Chu kỳ sống của loài ve từ 2-17 năm ngoài hoang dã. Hầu hết cuộc đời của chúng sống như những ấu trùng dưới lòng đất tùy mỗi loại khác nhau. Khi tới thời hạn, chúng bò lên mặt đất, bám vào các thân cây dưới hình dạng một con kén, sau đó trút bỏ cái vỏ kén và trở thành con ve với đôi cánh có thể bay từ cành này qua cành khác, từ cây nọ sang cây kia.
Có thể vì tiếng kêu của nó da diết, và nó thường hay xuất hiện vào mùa hè, mỗi khi học trò được nghỉ hè, xa trường, xa thầy cô, xa bạn với nỗi lòng lưu luyến, nên chúng được người Việt gọi là “ve sầu”. Nhạc sỹ Thanh Sơn đã ghi lại những cảm xúc trong đó có nhắc đến loài ve như sau:
Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương
Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi
Phút gần gũi nhau mất rồi
Tạ từ là hết người ơi!
Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng
Biết ai còn nhớ đến ân tình không
Đường xưa in bóng hai đứa nay đâu
Những chiều hẹn nhau lúc đầu
Giờ như nước trôi qua cầu.
(Nỗi Buồn Hoa Phượng. Thanh Sơn)
Trên khắp thế giới, ve có khoảng hơn 3.000 loại khác nhau. Chúng thuộc một trong hai nhóm: hàng năm, có nghĩa là chúng xuất hiện mỗi hai năm, và loại đặc biệt, chúng thường kéo dài cuộc sống dưới lòng đất và chỉ xuất hiện một lần mỗi 10 năm hoặc lâu hơn.
Cuộc sống của chúng chỉ kéo dài ít tuần (khoảng 4 tới 6 tuần) sau khi lên khỏi mặt đất, và kết thúc sau khi giao hợp với nhau và con cái đã đẻ trứng. Tùy mỗi loại có chu kỳ khác nhau: loại 2-5 năm, loại 13 năm, loại 17 năm v.v...
Mỗi khi nhớ lại những mùa hè khi xưa lúc còn ở quê nhà với tiếng ve kêu như tiếng lòng thổn thức; đặc biệt qua giọng ca Thanh Tuyền, nhiều đêm tôi cũng trằn trọc và tưởng nhớ đến cha mẹ mình, nhất là trong thời gian các ngài còn sống. “Nỗi Buồn Hoa Phượng” những lúc ấy lại đưa tôi về với “Quê Mẹ” qua giọng ngâm và tiếng hát Hoàng Oanh:
Ðêm khuya trăng mơ, mắt trông về trong cõi xa mờ.
Nơi xa xăm kia, tôi say nhìn quê cũ dấu yêu
Ôi tình quê hương, nơi chốn xưa có người mẹ hiền,
Tóc màu hoa bạc, chiều chiều mắt ngấn lệ vì con.
(Quê Mẹ. Thu Hồ)
Tôi nay đã trên thất thập và mẹ tôi cũng không còn nữa, nhưng mỗi lần khi nghe bài hát này, tôi thật sự bồi hồi, xúc động. Ôi mẹ hiền của con, giờ thì mẹ cũng không còn nơi dương thế để chiều chiều mắt ngấn lệ vì con. Nhưng con thì vẫn mắt ngấn lệ mỗi khi nghĩ và nhớ đến mẹ, đến cha. Mỗi lần như vậy, hình ảnh những ngôi mộ nơi cha mẹ đang yên giấc tại quê nhà lại sống động trong tâm trí con.
Trong tâm trí tôi, trong ký ức tôi và qua kinh nghiệm nghề nghiệp, những hình ảnh người cha vất vả, người mẹ tần tảo nuôi con không thiếu. Đặc biệt, những hình ảnh mà cha mẹ phải đau khổ, bị dằn vặt tinh thần để mong cứu con mình ra khỏi những cạm bẫy đen tối của xã hội. Không biết những người con đang tự giết đời mình, giết chết tương lai mình bằng những tệ nạn xã hội có bao giờ nghĩ và suy đến câu ca dao: “Chín tháng cưu mang. Ba năm bú mớm”?
