người. Các chuyên gia cho rằng, khi ta chẳng thèm để ý gì đến người bạn đời của mình thì hố ngăn cách ngày càng sâu hơn. Ngược lại, nếu ta chủ động giải quyết một cách nhẹ nhàng bằng những lời nói tình cảm “Hãy cho anh/em biết vì sao em/anh không vui?” thì sự việc sẽ xoay sang chiều tích cực. Nếu người bạn đời của ta vẫn giữ lấy cái tôi, thì ta có thể viết một mẩu giấy với lời nhắn yêu thương đồng thời đề cập tới một cuộc nói chuyện hòa bình để hai bên hiểu nhau hơn.
Thực ra, muốn giải quyết mâu thuẫn đến nơi đến chốn thì hai bạn phải tìm hiểu nguyên nhân gây ra điều đó. Thay vì cả hai cùng im lặng để “ngậm đắng nuốt cay” thì tốt hơn nên lên tiếng đối thoại với nhau. Mỗi người chia sẻ ý kiến riêng của mình, rồi tìm hướng giải quyết sao cho ổn thỏa. Một sự hiểu lầm nào đó nếu không được giải tỏa, sẽ dễ đưa đến chỗ bế tắc và hậu quả có khi rất nặng nề.
Để ngăn ngừa sự đổ vỡ do xung khắc xung đột giữa hai vợ chồng, ta không thể không nhắc đến lòng bao dung hay khoan dung mà đôi bạn phải có. Lòng khoan dung được coi như là hoa quả của tình yêu, như là vẻ đẹp của tấm lòng mở rộng đón nhận bạn đời. Nữ văn sĩ tài năng người Mỹ Helen Adams Keller đã nói: “Khoan dung là món quà lớn nhất của tâm hồn”. Quả vậy, lòng khoan dung hay bao dung là một nguồn sức mạnh tiềm ẩn bên trong, là một trong những công cụ tuyệt vời nhất trong cuộc sống.
Trong quyển sách “9 dạng người bạn cần phải khoan dung trong cuộc đời“, tác giả người Trung Quốc Hồng Hoa đã nhấn mạnh, người bạn đời chính là một trong 9 dạng người mà bạn cần phải khoan dung. Bởi khoan dung là “cách cư xử tốt đẹp nhất trong hôn nhân. Yêu là một nghệ thuật, sự khoan dung chính là tinh túy của nghệ thuật đó”. Rất nhiều khi trong thực tế, chúng ta dễ dàng bỏ qua lỗi lầm của người khác dù họ làm ta buồn, ta thất vọng, nhưng lại khó lòng bỏ qua những lỗi lầm mà bạn đời của mình gây ra. Khoan dung với bạn đời, vì vậy cũng là một kỹ năng.[7]
Thực vậy, chỉ có lòng khoan dung mới giúp cho đôi bạn giữ được tình yêu nồng ấm, duy trì được sự trung thành lâu dài, gia tăng được sự tin tưởng cần thiết, nhờ đó dù gặp nhiều sóng gió và thử thách trên đời, đôi bạn vẫn song hành với nhau cho đến cuối đời.
Đức thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn về những bổn phận gia đình Kitô hữu (FC) đã nhấn mạnh: “Chỉ có một tinh thần hi sinh cao cả mới giúp gìn giữ được và kiện toàn được sự hiệp thông trong gia đình. Thực vậy, sự hiệp thông này đòi hỏi mọi người và mỗi người biết quảng đại và mau mắn mở lòng ra để thông cảm, bao dung, tha thứ cho nhau và hòa giải với nhau. Không gia đình nào mà không biết rằng sự ích kỷ, những bất hòa, những căng thẳng, những xung đột đã làm hại cho sự hiệp thông gia đình biết chừng nào, và đôi khi còn có thể làm tiêu tan sự hiệp thông ấy: chính từ đó mà phát xuất muôn hình thức chia rẽ khác nhau trong đời sống gia đình.” (số 21)
Ông bà ta nói “Yêu nhau trăm sự chẳng nề / Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Trong khi đó, ngạn ngữ Latin có câu “Tình yêu chiến thắng tất cả” (Amor vincit omnia). Quả thực, tình yêu sẽ chiến thắng tất cả vì tình yêu có sức mạnh hóa giải mọi khác biệt, mọi bất đồng, mọi mâu thuẫn. Như tục ngữ Việt Nam có câu: “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Điều đó có nghĩa là khi yêu nhau thực tình, đôi bạn sẽ vượt qua mọi phiền toái, khó khăn trong cuộc sống chung, để cùng xây dựng một mái ấm hạnh phúc, bình an. Xét thực tế, hai bạn phải biết học cách nhượng bộ nhau, học im lặng để lắng nghe bạn đời mình, học chia sẻ để chứng tỏ sự quan tâm của mình, học tha thứ để hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ, học quảng đại để biết cho đi nhiều hơn là nhận lại. Như câu nói sau: “Chỉ tình yêu mãnh liệt mới có thể xua tan những hiểu lầm vụn vặt nảy sinh trong cuộc sống chung“ (Theodore Dreiser). Và “Con người không ai toàn mỹ. Chuyện vợ chồng cũng thế. Biết phục thiện và tha thứ cho nhau thì gia đình ngày càng đầm ấm. Ngược lại, càng ngoan cố bao nhiêu, gia đình càng dễ dàng tan vỡ bấy nhiêu” (G. Lombroero).
Thánh Phaolô cũng đã khuyên nhủ các tín hữu như sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (x. Cl 3,12-14)./.
Aug. Trần Cao Khải
[1] https://www.tonggiaophanhanoi.org/hoa-thuan-trong-doi-song-gia-dinh/
[2] https://kinhtedothi.vn/hoa-hop-sau-hon-nhan.html
[3] https://giadinh.suckhoedoisong.vn/7-quy-tac-vang-giup-chi-em-hoa-giai-duoc-mau-thuan-vo-chong-172190201142037879.htm
[4] Nguyễn Đình Xuân – Tâm lý học tình yêu gia đình – NXB GD năm 1993 trang 112
[5] https://vietnamnet.vn/bi-quyet-kim-che-con-gian-du-trong-hon-nhan-648896.html
[6] Alpha Books – Những quy tắc trong đời sống vợ chồng – NXB LĐ-XH 2019 – trang31