Thai kỳ của con người theo y khoa và các bác sỹ sản phụ khoa kéo dài khoảng 280 ngày hoặc 40 tuần lễ, có nghĩa tương đương với 10 tháng. Tuy nhiên, quan niệm chung vẫn cho rằng thời gian mang thai là 9 tháng 10 ngày. Một chi tiết nữa là thai kỳ của các em bé gái thường kéo dài hơn so với các bé trai.
Có lẽ cha mẹ các nạn nhân của những thứ tệ nạn xã hội nay đang còn sống hoặc đã chết thì cũng chỉ mong rằng con họ sớm thoát khỏi địa ngục đang giam hãm chúng, để chúng sống một cuộc đời xứng đáng hơn với thân phận, với nhân phẩm một con người! Tại văn phòng, một bà mẹ đã nói với tôi qua những dòng nước mắt:
Cha mẹ nào mà lại không thương con, không muốn con mình sống tốt, và hạnh phúc? Nhưng thật bất hạnh khi có những đứa con không nhận ra hoặc cố ý chối bỏ tình thương ấy. Hai thằng con tôi chúng làm tôi sống cũng không xong, mà chết cũng không được với chúng nó. Cả hai chưa đầy 18 tuổi mà nay vào tù, mai xổ khám. Nhiều lần bị đâm, bị chém, bị bắn trọng thương. Tôi đã khóc hết nước mắt vì chúng! Tôi thấy tôi bất lực và vô phúc quá. Phải chi tôi không sinh chúng ra thì hơn!
Thế còn cha mẹ của những người đàn ông, đàn bà, những người trung niên và lớn tuổi đứng tại các ngã ba, ngã tư xin tiền người qua lại thì sao? Mỗi lần thấy họ chui ra từ chiếc thùng rác, hoặc cuộn trong cái mền cũ, dơ bẩn như một con kén nằm cạnh vệ đường hay những xó xỉnh các khu thương mại, tôi không khỏi ngậm ngùi cho “Chín tháng mười ngày. Ba năm bú mớm” của cha mẹ họ! Tôi tin rằng, những người ấy cũng đã có một tuổi thơ hạnh phúc đầy ắp tiếng cười, một thời cắp sách đến trường, một thời là những kỹ sư hay những nhân công trong các hãng xưởng. Nhưng nay thì hoàn cảnh đã đưa đẩy. Họ đã để mình rơi vào những ngõ cụt cuộc đời.
Lỗi tại đâu, và lỗi do ai tùy thuộc vào từng hoàn cảnh, nhưng điều này cũng nhắc nhở những ai có trách nhiệm giáo dục, hoặc đang quan tâm đến giáo dục:
Nuôi con ăn lớn lên là nuôi xác thân của con.
Gửi con đến trường là để phát triển trí tuệ của con.
Nhưng tập cho con có tâm mới là giáo dục con.
Thân, trí, và tâm là ba khía cạnh của cuộc sống con người. Trưởng thành thể lý, trưởng thành tâm lý, và trưởng thành tâm linh. Trưởng thành thể lý thuộc về phát triển con người tự nhiên. Trưởng thành tâm lý giúp con người biết chế ngự và làm chủ cảm xúc. Trưởng thành tâm linh mới giúp con người nhận định điều tốt, điều xấu, cái nên làm, cái không nên làm, và biết sống đúng phẩm giá cao quí của một người.
Để thành con ve đẹp và ca hát trong ít tuần, tiến trình của chúng phải mất từ 2 đến 17 năm trong lòng đất. Để thành một người tốt, thời gian giáo dục và tu luyện đòi hỏi nhiều hơn thế. Nó không chỉ bắt đầu bằng chín tháng trong lòng mẹ, ba năm trên gối mẹ, mà còn kéo dài cả một đời người.
Kiếp sống của loài ve có thể làm cho chúng ta liên tưởng đến cuộc đời và giá trị cuộc đời của mỗi chúng ta. Loài ve trước khi chết, chúng còn đem lại tiếng hát ru đời. Được may mắn được sinh ra làm người, chúng ta nghĩ gì về đặc ân này? Và sẽ để lại gì sau khi từ giã cõi đời?!
Trần Mỹ Duyệt